Tác giả: Vũ Ngọc Hoàng
Khi nào và ở đâu mà những người lãnh đạo lãng quên vấn đề tự do, hạn chế tự do cũng có nghĩa là vô tình rời bỏ mục tiêu XHCN.
1. Các nhà tư tưởng, triết học đã bàn về tư do cách đây 500 năm, và từ đó đến nay liên tục bổ sung, hoàn thiện. Tự do là phạm trù thuộc về và gắn liền với cuộc sống xã hội của con người. Tự mình lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, đó là tự do, cũng chính là cuộc sống, đang sống, không phải đã chết. Sự tự do của con người là một tất yếu, đương nhiên, vốn có, do tạo hóa ban tặng, từ khi con người được sinh ra, nó là bất khả xâm phạm.
Tự do và bình đẳng là cặp đôi cùng tồn tại. Không thể người này có quyền tự do hơn người khác, trừ khi người khác ấy bị tước quyền tự do vì phạm pháp. Tự do bao gồm nhiều nội dung, trong đó, quan trọng nhất là: Con người có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, tự do tiếp cận chân lý. Con người ở mọi thời đại, mọi nơi và mọi lúc đều mong muốn và luôn chiến đấu cho tự do, đó cũng là biểu hiện tính tất yếu của tự do. Không ai không được tự do nếu như người đó không tự đánh mất. Thế nhưng, từ khi có xã hội loài người thì đồng thời quan niệm về tự do cũng chịu tác động của các quan hệ xã hội.
Nhiều nghìn năm nay, dù ở thời đại nào, ở chế độ nào cũng vậy, tự do bao giờ cũng là mong muốn hàng đầu của con người. Tiếp liền sau khi vượt qua cái đói cái chết, con người ta có nhu cầu trước tiên là tự do. Tự do là hạnh phúc lớn nhất. Tự do đem lại hạnh phúc. Con người tìm thấy hạnh phúc trong tự do. Bí mật của hạnh phúc là tự do. Bí mật của tự do là lòng dũng cảm. Trong xã hội nô lệ, con người (nô lệ) gần như hoàn toàn không có tự do, họ chỉ có thân phận như một công cụ, một phương tiện, như trâu ngựa, do ông chủ nuôi để xử dụng cày bừa, khuân vác, phục vụ ông chủ. Họ có thể bị đánh đến chết bất cứ lúc nào, hoặc bị đem làm vật bán mua đổi chác. Tức là họ không có quyền tự do được sống, không có quyền làm người. Sau chế độ nô lệ, xã hội văn minh dần, con người bắt đầu có một số quyền tự do, lúc đầu ít, lúc sau nhiều hơn, cứ thế, xã hội tiến bộ dần lên và quyền tự do ngày càng nhiều hơn. Xã hội phong kiến tự do hơn xã hội nô lệ. Xã hội tư bản tự do hơn phong kiến. Tư bản giai đoạn hiện đại tự do hơn tư bản giai đoạn đầu.
2. CNXH phải tự do hơn CNTB. Khi nào đạt được mức độ tự do cao hơn tự do của xã hội tư bản phát triển thì khi ấy mới có thể có CNXH hiện thực. Việt Nam ta tuy đã định hướng tiến lên CNXH nhưng vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng phong kiến trong vấn đề tự do. Phải ra sức khắc phục hạn chế này mới đúng là theo định hướng XHCN. Còn làm ngược lại, hạn chế tự do, thì đó không phải là con đường tiến lên CNXH, mà ngược lại, đó là con đường rời bỏ mục tiêu lý tưởng về CNXH. Đã có những quan niệm rất sai lầm và lạc hậu khi cho rằng tự do là kiểu tư bản phương Tây, còn CNXH thì hiểu như “trại lính”. Nếu CNXH mà vậy thì chẳng ai yêu thích và họ sẽ từ bỏ nó. Cuộc đấu tranh đòi quyền tự do không khi nào lạc hậu, không bao giờ là không cần thiết, luôn là vấn đề của thời đại, cũng là vấn đề thời sự, đáng quan tâm hàng đầu, vì nó hợp quy luật, hợp lòng người, hợp tâm lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với lẽ ấy, tự do – bản thân nó – đã là tất yếu. Tự do là tất yếu.
