Trung Quốc: Khủng hoảng niềm tin gây bất an xã hội

d43d7e14d473177427860f

Tác giả: Trương Hiền Lượng (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Vào thập niên 80 thế kỷ trước, nguyên Thủ tướng Anh Thatcher từng nói “Trung Quốc không thể trở thành nước lớn trên thế giới.” Vì sao vậy? Bà Thatcher nói: Vì Trung Quốc không có một ý thức hệ chính thống [nguyên văn chủ lưu ý thức hình thái] có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Xin chớ coi thường “Bà đầm thép” này, câu nói ấy của bà ta vừa sâu cay vừa trúng đích! Ý thức hệ chính thống của Trung Quốc hiện nay là gì?

Dường như chẳng ai nói được rành rọt điều đó. Ai nói ra miệng được rõ ràng thì hầu như lời nói lại khác với thực tế, lời nói và việc làm không thống nhất. [Chẳng hạn] nói Trung Quốc ta còn có “đấu tranh giai cấp” là thứ có thể xuất khẩu – nhưng đấy là chuyện ở thời đại Mao Trạch Đông. Thời “Cách mạng Văn hóa” chúng ta làm “Xuất khẩu cách mạng” tới mức ở Paris cũng xuất hiện “Hồng vệ binh làm phản” [nguyên văn tạo phản].

Bây giờ Trung Quốc ta có thứ văn hóa tư tưởng gì có thể xuất khẩu được nhỉ?

Khổng Tử! [Chúng ta] bỏ ra bao nhiêu tiền của xây dựng rõ nhiều “Học viện Khổng Tử” ở khắp các nước trên thế giới, [rốt cuộc chỉ] giúp người nước ngoài hưởng lợi: lẽ ra họ phải bỏ tiền mà học tiếng Trung Quốc, nhưng khi có Học viện Khổng Tử thì bọn họ vớ được nơi học không mất tiền.

Thực ra Khổng Tử chỉ là một đại biểu quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Văn hóa truyền thống Trung Hoa cao thâm tinh túy rộng lớn, một học thuyết Khổng-Mạnh chẳng thể bao quát được hết. Tác phẩm kinh điển cổ đại Trung Quốc được dịch ra ngoại ngữ sớm nhất là “Đạo đức kinh” của Lão Tử. Người nước ngoài đều cho rằng tư tưởng Lão-Trang là triết học, còn học thuyết Khổng-Mạnh chẳng qua chỉ là luân lý học mà thôi.

Cái chúng ta hiện nay đang thiếu là nơi quy y[1] lòng người. Đương nhiên bạn có thể nói tôi tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chủ nghĩa cộng sản là một loại hình thái xã hội xuất hiện sau bao nhiêu năm nữa, đúng như Marx nói, nó là kết quả tất nhiên của sức sản xuất đã phát triển cao. Chủ nghĩa cộng sản không phải là tín ngưỡng, mà là lý tưởng, nó đòi hỏi bạn phải phấn đấu thực hiện.

Nói tới tín ngưỡng thì tất phải là sự việc của “bờ bên kia”, khác với ý tưởng chính trị và lý tưởng xã hội hiện thực. Tín ngưỡng có độ sâu tinh thần sâu hơn.

Chúng ta hiện nay không những có “khủng hoảng tín ngưỡng”, “khủng hoảng niềm tin” mà ngay cả tín nhiệm cũng xảy ra khủng hoảng. Xã hội ngày nay phổ biến không có chữ tín. Cho nên phải xây dựng lại tín ngưỡng của chúng ta, xây dựng lại giá trị quan của con người. Đây là một vấn đề rất khó khăn mà chúng ta đang đối mặt.

Nếu chúng ta không thể xây dựng lại tín ngưỡng của mình, không thể cấu tạo nên hệ thống giá trị của chúng ta thì cho dù GDP của Trung Quốc có vượt Mỹ đi nữa thì Trung Quốc cũng sẽ không thể trở thành nước lớn trên thế giới.

Hãy xem về điện ảnh, những phim của Mỹ như “Năm 2012”, “Avatar”, tuy là những phim bom tấn thương mại nhưng bạn có thể phát hiện thấy chúng đều có nội hàm văn hóa, phản ánh chủ nghĩa anh hùng, ý thức bảo vệ môi trường, có một mối quan tâm nhân văn. Còn những phim bom tấn của chúng ta, người xem thấy hoa mắt chóng mặt đấy nhưng xem rồi chẳng để lại ấn tượng gì. Tuy các phim lớn của Trung Quốc có doanh thu phòng vé ngày càng cao nhưng đem ra nước ngoài thì ít người xem, rất khó xuất khẩu được phim ảnh. Vì sao thế? Vì phim ảnh của chúng ta thiếu những giá trị quan phổ quát mà khán giả các nước trên thế giới đều có thể tiếp thu!

