02/04/1982: Argentina xâm lược Quần đảo Falkland

Falklands

Nguồn:Argentina invades Falklands,” History.com (truy cập ngày 01/04/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1982, Argentina xâm lược quần đảo Falkland, thuộc địa của Anh từ năm 1892 và thuộc sở hữu của Anh kể từ năm 1833. Các lực lượng đổ bộ của Argentina nhanh chóng vượt qua các đơn vị đồn trú quy mô nhỏ của lính thủy đánh bộ Anh ở thị trấn Stanley thuộc đảo Đông Falkland và đến ngày hôm sau thì chiếm đóng các lãnh thổ hải ngoại Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich. 1.800 người dân Quần đảo Falkland, chủ yếu là nông dân chăn cừu nói tiếng Anh, đã chờ đợi một phản ứng từ phía Anh.

Quần đảo Falkland, nằm ngoài khơi cách mũi phía Nam của Argentina khoảng 300 dặm, từ lâu đã được người Anh tuyên bố chủ quyền. Thủy thủ người Anh John Davis có thể đã thấy quần đảo này từ năm 1592, và đến năm 1690 Đại úy Hải quân Anh John Strong trở thành người đầu tiên được ghi nhận là đã đổ bộ lên quần đảo này.

Strong đặt tên cho quần đảo này theo tên của Tử tước Falkland, Đô đốc Hải quân Anh vào thời điểm đó. Trong năm 1764, thủy thủ người Pháp Louis-Antoine de Bougainville thành lập khu định cư đầu tiên của quần đảo, trên đảo Đông Falkland, đảo này sau đó bị Tây Ban Nha chiếm vào năm 1767. Năm 1765, người Anh định cư trên đảo Tây Falkland nhưng rời đi vào năm 1774 vì lý do kinh tế. Tây Ban Nha rời bỏ quần đảo vào năm 1811.

Năm 1816, Argentina tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và đến năm 1820 thì tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Falkland. Argentina đã xây dựng một pháo đài trên đảo Đông Falkland, nhưng đến năm 1832 nó bị tàu USS Lexington phá hủy để trả đũa việc Argentina bắt giữ các tàu thương mại của Hoa Kỳ trong khu vực. Năm 1833, một lực lượng quân đội Anh đã trục xuất các quan chức Argentina còn lại và bắt đầu một cuộc chiếm đóng quân sự. Năm 1841, một Phó Thống đốc Anh được bổ nhiệm phụ trách khu vực này, và đến những năm 1880 một cộng đồng Anh gồm khoảng 1.800 người trên đảo đã có thể sinh sống tự cung tự cấp. Năm 1892, Quần đảo Falkland được cấp địa vị thuộc địa.

Trong 90 năm sau đó, cuộc sống ở Falkland gần như không thay đổi, bất chấp nỗ lực ngoại giao dai dẳng của Argentina nhằm giành lại quyền kiểm soát quần đảo. Năm 1981, người dân Quần đảo Falkland bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để ở lại Anh, và dường như Falkland sẽ không bao giờ trở lại với chính quyền Argentina. Trong khi đó, ở Argentina, chính quyền quân sự của Trung tướng Leopoldo Galtieri lại bị chỉ trích vì chế độ áp bức và quản lý kinh tế, và nó đã lên kế hoạch xâm lược Falkland như một phương tiện để thúc đẩy lòng yêu nước và chống đỡ cho chế độ.

Tháng 3 năm 1982, các nhân viên cứu hộ Argentina đã chiếm đóng đảo Nam Georgia, và cuộc xâm lược toàn diện Quần đảo Falklands bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 4. Theo lệnh của chỉ huy, quân đội Argentina đã không gây thương vong cho người Anh, bất chấp những tổn thất cho đơn vị mình. Tuy nhiên, nước Anh đã nổi giận, và Thủ tướng Margaret Thatcher đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm hải quân gồm 30 tàu chiến để chiếm lại quần đảo. Do nước Anh nằm cách Quần đảo Falkland 8.000 dặm, phải mất vài tuần các tàu chiến Anh mới đến được đây. Đến ngày 25, đảo Nam Georgia được tái chiếm, và sau nhiều trận hải chiến khốc liệt xung quanh Falkland, quân đội Anh đã đổ bộ lên đảo Đông Falkland vào ngày 21 tháng 5. Sau nhiều tuần chiến đấu, các đơn vị đồn trú lớn của Argentina tại Stanley đầu hàng vào ngày 14 tháng 6, về cơ bản chấm dứt cuộc xung đột.

Anh mất năm tàu và 256 người trong cuộc chiến giành lại Falkland, và Argentina mất tàu tuần dương duy nhất của nước này cộng thêm 750 người thiệt mạng. Bị mất mặt trong Chiến tranh Falkland, quân đội Argentina cũng bị lật đổ khỏi chính quyền vào năm 1983, và chế độ dân sự được phục hồi. Ở Anh, sự ủng hộ của dân chúng dành cho Margaret Thatcher tăng vọt sau cuộc xung đột, và Đảng Bảo thủ của bà đã giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 1983.

Ảnh: Quân đội Anh ở cảng Stanley, Quần đảo Falkland, năm 1982. Nguồn: The Telegraph.

Xem thêm: Tranh chấp Anh – Argentina về quần đảo Falklands

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]