Bãi bỏ Hiệp ước Schengen có củng cố an ninh châu Âu?

Print Friendly, PDF & Email

0,,17150244_303,00

Nguồn: Daniel Gros, “Schengen and European Security”, Project Syndicate, 10/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một dự án then chốt của châu Âu đang bị đe dọa. Trải qua trên dưới hai thập niên kể từ khi kiểm soát biên giới lần đầu tiên được dỡ bỏ bởi Hiệp ước Schengen (hiện gồm 26 quốc gia, trong đó có 4 quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu), Đức hiện đã thiết lập kiểm soát trở lại đối với biên giới với Áo, và Pháp cũng có hành động tương tự đối với Bỉ. Những sự kiểm soát kể trên chỉ mang tính tạm thời, đại đa số các đường biên giới khác vẫn được mở cửa. Tuy nhiên, dường như châu Âu hiện nay không hướng tới việc tiếp tục mở cửa biên giới, và đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng.

Sự chuyển hướng khỏi một “châu Âu không biên giới”, vốn được cổ xúy bởi cảnh tượng những người tỵ nạn lũ lượt băng qua các biên giới nội bộ châu Âu, đã càng được củng cố thêm bởi nguồn tin cho rằng phần lớn những kẻ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố Paris vào tháng trước đến từ Bỉ, và một số trong đó có thể đã giả dạng làm dân tỵ nạn để xâm nhập vào EU thông qua vùng Balkan. Một giả thiết cơ bản được ủng hộ bởi rất nhiều chính trị gia châu Âu, nhất là các bộ trưởng Nội vụ, cho rằng: có một sự đánh đổi giữa an ninh và việc mở cửa biên giới. Điều này rất thiếu chính xác.

Thực tế, sự tái thiết lập kiểm soát biên giới có vẻ là một hình mẫu của chính sách “diễn kịch an ninh” (security theater) – một chính sách nhằm khiến công chúng cảm thấy dường như các nhà chức trách đang triển khai một điều gì đó (nhằm giúp tăng cường an ninh). Nhưng, không những không làm cho người châu Âu được an toàn hơn, việc đảo ngược Hiệp ước Schengen thậm chí sẽ cản trở cuộc chiến chống khủng bố, bởi lẽ rất nhiều nước sẽ phải dành nguồn lực quý báu – hàng ngàn sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới nếu hiệp ước này bị hủy bỏ hoàn toàn. Những nguồn lực đó sẽ không còn được đóng góp trực tiếp cho các hoạt động điều tra khủng bố.

Các cuộc điều tra nói trên đòi hỏi mọi trợ giúp mà chúng có thể giành được. Xét cho cùng, nhiệm vụ nhận dạng vài phần tử khủng bố ẩn nấp giữa hàng triệu công dân tuân thủ pháp luật trước khi chúng kịp ra tay thực hiện tội ác cũng giống như mò kim đáy bể. Sự thừa nhận những lập luận sơ hở đằng sau việc tái lập kiểm soát biên giới có lẽ là lý do tại sao giới chức cảnh sát vẫn giữ thận trọng khi bàn bạc về vấn đề này.

Cần nhớ rằng khi 5 quốc gia gồm Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan đồng ý xóa bỏ kiểm soát biên giới vào năm 1985 (tại ngôi làng Schengen thuộc Luxembourg), đó không phải là một ý tưởng nhất thời hay chỉ bởi một vài chính trị gia có tầm nhìn cao xa. Bất chấp Hiệp ước đó có thể mang tính biểu trưng như thế nào đi nữa, chủ nghĩa biểu tượng vẫn không phải là điểm mấu chốt ở đây.

Lực lượng an ninh của các nước tham gia lúc bấy giờ đã thừa nhận rằng, ngăn chặn người dân ngay tại biên giới nội bộ châu Âu không thể giúp đáp trả lại những mối hiểm họa nghiêm trọng như tội phạm có tổ chức hay buôn lậu ma túy. Các tài xế xe tải – những người phản đối những hàng dài chờ đợi tại các trạm kiểm soát hải quan, cũng góp phần khích lệ nỗ lực trên. Tuy vậy, phải mất thêm một thập niên với những cuộc thương lượng cặn kẽ, không khoan nhượng, đi kèm những biện pháp nhằm tăng cường các đường biên giới bên ngoài của châu Âu, mới có thể đạt được điểm then chốt vào năm 1995 khi mọi sự kiểm soát biên giới nội bộ châu Âu thực sự bị bãi bỏ.

