Nguồn: Robert O. Paxton, “Is Fascism Back?”, Project Syndicate, 07/01/2016.
Biên dịch: Dương Trường Phúc |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Năm 2015, “chủ nghĩa phát xít” một lần nữa trở thành thuật ngữ chính trị được sử dụng phổ biến nhất. Tất nhiên, sự cám dỗ của việc gắn mác chủ nghĩa phát xít là gần như áp đảo khi chúng ta đối mặt với các cá nhân có lời nói và hành động có phần tương tự như của Hitler và Mussolini. Tại thời điểm này, nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp khác nhau như để miêu tả Donald Trump, phong trào Tiệc Trà (Tea Party), Mặt trận Quốc gia ở Pháp, và các sát thủ Hồi giáo cực đoan. Dù ý muốn gọi nhiều cá nhân là “phát xít” có phần dễ hiểu nhưng điều đó cần bị hạn chế.
Tại thời điểm được hình thành năm 1920 (đầu tiên là ở Ý và sau đó là ở Đức), chủ nghĩa phát xít là một phản ứng bạo lực chống lại chủ nghĩa cá nhân quá mức. Mussolini và Hitler cho rằng Ý bị khinh miệt và Đức bị đánh bại trong Thế chiến I là vì dân chủ và chủ nghĩa cá nhân đã mài mòn sự đoàn kết dân tộc và ý chí của hai nước này.
Vì vậy, hai nhà lãnh đạo đã buộc hàng ngũ của mình mặc đồng phục và cố gắng thống nhất suy nghĩ và hành động của họ. Sau khi lên nắm quyền, họ cố gắng mở rộng chế độ độc tài đến từng ngóc ngách của cuộc sống. Dưới thời Mussolini, ngay cả các môn thể thao cũng phải được tổ chức và giám sát bởi một cơ quan nhà nước gọi là il Dopolavoro.
Những kẻ phát xít đã phát triển (và nhận được sự hỗ trợ của giới tinh hoa) thành một rào cản hữu hiệu duy nhất đối với một phong trào khác dấy lên sau Thế Chiến I: Chủ nghĩa cộng sản. Để chống lại chủ nghĩa xã hội quốc tế, những kẻ phát xít dựng lên chủ nghĩa xã hội quốc gia (quốc xã), và dù họ tiêu diệt các đảng xã hội chủ nghĩa và bãi bỏ các liên đoàn lao động độc lập, họ chưa bao giờ nghi ngờ nghĩa vụ của nhà nước trong việc duy trì phúc lợi xã hội (tất nhiên là trừ cho những kẻ thù nội bộ như người Do Thái).
Phong trào tự nhận mình là Nhà nước Hồi giáo có vẻ khá phù hợp với hình mẫu này. Ý chí của các thành viên và bản sắc cá nhân chịu sự chi phối của phong trào tới mức quên mình: tự sát. Tuy nhiên, cũng có những sự khác biệt cơ bản.
Nhà nước Hồi giáo chưa hẳn là nhà nước nếu so với một nhà nước Hồi giáo (caliphate) đầy đủ. Tổ chức này hướng tới thượng tôn một tôn giáo, chiếm lãnh thổ cắt qua nhiều quốc gia và thậm chí đe dọa đến các quốc gia-dân tộc (nation-states) hiện hữu. Thẩm quyền chính quyền trung ương không rõ ràng, và chính sách cũng như các sáng kiến hoạt động được giao xuống các nhóm địa phương mà không cần đến một thủ đô về mặt địa lý nào.
Các phần tử phát xít là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, có nguồn gốc từ quốc gia-dân tộc và cống hiến cho việc tăng cường sức mạnh và nâng cao địa vị của các quốc gia. Các nhà lãnh đạo và chế độ phát xít đã làm hết mình để buộc tôn giáo phải phục vụ các mục đích của nhà nước. Ở mức tối đa, chúng ta có thể thấy ở Nhà nước Hồi Giáo một phân nhánh của chủ nghĩa độc tài tôn giáo, nhưng về cơ bản nó có sự khác biệt so với chế độ độc tài thế tục tập trung với các nhà lãnh đạo giàu sức hút của chủ nghĩa phát xít cổ điển.
