Tướng Lưu Á Châu bàn về chiến lược của TQ đối với Mỹ, Nhật, Đài Loan

Print Friendly, PDF & Email

Lược dịch và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành                                                                     

Bài dưới đây lược dịch từ tư liệu “Tướng quân Lưu Á Châu: Đại chiến lược 20 năm tới của Trung Quốc” trên báo “Trịnh Châu Tân văn nhân” (7/2005), được “Hoàn cầu Thời báo” đăng lại.

Mỹ không bỏ châu Âu mà chú trọng châu Á là để phòng bị trước

Trong sách “Bàn về miền Tây” tôi có viết: “Người Mỹ đã đến trước cửa Trung Quốc rồi!” Cửa đây là cửa sau của TQ – Trung Á.[1] Trọng tâm chiến lược của Mỹ vẫn chưa chuyển về phía Đông; trong một thời gian khá lâu nữa cũng chưa có dấu hiệu chuyển về phía Đông. [Lưu ý: bài này Lưu Á Châu viết năm 2005].

Đối thủ ở châu Á của Mỹ không phải là TQ, Mỹ chưa coi TQ là đối thủ bằng vai phải lứa.

Trung Á về địa lý ở vào trung tâm thế giới, đây mới là nơi Mỹ quan tâm nhất. Cho dù xảy ra chiến tranh vì vấn đề Đài Loan đòi độc lập và Mỹ tham chiến thì cũng không có nghĩa là Mỹ đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á. Trước sau bao giờ Mỹ cũng đặt trọng tâm chiến lược vào châu Âu. Đưa ra phán đoán này là vô cùng hữu dụng cho việc TQ duy trì “Cơ hội chiến lược 20 năm”.

TQ là một nước nghèo chiến lược, đó là do văn hoá và lịch sử của chúng ta gây ra. Trong lịch sử, TQ là một cường quốc thiếu mưu lược, do mạnh quá mà không cần mưu lược. Nhưng Mỹ thì khác, họ vừa mạnh lại vừa có chiến lược nên càng mạnh. Chúng ta còn lâu mới nhận rõ quá khứ mà đã vội vã đuổi theo tương lai; còn chưa biết vì sao vấp ngã mà đã hấp tấp đi gấp. Cái gì cũng có thể có sai lầm nhưng chiến lược thì không được sai; cái gì cũng có thể thua nhưng chiến lược không thể để thua. Thất bại về chiến lược là thất bại triệt để nhất.

Trong quãng thời gian từ mấy năm cuối thế kỷ 20 tới 4 năm đầu thế kỷ 21, thế giới về cơ bản không yên tĩnh. Đó là do Mỹ một tay gây ra. Nước Mỹ không bao giờ rảnh rỗi cả. Khi có kẻ địch thì đánh nhau với địch; khi không có kẻ địch thì “đánh” bản thân. Sau khi chiến tranh Iraq chấm dứt, cả thế giới đang nghiên cứu quân đội Mỹ còn nước Mỹ thì nghiên cứu chính mình. Mỹ là nước có nhiều hành vi tự phủ định nhất, quân đội Mỹ cũng tự phủ định mình nhiều nhất. Chính vì vậy họ mới có thể từ những chỗ không ngờ đi tới hấp thu được tư tưởng mới, thay đổi bản thân và qua đó mà thay đổi thế giới. Chúng ta muốn theo họ thì mãi mãi không theo kịp.

Lần chiến tranh vùng vịnh thứ nhất, quân đội Mỹ kết hợp không quân với lục quân. Trong chiến tranh Kosovo và Afghanistan họ lại chỉ đánh bằng không quân. Trong chiến tranh Iraq họ một lần nữa cho lục quân ra trận. Một hai sư đoàn lục quân tung hoành trên lưu vực Lưỡng Hà, hoàn thành việc chinh phục một quốc gia. Năm 2004 họ lại làm một cuộc tập trận quy mô chưa từng có gọi là “Mạch đập mùa hè 04” [Summer Pulse 04], cùng lúc huy động 7 tàu sân bay tập trận trên 5 đại dương, cuối cùng tập kết ở Thái Bình Dương. Phía trước tập trận thật, tiến hành tác chiến liên hợp trên mặt nước, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến liên hợp hải-không quân; phía sau tập trận biểu diễn, có tính chính trị, tập kết về Thái Bình Dương để ra oai cho thế giới xem, chủ yếu cho TQ, Đài Loan và Nhật Bản xem.

Có người dựa vào đó mà cho rằng trọng tâm chiến lược của Mỹ đã chuyển về phía Đông, tới Thái Bình Dương. Ngược lại, quân đội Mỹ chủ yếu muốn gây tác dụng răn đe với khu vực này. Vài năm trước có người khẳng định Mỹ đã chuyển chiến lược về phía Đông; kết quả Mỹ vẫn liên tục đánh nhau ở châu Âu và Trung Đông.

Nước Mỹ có chiến lược gọi là “Sức mạnh toàn cầu, có mặt khắp toàn cầu”. Châu Âu là trọng điểm chiến lược của Mỹ; điều đó được quyết định bởi nhân tố văn hoá. Trung Đông cũng là trọng điểm chiến lược của Mỹ, do nhân tố địa lý và dầu mỏ quyết định. Mỹ giải quyết xong chuyện ở châu Âu thì mới chú ý tới châu Á. Hồi Thế chiến II họ đã làm như thế.

Khi nào Mỹ còn theo đuổi mục tiêu bá chủ toàn cầu thì châu Âu vẫn là trọng tâm của họ, là điểm tựa cơ bản của họ. Nước Mỹ một chân đứng trên nước mình, tức châu Mỹ, một chân khác đứng ở châu Âu. Như vậy họ mới có thể giang hai tay che bầu trời thế giới. Châu Á không có điều kiện ấy, không nâng đỡ nổi cái dã tâm của Mỹ. Văn hoá Mỹ bắt nguồn từ châu Âu. Hiện nay châu Âu đều là bạn bè hoặc kẻ cộng tác với Mỹ. Còn ở châu Á thì tồn tại không ít thách thức. Không có châu Á, nhiều lắm cánh tay của Mỹ chỉ bị ngắn một chút nhưng Mỹ vẫn là anh cả thế giới. Không có châu Âu thì Mỹ gãy mất một chân, không còn là người khổng lồ nữa; thậm chí mất cả linh hồn. Cho nên Mỹ mãi mãi không bỏ châu Âu. Sự thực hôm nay là châu Âu về cơ bản sóng yên gió lặng, còn châu Á thì có thể xuất hiện hoả hoạn. Mỹ quan tâm châu Á là để chữa cháy; xét từ góc độ Mỹ, đó là để phòng bị trước.

