Tác giả: Hồ Anh Hải
Tạp chí Văn Hóa Nghệ An bản điện tử ngày 18-9-2013 và bản in số 256 ngày 10-11-2013 liên tiếp đăng các ý kiến của GSTS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói về kinh tế thị trường và xã hội dân sự.
Ở ta, trước đây kinh tế thị trường (KTTTr) bị coi là đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản; còn hiện nay xã hội dân sự (XHDS, tiếng Anh civil society, còn gọi là xã hội công dân) vẫn bị coi là một đề tài “nhạy cảm”, vì thế hai bài nói trên được người đọc rất quan tâm và hoan nghênh. Sau đây, chúng tôi xin phép bàn thêm về các nội dung chính GS Trần Ngọc Hiên đã đề cập (trích nguyên văn):
Sự phát triển của hình thái KTTTr đã làm sụp đổ tất cả mọi chế độ chuyên chế, độc tài…Việc chuyển sang kinh tế thị trường và hình thành XHDS ở khu vực Đông Nam Á là bước ngoặt trong đời sống xã hội để khu vực này có thể phát triển theo xu hướng chung của thời đại… XHDS là kết quả tổng hợp của phát triển kinh tế, chính trị và văn hoá… Về lâu dài nó sẽ trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển, dù cho hiện nay nó tồn tại dưới thể chế chính trị, văn hoá nào cũng không né tránh được…Trong tình hình nước ta hiện nay, Đảng cộng sản rất cần XHDS.
Tác giả đã đánh giá đúng mối quan hệ biện chứng giữa KTTTr với dân chủ và XHDS; qua đó giúp chúng ta thêm niềm tin vào tính đúng đắn của sự lựa chọn thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế ở nước ta. Đây là bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo lạc hậu phát triển kinh tế theo cơ chế kế hoạch tập trung, chuyển sang quỹ đạo phát triển phù hợp xu thế chung của nhân loại. Thay đổi hạ tầng kiến trúc đã làm cho thượng tầng kiến trúc buộc phải thay đổi theo: bước ngoặt ấy chẳng những đem lại sự tăng trưởng chưa từng có về kinh tế, nâng cao rõ rệt mức sống của dân ta mà còn đổi mới toàn diện bộ mặt chính trị, xã hội nước ta. Đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Bước phát triển vượt bậc của đất nước ta trong 30 năm qua đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế .[1]
Tính tất yếu của XHDS
Thực tế lịch sử thế giới cho thấy đã có KTTTr thì ắt sẽ xuất hiện yêu cầu dân chủ, và khi đã có dân chủ thì tất nhiên sẽ từng bước hình thành XHDS; cả ba đều là xu hướng phát triển của thời đại mà tất cả các nước sớm muộn đều phải đi theo, nếu không muốn tụt hậu trong cuộc cạnh tranh sống còn trên toàn cầu. XHDS tại Đông Nam Á ra đời tương đối muộn là do hoàn cảnh lịch sử của khu vực này.
XHDS là kết quả tất nhiên của tiến trình thị trường hóa đời sống kinh tế và kèm theo là dân chủ hóa đời sống chính trị của xã hội loài người. Dân chủ là bà đỡ của XHDS và XHDS là người bảo vệ trung thành nhất của dân chủ; vì thế các chế độ độc tài đều căm ghét nó. Có thể khẳng định do XHDS đáp ứng toàn diện nhất yêu cầu dân làm chủ nên hình thái xã hội đó đã trở thành một tất yếu lịch sử cho tất cả các thể chế chính trị dân chủ tư sản hay dân chủ vô sản. Trong thực tế, XHDS đã, đang hoặc sẽ nối tiếp nhau hình thành trên khắp thế giới.