Trong tuyên ngôn của mình, C.Mác đã khẳng định mục đích của xã hội tương lai (XHCN) là giải phóng con người, đem lại tự do cho con người, tự do cho mỗi người là điều kiện để có tự do cho mọi người, để con người được phát triển toàn diện. Tự do và sự phát triển của con người, từng con người, và cả cộng đồng, đó là giá trị nhân văn quan trọng bậc nhất trong tư tưởng của Ông. Rất tiếc là các nước XHCN ít nói đến quan điểm này, trong khi các nước TBCN phát triển thì quan tâm và giải quyết tốt hơn. Tự do là vấn đề bản chất của CNXH, cũng là đặc trưng quan trọng nhất của CNXH.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự do là mục đích tiếp theo, mục đích chính của độc lập. Độc lập là để có tự do. Độc lập, bản thân nó là sự tự do cho một dân tộc; đồng thời là để và phải đem lại tự do cho nhân dân, cho từng người. Hồ Chí Minh đã từng nói, nếu nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì. Khi lập nước, Người đã đưa các thành tố “dân chủ” và “tự do” vào tên gọi của nước Việt Nam mới.
Từ yêu cầu của cuộc sống, có những việc đã đến độ bức xúc, cộng với tâm lý ủng hộ tự do của cộng đồng, nếu không được đáp ứng sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và dân chúng, giữa thuyền và nước, từ đó sẽ tích lũy những bất ổn. Trước đây, có thời kỳ nước Đức bị chia đôi, Đông Đức theo hướng XHCN, Tây Đức theo hướng TBCN. Có một giai đoạn ở Đông Đức rất nhiều người (nhất là trí thức) vượt biên giới chạy qua Tây Đức. Vì sao người ta bỏ đi nhiều vậy? Nhân dân nói rằng ở Tây Đức tự do hơn, nhất là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, làm ăn cũng dễ hơn, điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Ngày ấy đáng lẽ Đông Đức phải cải tổ ngay, trở bộ ngay, thay đổi căn bản cách quản lý xã hội, nhưng họ không làm vậy mà lại đi xây ngay một bức tường và dùng hàng rào dây thép gai ngăn lại không cho dân từ Đông Đức qua Tây Đức nữa. Bố trí các trạm gác của lực lượng vũ trang, ai leo rào vượt qua thì bắn chết. Liên Xô đã giúp Đông Đức xây bức tường ấy trong một đêm. Vậy là mâu thuẫn giữa yêu cầu tự do chính đáng và sự kìm hãm tự do không được giải quyết, còn tiếp tục bị dồn nén. Cho nên sau đó, khi ở Liên Xô có sai lầm trong cải cách, thì hàng triệu người dân Đông Đức đã cùng nhau xô đổ bức tường Béc-lin để thống nhất Đông Đức vào với Tây Đức.
Một sự kiện khác, đó là mùa xuân năm 1968 ở Tiệp Khắc. Sau này người ta gọi sự kiện đó là Mùa xuân Praha. Khi ban lãnh đạo của Tiệp Khắc quyết định cải tổ vì nhận thấy con đường đi không đúng, không phát triển được và cũng không đến được CNXH hiện thực, họ chủ trương về kinh tế thị trường và vấn đề dân chủ, thì liền trong đêm ấy Liên Xô đã đổ quân (nghe nói 200 nghìn quân và 2000 xe tăng) vào Tiệp Khắc, ép phải thay đổi ban lãnh đạo Tiệp Khắc, không cho cải tổ, nói rằng những người lãnh đạo ấy của Tiệp Khắc là “Chủ nghĩa xét lại” bị các thế lực từ bên ngoài giật giây. Với cách giải quyết kiểu bức tường Béc-lin và mùa Xuân Praha, những nhà nghiên cứu chính trị- xã hội cho rằng nó đã báo hiệu Liên Xô, Đông Đức và các nước XHCN ở Đông Âu tất yếu sẽ sụp đổ, do chính con đường sai lầm ấy.