Nếu xảy ra chiến tranh Đài Loan, Mỹ sẽ tập trung đánh vùng ven biển Trung Quốc

Cuộc tập trận Mạch đập mùa hè 04 phản ánh sự chuyển biến chiến lược của hải quân Mỹ. Mỗi cuộc tập trận của nước lớn thường có nhiều ngụ ý. Mục đích cuộc tập trận này là:

Thứ nhất, kiểm soát biển. Chiến tranh Iraq dẫn đến sự chuyển biến chiến lược hải quân Mỹ. Mỹ đã kiểm soát bầu trời, đánh gục Iraq xong lại kiểm soát trái tim của châu lục này. Bước sau họ sẽ kiểm soát biển. Cuộc tập trận này nhằm phát cho toàn thế giới tín hiệu: [Mỹ sẽ] “Toàn diện kiểm soát biển”. Thế giới có 16 tuyến hàng hải quan trọng, châu Á chiếm 5. Quân đội Mỹ muốn nắm toàn bộ 16 tuyến hàng hải này nhằm bảo đảm khi xảy ra chiến tranh có thể phong toả vận tải biển và lực lượng biển của các nước khác.

Thứ hai, tăng cường tính cơ động. Quân đội Mỹ cần có tốc độ cơ động tương ứng với chiến lược toàn cầu của họ. Cách đây ít lâu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld ra lệnh cho Lầu Năm Góc chuyển sang ý tưởng quân sự theo mô hình “10-30-30”; thực chất là: sau khi Chính phủ Mỹ quyết định tấn công nơi nào đó, trong vòng 10 ngày quân đội Mỹ phải chuyển sang sẵn sàng tác chiến và chuyển quân tới địa điểm dự kiến. Trong vòng 30 ngày phải đánh thắng kẻ địch. Trong vòng 30 ngày sau đó phải hoàn tất bố trí điều chỉnh quân đội và có thể tới bất cứ địa điểm mới nào trên toàn cầu để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu mới. Theo ý tưởng đó thì trong một năm quân đội Mỹ có thể liên tục đánh thắng 5 cuộc chiến tranh.

Thứ ba, chuẩn bị kịch bản cho một cuộc chiến tranh có thể xuất hiện. Do yếu tố Triều Tiên và Đài Loan độc lập mà khả năng xảy chiến sự ở vùng Tây Thái Bình Dương ngày càng lớn. Nếu có chuyện thì Mỹ sẽ nhúng tay, chủ yếu sử dụng lực lượng trên biển. Ít nhất là cho tới bây giờ Mỹ chưa có ý định làm một cuộc chiến toàn diện với TQ. Sau chiến tranh Iraq, hải quân Mỹ tổng kết cho rằng hệ thống hiện có của họ phản ứng chậm, không thể bảo đảm các biên đội tàu sân bay nhanh chóng tới vị trí. Nếu gặp địch thủ mạnh, Mỹ sẽ lực bất tòng tâm. Vì thế có thể phán đoán: khi nổ ra xung đột vùng Đài Loan thì Mỹ sẽ tập trung đánh vùng duyên hải TQ. Phần lớn cơ sở kinh tế TQ tập trung tại đây, đánh gục kinh tế thì sẽ đánh gục sức mạnh chiến tranh của TQ.

Đối thủ số một của Mỹ ở châu Á không phải là Trung Quốc mà là Nhật

Chiến lược châu Á của Mỹ là để người châu Á đánh người châu Á. Đối thủ số một của Mỹ tại châu Á không phải là TQ mà là Nhật.

60 năm trước, Mỹ đánh bại Nhật, đánh khá là gian truân, cuối cùng phải dựa vào vũ khí hạt nhân mới giải quyết được. Qua cuộc chiến ấy Mỹ thu hoạch được một điều : Nhật là kẻ địch vô cùng đáng sợ. Điều gì một quốc gia thể hiện trong chiến tranh thì cũng sẽ thể hiện trong hoà bình. Hãy xem kinh tế Nhật cất cánh sau chiến tranh là đủ rõ. Hiệu suất xã hội của họ cũng cao tới mức đáng sợ. Năm 1945 là đống đổ nát, thập niên 60 trình độ tương đương TQ; chưa đầy 20 năm Nhật đã bỏ TQ tụt lại sau một quãng xa và bám sát Mỹ. Nhưng Mỹ luôn luôn bóp họng nền kinh tế Nhật. Khi bắt đầu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, Nhật muốn ngóc lên, lúc ấy cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ, nhờ thế mới ngăn chặn được xu thế xốc tới của Nhật.

Mỹ biết rằng TQ là quốc gia coi trọng hình thái ý thức, thích cực đoan, giỏi nhất khoản tự hao tổn sức mình, hoặc gọi là tự hại, mất đoàn kết. Người Nhật thì có tính ngưng tụ đặc biệt mạnh. TQ như ông già, Nhật như thanh niên. TQ rệu rã uể oải, Nhật tràn đầy sức sống. Cho nên Mỹ luôn luôn khống chế chặt Nhật. Sự cảnh giác của Mỹ đối với Nhật lớn hơn nhiều sự cảnh giác với TQ. Vì sao Mỹ lập ra cho Nhật một bản hiến pháp hoà bình mãi mãi từ bỏ chiến tranh?[2] Đó là vì để sau này khi Mỹ bá chủ thế giới sẽ bớt được một đối thủ, thêm một kẻ hỗ trợ. Về cơ bản Mỹ đã đạt được mục đích ấy. Theo thiết kể của người Mỹ, ngày nay Nhật trở thành người khổng lồ kinh tế nhưng ngược lại vẫn là chú lùn về quân sự, nước nhỏ về chính trị. Dùng lời Shintaro Ishihara[3] nói: Mỹ thiến mất bộ tinh hoàn của Nhật, nước này chỉ có thể làm viên thái giám của Mỹ. Hiện nay Nhật thực sự là viên thái giám toàn cầu của Mỹ.  

Mỹ khống chế Nhật, ngăn Nhật phát triển, ở đây còn có vấn đề va chạm văn minh chủng tộc. Khi Nhật gây chiến tranh với Nga và gây chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật nêu khẩu hiệu đánh đuổi người da trắng. Nhật một mặt muốn “Thoát Á nhập Âu”, mặt khác lại muốn chiến đấu vì người da vàng. Tư tưởng ấy sao không chạm nọc người Mỹ?

Trong cuốn “Nhật Bản có thể nói Không”, Shintaro Ishihara nêu thắc mắc: Vì sao Mỹ không dùng bom nguyên tử với Đức mà lại dùng với Nhật.