Phong trào Tiệc Trà hiện khác biệt nhất so với bản tính đề cao nhà nước của chủ nghĩa phát xít. Với sự phản đối các hình thức thẩm quyền nhà nước và tức giận từ chối bất kỳ nghĩa vụ nào đối với người khác, phong trào Tiệc Trà nên được coi là một phong trào vô chính phủ cánh hữu. Phong trào này là thứ chủ nghĩa cá nhân điên cuồng, từ chối bất kỳ nghĩa vụ cộng đồng nào, trái ngược với lời kêu gọi của phát xít đưa nghĩa vụ cộng đồng vượt lên trên mọi quyền tự chủ cá nhân.
Tất nhiên, Mặt trận Quốc gia có nguồn gốc từ thời nước Pháp Vichy (chính phủ bù nhìn của thống chế Philippe Pétain – NBT), và người sáng lập là Jean-Marie Le Pen trong một thời gian dài đã bày tỏ sự khinh thường truyền thống cộng hòa của Pháp. Tuy vậy, những thành công mới có hiện nay của Mặt trận dưới sự lãnh đạo của con gái của Le Pen, bà Marine, ít nhất một phần là do nỗ lực của đảng này rút mình ra khỏi quá khứ biểu tình chiếm đóng đường phố hay phủ nhận nạn diệt chủng Holocaust.
Donald Trump là một trường hợp hoàn toàn đặc biệt. Bề ngoài, ông dường như mượn một số đề tài của chủ nghĩa phát xít cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình: bài ngoại, kỳ thị chủng tộc, lo ngại sự yếu kém và suy tàn của quốc gia, chính sách đối ngoại hiếu chiến, và sẵn sàng đình chỉ nền pháp quyền để đối phó với những trường hợp khẩn cấp. Giọng khoe khoang ầm ĩ, làm chủ đám đông và các kỹ năng sử dụng những công nghệ truyền thông mới nhất cũng làm gợi nhớ đến Mussolini và Hitler.
Tuy nhiên, những phẩm chất này hầu hết đều là sản phẩm phái sinh của các chủ đề và phong cách phát xít, còn bản chất tư tưởng cơ bản là khác nhau, với các đặc quyền của giới nhà giàu đóng vai trò lớn hơn so với những gì các chế độ phát xít nói chung có thể chấp nhận. Việc Trump áp dụng các chủ đề và phong cách này rất có khả năng là một sách lược tranh cử – một quyết định được đưa ra mà ông ta không có hoặc có rất ít suy nghĩ về lịch sử xấu xa của chúng. Trump rõ ràng hoàn toàn không quan tâm tới những phản ứng mà các lời nói và phong cách hùng biện của ông gợi lên. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét sự vô cảm hiển nhiên của ông ta đối với các tác động từ các loại xúc phạm khác mà ông ta đã tung ra.
Thật là tồi tệ khi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể nghĩ ra một tên gọi khác cho thứ ảnh hưởng độc hại kiểu chủ nghĩa phát xít để gọi những con người và phong trào đáng sợ này. Chúng ta sẽ phải dùng tạm những từ ngữ bình thường hơn: sự cuồng tín tôn giáo của Nhà nước Hồi giáo, sự vô chính phủ phản động của phong trào Tiệc Trà, và sự mị dân nhân danh giới đầu sỏ chính trị của Donald Trump. Có những phong trào chưa được chú ý ngày nay, chẳng hạn như tổ chức Các Quốc gia Aryan (Aryan Nations) ở Mỹ và Đảng Bình minh Vàng ở Hy Lạp, những phong trào đã công khai sử dụng các biểu tượng của Đức Quốc xã và bạo lực thể chất. Thuật ngữ “phát xít” nên được áp dụng cho các phong trào này thì hơn.
Robert O. Paxton, Giáo sư hưu trí ngành lịch sử tại Đại học Columbia, là tác giả của các cuốn sách The Anatomy of Fascism, Vichy France: Old Guard and New Order, 1940-1944; Parades and Politics at Vichy; và Vichy France and the Jews.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Is Fascism Back?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]