Khái niệm dân chủ đầu tiên xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp; khi ấy nền dân chủ chỉ dành cho tầng lớp chủ nô lệ chứ chưa phải là dân chủ toàn dân. Về sau, KTTTr phát triển dẫn đến sự ra đời giai cấp tư sản. Giai cấp này do muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ phong kiến nên đã dẫn đầu quần chúng làm cách mạng dân chủ tư sản. Sử gia Barrington Moore Jr. nói Không có giai cấp tư sản thì không có dân chủ. Giai cấp tư sản dùng chính quyền dân chủ để bảo vệ tài sản tư hữu của họ. Dân chủ là chính thể tốt nhất để bảo vệ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa này là cơ sở kinh tế của chính trị dân chủ. Karl Marx cho rằng chính thể dân chủ ấy chỉ là kẻ gác cổng cho giai cấp tư sản.
Sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chính quyền của các đảng cộng sản (ĐCS) chủ trương xây dựng nền dân chủ nhân dân “dân chủ gấp triệu lần chủ nghĩa tư bản”.
Lịch sử cho thấy thực hiện dân chủ đích thực là một sự nghiệp vô cùng khó khăn. Đó là do dân chủ luôn luôn mâu thuẫn với quyền lực, tức chính quyền cai trị; hoặc ít hoặc nhiều, người dân luôn luôn không hài lòng với chính quyên. Jefferson, tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ từng nói: Nhân dân có hai kẻ địch là tội ác và chính quyền.
Tổng kết lịch sử toàn nhân loại, các nhân vật tinh hoa đã rút ra một quy luật bất hủ: Quyền lực thì có xu hướng suy đồi và quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối. Tham nhũng là một biểu hiện suy đồi điển hình của quyền lực. Như vậy suy đồi là xu thế có tính bản năng của quyền lực, nhất là quyền lực tuyệt đối. Xưa nay các bậc hiền triết đều căm ghét quyền lực và mơ ước xây dựng được một xã hội không có quyền lực, tức xã hội tự quản (self-governing society). Nhiều nghìn năm trước, người Trung Quốc đã mơ về một xã hội đại đồng.
Các nhà tư tưởng như Plato (427-347 BC), Aristottle (384-322 BC), John Lock (1632-1704), J-J.Rousseau (1712-1778), Adam Ferguson (1723-1816), Immanuel Kant (1724-1804), G.W.F. Hegel (1770-1831), Karl Marx (1818-1883), Antonio Gramsci (1891-1937), Jürgen Habermas (1929-), Andrew Arato (1944-) v.v… đã có nhiều đóng góp vào quá trình hình thành ý tưởng xã hội tự quản, xã hội thị dân và XHDS.
Marx cho rằng sự phát triển dân chủ XHCN sẽ lôi cuốn tất cả mọi công dân tham gia quản lý xã hội, qua đó hình thành tự quản xã hội cộng sản — khi ấy nhà nước đã tiêu vong, các hội đoàn tự nguyện của quần chúng tự quản lý toàn bộ mọi hoạt động của xã hội. Đây là đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển khái niệm xã hội tự quản. Nhưng trong tình hình hiện nay và ít nhất vài thế kỷ nữa, một quốc gia mà bộ máy nhà nước bị tiêu vong thì không thể tồn tại giữa vô số quốc gia hãy còn bộ máy nhà nước. Như vậy muốn thực hiện lý tưởng của Marx thì toàn thế giới phải cùng lúc tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng điều đó không thể nào làm được, vì thế xã hội cộng sản chỉ là giấc mơ xa vời, và loài người chỉ có thể trông mong vào kiểu xã hội tự quản thấp hơn, đó là XHDS — hình thức tổ chức xã hội tốt nhất cho tới nay đã tìm được, thích hợp với mọi thể chế chính trị dân chủ.
Khái niệm và vai trò của XHDS
Từ lâu, vấn đề XHDS đã được các nhà lý luận chính trị trên thế giới nghiên cứu bàn thảo nhiều nhưng từ nửa cuối thập niên 1980 từ ngữ này mới được dùng phổ biến trong sách báo, vì thế ở đây cần nhắc lại sơ qua về XHDS.