Vấn đề này có hai đáp án. Thứ nhất, nhân tố chủng tộc. Lẽ tự nhiên nước Mỹ lấy châu Âu làm gốc của mình, họ có sự thân cận bản năng với châu Âu [cho nên không muốn diệt người thân cận về huyết thống với mình]. Thứ hai, Mỹ muốn dùng vũ khí hạt nhân để huỷ hoại tận gốc ý chí của Nhật, để từ đó trở đi Nhật thuận theo Mỹ.[4]

Hiểu được đoạn lịch sử ấy sẽ hiểu được tình cảnh của Nhật, có thể chạm tay vào “nỗi khổ” của người Nhật bị người Mỹ da trắng khống chế. Trước kia Nhật là anh cả châu Á, ngày nay là dân tộc duy nhất của châu Á bị người da trắng cưỡi trên đùi [nguyên văn: dưới háng], còn chưa được như Phillippines dám yêu cầu Mỹ rút quân; Nhật không dám.

Không chỉ khống chế mà Mỹ còn cải tạo Nhật. Lịch sử những năm 60 chứng tỏ qua việc thiết kế toàn bộ chế độ và vận hành chiến lược, như hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, thuyết Liên Xô xâm lược, thuyết TQ đe doạ, kế hoạch phòng ngự bằng tên lửa chiến thuật v.v.., Mỹ đã thực hiện được việc khống chế triệt để Nhật. Mỹ tuyệt nhiên không chủ động nới lỏng sự ràng buộc Nhật. Việc Nhật gửi niềm hy vọng trở thành một quốc gia bình thường vào sự ủng hộ của Mỹ là rất ấu trĩ. Nhật cử quân đội ra nước ngoài để lấy lòng Mỹ, lợi dụng sự ưng thuận ngầm của Mỹ để kín đáo tăng cường quân đội.[5] Nhưng càng làm thế thì Nhật càng xa rời mục tiêu của mình. Tuy sự cọ xát Nhật-TQ là tiền đề giành sự tín nhiệm của Mỹ, song trước sau Nhật chưa hiểu được ý đồ chiến lược của Mỹ đối với mình. Mỹ muốn biến Nhật thành một chú chó nghiệp vụ thay Mỹ canh chừng các đối thủ của Mỹ, trước kia là Liên Xô, nay là TQ. Nhưng TQ quá to đầu và gần đây có xu thế trỗi dậy cực mạnh, Mỹ thấy chỉ một chó nghiệp vụ Nhật là chưa đủ, vì thế nuôi thêm một chú chó Đài Loan độc lập. Hai chú chó này thay Mỹ canh chừng TQ.

Mỹ rất hiểu rằng chỉ có hai quốc gia có thể trở thành thách thức lớn nhất đối với nguyện vọng của Mỹ muốn yên ổn làm bá chủ ở châu Á, đó là TQ và Nhật; trong đó Nhật có khả năng hơn cả. Mỹ không coi trọng TQ nhưng lại coi trọng tiềm lực của TQ. Có tiềm lực ấy nhưng TQ mãi vẫn chưa biến nó thành hiện thực. Thực lực của Nhật thì là hiện thực, đó là sức mạnh kinh tế lớn. Trọng điểm chiến lược của Mỹ ở châu Á là khống chế chặt Nhật Bản đồng thời cảnh giác TQ. “Kẹp một, canh chừng một.” Có thể còn muốn “ăn một”. Ăn ai thế? Bắc Triều Tiên.

Mỹ có quá nhiều quân bài để chơi với Trung Quốc. Át chủ bài là Nhật

Chiến lược châu Á của Mỹ còn có một tầng nấc sâu hơn – đề phòng TQ-Nhật liên kết với nhau. Ai cũng cho rằng TQ-Nhật không thể làm thế nhưng người Mỹ thì cho rằng có thể. Khi xác định chiến lược người Mỹ bao giờ cũng có thể nhìn xa mười mấy bước, không chỉ nhìn thấy ngày kia ngày kìa mà còn xa hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy ngày mai đã là giỏi lắm. Khác biệt lớn nhất giữa TQ với Mỹ là khác biệt về tầng nấc suy nghĩ chiến lược. Mỹ suy nghĩ chuyện toàn cầu, cho nên nghĩ được xa hơn; chúng ta chỉ nghĩ chuyện khu vực, như thế về bố cục thì kém một nấc.

Mỹ biết rằng, trong tình hình hiện nay sức mạnh đơn độc của một trong hai nước TQ-Nhật đều không thể lay chuyển nổi địa vị của Mỹ tại châu Á; khả năng duy nhất là TQ và Nhật liên kết nhau. Nếu liên kết thì có thể hình thành Liên minh châu Á kiểu như EU. Đây không phải là chuyện viển vông. ASEAN là hình mẫu thu nhỏ của Liên minh châu Á trong tương lai. Châu Á có chung cơ sở văn hoá Nho giáo; căn cứ theo thuyết va chạm văn minh mà người Mỹ trước nay vẫn tin thì khi hình thành Liên minh châu Á, khẳng định người Mỹ sẽ bị xua đuổi trước tiên. Cho dù không thành lập Liên minh châu Á, chỉ dựa vào liên kết TQ-Nhật thì Mỹ vẫn bị thách thức nghiêm trọng. Mỹ sẽ rất khó đóng quân tại Hàn Quốc. Mất Đông Á, lại không giữ được Đông Nam Á thì Mỹ sẽ co lại trên toàn bộ Thái Bình Dương. Bản đồ thế lực toàn cầu của Mỹ sẽ thu hẹp một phần ba. Tại châu Á, Mỹ sẽ bị cho ra rìa; bố cục chính trị toàn cầu sẽ phải làm lại, thời đại thực sự đa cực sẽ đến. Rất rõ ràng, TQ-Nhật liên kết lại thì không những hai nước này hưởng lợi mà cả thế giới cũng có lợi, riêng Mỹ bị thiệt hại.

Rất nhiều người luôn cho rằng đối thủ duy nhất của Mỹ ở châu Á là TQ, vì thế Mỹ mới dùng Đài Loan để kiềm chế TQ. Nghĩ như thế về Mỹ là cách nghĩ đơn giản. Mỹ muốn để TQ và Nhật kiềm chế lẫn nhau, sau đó Mỹ kiềm chế riêng từng nước; nghĩa là lợi dụng Nhật để áp chế TQ, cũng lợi dụng TQ để áp chế Nhật Bản. Mỹ điều quân đội tới châu Á, trên danh nghĩa là giúp Đài Loan và doạ TQ, thực ra cũng có ý đồ đối phó Nhật. Mấy năm nay, Nhật tăng cường quân đội, rất nhiều người TQ lo ngại nói chủ nghĩa quân phiệt Nhật tái sinh, có lẽ Mỹ còn căng thẳng hơn TQ.

