Nguồn: Anatole Kaletsky, “Why big oil should kill itself”, Project Syndicate, 23/12/2015.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hiện nay, giá dầu đang ổn định về dài hạn ở mức từ 30 USD đến 50 USD mỗi thùng, người sử dụng năng lượng khắp nơi đang được hưởng khoản thu nhập tăng thêm hằng năm trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD. Kết quả cuối cùng gần như sẽ hiển nhiên thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, bởi vì người hưởng lợi từ việc phân phối lại khoản thu nhập khổng lồ này chủ yếu là các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình – những người thường tiêu xài tất cả những gì họ kiếm được.
Dĩ nhiên, sẽ có vài đối tượng bị tổn thất nặng nề – chủ yếu là chính phủ các quốc gia sản xuất dầu mỏ, những nước sẽ bị giảm dự trữ ngoại tệ, đồng thời phải vay mượn từ các thị trường tài chính càng lâu càng tốt thay vì cắt giảm chi tiêu công. Rốt cuộc, đó chính là giải pháp mà các chính trị gia mong muốn, đặc biệt khi họ đang phải đương đầu với chiến tranh, chống lại các sức ép địa chính trị hay đối mặt với các cuộc nổi loạn của quần chúng.
Nhưng không phải mọi nhà sản xuất dầu mỏ đều thiệt hại như nhau. Có một nhóm đang thực sự phải cắt giảm mạnh là các công ty dầu mỏ phương Tây, những người đã thông báo các khoản cắt giảm đầu tư trị giá khoảng 200 tỷ USD trong năm nay. Điều đó đã góp phần vào sự suy yếu của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Nhưng một nghịch lý là các cổ đông của các công ty kể trên rốt cuộc lại có thể hưởng lợi hậu hĩnh từ một kỷ nguyên mới của dầu mỏ giá rẻ.
Chỉ có một điều kiện cần phải được đáp ứng. Ban quản lý của các công ty năng lượng hàng đầu phải đối mặt với thực trạng kinh tế và từ bỏ nỗi ám ảnh không cần thiết về việc phải tìm thấy các mỏ dầu mới. 75 công ty dầu khí lớn nhất thế giới vẫn đang đầu tư hơn 650 tỷ USD hằng năm để tìm kiếm và khai thác nhiên liệu hóa thạch trong các điều kiện ngày càng khó khăn hơn. Đó là một trong những sự phân bổ vốn sai lầm nhất trong lịch sử – điều chỉ trở nên khả thi về mặt kinh tế do các mức giá độc quyền giả tạo.
Tuy nhiên, sự độc quyền đã rơi vào thời điểm khó khăn. Giả dụ rằng sự kết hợp giữa việc phát triển dầu đá phiến, áp lực bảo vệ môi trường, và các cải tiến về năng lượng sạch vẫn cứ khiến OPEC tê liệt, dầu mỏ giờ đây sẽ được mua bán như bất kỳ loại hàng hóa cơ bản nào khác trong một thị trường cạnh tranh bình thường như trong giai đoạn 1986 đến 2005. Do các nhà đầu tư đánh giá cao thực trạng mới này, họ sẽ tập trung vào một nguyên lý cơ bản của kinh tế học: “định giá bằng chi phí biên”.
Trong một thị trường cạnh tranh bình thường, giá cả sẽ được xác định bởi chi phí sản xuất một thùng dầu tăng thêm từ những mỏ dầu rẻ nhất đang dư công suất. Điều đó có nghĩa là toàn bộ trữ lượng dự trữ của Ả-rập Xê-út, Iran, Iraq, Nga và Trung Á sẽ cần được khai thác hết và trở nên cạn kiệt trước khi bất kỳ ai muốn bận tâm đến việc thăm dò bên dưới các chỏm băng Bắc cực, hay dưới đáy biển sâu ở Vịnh Mexico, hoặc hàng trăm dặm ngoài khơi Brazil.
Dĩ nhiên, thế giới thực không bao giờ đơn giản như một cuốn giáo trình kinh tế học. Căng thẳng địa chính trị, chi phí vận tải, tình trạng thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với việc các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ phải sẵn sàng chi trả thêm để đảm bảo an ninh năng lượng, bao gồm việc tích lũy các nguồn cung chiến lược ngay trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, với một OPEC đang đi trên dây (trong tình thế khó khăn), nguyên tắc khái quát đang được áp dụng là: ExxonMobil, Shell và BP không còn có thể hy vọng cạnh tranh được với các công ty Ả-rập Xê-út, Iran và Nga – những doanh nghiệp giờ đây được độc quyền tiếp cận trữ lượng dầu mỏ vốn có thể được khai thác dễ dàng chỉ bằng loại máy bơm kiểu “con lừa gật gù” (nodding donkeys) sử dụng ở thế kỷ 19. Ví dụ như Iran khẳng định sẽ sản xuất dầu mỏ với giá chỉ 1 USD/thùng. Trữ lượng dầu có thể khai thác dễ dàng của nước này –chỉ đứng sau trữ lượng của Ả-rập Xê -út ở Trung Đông – sẽ nhanh chóng được phát triển một khi các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế được dỡ bỏ.
Đối với các công ty dầu khí phương Tây, một chiến lược hợp lý là chấm dứt việc thăm dò dầu mỏ và tìm kiếm lợi nhuận thông qua cung ứng thiết bị, bí quyết địa chất và các công nghệ mới như công nghệ “ép thủy lực” cho các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Nhưng mục đích tối thượng của họ là phải bán được trữ lượng dầu mỏ còn lại càng sớm càng tốt và phân bổ lượng tiền mặt lớn đến các cổ đông cho đến khi các mỏ dầu có chi phí khai thác thấp của họ cạn kiệt.
