Nguồn: “Why Trudeau wants the pope to make an apology”, The Economist, 04/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Trong hơn một thế kỷ, chính phủ Canada đã vận hành một hệ thống các trường nội trú cho trẻ em người thổ dân, tách chúng khỏi cha mẹ – bằng vũ lực nếu cần – và đưa chúng vào các cơ sở nơi nhiều em bị đánh đập và lạm dụng tình dục. Bảy năm trước, Stephen Harper, thủ tướng Đảng Bảo thủ lúc đó, đã thay mặt chính phủ xin lỗi 150.000 trẻ em và gia đình của họ vì những nỗ lực tàn bạo để tiêu diệt nền văn hóa của các thổ dân. Ngày 15 tháng 12 vừa qua, Justin Trudeau, thủ tướng mới của Đảng Tự do, lại xin lỗi một lần nữa, nói rằng hệ thống “đáng ghê tởm” đó đại diện cho “một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Canada”. Sau đó, ông cho biết ông sẽ yêu cầu cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng phải xin lỗi quá. Tại sao Giáo Hoàng lại liên quan ở đây?
Mặc dù đây là một chương trình của chính phủ, nhưng từ năm 1883 đến năm 1996, các nhà thờ đã vận hành 139 trường nội trú. Các linh mục và nữ tu của Giáo hội Công giáo La Mã kiểm soát phần lớn các cơ sở này. Tuy nhiên, Giáo hội Canada đã từ chối xin lỗi vì cho rằng do cấu trúc được phân cấp nên đây là trách nhiệm của các giáo phận riêng lẻ. Một số giáo phận đã xin lỗi. Nhưng sự trốn tránh của các giáo phận trong việc thanh toán một phần đã được thỏa thuận trong khoản bồi thường 1,4 tỉ đô la sau một vụ kiện của các cựu học sinh đã buộc chính phủ liên bang phải đưa các giáo phận này ra hầu tòa. Điều này dường như đủ nghiêm trọng để Đức Giáo Hoàng phải đưa ra một tuyên bố nào đó. Ông Trudeau giờ lên tiếng vì một lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử gần đây, đó là thực hiện tất cả 94 khuyến nghị của ủy ban Sự thật và Hòa giải – vốn được thiết lập như là một phần của thỏa thuận sau vụ kiện. Báo cáo cuối cùng của Ủy ban được đưa ra vào ngày 15 tháng 12.
Thủ tướng có thể may mắn nhận được hành động của Đức Thánh Cha liên quan đến đề nghị số 58, trong đó kêu gọi Giáo hoàng Francis đến thăm Canada và xin lỗi các cựu học sinh, gia đình và cộng đồng vì “vai trò của Giáo hội Công giáo La Mã trong các vụ lạm dụng tâm linh, văn hóa, tình cảm, thể chất và tình dục đối với các trẻ em thổ dân tại các trường nội trú Công giáo”.
Giáo Hoàng Francis dường như cởi mở trước việc thừa nhận các vi phạm trong quá khứ của Giáo hội. Ông đã xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục Công giáo ở Ireland, và cũng đã đề nghị được thứ lỗi trong một chuyến đi đến Bolivia hồi tháng Bảy năm ngoái về vai trò của Giáo hội trong các tội lỗi của chủ nghĩa thực dân.
Tuy nhiên, ông Trudeau sẽ gặp khó khăn lớn khi triển khai đề nghị số 45. Đề nghị này kêu gọi đưa ra một công bố hoàng gia (Canada là một chế độ quân chủ lập hiến), trong đó có việc bác bỏ hai khái niệm dựa trên các chỉ dụ của Vatican từ thế kỷ thứ 15: Học thuyết Khám phá (Doctrine of Discovery) và khái niệm Đất vô chủ (terra nullius).
Đây là vấn đề phức tạp hơn nhiều. Các chỉ dụ hồi thế kỷ 15 được gọi chung là Học thuyết Khám phá và đã cho các nhà thám hiểm châu Âu toàn quyền “xâm lược, bắt giữ, đánh bại, và chinh phục tất cả người Ả-rập hay Hồi giáo (Saracens), người ngoại giáo, và những kẻ thù khác của Chúa Kitô, để đưa họ vào chế độ nô lệ vĩnh viễn, và lấy đi tất cả của cải và tài sản của họ”.
Còn khái niệm Terra nullius là một sự tưởng tượng rằng nếu không có người châu Âu nào có mặt thì vùng đất đó được coi là chưa có người ở.
Cả hai khái niệm này đã len lỏi vào pháp luật quốc gia và quốc tế, và là cơ sở cho sự tồn tại hợp pháp của các quốc gia được thành lập bởi những người định cư nói tiếng Anh như Canada, Mỹ và Úc. Một số nhóm bản địa lâu nay đã kêu gọi Vatican từ bỏ những chỉ dụ gây xúc phạm này. Một số nhà thần học đã cho rằng điều này có thể đã được thực hiện vào năm 1537, nhưng các bằng chứng rất mơ hồ. Những người ủng hộ việc từ bỏ các chỉ dụ nói học thuyết này vẫn còn rất hiện hữu. Một nhóm các tù trưởng thổ dân của Canada và Mỹ đang có kế hoạch đi đến Rome từ Paris vào tháng Năm tới để trực tiếp thỉnh cầu lên Giáo Hoàng.
Hiện chưa rõ các tác động pháp lý sẽ như thế nào nếu Giáo Hoàng hay ông Trudeau công khai bác bỏ những khái niệm trên. Nhưng khả năng là cả hai đều không làm như vậy. Bài phát biểu của Giáo Hoàng tại Bolivia mang lại một cơ hội hoàn hảo để ông tuyên bố như vậy nếu ông nghiêng về lựa chọn đó. Ông sẽ có một cơ hội khác nếu chấp nhận lời mời của chính phủ Quebec đến thăm tỉnh nói tiếng Pháp này vào năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 375 năm ngày thành lập Montreal. (Văn phòng thủ tướng vẫn chưa gửi lời mời chính thức.) Nhưng tin tức mới nhất từ Vatican cho thấy họ hiện không tính đến một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Canada.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]