Nhưng vì sao Mỹ không ngăn Nhật tăng cường quân đội? Vì mức độ phát triển quân đội Nhật còn ở trong phạm vi Mỹ cho phép. Mỹ biết nhân tố Đài Loan chỉ có thể kéo dài tiến trình TQ trở thành cường quốc hiện đại, nhưng Nhật thì có thể phá hỏng tiến trình ấy.

Mỹ có quá nhiều con bài có thể chơi với TQ, còn TQ thì thiếu con bài tốt để chơi với Mỹ. Căn cứ theo tốc độ phát triển của TQ mà Mỹ bình tĩnh chơi bài. Hiện nay họ đang chơi con bài Đài Loan, vì sức mạnh TQ còn xa mới tới mức đe doạ nổi Mỹ. Tới trình độ nhất định nào đó thì Mỹ sẽ chơi con bài khác. Có thể là con bài Tân Cương, con bài dân tộc, cũng có thể là con bài Nhật.

Khi nào họ bắt đầu chơi con bài ấy thì ta phải đặc biệt cảnh giác. Nhật là con át chủ bài của họ. Mỹ gây nên sự tranh chấp giữa TQ với Nhật, trước tiên Mỹ tất sẽ ủng hộ Nhật, sau đó lại hạn chế Nhật. Với TQ thì ngược lại, trước tiên Mỹ đả kích có hạn chế, sau đó lại giúp, không để TQ hoàn toàn suy sụp. Kết quả cuối cùng cả TQ và Nhật đều bị tổn thất.  Mỹ sẽ không để một trong hai nước này xuất hiện kẻ thắng cuối cùng, họ muốn để cho TQ và Nhật cứ như hiện nay, tức là cắn chặt nhau, đời này qua đời khác làm trai cò giữ nhau, Mỹ mãi mãi làm ngư ông được lợi. Chỉ cần TQ và Nhật không thể vượt qua lịch sử và thù hận, hai nước này đều chẳng ai trở thành nước lớn thế giới, mãi mãi là quốc gia hạng hai ở châu Á.

Mỹ muốn Trung Quốc và Nhật gieo vạ lẫn nhau, như thế Mỹ càng nhởn nhơ tự tại

TQ-Nhật liên kết nhau, nói ra đơn giản, khi thực hiện đâu có dễ? Einstein từng nói: “Thế giới chúng ta hiện nay thiếu nhất là sự kết hợp thiện chí với sức mạnh.” Kẻ có sức mạnh thì không có thiện chí, kẻ có thiện chí thì không có sức mạnh. Nhật có sức mạnh nhưng không có thiện chí, TQ có thiện chí [?] lại thiếu sức mạnh. Hai nước không sáp lại với nhau được là tại Nhật. Có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, TQ và Nhật nếu hoà với nhau thì cùng có lợi, nếu thua [?] thì đều bị tổn thất; lịch sử đã chứng minh như vậy. Đáng tiếc là hiện nay Nhật dùng câu nói ấy làm ngôn ngữ ngoại giao. Vì sao nói Nhật không có con mắt chiến lược? Vì họ không nhìn thấy điều đó. TQ là nước có lòng bao dung rộng lớn, Nhật là nước tâm địa hẹp hòi. Một ví dụ tốt nhất là TQ không đòi Nhật trả khoản tiền bồi thường chiến tranh rất lớn.[6] Trong quan hệ giữa hai nước, TQ bao giờ cũng nhìn về phía trước, vì đó là lợi ích chiến lược căn bản của TQ. Ngày nay Nhật thi hành sách lược “viễn giao cận công” [giao kết với nước xa để đánh nước gần] của thời Chiến quốc TQ. Đây là một kiểu chiến lược tranh bá khu vực, không phải chiến lược tranh bá toàn cầu. Mỹ mong TQ cũng thi hành chiến lược gieo vạ cho hàng xóm như Nhật, như thế Mỹ càng nhởn nhơ tự do tự tại.

Thứ hai, Nhật Bản là nước từng có dã tâm thế giới, nhất là có dã tâm với TQ. Trong Thế chiến II khi Mỹ sắp đánh lên chính quốc Nhật, vẫn có người Nhật chủ trương bỏ chính quốc, tập trung lực lượng giữ lấy Mãn Châu trên đại lục TQ; qua đây có thể thấy nỗi lòng đại lục của người Nhật. Khi gây ra cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [chiến tranh Trung-Nhật xảy ra năm Giáp Ngọ, 1894], Nhật gọi cuộc chiến này là “đem vận nước ra đánh cược”. Đánh cược cái gì? Cược trong 100 năm sau đó TQ không cường thịnh lên được. Đại để họ đã cược đúng.

Không có nước Mỹ thì ngày nay Nhật còn ở lại trên đại lục. Nhưng Mỹ đã đánh bại Nhật, tương tự Nhật đánh bại TQ đời Mãn Thanh. Chẳng những thắng chiến tranh mà Mỹ còn dập tắt chí lớn làm đế quốc thế giới trăm năm của Nhật. Giống như người TQ luôn luôn bất giác hoài niệm Tần Hoàng Hán Đế, người Nhật cũng luôn luôn không quên đại đế quốc vừa biến mất của họ.

Người Nhật có ưu thế tâm lý lớn đối với người TQ, chưa bao giờ họ thừa nhận bị TQ đánh bại. Người Nhật nói: “Chúng tôi là con sói, bị nện hơn chục quả đấm và chết vì hai viên đạn.” Mười mấy cú đấm ấy là nói TQ, hai viên đạn là hai quả bom nguyên tử.[7] Một số người Nhật nói: Cho dù Thủ tướng Nhật không viếng đền Yasukuni,[8] người Hàn Quốc cũng không mua hàng của chúng tôi; cho dù Thủ tướng Nhật ngày nào cũng viếng đền Yasukuni, người TQ vẫn cứ mua hàng của chúng tôi như trước [ý nói người TQ kém yêu nước].

