Đằng sau việc Anh muốn rời EU

Print Friendly, PDF & Email

brx

Nguồn: Noëlle Lenoir, “The Brexit Conspiracy”, Project Syndicate, 11/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khả năng Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu là không thể phủ nhận. Trong suốt nhiều thập niên, các chính trị gia Anh nổi tiếng đã thể hiện thái độ khinh thị đối với châu Âu; kết quả là, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (euroscepticism) ngày càng phát triển tại Anh. Vào ngày 23/6 tới, khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục là thành viên EU hay không, nhiều cử tri có thể không muốn bỏ phiếu để ở lại.

Một số yếu tố đã thúc đẩy Brexit (Anh muốn rời EU). Trước tiên là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Sau khi Anh phê chuẩn Hiệp ước Maastricht vào năm 1992, chính trị gia người Anh Nigel Farage đã rời Đảng Bảo thủ và lập nên Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UK Independence Party).

Kể từ đó, ông đã toàn tâm toàn ý đấu tranh cho việc Anh rời khỏi EU (dù vẫn tận dụng triệt để mọi đặc quyền của một thành viên Nghị viện châu Âu). Việc luận điệu chủ nghĩa dân tộc của ông có hiệu quả là bằng chứng cho thấy Anh không hề miễn nhiễm trước các nhà mị dân theo chủ nghĩa dân túy.

Một lý do khác khiến nỗi sợ EU (Europhobia) vẫn hằn sâu trong tâm trí người Anh chính là sự ám ảnh về EU mà các tờ báo – vốn có hàng triệu độc giả – gieo rắc. Ít có ai điên cuồng chống châu Âu hơn ông trùm truyền thông người Mỹ gốc Úc – Rupert Murdoch, chủ sở hữu một số tờ báo và kênh tin tức truyền hình tư nhân quan trọng nhất tại Anh. Trong cuốn sách Nước Anh sẽ rời châu Âu như thế nào (How Britain Will Leave Europe) của mình, cựu Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu Denis MacShane kể lại việc cựu Thủ tướng Tony Blair đã muốn trưng cầu dân ý về việc sử dụng đồng euro, nhưng rồi phải từ bỏ kế hoạch vì sợ rằng “bóng ma Rupert Murdoch” sẽ dùng đế chế truyền thông của mình vận động chống lại kế hoạch đó.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng di cư mang tính thời đại của châu Âu cũng gây khó khăn cho những người ủng hộ ở lại EU. Farage đã sớm cảnh báo rằng “cuộc khủng hoảng di cư của chúng ta sẽ tồi tệ hơn” nếu Anh còn ở lại trong Liên minh. Ông cũng lập luận rằng người dân Anh sẽ dễ bị tấn công khủng bố nếu Anh không “rời khỏi EU và lấy lại quyền kiểm soát biên giới”. (Đối với Pháp, nước đang chật vật trong việc thay Anh kiểm soát biên giới tại Calais, đây là yếu tố khiến Brexit trở nên hấp dẫn.)

Thật ra, nhiều người Anh đã hoài nghi về châu Âu kể từ khi ý tưởng thống nhất được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1950. Nhưng những người vận động cho Brexit bỏ qua thực tế rằng châu Âu đã trở thành một thị trường thực sự tự do, điều mà Anh luôn mong muốn, và rằng Anh là một trong số ít các thành viên EU không hạn chế sự nhập cư của người lao động sau khi EU mở rộng về phía đông vào năm 2004.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý phụ thuộc phần lớn vào khả năng thuyết phục cử tri của Thủ tướng David Cameron, rằng Anh cần phải ở lại trong EU. Nhượng bộ dễ thấy nhất mà ông đạt được trong cuộc đàm phán với 27 thành viên còn lại của EU là một thỏa thuận hạn chế các phúc lợi xã hội cho công dân sống ở nước ngoài. Ông cũng đồng ý với một hiệp ước dạng “bất tương xâm” với khu vực đồng euro, trong đó cam kết tôn trọng “quyền và thẩm quyền  của những thành viên không tham gia [khu vực đồng euro]” để đổi lấy một lời hứa rằng Anh sẽ không phản đối việc tăng cường liên minh kinh tế và tiền tệ.

Nếu người dân chọn rời khỏi EU, việc thương lượng các điều khoản của Brexit có thể mất nhiều năm. Liệu Anh có thể tiếp tục được tiếp cận thị trường châu Âu – chiếm 45% xuất khẩu và 53% nhập khẩu của nước này trong năm 2014 – vẫn còn là một câu hỏi mở. Và nếu ngành công nghiệp tài chính của Anh giảm gắn kết với EU, vị trí trung tâm tài chính toàn cầu của London có thể cũng suy giảm. Douglas Flint, Chủ tịch HSBC, ngân hàng cho vay lớn nhất của châu Âu, đã tuyên bố rằng ngân hàng của ông có quyền “chuyển nhân viên từ London sang Paris.”

Trong bài phát biểu nổi tiếng tại Đại học Zurich vào năm 1946, Winston Churchill kêu gọi thành lập một “Liên bang châu Âu” – nhưng không có nước Anh. “Trong công việc cấp bách này, Pháp và Đức phải cùng nhau lãnh đạo” – ông nói. “Vương quốc Anh, Khối Thịnh vượng Chung, nước Mỹ hùng mạnh, [và Liên Xô] phải là bạn bè và nhà tài trợ của một châu Âu mới và ủng hộ quyền tồn tại của tổ chức này.”

Ngày nay, người Anh không hề ủng hộ quyền tồn tại của châu Âu, mà lại đang gây nguy hiểm cho điều đó. Và, khi làm như vậy, họ cũng đang đặt nền kinh tế của chính mình vào tình thế nguy hiểm lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Trong bối cảnh châu Âu lục địa đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn nhất trong hơn một thế hệ, thì cả châu Âu lẫn Anh cũng không thể chịu được một sự tự hủy hoại như vậy.

Noelle Lenoir, cựu Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp, hiện là Chủ tịch Viện Châu Âu tại trường Hautes Etudes de Commerce ở Paris, và là nhà sáng lập và Chủ tịch Viện chính sách Cercle des Européens.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Brexit Conspiracy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]