3. Đó là chưa nói một vấn đề quan trọng hơn nữa, liên quan đến mục tiêu cốt lõi, là tự do đem lại sáng tạo, sự phát triển và hạnh phúc cho con người. Tự do sẽ giải phóng năng lực, trước nhất là năng lực tư duy, từ đó mà tạo ra sức sống và sức sáng tạo của từng người, của cả một tập thể, một cộng đồng, làm cho năng lực và sức mạnh trí tuệ không ngừng phát triển, để dân tộc hùng mạnh lên, để con người làm chủ nhân xứng đáng của vũ trụ, thành chúa tể của muôn loài.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, với tự do tư tưởng, và tự do ngôn luận kèm theo, con người đã có những bước tiến nhảy vọt, nhờ trí tuệ của cộng đồng bổ sung cho nhau, tiếp cận được chân lý khách quan, chọn được giải pháp tối ưu cho xã hội, điều chỉnh kịp thời những sai lầm và cũng tạo ra sự phát triển của con người. Nếu yêu cầu tự do chính đáng và hợp lý mà chậm đáp ứng thì kìm hãm sự phát triển, tạo nên sự xơ cứng và thụ động, làm mất động lực, mất sức mạnh của một tập thể, một cộng đồng, một dân tộc. Tốt nhất là giải quyết đáp ứng các yêu cầu chính đáng về tự do một cách không chậm trễ, không trì kéo, để mở đường, để thúc đẩy phát triển.
Ngày xưa, có thời kỳ châu Á đã có những bước tiến quan trọng trên con đường văn minh thì châu Âu còn trong đêm dài của thần quyền. Ai nói khác giáo hội sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Vậy mà sau đó, qua các phong trào khai sáng, phục hưng, và tiếp sau nữa, châu Âu đã có bước tiến nhảy vọt trên con đường giải phóng tự do cá nhân, từ đó (và tất nhiên không chỉ thế) châu Âu đã phát triển vượt lên, bỏ châu Á lại phía sau trong đêm dài của chế độ phong kiến.
4. Tự do, như ta đã biết, bản thân nó đã là tất yếu, và rất rộng, trên tất cả các lĩnh vực, ở nơi đâu có hoạt động của con người. Nhưng mặt khác, tự do bao giờ cũng có giới hạn! Đó là giới hạn không xâm phạm tự do của người khác, không gây hại cho cộng đồng, cho quốc gia, gắn với trách nhiệm xã hội. Thông thường các khái niệm đều được giới hạn bởi một cái khác ngoài nó. Riêng tự do lại không giới hạn như vậy, mà lại được giới hạn bởi chính nó. Tự do được giới hạn bởi chính tự do (của người khác), tức là giới hạn bằng chính nó, chứ không phải bằng cái khác. Không được gây hại cho cộng đồng, cho quốc gia về bản chất cũng chính là không xâm phạm đến tự do của những người khác, giới hạn bằng tự do của người khác ấy cũng hình thành mặt thứ hai, là mặt “tất yếu” của tự do. Nói cách khác, tự do và tất yếu là hai mặt của cùng một chỉnh thể không tách rời nhau, không mâu thuẫn và không loại trừ nhau. Tự do được bước sang từ vương quốc tất yếu – là cách nói của Ăng-ghen. Như vậy, tự do là tất yếu, tất yếu phải tự do, tự do gắn với tất yếu, tất yếu để bảo đảm cho tự do, tất yếu bằng tự do (của người khác), tự do và tất yếu cùng song song tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, không được lợi dụng mặt thứ hai là “tất yếu”, nhân danh nó để cản trở tự do. Khi giai cấp (hoặc tập đoàn) cầm quyền mà không tiến bộ, kìm hãm lịch sử, C.Mác gọi họ là phản động, thì thường giải thích rằng tự do phải trong khuôn khổ ý chí của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền cho phép đến đâu thì mọi người được tự do đến đó. Thực chất, đó cũng là ngụy biện. Trong một quốc gia văn minh, xã hội được quản lý bằng luật pháp tiến bộ, với tư tưởng pháp quyền tối thượng, mọi người đều phải tuân theo, không ai, không tổ chức nào được đứng trên pháp luật. Đó cũng là mặt “tất yếu” của tự do. Mặt khác, pháp quyền ấy phải là pháp quyền tiến bộ, pháp quyền trên nền tảng của tư tưởng dân quyền (nền dân trị), trong đó quyền tự do của con người, nói cách khác là tự do cá nhân, và quyền dân chủ của công dân là hạt nhân trung tâm – cốt lõi. Như vậy, nền pháp quyền tiến bộ là nền pháp quyền không kiềm hãm tự do. Pháp quyền vừa là mặt “tất yếu” của tự do, vừa là công cụ bảo vệ tự do, giải phóng con người, làm cho con người được tự do và phát triển.