Người TQ cần phải tự phê bình. Mấy thế hệ lãnh đạo TQ đều có tư duy đúng đối với Nhật, nhưng trong dân gian thì ngược lại có một tình cảm thầm kín[9] lớn, không lành mạnh. Dân ta có tâm lý rất không cân bằng đối với Nhật, bởi lẽ TQ chưa từng đánh bại Nhật. Lòng tự tin của TQ đối với Mỹ được xây dựng trên cơ sở hai bên hoà nhau trong chiến tranh Triều Tiên, song với Nhật thì TQ không có sự tự tin ấy. Không tự tin gây nên sự căm giận. Căm giận dẫn đến mất lý trí. Mất lý trí gây nên mất tư thế. Trong hơn 100 năm qua, phần lớn thời gian ta tố cáo Nhật, thời gian còn lại thì ta quên lãng. Những ngày kỷ niệm 18 tháng 7, Mồng 7 tháng 7, Mồng 8 tháng 12, Mười ba tháng 8, — lịch sử thật tàn nhẫn, dùng nhiều ngày kỷ niệm thế để nhắc nhở chúng ta. Nhưng sau khi nhắc nhở thì ta làm gì? Ngoài chửi rủa ra lại vẫn chửi rủa, ngoài đối địch ra lại vẫn đối địch. Dường như chỉ đối địch với Nhật thì mới có thể đoàn kết tuyệt đại đa số người TQ thành một dân tộc Trung Hoa trên ý nghĩa nào đấy.

Trước các vấn đề lịch sử, TQ vừa phải chú trọng tính hiện thực, lại càng nên chú trọng tương lai. TQ và Nhật nên có tầm mắt rộng mở, đây không phải là sự lựa chọn tình cảm mà là sự lựa chọn lợi ích. Chiến tranh chống Nhật kết thúc đã 60 năm nhưng dân gian hai bên vẫn đầy thái độ thù địch với nhau. Chính sách của chính phủ không thể kìm nén được lòng dân; tình hình đó tự do phát triển, cộng thêm sự xúi bẩy của Mỹ, ai nói TQ-Nhật sẽ không lại đánh nhau? Thế hệ chúng ta nếu không giải quyết được vấn đề đánh hay không đánh thì chỉ có thể giải quyết vấn đề đánh thế nào mà thôi. Nếu quả thật như vậy thì rất là bất hạnh. Trước hết là sự bất hạnh của Nhật.

Một số nhân sĩ trong dân chúng bao giờ cũng phê bình Nhật không tự kiểm điểm [nguyên văn: phản tỉnh], vậy chúng ta có chỗ nào cần tự kiểm điểm hay không? Khi chiến tranh ập tới, khắp TQ đầy những nguỵ quân [Hán gian theo Nhật], điều đó không cần tự kiểm điểm ư? Khi chiến tranh chấm dứt, vì để đánh nội chiến [với cộng sản], Tưởng Giới Thạch huỷ bỏ việc đóng quân tại Nhật, điều ấy không cần tự kiểm điểm sao? Một sư đoàn lính Quốc Dân Đảng nộp súng đầu hàng 16 lính Nhật. Trong chiến tranh Giáp Ngọ, hải quân Nhật yêu cầu mỗi thuỷ binh của họ khi bỏ chạy tìm đường sống thì phải giữ phong độ, vì người Mãn Thanh sẽ chê cười, qua đó làm cả dân tộc Nhật xấu hổ. Một cụ già ở Thanh Đảo nhớ lại hồi chiến tranh chống Nhật, tất cả người TQ khi đi qua vọng gác của lính Nhật không ai không khúm núm xu nịnh. Thế mà sau khi Nhật đầu hàng, lính Nhật bị tước vũ khí xếp hàng đi qua đường, dân chúng TQ ra xem vây lấy nhổ nước bọt, ném đá, tiếng hò hét giết giết vang trời. Lính Nhật mặt mũi đầy nước bọt và vết máu không hề bị kích động vẫn giữ nguyên đội ngũ hành quân ngay ngắn chỉnh tề.

Hiện nay các ông chủ Nhật khi cảnh cáo nhân viên cấp dưới thường nói câu cửa miệng: “Chớ có lười như người TQ!” Một người Mỹ viết, tối tối từ tầng cao nhà chọc trời ở Tokyo nhìn xuống, các phòng ở tất cả các tầng vẫn sáng đèn, “Trước mỗi bàn làm việc vẫn có một người Nhật bận rộn làm việc.” Khi Thế vận hội Hiroshima bế mạc, 60 nghìn người ra về, trên sân vận động không còn một mẩu rác nào. Báo chí Mỹ kêu lên: “Người Nhật đáng sợ!” Quảng trường Thiên An Môn làm lễ kéo quốc kỳ, khi người xem ra về, khắp mặt đất giấy vụn bay tứ tung. Những điều đó không cần tự kiểm điểm hay sao?

Cũng như người Nhật, chúng ta là một dân tộc không thạo tự kiểm điểm. Hãy xem câu nói “Lạc hậu thì bị đánh” [lời Stalin nói năm 1931], câu này có sai, thế mà ta đã nói ngót 100 năm nay. Lạc hậu thì nhất định bị đánh ư? Thời Chiến tranh Thuốc phiện, GDP TQ đời nhà Thanh lớn nhất thế giới, đâu có lạc hậu. Thời chiến tranh Giáp Ngọ, hạm đội Bắc Dương [của nhà Thanh] không lạc hậu chút nào so với hạm đội liên hợp Nhật. Nên thêm từ “quan niệm” vào trước câu trên – Quan niệm lạc hậu thì sẽ bị người ta đánh.

TQ nên đặt chiến lược đối với Nhật vào trong bộ khung lớn chiến lược đối với Mỹ để suy nghĩ, đặt biện pháp xử lý tốt mối quan hệ với Nhật vào trong toàn cục chiến lược quốc gia để suy nghĩ. Sự lớn mạnh của Nhật tất sẽ làm cho Mỹ và Nga càng dựa vào TQ để kiềm chế Nhật, đây là xu thế ta có thể lợi dụng. Trên vấn đề Đài Loan, chớ nên không phân biệt gì cả đẩy Mỹ, Nhật, Đài Loan vào một chỗ, làm thế chính là trúng ý của phái đòi Đài Loan độc lập và của Mỹ. Trên mặt đối phó TQ thì Mỹ, Nhật và Đài Loan vừa có điểm chung lại vừa có điểm khác nhau. Ít nhất lợi ích quốc gia của Mỹ và Nhật có khác nhau. Ta không thể luôn luôn bị động đối phó với chiến lược liên minh của đối thủ mà cần chủ động hoá giải liên minh ấy.

Chiến tranh chưa chắc có thể tiêu diệt được phái Đài Loan độc lập, ngược lại có thể làm chúng mạnh hơn

Nhất định phải phân biệt khái niệm phái Đài Loan độc lập với khái niệm Đài Loan. Phái Đài Loan độc lập là kẻ địch của ta. Phần lớn đồng bào Đài Loan kể cả đông đảo sĩ quan và binh lính quân đội Đài Loan mãi mãi là anh em ruột thịt của chúng ta.

