Tình thế ngoại giao khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

Turkey-Russia Boiling Point: Will Putin Retaliates for Downing Jet?

Nguồn: Ana Palacio, “Turkey’s Diplomatic Dogfight”, Project Syndicate, 25/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hà Quyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga dẫn tới nguy cơ mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến bạo lực đang chôn vùi Syria, qua đó xoá bỏ hy vọng về sự xích lại gần nhau giữa Nga và phương Tây vốn trỗi dậy sau vụ thảm sát ở Paris. Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan giờ lời qua tiếng lại kéo dài, và do viễn cảnh ác mộng về một điều tồi tệ hơn nào đó sẽ xảy ra, nên việc Liên minh châu Âu (EU) dùng mọi nỗ lực có thể để khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ giờ quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước khi diễn ra những cuộc tấn công ở Paris, Erdoğan có vẻ như đã nắm giữ mọi lợi thế trong mối quan hệ song phương này. Lãnh đạo các nước châu Âu, do đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang, đã thống nhất theo đuổi một kế hoạch hành động chung vào tháng trước, và kế hoạch này đòi hỏi sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư đang tràn vào châu Âu, để đổi lại việc EU cấp ngân sách, tự do hoá thị thực (cho công dân Thổ), và quan trọng hơn cả là nối lại đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Không lâu sau quyết định này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thay đổi hoàn toàn quan điểm trước đây vốn phản đối tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ, và cho rằng đây là một “vấn đề mở” trong suốt chuyến thăm của bà tới Istanbul.

http://nghiencuuquocte.net/2015/11/22/eu-o-be-erdogan-tho-nhi-ky/

Tất cả những diễn biến này đều có lợi cho Erdoğan trong thời gian sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1/11. Kế hoạch hành động và chuyến thăm của Thủ tướng Merkel được Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận như sự hậu thuẫn trên thực tế của EU dành cho Erdoğan. EU thậm chí đã trì hoãn việc đưa ra một bản “báo cáo tiến triển” đánh giá các cuộc đàm phán về việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ cho tới sau khi bầu cử kết thúc. Cuối cùng, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Erdoğan đã giành lại được đa số ghế trong quốc hội.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Antalya, tổ chức ngày 15-16 tháng 11, dự kiến sẽ củng cố thêm sự trở lại vẻ vang với sân chơi thế giới của Erdoğan, kết thúc giai đoạn tương đối cô lập mà phương Tây tạo ra vốn phản ánh sự phản đối những khuynh hướng độc tài của ông. Và một hội nghị thượng đỉnh chung EU-Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến diễn ra vào ngày 29 tháng 11 để chính thức hoá kế hoạch hành động này.

Thế rồi, như mọi khi, những sự kiện bất ngờ bắt đầu can thiệp vào. Thảm kịch ở Paris đã làm Thổ Nhĩ Kỳ bị tảng lờ ngay tại hội nghị mà nước này chủ trì, làm lệch hướng sự trở lại sân chơi quốc tế của Erdoğan. Thay vào đó, sự chú ý tập trung vào Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Putin và các hành động của Thủ tướng Pháp ở Paris.

Giờ đây, Erdoğan đang đứng trước một triển vọng chiến lược khác, đặc biệt khi quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng hơn bất kỳ lúc nào khác kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Với bối cảnh hiện nay khi thế giới đang quyết tâm đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) hơn bao giờ hết – một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn hơn, và sẽ cần đến bộ binh tham chiến – thì các nước lớn đang tìm kiếm những lực lượng có sẵn ngay tức thì. Trước mắt, điều này có nghĩa là, một mặt, dựa vào Các Lực lượng Dân chủ Syria do các Đơn vị Bảo vệ Người dân Kurd đứng đầu vốn phản đối chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, và mặt khác là lực lượng của chế độ cũ vốn được Nga hậu thuẫn, cũng như Iran và các lực lượng được Iran uỷ nhiệm, nhất là Hezbollah. Nhìn từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ thì cả hai lực lượng trên đều không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đối diện với mối de doạ trực tiếp từ IS, thể hiện qua vụ đánh bom tự sát kép khiến hơn 100 người chết ở Ankara tháng trước. Sau đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phá bỏ một âm mưu tấn công khác vốn được dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày với những cuộc tấn công ở Paris.

