Brexit sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính – tiền tệ?

Print Friendly, PDF & Email

20160305_fnp502

Nguồn: Harold James,”Will Brexit break the pound?”, Project Syndicate, 01/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tuyên bố gần đây của chính phủ Anh rằng một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 đã nhanh chóng gây ra sự sụt giảm đáng kể giá trị đồng bảng Anh. Biến động tỷ giá đồng bảng sẽ tiếp tục diễn ra cho đến trước cuộc trưng cầu dân ý, và càng mạnh mẽ hơn tại những thời điểm khi việc bỏ phiếu ủng hộ “Brexit” (Anh ra khỏi EU) có nhiều khả năng xảy ra. Kết quả có thể là một lời tiên đoán tự trở thành hiện thực mà trong đó bất ổn thị trường và chính trị càng khiến các cử tri Anh muốn từ bỏ EU – một kết quả cực kỳ nguy hiểm cho họ và cả những người dân châu Âu khác.

Những tác động chính trị này gợi nhớ tới trải nghiệm của thế kỷ 20, khi giá trị ngoại tệ của đồng bảng là nỗi ám ảnh quốc gia tại Anh và các cuộc khủng hoảng tiền tệ thường phá hủy uy tín của các chính phủ và gây tổn hại chính trị.

Ví dụ, vào tháng 8 năm 1931 – giữa cuộc Đại khủng hoảng – một cuộc khủng hoảng tài chính và bán tháo đồng bảng đã buộc chính phủ của Đảng Lao động được dẫn dắt bởi Thủ tướng Ramsay MacDonald phải từ nhiệm. Chính phủ này được thay thế bởi một chính phủ liên minh, và Đảng Lao động thì bị chia rẽ.

Năm 1967, một chính phủ Đảng Lao động khác, được dẫn dắt bởi Harold Wilson, bị phá hủy bởi sự phá giá đồng tiền gây nên bởi một vụ tấn công đầu cơ; đảng Lao động vì thế mà thua trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Đảng này giành lại quyền lực vào năm 1974, nhưng trong vòng 2 năm, nước Anh bị tấn công bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ khác – lần này đủ lớn để Anh phải yêu cầu sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một lần nữa, đảng Lao động thua cuộc tuyển cử tiếp theo và bị chia rẽ.

Những vấn đề về sự tín nhiệm như vậy không chỉ xảy ra với Đảng Lao động. Nó đã từng xảy ra dưới thời Đảng Bảo thủ của Thủ tướng John Major khi ngày “thứ Tư đen tối” năm 1992 xảy đến, đồng bảng Anh bị buộc rời khỏi Hệ thống Ngoại hối châu Âu, tiền thân của đồng Euro. Điều này đã làm tổn hại sâu sắc đến uy tín chính phủ. Mặc dù Đảng Bảo thủ xoay sở để có được chiến thắng sát sao trong cuộc bầu cử tiếp theo, rạn nứt nội bộ Đảng về vấn đề hội nhập châu Âu ngày càng sâu sắc, và đến cuối những năm 1990, Đảng Lao động đã trở lại nắm giữ quyền lực (và tiếp tục tại vị trong hơn một thập niên sau).

Tác động kinh tế của những cuộc khủng hoảng tiền tệ thế kỷ 20 của nước Anh ít trầm trọng hơn nhiều so với những ảnh hưởng chính trị. Trên thực tế, vụ phá giá tiền năm 1931 đã thiết lập một kỷ nguyên tiền có giá trị rẻ, điều làm cho nước Anh những năm 1930 trở thành một nơi ít tối tăm hơn so với một nước Anh theo đuổi các chính sách kinh tế chính thống theo bản vị vàng những năm 1920. Và sự phá giá đồng tiền năm 1992 dẫn đến một cách tiếp cận chính sách tiền tệ mới, bình ổn kinh tế vĩ mô tốt hơn và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Tuy vậy, ngày nay nền kinh tế nước Anh đang đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng. Các biến động tỉ giá hối đoái đặt ra một thử thách đáng kể trong ngắn hạn đối với chính sách tiền tệ, trong bối cảnh điều này có thể gây ra thay đổi giá cả dẫn đến lạm phát. Dù điều đó có vẻ không tồi tệ lắm do lạm phát hiện ở mức quá thấp (một phần là do giá dầu và giá hàng hóa giảm); nhưng dĩ nhiên rủi ro là lạm phát sẽ tăng vọt.