Nói đơn giản thì XHDS là toàn bộ các tổ chức do công dân tự nguyện lập ra (viết tắt TCTN) nhằm bảo vệ lợi ích của mình và góp phần quản lý xã hội, như các tổ chức phi lợi nhuận (Non-profit organization, NPO), tổ chức phi chính quyền (còn gọi phi chính phủ, Non-government organization, NGO). Các TCTN đó hoạt động theo luật pháp và chịu trách nhiệm trước chính quyền. Nói cách khác, XHDS là toàn bộ lĩnh vực hoạt động ở bên ngoài gia đình, nhà nước và thị trường, nơi người dân liên kết nhau góp sức thúc đẩy những lợi ích chung của đất nước; là toàn bộ mối quan hệ tồn tại bên ngoài hệ thống chính trị và hệ thống kinh tế trong một quốc gia dân chủ và KTTTr. GS Trần Ngọc Hiên nói: XHDS có thể là các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội được tổ chức từ sự tự nguyện của các thành viên.
Khi ấy xã hội tổng thể chia làm 3 khu vực (mảng, khối, thành phần, lĩnh vực) tồn tại độc lập với nhau:
– xã hội chính trị (hệ thống chính trị hoạt động bằng tiền đóng thuế của dân; gồm hệ thống chính quyền nhà nước; ở ta còn có hệ thống đảng lãnh đạo và các đoàn thể của đảng);
– xã hội kinh tế (khối các doanh nghiệp, còn gọi là thị trường, hoạt động bằng kinh phí tự kiếm);
– xã hội dân sự (khối các TCTN của dân, hoạt động bằng kinh phí dân tự nguyện đóng góp).
Tương tự, GS Trần Ngọc Hiên nói XHDS là một chân trong cái kiềng ba chân là nhà nước – thị trường – XHDS. Phủ nhận XHDS tức chấp nhận cái kiềng hai chân. Liên Xô cũ và Trung Quốc trước đây thực hành chế độ hợp nhất chính trị và xã hội, khiến cho chiếc kiềng thiếu mất một chân. Thấy trước nguy cơ sụp đổ, Trung Quốc từ năm 1978 đã khôn ngoan từng bước tách rời chính trị với xã hội, đi theo xu hướng chung của thế giới, cho phép hình thành XHDS. Giới học giả Trung Quốc cho rằng có thể lấy năm 1978 làm cái mốc đánh dấu sự ra đời XHDS tại nước họ[2] — quốc gia XHCN lớn nhất thế giới hiện nay.
Trong bộ ba nói trên, XHDS có quyền lực vật chất nhỏ nhất. Các doanh nhân mù quáng chạy theo lợi nhuận ích kỷ thường móc ngoặc với những kẻ tham nhũng trong xã hội chính trị (cái gọi là liên kết quyền-tiền thường thấy) để kiếm chác lợi ích từ người dân. Bởi vậy chức năng chính của XHDS là bảo vệ lợi ích của dân chúng, muốn thế XHDS phải chống tham nhũng, chống liên kết quyền-tiền.
Một hệ thống quyền lực suy đồi tuyệt đối thì tất nhiên sẽ sụp đổ. Không ai mong muốn điều đó, vì trong thế giới hiện nay, một xã hội không có chính quyền cai trị (tức xã hội hoàn toàn tự quản) sẽ không thể tồn tại, thậm chí mất nước. Mọi hệ thống quyền lực dù là tư sản hay vô sản nếu muốn tồn tại lâu dài thì phải có cơ chế đề phòng suy thoái, ngăn ngừa khả năng chính quyền chỉ còn nằm trong tay một hoặc vài nhóm lợi ích. Hệ thống quyền lực cực kỳ hùng mạnh của nhà nước XHCN Liên Xô tự sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại cho thấy nội bộ ĐCS và chính quyền Xô Viết không thể đủ sức ngăn chặn sự suy đồi của quyền lực. Sức mạnh ngăn chặn phải đến từ bên ngoài, trước hết từ xã hội.