Cuối cùng, sau khi Nga sát nhập Crimea vào năm 2014 – điều đã chia rẽ phương Tây và điện Kremlin, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tạo cho mình một vị thế có lợi giữa hai bên. Nhưng giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy chính mình ngày càng bị cô lập hơn bởi cả hai phe, điều bắt nguồn từ việc họ bắn hạ chiến đấu cơ Nga và việc nước này mạnh mẽ phản đối chính quyền Assad, nhân vật được lãnh đạo của cả Mỹ và châu Âu ngày càng tin là sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong bất cứ thoả thuận chính trị nào.

Khi Pháp lảnh tránh vai trò trung tâm của NATO trong việc đưa ra phản ứng quốc tế đối với IS, thì Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách tuyệt đối không chấp nhận xâm phạm không phận đã đưa quan hệ NATO-Nga vào tình trạng căng thẳng nguy hiểm. Việc làm dịu đi những căng thẳng này chính là nơi mà EU có thể đóng vai trò quan trọng.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đòn bẩy ảnh hướng đối với EU do sự tiếp nối dòng người di cư vào châu Âu, nhưng cả hai bên đều đang tiến tới một mối quan hệ đối tác xuất phát từ nhu cầu thực chất của nhau. Sẽ không bên nào có thể chấp nhận tình trạng vốn dĩ đã bất ổn trở nên phức tạp hơn nữa. Điều này nên được phản ánh tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Về phía EU, họ cần nhận thức được sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng người Kurd. Điều này có nghĩa là cần tạo ra những biện pháp phòng vệ đáng tin cậy để ngăn chặn những khu vực an toàn ở Bắc Syria – vốn có vai trò trọng yếu trong việc ngăn dòng người tị nạn và ổn định hóa đất nước – khỏi đe doạ an ninh nội địa Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo các nước châu Âu, cùng với Tổng thống Mỹ, cần phải can thiệp để tránh căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Họ cũng cần phải làm tốt hơn việc cam đoan với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng, bất chấp khả năng Assad sẽ được đưa vào giải pháp quá độ ban đầu ở Syria, thì Assad cũng sẽ không có một tương lai lâu dài làm lãnh đạo của nước này nữa.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải mở rộng tầm nhìn hơn. Những diễn tiến ở biên giới phía Nam đáng lưu tâm hơn nhiều so với vấn đề người Kurd; chúng có những tác động sâu rộng đối với sự ổn định khu vực. Chiến thắng trong cuộc bầu cử của Đảng AKP đã tạo cơ hội cho chính phủ nhằm chuyển sự quan tâm của mình hướng trở lại vào việc giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn tại các quốc gia láng giềng. Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ cần hành động như một lãnh đạo khu vực đích thực thay vì theo đuổi một chương trình nghị sự hạn hẹp, phục vụ lợi ích cá nhân.

Để giải quyết những thách thức cấp bách nhất hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và EU buộc phải cam kết xây dựng một mối quan hệ đối tác thực thụ, dựa trên lợi ích chung, nhất là những lợi ích an ninh, chứ không phải một thoả thuận nhất thời vốn chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt. Một cách tất yếu, điều này bao gồm một cách tiếp cận chân thành đối với các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Sau khi mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trở nên căng thẳng, việc quyết định vẫn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến EU-Thổ Nhĩ Kỳ là rất quan trọng. Hơn lúc nào hết, giờ EU và Thổ Nhĩ Kỳ cần có trách nhiệm hành động cùng nhau trước khi tình hình vốn đã xấu lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, là một thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Hoa Kỳ.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Turkey’s Diplomatic Dogfight

Xem thêm: 

http://nghiencuuquocte.net/2015/10/14/khung-hoang-trung-dong-va-nguy-co-toan-cau/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]