Tác động của bầu cử Mỹ tới kinh tế toàn cầu

00069ab9-642

Nguồn: Michael J. Boskin, “The US Election and the Global Economy”, Project Syndicate, 25/02/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những thay đổi lớn đang diễn ra tại Hoa Kỳ khi quốc gia này hướng tới việc bầu ra một vị tổng thống mới, một phần ba Thượng viện, và toàn bộ Hạ viện vào tháng 11 này. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ mang lại những hệ quả toàn diện đối với chính sách kinh tế của Hoa Kỳ, và do đó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vào thời điểm hiện tại, Hillary Clinton vẫn đang là người dẫn đầu đề cử của đảng Dân chủ, mặc dù bà vẫn chưa vượt xa khỏi đối thủ mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ngài tỷ phú khoa trương Donald Trump đang dẫn đầu tại đảng Cộng hòa, tiếp theo đó là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, Thượng nghị sĩ Marco Rubio – một người bảo thủ dòng chính tài năng đến từ Florida, và sau nữa là vị Thống đốc được yêu mến của Ohio John Kasich và nhà giải phẫu thần kinh Ben Carson.

Không thể biết được rằng liệu những xu hướng ban đầu này có thể được duy trì trong suốt thời gian còn lại của cuộc bầu cử sơ bộ, mà hiện đang chuyển sang khu vực miền Nam và Trung Tây, hay không. Giới truyền thông và những con nghiện chính trị của Hoa Kỳ đang được bao vây bởi vô vàn các khả năng khác nhau. Liệu Rubio có thể triệu tập một liên minh rộng lớn, hoặc liệu Trump sẽ giành được đề cử của đảng Cộng hòa hay không? Liệu việc Trump được đề cử có giúp Clinton giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hay không?

Trong thực tế, nhiều đảng viên Cộng hòa lo sợ về một cuộc đọ sức giữa Trump với Clinton. Mặc dù Clinton có rất nhiều điểm yếu – các cử tri, đặc biệt là giới trẻ, không tin tưởng vào bà, và bà có thể phải đối mặt với những hậu quả pháp lý vì đã xử lý các thông tin tối mật bằng cách sử dụng một máy chủ email cá nhân khi còn giữ chức Ngoại trưởng – nhưng những cuộc đấu đá nội bộ khó chịu trong đảng Cộng hòa có thể mang lại cho bà một lợi thế lớn vào tháng 11. Nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng việc đề cử Trump sẽ khiến họ mất cả Thượng viện và Nhà Trắng.

Với quá nhiều điều không chắc chắn, chính sách của Hoa Kỳ có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau trong những năm tới. Trong khi có rất nhiều sự chú ý dành cho các vấn đề nổi bật như tình trạng nhập cư và an ninh quốc gia, các cử tri Hoa Kỳ cũng cực kỳ quan tâm đến các vấn đề kinh tế – với những lo ngại rằng các ứng cử viên dẫn đầu sẽ giải quyết chúng theo những cách rất khác nhau.

Về thương mại, các ý tưởng của Trump là rất nguy hiểm và sẽ đảo ngược hàng thập kỷ tốt đẹp của tự do hóa thương mại dưới thời các lãnh đạo của cả hai đảng của Hoa Kỳ, khi áp dụng mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, chẳng hạn như từ Trung Quốc và Mexico. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác hầu như không thảo luận về chủ đề này. Trong đảng Dân chủ, Sanders thể hiện sự công kích đối với tự do thương mại. Clinton thì đã có một sự thay lòng đối với vấn đề này: Hiện nay bà phản đối dự án đường ống Keystone XL của Canada và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, điều mà bà đã từng ủng hộ khi còn là Ngoại trưởng. Nguy cơ về chiến tranh thương mại tuy còn thấp, nhưng đang gia tăng.

Clinton cũng đã nhích lại gần hơn quan điểm của Sanders về cải cách hệ thống tài chính, bởi các cuộc tấn công của Sander về việc bà đã nhận những món tiền ủng hộ lớn và các khoản thù lao khi phát biểu tại Phố Wall rõ ràng đã thu hút được sự chú ý của các cử tri trẻ tuổi. Đương đầu với những ông lớn trong giới ngân hàng đã là trọng tâm trong chiến dịch của Sanders; Clinton hiện nay cũng đang phần nào lặp lại các quan điểm chống ngân hàng theo hướng dân túy của Sanders. Đảng Dân chủ ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp, và đồng đô la yếu. Đảng Cộng hòa cũng phản đối các gói cứu trợ, nhưng quan ngại về chính sách tiền tệ quá nới lỏng và quyền tự quyết quá lớn của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bên ngoài những trường hợp khẩn cấp thực sự.

