17/05/1990: Gorbachev gặp Thủ tướng Litva

Print Friendly, PDF & Email

458614586_XS

Nguồn:Gorbachev meets with Lithuanian prime minister,” History.com (truy cập ngày 16/5/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 17 tháng 5 năm 1990, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gặp Thủ tướng Litva Kazimira Prunskienė trong một nỗ lực để giải quyết những bất đồng phát sinh từ việc Litva tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô trước đó. Đối với Gorbachev, cuộc gặp mặt này là một bài kiểm tra kỹ năng và khả năng của ông trong việc duy trì đế chế Xô viết đang sụp đổ.

Litva trở thành một phần của Liên Xô trong suốt 50 năm sau khi bị Liên Xô chiếm giữ năm 1939. Năm 1989, Gorbachev công khai bác bỏ cái gọi là học thuyết Brezhnev. Học thuyết này – ra đời năm 1968 để biện minh cho sự can thiệp quân sự của Liên Xô nhằm dập tắt những cuộc biểu tình chống chính phủ ở Tiệp Khắc – cho phép Liên Xô sử dụng vũ lực để bảo vệ chính quyền cộng sản vốn đang tồn tại ở các quốc gia khác.

Việc Gorbachev không thừa nhận học thuyết Brezhnev rõ ràng là nhằm cải thiện quan hệ với các đồng minh ngày càng bất ổn của Liên Xô ở Đông Âu, nơi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống cộng sản đang nổi lên ngày một nhiều. Nhưng ở Litva, các nhà dân tộc chủ nghĩa chống Liên Xô đã hiểu tuyên bố của Gorbachev có nghĩa là người Nga sẽ không can thiệp vào bất cứ phong trào độc lập nào tại các nước cộng hòa thành viên. Ngày 11 tháng 3 năm 1990, Litva tuyên bố trở thành một nước cộng hòa độc lập.

Dĩ nhiên, Gorbachev không có ý định cho phép các nước cộng hòa của Liên Xô tự ý tách khỏi Liên bang. Ngày 17 tháng 5 năm 1990, Gorbachev đã gặp Thủ tướng Litva Kazimira Prunskienė tại Moskva để thảo luận tình hình. Bất chấp những thông cáo báo chí lạc quan về cuộc tọa đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Litva ngày càng tỏ rõ sẽ không rút lại tuyên bố độc lập của mình.

Sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa hành động quân sự, Liên Xô đã phát động một cuộc tấn công quân sự tổng lực nhằm vào Litva vào tháng 1 năm 1991. Tuy nhiên, nỗ lực của Liên Xô là vô ích. Tháng 12 năm 1991, 11 trong số 12 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (trong đó có Litva) tuyên bố độc lập và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. Vài tuần sau đó, Gorbachev từ chức tổng thống, Liên Xô sụp đổ.

Cuộc xung đột Liên Xô-Litva đã có tác động đáng kể đối với quan hệ Mỹ-Xô. Nhiều người ở Mỹ đã bàng hoàng trước sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào Litva hồi tháng 1 năm 1991. Quốc hội Mỹ nhanh chóng chấm dứt sự hỗ trợ kinh tế dành cho Liên Xô khi đó. Một số quan chức Mỹ cũng tin rằng những hành động của Liên Xô đã chỉ ra rằng bất chấp những lời hứa hẹn cải cách, Gorbachev vẫn ngày càng chịu sự kiểm soát của những nhân vật có đường lối cứng rắn trong chính phủ Liên Xô.