Làm sao đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan?

Print Friendly, PDF & Email

Extremism_1913643b

Nguồn: Tony Blair, “Defeating Islamic Extremists in 2016”, Project Syndicate, 08/01/2016.

Biên dịch: Ngô Tuyết Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Danh sách các hoạt động khủng bố Hồi giáo cực đoan năm 2015 thật dài và khủng khiếp. Hầu như tháng nào cũng có người bị giết dưới danh nghĩa của một hệ tư tưởng tai hại.

Trong tháng 1 có khoảng 2.000 người đã bị thảm sát ở thị trấn Baga, Nigeria; 38 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe hơi diễn ra tại thủ đô Sana’a, Yemen và 60 người đã bị giết trong lúc đang cầu nguyện tại một Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Shikarpur, Pakistan. Tháng 6, hơn 300 người chết hoặc bị thương trong các vụ tấn công ở khu vực Diffa, Đông Nam Niger, ở thành phố Kuwait và ở Sousse, Tunisia. Tháng 11, gần 200 người đã thiệt mạng dưới bàn tay của những kẻ khủng bố ở Sarajevo, Beirut và Paris. Sau đó, vào đầu tháng 12, một vụ xả súng với quy mô lớn đã diễn ra tại thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ.

Những hành động khủng bố ngày càng lan rộng giờ không chỉ giới hạn trong các vụ tấn công tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS) nữa, nó đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Với lý do đó, cộng đồng quốc tế cần phải có một chiến lược toàn diện để đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, một chiến lược mà trong đó các biện pháp quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế phải phối hợp với nhau để đạt được một thế giới ổn định hơn.

Điều cấp thiết nhất trong chiến lược này là phải tiêu diệt được tổ chức ISIS, không chỉ ở Syria và Iraq, mà còn ở Libya và ở tất cả mọi nơi có hoạt động của tổ chức này. Các cuộc tranh luận về cách thức thực hiện không nên chỉ tập trung vào vấn đề phương Tây có nên triển khai lực lượng bộ binh hay không. Tất cả chúng ta phải làm những gì cần thiết để đánh bại nhóm khủng bố vốn đã chiếm đóng nhiều vùng đất của năm quốc gia và tuyên bố thành lập một nhà nước mới được cai trị bởi những hệ tư tưởng cuồng tín. Vì không thể thuyết phục ISIS tự chấm dứt tồn tại nên một liên minh các nước với chiến lược chính trị đúng đắn chắc chắn phải đánh bại tổ chức này ở bất kì đâu.

Nhưng giành chiến thắng trước ISIS mới chỉ là bước đi cơ bản đầu tiên để đạt được một kết cục công bằng ở Syria – nghĩa là phải có một bản thỏa thuận cho phép đất nước này phát triển và tôn trọng các nhóm thiểu số – đồng thời không cho phép chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tồn tại. Để đạt được kết quả như thế cần phải nhờ đến sức ảnh hưởng trên bàn đàm phán. Điều này giải thích tại sao việc hỗ trợ cho liên minh giành được thắng lợi trên thực địa tại Syria lại vô cùng quan trọng.

Hơn thế nữa, ISIS chỉ là biểu hiện độc ác nhất của thứ chủ nghĩa cực đoan vốn đã gây đau đớn cho thế giới trong nhiều thập kỉ. Chúng ta cần phải xây dựng một lực lượng quốc tế có thể chiến đấu chống lại những phần tử cực đoan bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu chúng tìm cách bám rễ.

Đặc biệt, đây sẽ là một phép tính vô cùng lớn đối với các quốc gia châu Âu. Các mối đe dọa an ninh từ ISIS không đến từ bên ngoài, mà nó nằm ngay trong lòng châu Âu. Và mỗi nước ở châu Âu đều có lợi ích lớn trong việc tiêu diệt các mối đe dọa trong ngắn hoặc trung hạn. Về lâu dài, chúng ta phải công nhận rằng vấn đề nằm ở chính hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan. Có khá ít phần tử thánh chiến ủng hộ ISIS và những nhóm tương tự như thế, nhưng ngày càng có nhiều người tin vào những quan điểm trong thế giới quan của họ.

Theo cách hành đạo và nhận thức của đại bộ phận tín đồ, Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và đáng tôn trọng. Hồi giáo đã có những đóng góp to lớn cho sự tồn tại và phát triển của con người. Nhưng chúng ta không thể tiếp tục phủ nhận bản chất của vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Ở nhiều quốc gia Hồi giáo, một số lượng lớn người tin rằng chính CIA hay những người Do Thái mới là kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2011. Trong khi đó, những giáo sĩ Hồi giáo có hàng triệu lượt theo dõi trên Twitter ở khắp thế giới lại tuyên bố rằng những kẻ ngoại đạo và bỏ đạo phải bị giết chết, hay họ còn kêu gọi thánh chiến chống lại người Do Thái.

Trung tâm Tôn giáo và Địa Chính trị thuộc Quỹ Tôn giáo Tony Blair của tôi theo dõi chủ nghĩa cực đoan mỗi ngày. Những nghiên cứu của trung tâm đã đưa ra những báo cáo thú vị nhưng cũng gây nên nhiều lo ngại. Nó cho thấy rõ ràng rằng việc loại bỏ hệ tư tưởng cực đoan này cần rất nhiều nỗ lực vất vả.