Bác Hồ nói, không có gì quý hơn độc lập tự do. Độc lập là cho tổ quốc, tự do là cho nhân dân, cho mỗi người. Vậy nên, cuộc đấu tranh cho tự do vừa là cuộc chiến đấu cho giá trị nhân văn, cho dân tộc phát triển, đồng thời cũng là cho chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa với những gì tốt đẹp thật sự chứ không phải trên danh nghĩa, lời nói và các khẩu hiệu.
Cũng cần nói thêm rằng, tự do là khách quan. Không thể bằng ý chí chủ quan của người lãnh đạo mà chống lại yêu cầu tự do và cũng không thể tự do vượt trước quá xa trình độ phát triển khách quan của xã hội (để tránh rối loạn). Mặt khác, mức độ tự do còn phụ thuộc tâm huyết, sự nhạy cảm và nhất là tư tưởng khai minh của người lãnh đạo có được đến đâu. Khi thời gian đi qua, dấu vết của các nhà lãnh đạo chỉ còn lại ở những bước tiến đáng kể về văn hóa, trong đó vấn đề tự do của con người luôn là vấn đề số một, còn lại tất cả những cái khác sẽ lần lượt mất đi đến một lúc sẽ không còn gì nữa. Đây là nói chuyện văn hóa, nhằm góp thêm một ý kiến cho những người lãnh đạo có tâm và có tầm, thật lòng vì dân tộc và đất nước – những con người đáng tôn trọng ấy lúc nào cũng có, dù có lúc “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa Thu”.
Năm 1868, Hoàng đế Minh Trị mở đường cho cuộc đại cải cách nước Nhật đã cho in một triệu bản sách “Bàn về tự do” tung ra khắp nước Nhật (khi ấy dân số Nhật mới chỉ bằng khoảng 1/3 dân số Việt Nam hôm nay). Từ một nước Nhật “người lùn” trước đây, nay thành một nước Nhật phát triển văn minh, một cường quốc kinh tế – quá trình ấy gắn với công lao canh tân đất nước của Minh Trị Thiện Hoàng cách đây 150 năm. Nghiên cứu quá trình phát triển của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ (như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore), những nơi mà trước kia chẳng hơn gì Việt Nam ta, nhưng nay đã phát triển khá xa về phía trước, đều có liên quan đến vấn đề tự do mà chúng ta đáng phải suy nghĩ.
Mục tiêu mà chúng ta đã chọn để phấn đấu là một quốc gia XHCN. Tự do thuộc về bản chất, là đặc trưng hàng đầu của CNXH, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ, nó là hạnh phúc, nó đem lại hạnh phúc, tạo ra sự phát triển của con người – vấn đề trọng tâm của CNXH. Tự do đem lại sáng tạo, từ đó mà tạo ra sự phát triển của một quốc gia; và chỉ có phát triển mới có CNXH, bằng sự phát triển mà dẫn đến “tất yếu” sang CNXH như dự báo của C.Mác. Khi nào và ở đâu mà những người lãnh đạo lãng quên vấn đề tự do, hạn chế tự do cũng có nghĩa là vô tình rời bỏ mục tiêu XHCN.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng là uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đảng.
Nguồn: Thanh Niên
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]