27/02/1972: Mỹ-Trung ra Thông cáo chung Thượng Hải

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:‘Shanghai Communique’ issued,” History.com (truy cập ngày 26/02/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1972, trong hoạt động cuối cùng của chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công bố một bản Thông cáo chung, tổng kết các thỏa thuận (và bất đồng) của họ sau một tuần làm việc. “Thông cáo chung Thượng Hải” đã khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ diễn ra chậm chạp giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nixon đến Trung Quốc vào ngày 21 tháng 2, trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Chuyến thăm này cũng vô cùng quan trọng vì nhiều lý do khác. Sau cuộc cách mạng thành công của lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông năm 1949, Hoa Kỳ đã từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai quốc gia vô cùng lạnh lẽo, và các binh sĩ Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đụng độ nhau trong Chiến tranh Triều Tiên 1950–53.

Trong những năm 1950 và những năm 1960, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp viện trợ chính cho chế độ cộng sản của Hồ Chí Minh ở miền Bắc Việt Nam. Nixon là một trong những người chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong thời gian này. Khi Hoa Kỳ đến hỗ trợ Nam Việt Nam, và cuối cùng đổ quân chiến đấu vào để dập tắt cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản trên đất nước này vào năm 1965, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên thêm căng thẳng.

Tình hình đã thay đổi đáng kể vào đầu những năm 1970. Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên căng thẳng và gay gắt. Nước Mỹ sa vào một cuộc chiến không được lòng dân và không có lợi tại Việt Nam. Nixon và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông đã nhìn thấy một cơ hội duy nhất trong hoàn cảnh này. Thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể làm chia rẽ hai cường quốc cộng sản hơn nữa, và khiến Liên Xô mềm mỏng hơn về một số vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của họ cho Bắc Việt. Và có thể hình dung Trung Quốc cũng sẽ gây áp lực buộc đồng minh Bắc Việt đồng ý một giải pháp hòa bình ở Việt Nam có lợi hơn cho Hoa Kỳ.

Thông cáo chung Thượng Hải tóm tắt các lĩnh vực đã thỏa thuận được và còn bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuối chuyến thăm của Nixon. Trong một phần của văn kiện này, sự khác biệt giữa hai nước về các sự kiện ở châu Á đã xuất hiện. Trung Quốc một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Bắc Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ kiên định ủng hộ Nam Việt Nam. Về Triều Tiên, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải “thống nhất” giữa hai miền, trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh một giai đoạn “dịu bớt” những căng thẳng ngoại giao giữa Bắc và Nam Triều Tiên.

Tuy nhiên, hai nước cũng nhấn mạnh sự thống nhất quan điểm của họ về một số chủ đề chung, trong đó có sự cần thiết của việc chung sống hòa bình giữa phương Đông và phương Tây. Phần lớn thông cáo chung đề cập đến chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng to lớn, do Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ không bắt đầu quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cho đến khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trong thông cáo chung, Nixon hứa sẽ dần cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đài Loan. Cuối cùng, bản tuyên bố ghi nhận rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ khuyến khích liên lạc hơn nữa thông qua tăng cường hoạt động thương mại và du lịch của công dân hai nước.

Thông cáo chung Thượng Hải tạo điều kiện cho một sự đảo ngược đáng kể trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Kể từ năm 1949, Hoa Kỳ đã công nhận chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan là chính phủ của Trung Quốc. Nước này liên tục từ chối các nỗ lực nhằm đưa chính phủ Trung Quốc đại lục có đại diện tại Liên Hợp Quốc. Sau năm 1972, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu ấm dần lên. Cho tới chính quyền của Jimmy Carter (1977–81), trong một trong những bước ngoặt đáng ngạc nhiên nhất của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chính thức công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc đại lục.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong ngày đầu chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, tháng 2 năm 1972. Nguồn: AP.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]