XHDS giữ vai trò quan trọng nhất trong cơ chế phòng ngừa sự suy thoái của quyền lực chính trị. Liên Xô cũ không có XHDS, vì thế nhà nước Xô Viết đã sụp đổ. Trong khi đó chính quyền Mỹ bị coi là đầy tớ của chủ nghĩa tư bản hơn 200 năm nay không bị lật đổ hoặc tự sụp đổ. Đó là do XHDS ở Mỹ rất mạnh, có thể ngăn chặn được nạn tham nhũng cùng sự suy thoái của chính quyền, vì thế chính quyền Mỹ thực sự cần và tôn trọng XHDS.
XHDS có tính chất của một xã hội tự quản trình độ cao, khi số đông dân chúng vừa làm chức năng bảo vệ lợi ích của mình vừa tham gia quản lý một số lĩnh vực công trong xã hội một cách có tổ chức thông qua các TCTN; việc tự quản lý đó không làm tiêu vong bộ máy nhà nước mà càng làm cho nó hoạt động hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Sự cần thiết của XHDS tại Việt Nam
Có người nói chúng ta đâu có thiếu gì các tổ chức của dân: nào là đoàn thanh niên, các hội phụ nữ, nông dân, công đoàn v.v… Nhưng các tổ chức đó không phải là tổ chức tự nguyện của dân, không hoạt động độc lập với khu vực xã hội chính trị và xã hội kinh tế; chúng được định nghĩa là các đoàn thể quần chúng của Đảng, hoạt động bằng kinh phí nhà nước cấp, có nhiệm vụ số một là bảo vệ chính quyền và đảng; vì thế thuộc vào khu vực xã hội chính trị. Các tổ chức này cũng bảo vệ lợi ích của dân, nhưng trước hết phải bảo vệ chính quyền, hoặc bảo vệ nhóm lợi ích nắm chính quyền.
Vừa qua khi chính quyền một số địa phương tiếp tay với các doanh nghiệp mù quáng chạy theo lợi nhuận mà tàn phá môi sinh, thu hồi đất sai quy định, gây thiệt hại về người và của cho dân chúng (các vụ chôn, thải chất ô nhiễm, khai thác cát sông và khoáng sản, thu hồi đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản v.v…), chẳng những chính quyền sở tại im lặng mà các đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên đều làm ngơ, khiến người dân phải tự tổ chức tụ tập ngăn chặn, canh gác, thậm chí dùng bạo lực chống lại doanh nghiệp, gây tình trạng đáng tiếc xáo trộn trật tự xã hội. Điều đó cho thấy các đoàn thể nói trên không phải là đoàn thể tự nguyện của dân.
Nếu chính quyền là của dân, do dân, vì dân tức chính quyền thực sự dân chủ, không độc tài chuyên chế thì hoàn toàn không có lý do sợ XHDS “diễn biến hòa bình, lật đổ chế độ”. Chẳng lẽ người dân lại lật đổ một chính quyền bảo vệ lợi ích cho họ ư? Ngược lại, XHDS ở ta càng mạnh sẽ càng góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCS đối với nhà nước và xã hội, vì chỉ có XHDS mới chống được tham nhũng, qua đó giúp Đảng luôn thực sự trong sạch vững mạnh — điều kiện tiên quyết để ĐCS giữ được vai trò lãnh đạo.
Trong tình hình hiện nay, ĐCS lại càng cần đến XHDS. Đó là tình hình suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao. Đáng lo hơn cả là tình hình nhân dân ngày càng mất lòng tin vào công cuộc chống tham nhũng và chấn chỉnh ĐCS. Hơn bao giờ hết, Đảng cần dựa vào sức dân, lòng dân. Vì thế GS Trần Ngọc Hiên nói “Trong tình hình nước ta hiện nay, Đảng cộng sản rất cần XHDS.”
