Bất bình đẳng: Một lý do khác để Fed chưa nên tăng lãi suất

Print Friendly, PDF & Email

Phila Unemployment Project

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Fed up with the Fed”, Project Syndicate, 7/09/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cứ vào cuối tháng Tám hàng năm, thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà tài chính trên khắp thế giới lại hội ngộ tại Jackson Hole, Wyoming trong hội nghị chuyên đề về kinh tế của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Năm nay, họ được chào đón bởi một nhóm hầu hết là các bạn trẻ, trong đó nhiều người là người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha.

Nhóm người này không đến để biểu tình, mà để thông báo. Họ muốn cho những nhà hoạch định chính sách có mặt biết rằng những quyết định chính sách của họ sẽ ảnh hưởng tới cả người dân bình thường, chứ không chỉ tới các nhà tài chính, những người phải lo lắng về tác động của lạm phát tới giá trị của trái phiếu, hay lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các khoản đầu tư cổ phần của họ. Và chiếc áo phông xanh các bạn trẻ mặc được in một thông điệp rằng, đối với những công dân Mỹ này, thì chưa hề có sự phục hồi (kinh tế) nào hết.

Thậm chí tới nay, bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính đã châm ngòi cho cuộc Đại Suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp “chính thức” của những người Mỹ gốc Phi vẫn ở mức cao hơn 9%. Theo một định nghĩa rộng hơn (và hợp lý hơn), bao gồm những người làm thuê bán thời gian đang tìm việc làm toàn thời gian và những người được tuyển làm các công việc lặt vặt thu nhập thấp (marginally employed), thì tỷ lệ thất nghiệp trên toàn đất Mỹ là 10,3%. Thế nhưng, đối với những người Mỹ gốc Phi – đặc biệt là những người trẻ, con số lại cao hơn rất nhiều. Ví dụ, đối với những người Mỹ gốc Phi độ tuổi từ 17-20 vừa tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không đăng kí học đại học, thì tỷ lệ thất nghiệp là hơn 50%. “Khoảng cách việc làm” (job gap) – hay sự cách biệt giữa tình trạng việc làm hiện nay và tình trạng lý tưởng – là xấp xỉ ba triệu.

Với nhiều người thất nghiệp như vậy, áp lực giảm lương cũng được thể hiện cả trên những số liệu thống kê chính thức. Cho đến thời điểm này trong năm, mức lương thực của công nhân giảm gần 0,5%. Đây là một phần của xu hướng dài hạn giải thích vì sao thu nhập của một hộ gia đình trung bình lại thấp hơn so với một phần tư thế kỷ trước.

Việc không tăng lương cũng giúp giải thích vì sao những tuyên bố từ các quan chức Fed rằng nền kinh tế gần như đã trở lại bình thường lại vấp phải sự nhạo báng. Có lẽ điều đó chỉ đúng ở nơi mà các quan chức đang sống. Nhưng, với việc phần lớn số thu nhập tăng lên kể từ khi nền kinh tế Hoa Kỳ “hồi phục” bắt đầu chảy vào túi 1% số người giàu nhất, thì điều đó cũng không đúng với hầu hết mọi người dân. Những thanh niên ở Jackson Hole, đại diện cho một phong trào quốc gia mang một cái tên rất tự nhiên là “Fed Up”,[1] minh chứng cho điều đó.

Có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế sẽ vận hành tốt hơn với một thị trường lao động được thắt chặt và, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chỉ ra, tình trạng bất bình đẳng được giảm thiểu (thị trường lao động thắt chặt thường sẽ dẫn đến giảm thiểu bất bình đẳng). Tất nhiên, các nhà tài chính và giám đốc điều hành, những người phải trả 1.000 đô la để tham dự hội nghị ở Jackson Hole lại thấy khác: Lương thấp đồng nghĩa với lợi nhuận cao, và giảm lãi suất đồng nghĩa với tăng giá cổ phần.

Cục Dự trữ Liên bang phải đảm nhận một nhiệm vụ kép: thúc đẩy toàn dụng lao động và bình ổn giá. Fed đã trên cả thành công với nhiệm vụ thứ hai, một phần vì nó đã thất bại với nhiệm vụ đầu tiên. Vậy tại sao các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng Chín này của Fed?