Vấn đề Đài Loan là cái đuôi còn lại sau cuộc nội chiến ở TQ. Năm 1949, Mao Trạch Đông dự định thừa thắng lấy ngay Đài Loan, nhưng thất bại của chiến dịch Kim Môn[10] đã thay đổi tiến trình lịch sử ấy. Tiếp đó nổ ra chiến tranh Triều Tiên; Mỹ can thiệp, hai bờ eo biển Đài Loan bị chia cắt thế là đã 55 năm. Khi Mao Trạch Đông qua đời, cáo phó của Trung ương Đảng CSTQ có câu: Kế thừa chí nguyện Chủ tịch Mao, chúng ta nhất định phải giải phóng Đài Loan. Từ “giải phóng” nay đã đổi thành từ “thống nhất”. Dù từ ngữ thay đổi ra sao vẫn phản ánh một trạng thái: cuộc nội chiến chưa chấm dứt.

Thực chất nội chiến là vấn đề Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản ai chính thống, ai hợp pháp đại diện TQ. Vấn đề phái Đài Loan độc lập sinh ra từ vấn đề Đài Loan, tính chất hoàn toàn khác với tính chất Quốc Dân Đảng. Phái này muốn tách Đài Loan ra đơn độc thành lập một quốc gia. Chúng không chỉ là kẻ địch của Đảng Cộng Sản TQ và Quân Giải phóng nhân dân mà còn là kẻ địch của toàn thể nhân dân TQ kể cả nhân dân Đài Loan. Nhưng các phần tử Đài Loan độc lập cũng là người TQ chứ không phải người Nhật hoặc người Mỹ. Bởi vậy cuộc đấu tranh giữa ta với phần tử Đài Loan độc lập vẫn là nội chiến.

Nội chiến là gì? Là việc trong nhà của dân tộc Trung Hoa chúng ta, không liên quan với các dân tộc khác. Nhưng mở mắt xem, ngày nay trên thế giới còn mấy dân tộc đánh nội chiến? Lẽ nào số phận dân tộc Trung Hoa nhất định là dân tộc nội đấu chăng? Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đều chủ trương hoà bình thống nhất. Đài Loan cũng vậy, đại lục cũng vậy, phát triển tới ngày nay đều không dễ dàng. Hai bên đều là người TQ, của nả hai bên đều là của nả của TQ, rốt cuộc chỉ là huynh đệ tương tàn.[11]

Vì sao nước Mỹ mạnh? Xem lịch sử của họ thì rõ. Trong 200 năm họ chỉ đánh nội chiến một lần; Nhật không đánh lần nào. TQ 200 năm đánh bao nhiêu lần nội chiến? Từ triều Thanh trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân như Thái Bình Thiên Quốc, Niệp Quân, Nghĩa Hoà Đoàn, Bạch Liên giáo, cho tới Vũ Xương Thủ Nghĩa, chiến tranh Hộ Quốc, hỗn chiến Bắc Dương quân phiệt, rồi đến chiến tranh Quốc Cộng, … nhiều không kể hết.

Vì sao TQ lạc hậu, vì sao TQ nhỏ yếu? Do đâu cả đến Nhật cũng dám có ý định diệt vong TQ? Tất cả đều là tại TQ liên tục nội chiến. Vào lúc các cường quốc toàn thế giới đều bắt nạt TQ, xâu xé dân tộc Trung Hoa tới mức thương tích đầy người mà người TQ vẫn còn thục mạng đánh lẫn nhau!  Có một bài viết về chuyện Ai phát minh ra câu nói “Người TQ không đánh người TQ”? Bối cảnh câu chuyện đó nhất định là nguyên cớ người TQ chỉ đánh người TQ. Nếu không tại sao chưa từng nghe nói những câu đại loại như “Người Nhật không đánh người Nhật” ?  Chúng ta coi phê phán Nhật là nhiệm vụ của mình, song cho dù toàn là khuyết điểm đi nữa thì Nhật cũng có một ưu điểm: họ đoàn kết. “Hoà” là bộ phận tổ thành quan trọng trong tinh thần người Nhật; họ tự gọi nước mình là “Đại Hoà”. “Hoà” là gì? Là đoàn kết.

Trong lịch sử, TQ hết lần này đến lần khác đánh mất cơ hội trở thành quốc gia lớn mạnh, một nguyên nhân rất quan trọng là nội chiến liên miên. Năm 1945 khi Thế chiến II kết thúc, toàn thế giới đều lo xây dựng, chỉ có TQ vẫn tiếp tục đánh nhau. Thời chiến tranh chống Nhật, Tưởng Giới Thạch bảo tồn thực lực, đến lúc này thì lại ra tay đánh lớn. Lần đánh nhau ấy đã đánh rớt mất cơ hội nghìn năm có một trong lịch sử chính trị TQ.

Hồi ấy Đảng CSTQ đưa ra kiến nghị lập chính phủ liên hợp. Chính phủ dân chủ chế độ hai đảng, đa đảng do Tôn Trung Sơn xây dựng bao nhiêu năm chưa thành, bấy giờ đã có điều kiện hoàn toàn chín muồi. ĐCSTQ có ý định chân thành. Mao Trạch Đông còn cử người đến Dương Châu [một thành phố ở miền trung tỉnh Giang Tô] khảo sát, chuẩn bị đặt Phủ Phó Tổng thống ở đấy, Mao Trạch Đông chuẩn bị làm Phó Tổng thống [Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống]. Lịch sử TQ mấy nghìn năm bấy giờ mới loé lên một tia sáng ban mai. Đó thực sự là cơ hội tốt lành để tái tạo lịch sử. Nước Mỹ đã xây dựng chính phủ liên hợp lấy chính thể dân chủ làm cơ sở vào lúc chấm dứt chiến tranh Nam Bắc. Nhưng Tưởng Giới Thạch từ chối kiến nghị của ĐCSTQ, gây ra nội chiến. Nội chiến đã trực tiếp dẫn đến cục diện giằng co ở eo biển Đài Loan.

Ngày nay, kẻ khăng khăng muốn đánh nội chiến là các phần tử đòi Đài Loan độc lập. Loại người như Trần Thuỷ Biển [lãnh tụ đảng Dân Tiến, Tổng thống Đài Loan hai nhiệm kỳ (2000-2008)] và Lã Tú Liên [nguyên phó tổng thống của Trần] từ lâu đã mất khả năng phân biệt sai đúng, chỉ biết dùng những lời giả dối đánh lừa nhân dân Đài Loan.