Nguy hiểm hơn là khả năng về bất ổn chính trị trong thời gian từ giờ tới cuộc trưng cầu dân ý sẽ làm nản lòng những người nước ngoài trong việc mua các tài sản của Anh – một vấn đề đáng kể với một quốc gia có thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai lớn như nước này. Viễn cảnh về những thiệt hại từ tỷ giá hối đoái sụt giảm sẽ là một cản trở khác, rất có thể sẽ đẩy Vương quốc Anh vào một vòng xoáy tiêu cực của sự suy giảm niềm tin. Trong trường hợp đó, sự điều chỉnh bắt buộc của cán cân tài khoản vãng lai sẽ đẩy nền kinh tế bước vào suy thoái.

Như trong thế kỷ 20, sự tan vỡ kinh tế này sẽ nhiều khả năng phá hủy uy tín của chính phủ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron. Câu hỏi ở đây là liệu điều đó có làm các cử tri quay lưng với chiến dịch ủng hộ Liên minh châu Âu của chính phủ, khiến họ lựa chọn Brexit hay không, hay sẽ khiến họ chống lại cuộc trưng cầu có tác động tiêu cực mà chính phủ đã đưa ra, và vì thế dẫn đến một kết quả ủng hộ châu Âu.

Hai lập luận đối nghịch nhau hiện đang được thử nghiệm. Những người tiếp tục ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu , bao gồm cả ông Cameron, nhấn mạnh rằng châu Âu (chứ không phải đồng tiền chung) là nguồn sức mạnh và ổn định cho nước Anh. Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit lập luận rằng nước Anh là vô cùng mạnh mẽ, với một thủ đô năng động nhất trên thế giới, và như Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã nói, đây là nơi tập trung lớn nhất “quyền lực mềm” của thế giới.

Nếu chỉ cần viễn cảnh một cuộc trưng cầu dân ý đã đủ để đẩy nước Anh vào tình trạng kinh tế nghiêm trọng, thì cả chính phủ đưa ra cuộc trưng cầu dân ý này lẫn nhóm vận động nhằm phóng đại tình hình đều trên thực tế đã bị mất tín nhiệm. Rủi ro ở đây là việc các cử tri Anh vốn giận dữ về các hành động gây tổn hại của chính phủ sẽ chấp nhận các tuyên bố sai lầm của nhóm ủng hộ Brexit rằng rời Liên minh châu Âu sẽ làm tái sinh sự năng động của nền kinh tế Anh.

Trong bất kỳ trường hợp nào thì Đảng Bảo thủ cũng sẽ chắc chắn đối mặt với sự xung đột nội bộ vốn đã hủy hoại đảng Lao động sau năm 1931 và một lần nữa sau 1976. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng đã chia rẽ sâu sắc mà không có khả năng hòa giải nào.

Đối với phần còn lại của châu Âu, bi kịch chính trị của nước Anh là nguồn cơn của sự thất vọng và cay đắng. Vào một thời điểm khi mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thử thách nghiêm trọng thì điều cuối cùng mà nó muốn gặp phải là những cuộc đàm phán bất tiện và kéo dài về việc thay đổi các điều khoản thành viên của nước Anh mà chính phủ ông Cameron đòi hỏi.

Không điều gì trong số nêu trên là dấu hiệu tốt cho cam kết của châu Âu nhằm giữ nước Anh ở lại với Liên minh. Cũng như một số chính trị gia châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp ủng hộ cho việc cắt bỏ “cái chi bị nhiễm trùng”, một số ngày càng lớn các chính trị gia có thể sẽ mất hết kiên nhẫn khi mà tình thế kinh tế của nước Anh ngày càng xấu đi.

Trên thực tế, bất chấp tác động gây bất ổn của Brexit, rất có thể rằng trong dài hạn châu Âu sẽ tốt hơn nếu không có nước Anh. Sau cùng, chính phủ Anh vừa đồng thời thừa nhận nhu cầu cần hội nhập tài khóa mạnh mẽ hơn, vừa vẫn tiếp tục kháng cự lại điều đó. Theo nghĩa này, Brexit có thể đem đến cho châu Âu cơ hội tiến hành một sự khởi đầu mới – một khởi đầu mà các nhà lãnh đạo châu Âu có thể cân nhắc để nắm bắt. Nhưng kết quả dễ xảy ra hơn của Brexit sẽ là sự lan rộng của khủng hoảng tài chính, với tất cả những âm hưởng chính trị của nó.

Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, Giáo sư Lịch sử tại Viện Đại học Châu Âu (EUI), Florence, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và về toàn cầu hóa, ông là tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Will Brexit break the pound?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]