Hệ lụy kinh tế – xã hội của giá dầu giảm

Print Friendly, PDF & Email

falling-oil-prices

Nguồn: Michael Meyer, “The Coming Wave of Oil Refugee”, Project Syndicate, 29/01/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hiền Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ý tưởng cho rằng sự giàu có nhờ vào dầu là một điều đáng nguyền rủa đã tồn tại từ lâu  – và có lẽ là không cần lời giải thích. Cứ vài thập niên, giá năng lượng tăng cao chót vót, khởi động cho một cuộc chiến tranh giành các nguồn dầu mới. Sau đó cung dần vượt cầu, và giá cả đột nhiên tụt dốc. Giá giảm càng nhiều và mạnh bao nhiêu, ảnh hưởng về mặt xã hội và địa chính trị càng lớn bấy nhiêu.

Lần giá dầu sụp đổ gần nhất diễn ra vào những năm 1980 – và điều này làm thay đổi thế giới. Là một thanh niên làm việc ở một khu vực khai thác dầu ở Texas vào mùa xuân năm 1980, tôi đã chứng kiến giá dầu thô chuẩn của Mĩ tăng cao đến mức 45 đô la một thùng, tương đương với 138 đô la ngày nay. Vào năm 1988, dầu được bán ở giá thấp hơn 9 đô la một thùng, và mất hơn một nửa giá chỉ trong năm 1986.

Các tài xế hưởng lợi khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, việc giá dầu giảm lại gây ra những tác động mang tính thảm hoạ – và không nơi nào chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là Liên Xô, đất nước có nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu dầu. Tỉ lệ tăng trưởng rớt xuống chỉ còn bằng một phần ba so với mức tăng trưởng vào những năm 1970. Khi Liên Xô yếu đi, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng, mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989 và toàn bộ hệ thống chủ nghĩa cộng sản ở Trung và Đông Âu. Hai năm sau đó, Liên Xô cũng không còn tồn tại.

Tương tự, giá dầu giảm ngày nay chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người. Những người lái xe sẽ vui mừng, thế nhưng nỗi đau sẽ là  rất lớn đối với nhiều người khác. Không kể đến sự rối loạn của thị trường tài chính thế giới, hay là sự sụp đổ của hệ thống sản xuất dầu khí đá phiến ở Hoa Kỳ và những hệ lụy cho sự độc lập năng lượng, nguy cơ thật sự nằm ở những đất nước phụ thuộc nặng nề vào dầu. Cũng như Liên Xô ngày xưa, hiểm hoạ về sự tan rã trong xã hội là rất lớn.

Châu Phi hạ Sahara hiển nhiên là tâm điểm của cuộc khủng hoảng do giá dầu giảm. Nigeria, nền kinh tế lớn nhất của vùng này, có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ. Sản xuất dầu đã đình trệ và tình trạng thất nghiệp lên đến đỉnh điểm. Các nhà đầu tư đã suy nghĩ lại về hàng tỉ đô la mà họ cam kết đầu tư. Tổng thống Muhammadu Buhari, người được bầu vào tháng Ba năm 2015, đã hứa sẽ dập tắt tham nhũng, kiềm chế tự do chi tiêu của giới tinh hoa, và mở rộng dịch vụ công cho những người rất nghèo vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số nước này. Bây giờ điều đó dường như là không thể.

Mới một năm trước đây, Angola, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai ở châu Phi, là con cưng của các nhà đầu tư toàn cầu. Những nhân viên người nước ngoài làm việc ở các toà tháp văn phòng  tại Luanda và sinh sống ở các khu dân cư đẹp đẽ gần đó phàn nàn rằng đây là đất nước đắt đỏ nhất thế giới. Ngày nay, nền kinh tế của Angola đang dần chững lại. Các công ty xây dựng không thể trả lương cho nhân viên của mình. Chính phủ thiếu tiền mặt phải cắt giảm những khoản trợ cấp mà phần đông người Angola phụ thuộc vào, khiến người dân dận giữ với cảm giác rằng thời kỳ giá dầu bùng nổ chỉ làm giàu cho giới thượng lưu, còn những người khác trở nên tồi tệ hơn. Khi giới thanh niên kêu gọi vị tổng thống đã nắm quyền từ năm 1979 cải cách chính trị, chính phủ đã tiến hành một cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ở phía bên kia của lục địa, Kenya và Uganda đang chứng kiến hy vọng trở thành quốc gia xuất khẩu dầu của mình bị tiêu tan. Chừng nào giá dầu vẫn ở mức thấp, sẽ không có một nỗ lực tìm kiếm nguồn dầu mới nào. Và số tiền đi vay để xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn phải được hoàn trả, cho dù lợi nhuận thu được từ dầu không bao giờ trở thành hiện thực. Tài trợ cho các chương trình xã hội ở đất nước này đã bị kéo giãn ra. Người dân thường đã nổi giận trước một chính phủ tham nhũng tìm mọi cách để bòn rút ngân sách. Chuyện gì sẽ xảy ra khi mà trong vài năm sắp tới, một phần lớn và ngày càng tăng lên của ngân sách quốc gia sẽ được dành để trả nợ nước ngoài thay vì đầu tư vào giáo dục và y tế?

Tình hình từ Bắc Phi cũng không kém phần ảm đạm. Hai năm trước đây, Ai Cập tin rằng những mỏ khí đốt lớn ở ngoài khơi được phát hiện sẽ xoa dịu mối đe dọa từ những thanh niên trẻ tuổi, thứ “thuốc nổ” đã kích hoạt Mùa xuân Ả-rập vào năm 2011. Giờ thì niềm tin đó không còn nữa. Tình hình càng thêm tồi tệ khi Ả Rập Xê-út, quốc gia đã tài trợ tiền cho chính phủ Ai Cập trong nhiều năm qua, cũng đang đối mặt với những nỗi lo về kinh tế của chính mình. Ngày nay, Vương quốc này đang cân nhắc về một điều mà trước đây tưởng chừng như là không thể tưởng tượng: bỏ mặc Ai Cập.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Libya đang gần như phát nổ. Nửa thập kỷ nội chiến đã để lại một dân tộc nghèo đói đang đánh nhau để tranh giành nguồn lợi từ dầu đang ngày càng cạn kiệt. Thức ăn và thuốc men trong tình trạng thiếu hụt vì những lãnh chúa đang nỗ lực giành giật những tài sản còn sót lại của quốc gia.

Những quốc gia này không chỉ phụ tuộc vào việc xuất khẩu dầu; họ còn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu. Khi mà thu ngân sách dần tiêu tan và tỉ giá lao dốc, chi phí sinh hoạt tăng cao, kéo theo sự gia tăng căng thẳng chính trị và xã hội. Châu Âu đang phải vật lộn để đón nhận những người tị nạn từ Trung Đông và Afghanistan. Nigeria, Ai Cập, Angola và Kenya là những quốc gia đông dân nhất của châu Phi. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người bị tước hết quyền công dân, giận dữ và nghèo đói này bắt đầu di chuyển về phương Bắc.

Michael Mayer, cựu giám đốc truyền thông của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, là Hiệu trưởng Trường Cao học về Thông tin và Truyền thông tại Đại học Aga Khan, Nairobi.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Coming Wave of Oil Refugee
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]