Thái Anh Văn: Ứng viên tổng thống hàng đầu Đài Loan

Print Friendly, PDF & Email

thaianhvan

Nguồn:Taiwan’s Tsai a study in steely determination”, Financial Times, 11/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Lần cuối cùng một phụ nữ điều hành một đất nước nơi người Hoa chiếm đa số là hồi đầu thế kỷ thứ 8, khi hoàng hậu nổi tiếng hung dữ Võ Tắc Thiên cai trị Trung Quốc. Người phụ nữ tiếp theo sẵn sàng kế tục vai trò đó nhưng không nổi tiếng vì tàn nhẫn như Võ Tắc Thiên là TS. Thái Anh văn (Dr Tsai Ing-wen), nhưng bên dưới vẻ bề ngoài của một học giả có vẻ nhàm chán của bà là một quyết tâm sắt đá. Từng là một giáo sư luật, giờ bà Thái là ứng viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan.

Sinh năm 1956, khi Đài Loan đang gặp phải những mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc, bà Thái lớn lên trong một gia đình khá giả ở Đài Bắc. Cha bà, người điều hành một doanh nghiệp sửa chữa ô tô, mong chờ bà sẽ làm việc chăm chỉ nhưng không khuyến khích những tham vọng cao xa.

“Ông không muốn con cái mình sống một cuộc sống quá thoải mái,” bà nói với một đài truyền hình Đài Loan năm ngoái trong khi làm trứng và thịt xông khói cho người phỏng vấn bà ăn sáng. “Cha mẹ tôi chỉ yêu cầu chúng tôi trở thành những người có hiểu biết và hữu ích.”

Bà Thái, 59 tuổi, học luật ở Đài Bắc trước khi đạt được một bằng thạc sĩ tại Đại học Cornell ở Hoa Kỳ và sau đó là bằng tiến sĩ tại Trường Kinh tế London. Trở về Đài Loan dạy học, bà đã trở nên nổi bật khi được bổ nhiệm làm nhà đàm phán chính của Đài Loan với Trung Quốc vào năm 2000. Mặc dù Đài Loan độc lập trên mọi khía cạnh trừ cái tên, Bắc Kinh vẫn tuyên bố hòn đảo 23 triệu dân này là một tỉnh ly khai và hầu hết các nước không công nhận Đài Loan là một nhà nước có chủ quyền vì sợ làm mất lòng một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn.

Là một người luôn tin vào bản sắc riêng biệt của Đài Loan, bà Thái tham gia Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP, hay Dân Tiến Đảng) ủng hộ độc lập cho Đài Loan vào năm 2004 và được bầu vào cơ quan lập pháp trước khi đảm nhận chức chủ tịch đảng hồi năm 2008.

“Trong khi người dân ở nhiều nước châu Á vẫn đang hứng chịu chủ nghĩa chuyên chế, người dân chúng tôi ở Đài Loan đã vô cùng tự hào về nền dân chủ của mình và trân trọng những quyền chính trị và xã hội cũng như sự tự do cá nhân mà chúng tôi đã khó khăn lắm mới giành được,” bà nói trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện nghiên cứu chính sách đặt tại Washington DC, hồi tháng Sáu.

Một số đảng viên DPP theo đường lối cứng rắn muốn Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức, khiến Bắc Kinh càng lo ngại về việc đảng này có thể quay lại nắm quyền. Bà Thái đã bảo đảm với cử tri và các đối tác nước ngoài rằng bà muốn duy trì tổng thể nguyên trạng. Tuy nhiên, bà muốn cơ quan lập pháp giám sát chặt hơn quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Quốc Dân Đảng cầm quyền đã nhận thấy sự ủng hộ dành cho đảng bị sụt giảm một phần vì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh đã không mang lại được những lợi ích kinh tế mà họ hứa hẹn.

Bà Thái nói tại CSIS: “Dù tôi ủng hộ các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc, tôi sẽ đảm bảo quá trình này diễn ra dân chủ và minh bạch, và rằng các lợi ích kinh tế sẽ được chia sẻ một cách công bằng.”

Mặc dù khó khăn của Quốc Dân Đảng đã giúp cho bà Thái dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng con đường đến bờ quyền lực của bà đã không được trơn tru. Hồi năm 2010, bà thua sát nút trong cuộc đua làm Thị trưởng thành phố Tân Bắc trước Eric Chu của Quốc Dân Đảng, người hiện đang cạnh tranh với bà trong cuộc bầu cử tuần này. Năm 2012, bà nhắm đến chức tổng thống nhưng cũng bị thua với tỉ lệ sít sao.

Nhiều chính trị gia sẽ bỏ cuộc sau một thất bại ở tầm cao như vậy, chưa nói là thất bại tới hai lần. Nhưng những người ủng hộ nói rằng thất bại của bà Thái tại cuộc bầu cử tổng thống cuối cùng đã giúp bà càng củng cố quyết tâm, và rằng diễn văn tuyên bố thừa nhận thất bại của bà là bài diễn văn nhiều cảm xúc nhất trong toàn bộ chiến dịch tranh cử lúc đó.

Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Đài Loan, nói rằng bà không e sợ những quyết định khó khăn. “Tôi thấy bà giống doanh nhân,” ông nói. “Nhưng bà ấy có khiếu hài hước và vô cùng thông minh.”

Bà Thái sống một mình trong một căn hộ bình thường tại Đài Bắc với hai con mèo của bà, và khoe rằng bà đã đeo đôi giày hiện tại suốt hơn 16 năm qua. Bà lảng tránh các câu hỏi về đời sống cá nhân của mình, nói rằng bà đã “làm tất cả mọi thứ mà những người trẻ nên làm”.

DPP đang cố gắng để làm mềm hóa vẻ bề ngoài lạnh lùng của bà bằng cách quảng bá một hình ảnh ấm áp hơn tới những người trẻ tuổi, bán các phiên bản thú nhồi bông hai con mèo của bà cũng như những cốc nước có in hoạt hình dễ thương khắc họa bà và cùng hai con mèo.

Bà Thái trước đây đã từng tự so sánh mình với bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức. “Sức mạnh của bà ấy không phải là sự cuốn hút với đám đông,” bà nói. “Nhưng tư duy và quyết tâm của bà ấy chính là những gì chúng ta cần khi quản lý một đất nước hiện đại.”

Ủng hộ viên Yo Su-ling của đảng DPP tin rằng bà đã trưởng thành thông qua các nghịch cảnh. “Tất cả những người khác chỉ nói và nói nhưng bà ấy luôn luôn nghĩ trước khi cất lời,” thương nhân kinh doanh trà và ngọc thạch nói. “Chúng tôi biết rằng độc lập hoàn toàn khỏi Trung Quốc là điều không thể vào lúc này vì vậy chúng tôi cần một người như bà, một nhà đàm phán tốt, để có được những thỏa thuận tốt nhất cho Đài Loan.”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]