Xét từ tầng sâu, tính nội đấu của người TQ bắt nguồn từ xã hội tiểu nông thâm căn có đế mấy nghìn năm. Lý tưởng và quan niệm cao nhất của xã hội tiểu nông là đại nhất thống. Tâm nguyện lớn nhất của người nông dân là được làm chủ mảnh đất của mình. Trần Thuỷ Biển có tâm trạng này. Những kẻ thống trị TQ các triều đại trước đều trọng nông khinh thương, không chút nào coi trọng khế ước và pháp luật; cho nên tình trạng tồn tại của mọi người chỉ có thể xây dựng trên cơ sở hỗn chiến và tranh đấu. Hỗn chiến mới cần tới sự xuất hiện anh hùng thống nhất đất nước kiểu Tần Thuỷ Hoàng, tiến thêm bước nữa lại yêu cầu thống nhất tư tưởng. Một quốc gia không thể nào dùng khế ước để cùng tồn tại, chỉ có thể dùng vũ lực để thống nhất, là một quốc gia suy tàn bi thảm. Cổ Hy Lạp sinh ra triết học sâu sắc, pháp luật học và văn học song lại không sinh ra một bộ binh thư nào cả. Nhưng TQ từ xưa đã xuất hiện bao nhiêu binh thư?[12]

Vì sao Trần Thuỷ Biển xúi giục chiến tranh nội bộ dân tộc Trung Hoa mà lại gặp nhiều dễ dàng thuận lợi [ý nói Trần đắc cử Tổng thống 2 nhiệm kỳ liền]? Bởi vì dân tộc này thiếu lý trí. Lời cầu xin dân chủ càng mạnh mẽ thì thể hiện khí chất dân tộc càng ốm yếu. Lý tưởng của dân tộc trực tiếp ảnh hưởng tới phương châm ngoại giao, cho nên chính sách ngoại giao của dân tộc ta bao giờ cũng có nhiều thành phần tình cảm, ít thành phần lý trí; cứng rắn được coi là yêu nước, thoả hiệp trung dung thì bị coi là bán nước. Trong dân gian có xu hướng phát xít hoá.

Còn có một loại người hơi mạnh mẽ một chút, có lý trí cuồng nhiệt. Nhưng lý trí cuồng nhiệt vẫn là sự phủ định của bản thân lý trí. Trên mạng thường thấy những từ đại loại như “diệt hết”, “tắm máu”, “giết sạch”. Tôi nhớ lại lời Lỗ Tấn: “Phải chăng hai chữ đáng sợ ‘Diệt hết’ là từ ngữ loài người nên nói ư? Chỉ có hạng người như Trương Hiến Trung[13] mới có những chủ trương như vậy, cho tới nay vẫn bị loài người phỉ nhổ.” Lời Lỗ Tấn quả thật như nhằm vào ngôn luận máu lạnh của một số thanh niên ta ngày nay. Loại ngôn luận ấy không chỉ là tình cảm chủ nghĩa dân tộc mà qua đó có thể thấy thế hệ người TQ này thiếu sự giáo dục tình yêu, thiếu ý thức quan tâm tới đạo đức, dĩ nhiên họ càng thiếu hoài bão và tư duy cần có của một dân tộc lớn chín chắn. Mạch máu đâu phải là ống dẫn nước.[14]

Vấn đề Đài Loan độc lập và vấn đề Đài Loan thì khác nhau, cho nên không thể giải quyết bằng cùng một biện pháp, càng không thể dùng cùng một thời gian biểu. Vấn đề Đài Loan ta có thể chờ, xử lý tốt thì sẽ không có tính đối địch. Nhưng vấn đề Đài Loan độc lập thì không thể thoả hiệp. Phái Đài Loan độc lập là thế lực đối địch; đối với thế lực ấy ta chỉ có đả kích mà thôi. Hiện nay phái này đã giành được chính quyền vùng Đài Loan.[15] Vấn đề Đài Loan độc lập cần được giải quyết, không thể chờ, nhưng phải có biện pháp tốt. Nếu ta lập tức dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết thì sẽ gây ra nguy hại lớn hơn cho dân tộc Trung Hoa. Chiến tranh chưa chắc tiêu diệt được phái Đài Loan độc lập, ngược lại có thể làm cho phái này lớn mạnh hơn.

Thảm chiến tại Đài Loan chính là điều phái Đài Loan độc lập và Mỹ, Nhật mong muốn

Đặng Tiểu Bình đề xuất ý tưởng vĩ đại  “Một nước hai chế độ”. Ý tưởng này trước hết có tính chất hoà bình. Dòng chảy chính của thời đại ngày nay là hoà bình.

Tôi cho rằng lợi ích quốc gia lớn nhất của TQ hiện nay không phải là lập tức thống nhất đất nước, vì điều kiện chưa chín muồi, mà là phát triển và ngăn chặn Đài Loan độc lập. TQ là nước đang phát triển, cho nên chủ yếu phải phát triển. Mọi vấn đề rắc rối đều là do không phát triển gây ra. Phát triển và thống nhất đất nước là hai mục tiêu của quốc gia, không thể đồng thời cùng đạt được nhưng lại có thể đồng thời mất đi.

Chúng ta phải có sự lựa chọn đau khổ trong hai mục tiêu quốc gia này. Đời người có hai mục tiêu: một là đạt được cái mình muốn, hai là hưởng thụ cái mình đã có. Chỉ người thông minh mới thực hiện được mục tiêu thứ hai. Quốc gia cũng vậy. Xét từ ý nghĩa  này, Đài Loan không phải là lợi ích cốt lõi của TQ. Dĩ nhiên không dùng vũ lực không có nghĩa là không chống thế lực Đài Loan độc lập, nhưng phải tiến hành việc chống ấy trong sự phát triển quốc gia. Trong xử lý mối quan hệ thống nhất với phát triển có 3 lựa chọn: – giải quyết vấn đề thống nhất trước khi phát triển; – sau khi phát triển mới giải quyết vấn đề thống nhất; – giải quyết vấn đề thống nhất trong quá trình phát triển. Xuất phát từ lợi ích căn bản của sự phục hưng dân tộc, tất nhiên phải dùng lựa chọn thứ ba.