Đó chính là chiến lược tự giải thể mà các công ty thuốc lá đã sử dụng nhằm phục vụ lợi ích của cổ đông. Nếu ban lãnh đạo các công ty dầu khí từ chối rời bỏ kinh doanh theo cách thức tương tự, những cổ đông hay nhà đầu tư tài chính chuyên tìm cách mua lại các công ty (corporate raiders) sẽ thực hiện thay họ. Nếu một nhóm những nhà đầu chứng khoán tư nhân huy động được khoản tiền 118 tỷ USD cần thiết để mua lại BP theo giá cổ phiếu hiện tại, họ có thể ngay lập tức thanh lý 10,5 tỷ thùng dầu nằm trong trữ lượng dự trữ đã được chứng minh trị giá đến hơn 360 tỷ USD, thậm chí dù ở mức giá “bị kiềm chế” chỉ 36 USD/ thùng hiện nay.
Có hai nguyên nhân lý giải tại sao điều đó vẫn chưa xảy ra. Ban lãnh đạo của các công ty dầu khí vẫn tin tưởng, với sự mạnh mẽ gần như tín ngưỡng, rằng nhu cầu dầu mỏ và giá dầu sẽ không ngừng gia tăng. Bởi vậy, họ thích lãng phí tiền bạc cho việc tìm kiếm những mỏ dầu mới thay vì tối đa hóa lượng tiền mặt được chi trả cho các cổ đông. Và họ cũng khinh khỉnh gạt bỏ chiến lược hợp lý duy nhất khác: chuyển đổi đầu tư từ thăm dò dầu mỏ sang các công nghệ năng lượng mới – thứ rốt cuộc rồi sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Chỉ cần chuyển hướng một nửa của khoản tiền 50 tỷ USD mà các công ty dầu khí dự định chi trong năm nay cho việc thăm dò các mỏ dầu mới cũng đã giúp tăng hơn gấp đôi số tiền 10 tỷ USD dành cho nghiên cứu năng lượng sạch vừa được 20 chính phủ công bố tháng này tại Hội nghị biến đổi khí hậu Paris. Lợi nhuận tài chính từ các khoản đầu tư như vậy gần như chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với thăm dò dầu mỏ. Nhưng, như khi tôi hỏi tại sao vẫn tiếp tục mạo hiểm khoan thăm dò nước sâu thay vì đầu tư cho năng lượng thay thế, một giám đốc của BP đã trả lời rằng: “Chúng tôi là một công ty khoan dầu, và đó là chuyên môn của chúng tôi. Tại sao chúng tôi nên sử dụng thời gian và tiền bạc để cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ mới với General Electric hay Toshiba?”
Chừng nào sự hạn chế sản lượng của OPEC và việc mở rộng các mỏ dầu giá rẻ ở vùng Trung Đông vẫn còn che chắn cho các công ty dầu khí phương Tây khỏi nguyên tắc “định giá bằng chi phí biên” thì sự bằng lòng như trên vẫn có thể hiểu được. Nhưng người Ả-rập Xê-út và nhiều chính phủ khác thuộc OPEC giờ đây dường như đã nhận ra rằng việc hạn chế sản lượng sẽ chỉ đơn thuần nhường thị phần cho các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng như nhiều nhà sản xuất dầu mỏ chi phí cao khác, trong khi các sức ép bảo vệ môi trường và sự phát triển năng lượng sạch sẽ biến rất nhiều mỏ dầu của họ trở thành mớ tài sản “mắc kẹt” vô giá trị vốn không bao giờ có thể bán hay sử dụng được.
Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã cảnh báo rằng vấn đề về khối tài sản “mắc kẹt” đó có thể sẽ đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu nếu “khoản chi phí dành cho việc phát thải carbon” mà các thỏa thuận bảo vệ khí hậu khu vực và toàn cầu đề cập sẽ biến các trữ lượng nhiên liệu hóa thạch trở nên vô giá trị, trong khi các bảng cân đối kế toán của nhiều công ty dầu khí hiện nay định giá các trữ lượng này lên đến hàng nghìn tỷ USD. Sức ép từ việc bảo vệ môi trường này giờ đây phối hợp tới các tiến bộ công nghệ giúp hạ giá thành năng lượng mặt trời xuống còn tương đương với nhiên liệu hóa thạch.
Khi công nghệ không ngừng hoàn thiện và những quy định bảo vệ môi trường trở nên chặt chẽ hơn, một điều dường như khó tránh khỏi là rất nhiều trữ lượng dầu mỏ đã được xác thực trên thế giới sẽ bị bỏ mặc ngay chính nơi nó tồn tại, tương tự như phần lớn than đá trên thế giới. Sheikh Zaki Yamani, vị bộ trưởng dầu khí lâu năm của Ả-rập Xê-út, đã sớm biết điều đó từ thập niên 1980. Ông ta cảnh báo người dân của mình: “Kỷ nguyên đồ đá (Stone Age) không chấm dứt chỉ bởi vì người thượng cổ cạn kiệt tài nguyên đá”.
Dường như cuối cùng OPEC cũng đã tiếp thu được thông điệp đó và nhận ra rằng, kỷ nguyên dầu mỏ (Oil Age) đang dần kết thúc. Các công ty dầu khí phương Tây cần thức tỉnh trước thực tế này, chấm dứt thăm dò dầu mỏ, và một là cách tân, hai là tự thanh lý.
Anatole Kaletsky là Kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới (The Institute for New Economic Thinking). Từng phụ trách mục bình luận tại Times of London, The New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn sách Capitalism 4.0 và The Birth of a New Economy.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Why big oil should kill itself
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]