Thường thì các lập luận ủng hộ việc tăng lãi suất cho rằng điều này là để xoa dịu một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, tình trạng mà khi đó áp lực lạm phát đã trở nên quá cao. Nhưng đây rõ ràng không phải là vấn đề hiện tại. Thực tế, với việc tiền lương trì trệ và đồng đô la mạnh, lạm phát vẫn duy trì tốt ở dưới mức mục tiêu 2% của Fed, chứ đừng nói đến con số 4% mà nhiều nhà kinh tế (gồm cả cựu kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Oliver Blanchard) đã nói tới.

Những người ủng hộ kiềm chế lạm phát lập luận rằng con rồng lạm phát[2] phải được tiêu diệt trước khi ta nhìn thấy lòng trắng mắt của nó:[3] nếu không hành động ngay thì một, hai năm nữa chúng ta sẽ bị nó thiêu hủy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện tại, lạm phát cao hơn có thể sẽ tốt cho nền kinh tế. Bởi vẫn chưa có nguy cơ cho thấy tăng trưởng kinh tế nóng xảy ra nhanh tới nỗi Fed không thể can thiệp kịp thời để ngăn chặn lạm phát quá đà. Dù áp lực lạm phát có trở nên trầm trọng ở tỉ lệ thất nghiệp nào đi nữa – một câu hỏi then chốt của các nhà hoạch định chính sách – thì chúng ta đều biết rằng tỉ lệ đó cũng thấp hơn nhiều so với con số hiện tại.

Khi Cục Dự trữ Liên bang tập trung quá nhiều vào vấn đề lạm phát, tình trạng bất bình đẳng sẽ trở nên tồi tệ hơn, và rồi nó sẽ kéo cả nền kinh tế đi xuống. Mức lương thường chững lại trong các cuộc suy thoái; nên mỗi lần có dấu hiệu tăng lương mà Fed lại nâng mức lãi suất (khiến giới chủ không muốn tăng lương nữa – NBT) thì thu nhập của người công nhân sẽ mãi giậm chân tại chỗ – không thể lấy lại phần thu nhập đã mất sau mỗi cuộc suy thoái.

Những lập luận ủng hộ việc tăng lãi suất không tập trung vào phúc lợi của người công nhân, mà của các nhà tài chính. Người ta lo lắng rằng trong một môi trường lãi suất thấp, việc các nhà tài chính tìm cách kiếm lời một cách bất hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng bóp méo ngành tài chính. Trong một nền kinh tế vận hành tốt, người ta đã có thể kỳ vọng rằng chi phí vốn thấp là nền tảng cho một sự tăng trưởng lành mạnh. Ở Mỹ, những người làm công đang bị yêu cầu phải hi sinh sinh kế và phúc lợi bản thân để bảo vệ những nhà tài chính giàu có khỏi hậu quả mà chính họ gây ra từ sự bất cẩn của mình.

Fed nên đồng thời kích thích nền kinh tế và chế ngự thị trường tài chính. Điều tiết tốt không còn có nghĩa chỉ là ngăn chặn những tác động xấu của ngành ngân hàng lên xã hội (dù Fed đã không làm tốt việc này trước cuộc khủng hoảng). Nó còn có nghĩa là lựa chọn và thi hành những quy định nhằm hạn chế dòng tiền đổ vào đầu cơ, và khích lệ vai trò mang tính xây dựng của ngành tài chính trong nền kinh tế bằng cách cấp vốn để thành lập nhiều công ty mới và hỗ trợ mở rộng những công ty đã thành công.

Tôi thường rất thông cảm cho các quan chức của Fed, bởi họ thường phải đưa ra những quyết định chính sách khó khăn trong một môi trường mà chẳng có gì là đảm bảo cả. Nhưng giờ đây, quyết định chẳng có gì là khó khăn cả. Trái lại, đó gần như là một quyết định dễ dàng: Giờ không phải là lúc thắt chặt tín dụng và kìm hãm nền kinh tế.

Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel Kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và từng là Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Quyển sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là quyển Xây dựng Xã hội Học tập: Phương pháp Mới để Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ Xã hội.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Fed up with the Fed

—————–

[1] Nghĩa là “chán ngấy”, chơi chữ với chữ Fed, viết tắt của Cục Dự trữ Liên bang (NBT).

[2] So sánh lạm phát với con rồng trong truyền thuyết, loài vật đã tàn phá xã hội Mỹ và bị Thánh George tiêu diệt (ND).

[3] Lấy ý từ câu nói nổi tiếng của người Mỹ: “Don’t fire till you see the whites of their eyes”, nghĩa là “Đừng bắn cho đến khi nhìn thấy lòng mắt trắng của địch”, ý nói đừng dùng súng lực khi địch chưa đến gần (ND).