Cuộc đào thoát vĩ đại khỏi Trung Quốc

1452485696064

Nguồn: Kenneth Rogoff, “The Great Escape from China”, Project Syndicate, 02/02/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Kể từ khi năm 2016 bắt đầu, nguy cơ đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá lớn đã và đang treo lơ lửng trên các thị trường toàn cầu tương tự như Thanh gươm Damocles.[1] Không có sự bất định về chính sách nào lại gây nên sự bất ổn đến vậy. Rất ít nhà quan sát nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ phải thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ một lúc nào đó trong thập niên tới. Câu hỏi đặt ra là sẽ có bao nhiêu kịch tính đi kèm trong thời gian chuyển tiếp này, khi mà các mệnh lệnh chính trị và kinh tế mâu thuẫn với nhau.

Có vẻ kỳ lạ khi mà một quốc gia có thặng dư thương mại 600 tỷ USD trong năm 2015 lại phải lo lắng về sự suy yếu của đồng nội tệ. Nhưng các yếu tố kết hợp lại, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại và nới lỏng dần các hạn chế về đầu tư ra nước ngoài, đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc một cách mạnh mẽ.

Mỗi công dân hiện nay được phép mang 50.000 USD/năm ra khỏi đất nước. Chỉ cần một trong mỗi 20 công dân Trung Quốc thực hiện lựa chọn này thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ bị xóa sạch. Đồng thời, các công ty dư giả tiền mặt của Trung Quốc đang thực hiện đủ loại kế hoạch để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Một cách tiếp cận hoàn toàn hợp pháp là cho vay bằng đồng nhân dân tệ và nhận tiền hoàn trả bằng ngoại tệ.

Một cách tiếp cận không-hợp-pháp-lắm là phát hành hóa đơn thương mại sai lệch hoặc thổi phồng giá trị hóa đơn – thực chất là một hình thức rửa tiền. Ví dụ, một nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể báo cáo mức giá bán cho một nhà nhập khẩu Mỹ thấp hơn giá thực, và mức chênh lệch được gửi một cách bí mật bằng đồng USD vào một tài khoản ngân hàng tại Mỹ (mà sau đó có thể được dùng để mua một tác phẩm của Picasso).

Hiện nay, khi các công ty Trung Quốc đã mua rất nhiều công ty Mỹ và châu Âu, hoạt động rửa tiền thậm chí có thể được thực hiện trong nội bộ công ty. Không phải người Trung Quốc nghĩ ra ý tưởng này. Sau Thế chiến II, khi một châu Âu bị tàn phá chịu kiểm soát ngoại hối chặt chẽ, dòng vốn bất hợp pháp chảy ra khỏi lục địa này chiếm trung bình ít nhất 10% giá trị thương mại. Là một trong những quốc gia giao thương lớn nhất thế giới, Trung Quốc hầu như không thể chặn hoàn toàn dòng vốn chảy ra khi các động lực cho dòng chảy này trở nên đủ lớn.

Thật vậy, mặc dù có thặng dư thương mại khổng lồ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã buộc phải can thiệp mạnh để chống đỡ cho tỷ giá hối đoái – nhiều đến mức khiến dự trữ ngoại tệ thực tế đã giảm 500 tỷ USD trong năm 2015. Với việc kiểm soát vốn gây thất thoát ngoại tệ như vậy, lượng dự trữ 3 nghìn tỷ USD ngoại hối của Trung Quốc sẽ không đủ để giữ vững pháo đài vô thời hạn. Trong thực tế, khi người ta càng lo ngại tỷ giá đang giảm, họ càng muốn rút tiền ra khỏi Trung Quốc ngay lập tức. Mối lo ngại đó, tới lượt nó, là một nhân tố quan trọng đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc.

Có rất nhiều suy đoán trên thị trường cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện phá giá một lần ở mức khá lớn, khoảng 10%, nhằm làm suy yếu đồng nhân dân tệ đủ để giảm áp lực giảm giá đối với tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại lý lẽ cho những người như Donald Trump, người tin rằng Trung Quốc là một quốc gia tiến hành thương mại không công bằng, đây sẽ là một lựa chọn chiến lược rất nguy hiểm đối với một chính phủ vốn không nhận được nhiều lòng tin từ các thị trường tài chính. Nguy cơ chính là việc phá giá với mức độ lớn sẽ được diễn giải như là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế của Trung Quốc là nghiêm trọng hơn nhiều so với mức độ mà mọi người nghĩ, và trong trường hợp đó, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy ra khỏi đất nước.