Về thực chất, cải cách đổi mới ở Việt Nam là thị trường hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị, tiến trình đó tất nhiên dẫn tới sự hình thành XHDS. Vì thế XHDS là một tất yếu lịch sử ở nước ta, không ai có thể chống lại hoặc né tránh.
Điều 2 Hiến pháp 2013 nước ta quy định: Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân [chú ý: từ nhân dân được viết hoa]. Khái niệm “chính quyền của dân, do dân, vì dân” — tức chính quyền dân chủ đích thực, — do Tổng thống Mỹ Lincoln đầu tiên nêu ra năm 1863. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định: Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ.[3] Như vậy, trên các tuyên bố chính thức, nước ta đã đủ điều kiện kinh tế và chính trị để hình thành XHDS.
Thời gian qua các vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, tranh chấp, khiếu kiện giữa dân với dân, dân với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp, tình trạng sách nhiễu tham nhũng, các vụ oan sai thiệt cho dân v.v… nảy sinh ngày càng nhiều và phức tạp. Người dân hết kiên nhẫn ngày càng có xu hướng “tự xử” chứ không trông chờ chính quyền. Như vụ tự tổ chức canh gác không cho công ty nọ chôn hoặc tẩu tán thuốc trừ sâu. Có nơi dân vì bất mãn với cách giải quyết của chính quyền mà tụ tập tỏ ý phản đối, gây ách tắc giao thông, thậm chí hành hung cán bộ nhà nước v.v… Xu hướng tự phát, tự xử này nếu để tràn lan sẽ ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội, rõ ràng nên tìm cách ngăn chặn. Nếu người dân có thể thông qua các tổ chức tự nguyện của mình, tức thông qua XHDS để đề bàn bạc giải quyết với chính quyền thì sẽ tránh được tình trạng đó.
Không ai có thể phủ nhận ở Việt Nam đang hình thành XHDS, dù hãy còn trứng nước. Thời gian qua, hàng ngàn hội nghề nghiệp, hội đồng hương, hội người tiêu dùng v.v… đã được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhằm bênh vực quyền lợi của hội viên. Người dân một số nơi còn tự tổ chức các hành động tập thể ngăn chặn sự sai trái của cán bộ chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hám lợi. Phần lớn giới truyền thông nhà nước đều đứng về phía người dân, tố cáo các sai trái trong việc thu hồi đất, làm thủy điện nhỏ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường v.v… Các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng đã đóng vai trò rất lớn trong việc đưa tin phản ánh tình hình thực tế, tố giác tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tạo sức ép xã hội, giúp lãnh đạo biết và sửa được nhiều sai trái của cấp dưới.
Rồi đây, khi triển khai Hiến pháp 2013, cần phải thực hiện nhà nước pháp quyền, là nhà nước trong đó “người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” .[4] Quốc hội cần ban hành Luật biểu tình và Luật về hội. Người dân cần có quyền lập ra các tổ chức tự nguyện để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. “Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội “.[5] Nghĩa là mức độ tự quản xã hội sẽ được nâng cao, đó chính là bước tiến lên XHDS. Rõ ràng XHDS là điều không thể né tránh, không thể ngăn cấm.
Tóm lại XHDS cần cho dân, cũng cần cho đảng lãnh đạo; tiến tới XHDS là xu hướng tất yếu của thời đại, của mọi quốc gia dân chủ. Thấy trước điều đó để nghiên cứu đưa ra chính sách phát triển XHDS thích hợp là nhiệm vụ bức thiết của các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo cũng như giới học giả khoa học xã hội nước ta hiện nay, xin đừng để “nước đến chân mới nhảy”.
Xem thêm: Xã hội dân sự là gì?
——————
[1] Xem bài “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” của TT Nguyễn Tấn Dũng.
[2] Như trên.
[3] Như trên.
[4] Như trên.
[5] Như trên.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]