Để đạt được mục đích đó, tôi chủ trương xây dựng một thỏa thuận quốc tế với tên gọi “Cam kết toàn cầu về giáo dục”: mỗi một quốc gia đều có trách nhiệm thúc đẩy sự khoan dung về văn hóa và tôn giáo, phải xóa bỏ những định kiến cả về tôn giáo lẫn văn hóa trong hệ thống giáo dục của mỗi nước.

Chúng ta cũng cần hỗ trợ cho những người đang phải đương đầu với chủ nghĩa cực đoan. Nhiều nhà thần học dũng cảm và nghiêm túc như những người đến từ Thánh đường al-Azhar ở thủ đô Cairo, Ai Cập hay Sheikh Abdullah bin Bayyah ở Mauritania đang cho thấy việc giảng dạy những giáo lý chân chính của đạo Hồi có thể dẫn tới sự hòa hợp (giữa Hồi giáo) với thế giới hiện đại ra sao.

Việc liên minh với những lãnh tụ Hồi giáo – những người đang chuẩn bị lãnh đạo cuộc chiến chống lại sự xuyên tạc những đức tin của họ – là rất quan trọng. Đôi khi chúng ta vẫn xem vùng Trung Đông là một nơi lộn xộn cần phải tránh xa. Nhưng, chính cuộc thảm sát ở Paris ngày 13 tháng 11 lại là một lời nhắc nhở cho chúng ta thấy tính không hiệu quả của chính sách không can thiệp.

Thay vào đó, chúng ta nên coi Trung Đông và Hồi giáo đang trong thời kì chuyển tiếp: một khu vực Trung Đông đang hướng tới những xã hội dựa trên luật lệ cùng sự khoan dung về tôn giáo, và một đạo Hồi đang hướng đến một vị trí đúng đắn trong vai trò một tôn giáo tiến bộ và nhân văn. Nhìn theo cách này, Trung Đông không phải là một  nơi hỗn độn cần phải tránh xa, mà chính là nơi diễn ra cuộc đấu tranh sống còn nơi những lợi ích cơ bản của chúng ta đang bị đe dọa.

Theo đó, chúng ta nên hỗ trợ những quốc gia đang nỗ lực xây dựng một tương lai cởi mở hơn cho Trung Đông và Hồi giáo. Các quốc gia vùng Vịnh, Ai Cập và Jordan đều là đồng minh của chúng ta, và khi họ phải đối mặt với những thách thức của quá trình hiện đại hóa, chúng ta nên sẵn sàng giúp đỡ họ.

Cuối cùng, trong năm tới, chúng ta phải công nhận tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Điều này không chỉ quan trọng do tính chất của cuộc xung đột, mà nó còn góp phần xây dựng mối quan hệ quốc tế cũng như mối quan hệ giữa các tôn giáo tốt đẹp hơn. Đồng thời, nó cũng mạnh mẽ tái khẳng định nguyên tắc cùng chung sống hòa bình mà dựa vào đó trật tự quốc tế được xây dựng nên.

Chúng ta cần phải thiết lập một chính sách ngoại giao dựa trên những bài học trong giai đoạn kể từ ngày 11/9 đến nay. Một chính sách như vậy sẽ giúp mọi người thừa nhận sự cần thiết của việc tích cực can dự – một sự can dự được cải thiện chứ không phải bị làm cho suy yếu bởi kinh nghiệm của chúng  ta.

Sức mạnh quân sự là yếu tố cần thiết cho cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, nhưng giáo dục cũng quan trọng không kém. Chúng ta phải làm cho người dân và những người đến đất nước chúng ta hiểu lý do tại sao các giá trị của chúng ta lại quan trọng đến thế và tại sao chúng ta sẽ bảo vệ những giá trị này. Công việc giáo dục cũng cần phải có sự hợp tác với nhau, chứ không chỉ trong các hoạt động ngoại giao phức tạp của thế giới thực.

Nhưng trong cuộc chiến này chúng ta sẽ là người chiến thắng. Những kẻ cuồng tín Hồi giáo muốn kết thúc nền văn minh của nhân loại đang hủy hoại chính tôn giáo của họ. Họ sẽ không bao giờ thành công trong cả hai mục tiêu này. Đại đa số người dân trên thế giới đều mong ước được chung sống với nhau. Với sự ủng hộ và quyết tâm của họ, tinh thần hòa bình – vượt lên trên cả hệ tư tưởng, quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo – sẽ giành chiến thắng.

Tony Blair là cựu Thủ tướng Anh trong giai đoạn 1997 -2007. Sau khi rời ghế Thủ tướng, ông đã thành lập Quỹ Sáng kiến Quản trị Châu Phi (Africa Governance Initiative), Quỹ Tôn giáo Tony Blair và Sáng kiến Tôn giáo và Toàn cầu hóa.

\Copyright: Project Syndicate 2016 – Defeating Islamic Extremists in 2016
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]