Những khác biệt này sẽ có tác động vô cùng sâu rộng. Bằng việc chỉ định một Chủ tịch Fed mới (hoặc bổ nhiệm lại Janet Yellen), và có thể là các thống đốc Fed khác, tổng thống kế tiếp sẽ mang lại ảnh hưởng gián tiếp lên lãi suất, tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính toàn cầu. Nếu áp lực lạm phát gia tăng – dù không có khả năng trong thời gian tới, nhưng sẽ có thể xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu khôi phục được sức mạnh – thì phản ứng của Fed sẽ là một yếu tố quyết định tới sự bình ổn kinh tế.

Các ứng cử viên cũng có quan điểm vô cùng khác nhau trong các kế hoạch về thuế và chi tiêu của họ – và do đó là các đề xuất về thâm hụt và nợ của họ. Sanders đang đề xuất khoảng 18 nghìn tỷ USD chi tiêu bổ sung trong thập niên tới để trang trải cho một hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, đầu tư cơ sở hạ tầng, và học phí “bằng không” (tức được thanh toán bởi người nộp thuế) tại các trường đại học công. Trong khoảng thời gian đó, ông sẽ áp đặt mức tăng thuế lên tới 6,5 nghìn tỷ USD, chủ yếu nhắm vào đối tượng “người giàu”. Cái bẫy ở đây là Đảng Dân chủ định nghĩa “người giàu” là các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 250.000 USD – tương đương mức lương khởi điểm của một cặp vợ chồng thành phố với công việc đầu tiên của họ sau khi tốt nghiệp trường luật. Mức thâm hụt 11,5 nghìn tỷ USD cuối cùng sẽ phải được trang trải bởi một mức tăng thuế khổng lồ trong tương lai. Bà Clinton cũng có những ưu tiên về chi tiêu và thuế tương tự, mặc dù với mức gia tăng nhỏ hơn.

Đảng Cộng hòa muốn giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân và mở rộng đối tượng nộp thuế. Họ sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp Hoa Kỳ – hiện cao nhất trong OECD – về một mức cạnh tranh hơn. Một số người còn kiến nghị thay thế các loại thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp hiện hành bằng một loại thuế tiêu thụ đồng mức. Đảng Cộng hòa sẽ làm chậm mức gia tăng chi tiêu trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, Trump đề xuất một gói cắt giảm thuế ngoại cỡ 10 nghìn tỷ USD và Cruz đề xuất mức cắt giảm khoảng 9 nghìn tỷ USD (con số tĩnh), còn Rubio và Kasich đã đưa ra những kế hoạch tài chính hợp lý hơn về mặt kinh tế và số học. Đương nhiên, các đề xuất trong chiến dịch chỉ phần nào mang tính nguyện vọng, và sẽ phải được đàm phán với Quốc hội.

Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng việc cắt giảm thuế có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn so với gia tăng chi tiêu, và cắt giảm chi tiêu có nhiều khả năng giúp củng cố ngân sách một cách hiệu quả hơn so với tăng thuế. Trong khi kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng tăng trưởng dựa trên hạn chế chi tiêu sẽ không dễ dàng, đặc biệt là với sự lão hóa của thế hệ hậu 1945 làm tăng cao các chi phí chăm sóc y tế và lương hưu, nhiều nước – trong đó có Canada, Anh Quốc, Thụy Điển, và thậm chí cả bản thân Hoa Kỳ – đã phải nỗ lực thực hiện điều đó trong những thập kỷ gần đây.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đối lập nhau một cách rõ ràng trong vấn đề cải cách các khoản chi cố định đang bùng nổ với các khoản nợ chưa có nguồn thanh toán lớn gấp nhiều lần tổng nợ quốc gia. Đảng Cộng hòa – ngoại trừ Trump, người từ chối “cắt giảm” an sinh xã hội trong tương lai – đề xuất sẽ làm chậm dần mức tăng, trong khi đảng Dân chủ đề xuất gia tăng các phúc lợi an sinh xã hội. Nhà lãnh đạo tiếp theo của thế giới tự do nên biết rằng khi một con tàu bắt đầu bị thủng đáy, ưu tiên hàng đầu phải là phải bịt chỗ thủng chứ không phải là tạo thêm một chỗ thủng mới.

Nhìn chung, các chính sách được đề xuất bởi Sanders và Clinton sẽ đưa nước Mỹ lại gần hơn với một nhà nước phúc lợi xã hội phong cách châu Âu. Nhưng, như Đảng Cộng hòa chỉ ra, tính trung bình, mức sống của Tây Âu thấp hơn 30% so với mức sống của Hoa Kỳ; Châu Âu cũng phải đối mặt với tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, và căng thẳng xã hội tăng cao. Đó là lý do tại sao các ứng cử viên đảng Cộng hòa – cho các vị trí tổng thống, nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện – muốn lật ngược chính sách gia tăng thuế và chi tiêu, cải cách y tế tốn kém, và điều tiết quá mức của Tổng thống Barack Obama.

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ. 

Copyright: Project Syndicate 2016 – The US Election and the Global Economy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]