Nguồn: “What Carinals do”, The Economist, 19/02/2014.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đức Giáo Hoàng Francis sẽ thăng chức cho nhóm các Hồng y đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình vào ngày 22/2 (2014). 19 vị tân Hồng y sẽ tham gia cùng với 200 vị khác làm thành viên của Hồng y Đoàn. Họ sẽ mặc phẩm phục màu đỏ bao gồm một mũ sọ màu đỏ gọi là zucchetto và một mũ màu đỏ có bốn chóp gọi là biretta. Họ sẽ được gọi là “Đức Hồng y” và thường được mô tả như là các “hoàng tử của Giáo Hội.” Đây không phải là một lời nịnh nọt: Giáo Hoàng Urban VIII đã tuyên bố vào năm 1630 rằng cấp bậc thế tục của họ tương đương với một hoàng tử.
Những người đầu tiên được gọi là Hồng y, vào thế kỷ thứ 6, là các phó tế của bảy quận của Rome. Tước hiệu này sau này được ban cho những linh mục lâu năm nhất của các giáo xứ và các giám mục của bảy giáo phận xung quanh Rome. Rất lâu sau đó thì người ngoài nước Ý mới được ban tước hiệu và vị thế tương đương với các Hồng y của Rome. Ngày nay, các Hồng y thường bao gồm 3 nhóm: các Tổng giám mục của các giáo phận quan trọng trên thế giới, các quan chức cao cấp của Vatican, và các tu sĩ trí thức (và hiển nhiên là lớn tuổi) như là các nhà thần học. Nhằm tôn trọng nguồn gốc của chức vị này, các thành viên của Hồng y Đoàn được phân ra thành các Hồng y giám mục (cardinal-bishops), Hồng y linh mục (cardinal-priests), và Hồng y phó tế (cardinal deacons). Nhưng hệ thống thứ bậc này không có ý nghĩa nhiều trên thực tế trong việc bầu chọn Giáo Hoàng (và các Giáo Hoàng chỉ có thể được lựa chọn từ số các Hồng y). Đức Giáo Hoàng Francis từng là một Hồng y linh mục.
Cho dù các Hồng y quan trọng hơn các lãnh đạo Công giáo khác, các vị này có tước vị (title) hơn là cấp bậc (rank). Nhưng họ có hai trách nhiệm đặc biệt. Những vị dưới 80 tuổi được phép tham gia vào các cuộc bầu cử Giáo Hoàng, còn được gọi là Mật nghị Hồng y (Conclave). Và Hồng y ở mọi lứa tuổi được xem như là các cố vấn cho Giáo Hoàng, cho dù tầm quan trọng trên phương diện này ngày càng mang tính chất ngẫu nhiên. Vào thế kỷ 13, Giáo Hoàng Innocent III hội đàm với các Hồng y của ngài ba lần một tuần trong một cuộc gặp gọi là hội nghị Cơ mật viện (consistory). Gần đây hơn, các giáo hoàng thường tham khảo ý kiến của một số Hồng y (các vị này thường là thành viên của nội các Giáo Hoàng hay là Giáo triều Rome) hoặc các cá nhân khác, như là các thư ký của họ, những người thậm chí không phải là giám mục chứ chưa nói đến Hồng y.
Đức Giáo Hoàng Francis dường như đang hướng đến việc tham khảo một cách có hệ thống hơn với các Hồng y của ngài. Trong hai ngày trước ngày diễn ra nghi thức tấn phong các Hồng y mới, ngài sẽ tổ chức một hội nghị Cơ mật viện để lấy ý kiến của các Hồng y về vấn đề gia đình. Ngài cũng đã thành lập một ủy ban gồm 8 Hồng y với nhiệm vụ lập kế hoạch cải cách Giáo triều Rome. 7 trên 8 vị là Hồng y tổng giáo phận đến từ bên ngoài nước Ý. Được gọi là nhóm G8 của Giáo Hoàng, hội đồng mới thành lập này được xem như là một cách để vượt qua ảnh hưởng của những công chức Vatican chống cải cách và để cân bằng thế thống lĩnh của người Ý trong bộ máy hành chính cũng như Hồng y Đoàn.
Trong thời đại của Giáo Hoàng Benedict XVI, người có tư tưởng truyền thống, tỷ lệ Hồng y người Ý quay trở lại mức ở cuối thập niên 1970 (khi John Paul II lên ngôi – ND). Người kế nhiệm Benedict XVI đã bắt đầu cân bằng lại tỉ lệ này, với 14 trên 19 vị tân Hồng y đến từ ngoài nước Ý. Ngài muốn đảm bảo rằng cho dù họ xuất thân từ nước nào, việc họ được bổ nhiệm chức Hồng y không nên làm họ trở nên kiêu ngạo. Thực tế, ngài đã viết một lá thư gửi đến họ để nhắc nhở rằng việc được bổ nhiệm làm Hồng y “không phải là một sự thăng chức, một vinh dự hay là môt danh hiệu trang trí: đó đơn giản là một vai trò phục vụ đòi hỏi một tầm nhìn xa hơn và một tấm lòng rộng lớn hơn.”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]