Tôi là một quân nhân, nhưng đối với chiến tranh tôi có lựa chọn. Tôi không còn muốn nhìn thấy nội bộ dân tộc ta nổ ra một cuộc chiến tranh thê thảm. Cuộc chiến ấy chính là điều mà phái Đài Loan độc lập và người Mỹ, người Nhật muốn thấy. Tôi không chủ trương tuỳ tiện dùng vũ lực với Đài Loan. Giải phóng Đài Loan là một trận nội chiến; nội chiến thắng lợi vẻ vang đến đâu cũng là sự tổn thất đối quốc gia và dân tộc. Trong chiến tranh giải phóng, Chủ tịch Mao đặc biệt chú ý điểm này, khi đánh các đô thị đều không cho dùng trọng pháo, chủ trương kêu gọi quân đội Quốc Dân Đảng khởi nghĩa, đầu hàng; tuyệt đối không lạm sát. Tất cả đều vì không muốn để vật lực tài lực quốc gia bị tổn thất quá lớn, hết sức giữ gìn nguyên khí dân tộc. Tôi không phủ nhận, quá trình chuẩn bị đấu tranh quân sự với Đài Loan trong 10 năm nay đã nâng cao cực lớn sức chiến đấu của quân đội ta. Nhưng có thể giả thiết nếu ta đồng thời xác định đối tượng tác chiến là biển Nam Trung Hoa [VN gọi là Biển Đông], đảo Điếu Ngư [tên tiếng Nhật là Senkaku, nơi TQ và Nhật tranh chấp chủ quyền], thậm chí nước láng giềng chiếm 90 nghìn km vuông đất của ta [ý nói Ấn Độ] thì phải chăng sẽ càng có lực ngưng tụ mạnh hơn đối với dân tộc ta?

Có thể nói, trong tình hình bình thường, cho dù dùng bất cứ phương thức nào, cuối cùng việc thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan là không thể tránh được, song phương thức thống nhất cũng nhất định là hoà bình, kết quả thống nhất nhất định là hai bên cùng thắng, không thể là kết quả bên này áp chế bên kia.

TQ và Mỹ là người lớn, Đài Loan là đứa trẻ. Người lớn chỉ đánh nhau vì chuyện của hai người lớn, rất khó đánh nhau vì chuyện trẻ con, hơn nữa hai người lớn ấy đều có súng. Trên thế giới chưa hề xảy ra chiến tranh giữa hai nước có vũ khí hạt nhân.

Có một sự thực ta cần thấy: một khi eo biển Đài Loan nổ ra chiến tranh, khẳng định Mỹ sẽ tham gia dưới hình thức nào đó. Chiến tranh giữa TQ với Mỹ là cuộc đọ sức giữa hai chế độ, dĩ nhiên điều đó không hợp trào lưu thời đại. Chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam cũng là đọ sức giữa hai chế độ nhưng sở dĩ không động đến lãnh thổ TQ là do có tác dụng răn đe chiến lược của siêu cường Liên Xô. Nay Liên Xô đã chết, ta mất chỗ dựa chiến lược trên phạm vi thế giới. Mỹ có thể sử dụng lực lượng xưa kia dùng đối phó toàn bộ phe XHCN để tập trung đối phó một nước XHCN. Hai cuộc chiến nói trên là chiến tranh với nước ngoài có người TQ tham gia, còn chiến tranh eo biển Đài Loan là chiến tranh giữa người TQ với nhau, là cuộc chiến chỉ thấy lợi ích trước mắt, quên hiểm họa sau lưng.[16] Sự kiện TQ đánh Đài Loan còn có thể lập tức biến thành cơ hội Mỹ dùng toàn bộ lực lượng để đối phó với kẻ địch chiến lược số một của họ.■

Lưu Á Châu (Liu Ya Zhou, 1952-), Ủy viên Trung ương ĐCSTQ khóa XVIII, Thượng tướng, Chính ủy ĐH Quốc phòng TQ (từ 12/2009), con rể nguyên phó Chủ tịch TQ Lý Tiên Niệm. 1968 vào bộ đội. 1975 tốt nghiệp tiếng Anh ĐH Vũ Hán. 8/1988 được phong quân hàm Thượng tá Không quân. 1993 – Đại tá. 1996 -Thiếu tướng. 2003 -Trung tướng. 2012 -Thượng tướng. Đầu 2017 xuất ngũ. Từng có nhiều phát biểu gây tiếng vang ở TQ; có dư luận cho là thân Mỹ.

————-

[1] Ý nói việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan từ 10/2001 để tìm diệt al-Qaeda, thủ phạm gây ra vụ 11/9/2001 ở Mỹ

[2] Hiến pháp này có hiệu lực từ 3/5/1947

[3] Đồng tác giả sách Nhật Bản có thể nói Không, xuất bản 1989

[4] Người dịch bổ sung: Đức đầu hàng từ 7/5/1945, đến 16/7/1945 Mỹ mới thử bom nguyên tử lần đầu, cho nên Mỹ không thể dùng bom nguyên tử đánh Đức

[5] Từ 11/2001 Nhật cho 3 tàu chiến đến Ấn Độ Dương giúp Mỹ chống khủng bố, chủ yếu cung cấp nhiên liệu và nước cho tàu chiến Mỹ

[6] Sau khi Nhật ký Hòa ước San Francisco (8/9/1951) với Mỹ và 48 nước phi cộng sản, Đài Loan với danh nghĩa Trung Hoa Dân quốc (giữ ghế TQ tại Liên Hợp Quốc) ký Hòa ước với Nhật, chủ động xóa bỏ yêu cầu đòi Nhật bồi thường. Vì thế khi lập lại quan hệ ngoại giao với Nhật, CHND Trung Hoa cũng không còn lý do đòi bồi thường chiến tranh.

[7] Chữ Hán “Đạn” còn có nghĩa là bom

[8] Nơi có thờ bài vị các tội phạm chiến tranh người Nhật trong Thế chiến II

[9] Nguyên văn: ám lưu, tức dòng chảy ngầm

[10] Trong trận đánh đảo Kim Môn (24/10/1949), hơn 9000 Quân Giải phóng TQ đổ bộ lên đảo bị tiêu diệt toàn bộ, TQ phải huỷ bỏ chiến dịch này; dù Kim Môn cách đại lục không quá 10 km.

[11] Nguyên văn: Đồng thất thao qua, tương tiên hà cấp; lấy tích từ Bài thơ 7 bước nổi tiếng của Tào Thực con út Tào Tháo: Cẳng đậu đun hạt đậu/ Hạt đậu khóc hu hu/ Anh em cùng một mẹ/ Nỡ hại nhau thế ru?

[12] Rất nhiều, nhất là đời nhà Tống tuy trọng văn khinh võ nhưng lại “sản xuất” nhiều binh thư nhất.

[13] 1606-1647, lãnh tụ nông dân khởi nghĩa, chiếm Tứ Xuyên, lập nước Đại Tây, tự xưng Đại Tây Vương.

[14] Một điều tra của mạng TQ cho thấy đa số dân mạng muốn đánh Việt Nam.

[15] Bài này viết năm 2005, khi Trần Thuỷ Biển đang là Tổng thống Đài Loan, sau đó Mã Anh Cửu trúng cử tổng thống và không chủ trương đòi Đài Loan độc lập.

[16] Nguyên văn: bọ ngựa bắt ve dưới cái nhìn của chim sẻ; ý nói chim sẻ sẽ mổ con bọ ngựa khi nó mải bắt ve.