Cải thiện giao tiếp với các thị trường không là điều dễ dàng cho đến khi Trung Quốc học được cách cung cấp các dữ liệu kinh tế đáng tin cậy. Một câu chuyện thu hút nhiều chú ý là khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của Trung Quốc được báo cáo là 6,9%, chỉ thấp hơn một ít so với mục tiêu chính thức là 7%. Mức chênh lệch này là không lớn, nhưng thị trường đã xem nó vô cùng quan trọng, bởi các nhà đầu tư tin rằng mọi việc phải thực sự rất xấu khi chính phủ không thể dựng lên các con số đủ để đạt được mục tiêu của mình.

Một việc các nhà chức trách có thể bắt đầu trước tiên là thành lập một ủy ban gồm các nhà kinh tế nhằm cung cấp một tập hợp số liệu lịch sử GNP sát thực tế và đáng tin cậy hơn, mở đường cho các số liệu GNP khả tín hơn trong tương lai. Thay vào đó, ý tưởng trước mắt của chính phủ nhằm giảm áp lực tỷ giá hối đoái là neo đồng nhân dân tệ vào một rổ tiền tệ gồm 13 đồng tiền, thay vì chỉ với đồng USD. Đây là một ý tưởng hay về mặt lý thuyết; tuy nhiên, trong thực tế, neo vào giỏ tiền tệ có khuynh hướng dẫn đến các vấn đề kinh niên về sự minh bạch.

Hơn nữa, việc neo tỉ giá vào một giỏ tiền tệ cũng có chung hầu hết các vấn đề của việc neo tỉ giá chỉ vào đồng USD. Đúng là đồng euro và đồng yên đã suy yếu so với đồng USD trong vài năm qua. Tuy nhiên, nếu đồng USD giảm giá vào năm 2016, thì việc neo đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ sẽ ngụ ý rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ-USD đã mạnh hơn, điều có thể không hữu ích. Chính phủ cũng đã chỉ ra rằng họ có ý định kiểm soát nhiều hơn đối với các dòng vốn bất hợp pháp; nhưng sẽ chẳng dễ dàng để đưa mọi thứ trở lại tầm kiểm soát.

Mọi thứ ngày nay sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu Trung Quốc từng chấp nhận tăng mạnh mức độ linh hoạt về tỷ giá hối đoái khi tình hình kinh tế vẫn còn đang diễn ra tốt đẹp, như một số người trong chúng ta đã tư vấn trong suốt hơn một thập niên. Có lẽ chính quyền sẽ có thể giữ vững đồng nhân dân tệ trong năm 2016; nhưng có nhiều khả năng đồng tiền này sẽ tiếp tục đà bất ổn của mình – và kéo theo đó là sự bất ổn của các thị trường toàn cầu.

Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công tại Đại học Harvard và là chủ nhân của giải thưởng Ngân hàng Đức về Kinh tế Tài chính năm 2011. Ông là Kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế từ 2001 đến 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, viết cùng với Carmen Reinhart, có tên This time is different: Eight Centuries of Financial Folly.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Great Escape from China

—————–

[1] Thanh gươm Democles (Sword of Damocles) là một hình ảnh ẩn dụ để chỉ những mối nguy hiểm rình rập mà những người đứng ở đỉnh cao quyền lực luôn đối mặt, điều những người ngoài có thể không nhận ra. Hình ảnh ẩn dụ này bắt nguồn từ câu chuyện của nhà sử học Hy Lạp cổ đại Timaeus khi kể về giai đoạn trị vì của vua Dionysius xứ Syracuse, nơi Democles là một quần thần. Trong câu chuyện, Democles nịnh vua Dionysius, nói rằng ông là một nhà vua giàu có, vĩ đại và đầy quyền lực, được bao quanh bởi những điều vinh quang. Dionysius liền đề nghị đổi vị trí của mình với Damocles để Damocles có thể tự mình cảm nhận được sự giàu có đó. Damocles nhanh nhảu chấp nhận đề nghị của vị vua. Damocles ngồi lên ngai vang, được bao quanh bởi bao điều xa hoa, nhưng Dionysius đã bí mật cho treo một thanh gươm bằng chỉ một sợi lông đuôi ngựa phía trên ngai vàng. Damocles cuối cùng xin nhà vua cho phép rời ngai vàng và không muốn nhận sự giàu có đó nữa, sau khi nhận ra rằng đi kèm với sự giàu có và quyền lực luôn là sự nguy hiểm lớn và trách nhiệm nặng nề (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]