Đây lại là một chuyện làm tôi cảm thấy khó xử. Tôi cho rằng trước hết chúng ta cần xây dựng lòng tin trong cái xã hội này, sao cho mọi người có thể tin vào chính quyền, tin vào tòa án, tin vào cơ quan thu thuế. Trên cơ sở mọi người tin cậy lẫn nhau mà xây dựng nên lòng tin; đã có niềm tin thì sẽ theo đuổi tín ngưỡng

Hiện nay về kinh tế, Trung Quốc đã xếp hạng thứ hai, có thể nói là một nước lớn kinh tế, thế nhưng “mức độ hạnh phúc” của dân chúng thì mới xếp thứ 126 trên toàn cầu. Sự chênh lệch này quá lớn!

Xin nói về vấn đề thu thuế, nghe nói GDP Trung Quốc trong nửa đầu năm 2010 tăng 10,8% mà thuế thu được lại tăng những 33%, tức tốc độ thu thuế vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều loại thuế nhất, thuế suất cao nhất thế giới. Tình trạng này đúng như cổ nhân nói “Trên dưới tranh nhau lợi lộc”, cộng thêm môi trường sinh thái văn hóa chính trị chưa được cải thiện khiến cho tinh thần mọi người phổ biến có sự lo sợ, ngờ vực. Đây là nhân tố bất ổn định lớn nhất của chúng ta.

Bởi thế tôi nói vấn đề lớn nhất chúng ta đang đối mặt là cấu tạo lại nền văn hóa, là làm theo lời Lenin nói “Thừa kế tất cả mọi thành quả văn minh của loài người”, trên cơ sở chỉnh lý lại truyền thống văn hóa Trung Hoa, hấp thu rộng rãi thành quả văn hóa toàn nhân loại đã sáng tạo và tích lũy được.

Tôi thường nói trên thế giới này, thứ thấp kém nhất là ở Mỹ, thứ cao thượng nhất cũng là ở Mỹ; cái tà ác nhất là ở Mỹ, cái thanh lịch nhất cũng là ở Mỹ. Người Mỹ rộng lòng tiếp nhận, không từ chối ai đến với họ. Còn chúng ta thì có thái độ cực kỳ thận trọng đối với văn hóa truyền thống vốn có của Trung Quốc cũng như với các loại văn hóa đến từ nước ngoài, chỉ e sợ văn hóa không tốt sẽ truyền nhiễm sang cơ thể chúng ta như một loại vi rut. Dĩ nhiên, tốt nhất là có thể ngay từ đầu ngăn chặn cái xấu, chọn lấy cái tốt, song đó chỉ là tình hình lý tưởng, trên thực tế không thể làm được điều đó mà kết quả thì ngược lại: cái xấu thì ta chẳng học cũng tự biết. Nhưng đó lại là tâm thái văn hóa chính thống trong thời kỳ chuyển tiếp của chúng ta. Trong một thời gian ngắn chúng ta còn chưa có thể thoát ra khỏi phương thức tư biện “họ Tư hay họ Xã”,[2] còn chưa thể hình thành được tấm lòng rộng mở có thể xứng đáng với danh hiệu “nước lớn”.

Tôi vẫn tràn đầy niềm tin đối với công việc xây dựng lại nền văn hóa Trung Quốc. Xu thế lớn tất nhiên là công cuộc cải cách thể chế chính trị và thể chế văn hóa đã bước đầu khởi động, môi trường văn hóa chính trị đã được cải thiện dần, độ tự do của mọi người được mở rộng chưa từng thấy. Trong hoàn cảnh sinh thái như vậy đã xuất hiện những nhà trí thức dám suy nghĩ độc lập, dám nói, đã hình thành mảnh đất xuất hiện các nhà văn hóa lớn [nguyên văn: văn hóa đại sư].

Trong lịch sử, bất kỳ thay đổi và tiến bộ nào đều do các phần tử tinh hoa dẫn đầu. Tôi dự đoán trong một tương lai không xa ở Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều phần tử tinh hoa trên các lĩnh vực.

Trương Hiền Lượng, 1936-2014, nhà văn TQ nổi tiếng, doanh nhân giàu có, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Nhà văn TQ. Tác phẩm chính:  Một nửa đàn ông là đàn bà, Linh hồn và thể xác… Bài trên là một đoạn trích từ bài nói chuyện của tác giả tại Diễn đàn văn hóa ở Hội thảo Lý luận thu thuế địa phương đô thị toàn quốc khóa 16 (công bố 9/9/2011).

Nguồn: 张贤亮: 信仰危机是社会浮躁的根源

————–

[1] Quy y: từ ngữ Phật giáo, nói đủ là Quy y Phật môn (nương nhờ cửa Phật), tức nghi thức được phép tín ngưỡng Phật giáo. Nơi quy y lòng người tức nơi gửi gắm niềm tin (ND).

[2] Ý nói một sự vật có tính chất chủ nghĩa tư bản hay là có tính chất chủ nghĩa xã hội (ND).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]