Quyết định gia nhập Hiệp ước Schengen sau này của các quốc gia không thuộc liên minh châu Âu (EU) như Thụy Sĩ càng làm nổi bật những lợi ích vô cùng lớn lao mà việc duy trì mở cửa biên giới mang lại, trong đó bao gồm cả vấn đề an ninh. Thay vì cố gắng kiểm soát số lượng khổng lồ khách du lịch và thương nhân nhập cảnh từ khắp mọi nơi – về cơ bản là một việc làm vô nghĩa ở Thụy Sĩ – nước này tập trung nguồn lực cảnh sát cho các mối hiểm họa về an ninh.  Bằng việc gia nhập khối Schengen, cảnh sát Thụy Sĩ cũng có quyền tiếp cận Hệ thống thông tin Schengen và nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng khác của châu Âu về tội phạm bị tình nghi, ô tô bị đánh cắp và vô số thứ khác.

Dĩ nhiên, vẫn tồn tại nhiều lỗ hỗng trong hệ thống Schengen. Cũng giống như khu vực đồng Euro, khu vực này xuất phát từ một nhóm nhỏ các quốc gia tương đồng về quan điểm và khả năng thi hành những quy tắc chung, nhưng sớm chào đón nhiều thành viên khác, mà một số trong đó sau này tỏ ra rõ ràng không thể tuân thủ được những chuẩn mực đã được thỏa thuận.

Trong khu vực đồng Euro, sự bất cân xứng về khả năng cạnh tranh và vị thế ngân sách – vốn dĩ không được chú ý trong quá trình thẩm tra qua loa được tiến hành trên những tiêu chuẩn chính thức trước khi chấp thuận thành viên mới – đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tại khu vực Schengen, một số quốc gia bất lực trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài một cách thỏa đáng bởi thiếu năng lực quản lý hành chính (đặc biệt đúng đối với Hy Lạp, đồng thời, ở một vài mức độ nào đấy là với cả Italy), cùng với những khó khăn về địa lý như đường bờ biển dài và hiểm trở, đã làm xói mòn niềm tin trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng người di cư.

Khu vực đồng Euro tồn tại được sau cuộc khủng hoảng nợ bởi hai nguyên do cốt lõi. Thứ nhất, một cơ quan có thẩm quyền chung là Ngân hàng Trung ương châu Âu được trao quyền thực thi hành động. Thứ hai, các nước thành viên từ bỏ một số kiểm soát đối với các ngân hàng của họ nhằm đẩy mạnh sự ổn định chung của toàn hệ thống.

Nếu muốn khu vực Schengen được bền vững, cần phải phát triển nó theo hướng tương tự, thiết lập một cơ quan có thẩm quyền chung chịu trách nhiệm bảo đảm vững chắc biên giới bên ngoài khu vực, trong khi cũng cần củng cố khuôn khổ an ninh nội địa. Còn như hiện tại, việc bảo vệ biên giới bên ngoài khu vực Schengen phụ thuộc vào những nhà nước thành viên riêng lẻ, bao gồm cả Hy Lạp – đất nước đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hoạt động duy nhất có quy mô toàn EU nhắm đến trợ giúp kiểm soát biên giới bên ngoài, có tên là Frontex, hiện đang có phạm vi hoạt động hết sức hạn chế.

Những gì khu vực Schengen cần lúc này là một lực lượng tuần tra bờ biển đích thực với nguồn ngân sách, tàu thuyền và lực lượng riêng. Vùng Địa Trung Hải dự đoán sẽ tiếp tục chịu nhiều thách thức về an ninh bởi tình trạng nhập cư bất hợp pháp và vị trí địa lý gần kề với các thao trường của khủng bố. Do đó, sẽ rất hợp lý khi lực lượng tuần duyên mới được hỗ trợ từ ngân quỹ của Liên minh châu Âu sẽ được triển khai tại đây. Thậm chí, chỉ một phần nhỏ trong ngân sách EU cũng vượt xa nguồn lực sẵn có của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào khác.

Hơn nữa, lực lượng tuần duyên châu Âu sẽ đem lại một công cụ linh hoạt để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất có thể tại bất kỳ thời điểm nào. Suy cho cùng, mặc dù các mối đe dọa an ninh vẫn chỉ tập trung vào cùng một khu vực địa lý rộng lớn, nhưng những khó khăn cấp thiết nhất lại có thể thay đổi đáng kể theo thời gian. Năm ngoái, vấn đề nằm ở miền nam nước Ý. Đến nay, nó đã chuyển sang vùng Biển Aegean (Hy Lạp). Rất có thể, mai đây nó sẽ lại diễn ra ở một nơi khác. Châu Âu phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Vừa duy trì quyền tự do đi lại mà vẫn bảo đảm được an ninh không chỉ khả thi, mà thậm chí chúng còn có tác dụng tương hỗ. Các thành viên của khối Schengen cần phải nhận ra rằng, lý do an ninh là căn nguyên của việc bãi bỏ biên giới nội địa, và tới nay nó vẫn còn nguyên sức thuyết phục như lúc họ quyết định tham gia vào hiệp ước.

Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu đặt trụ sở tại Brussels (Bỉ). Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và giữ vị trí cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông hiện là biên tập viên của các tạp chí Economie Internationale và International Finance.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Schengen and European Security

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2015/09/01/hiep-uoc-schengen-bi-de-doa/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]