Nguồn: Pankaj Ghemawat & Thomas Hout, “Can China’s Companies Conquer the World?”, Foreign Affairs, March/April 2016.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Tại sao Trung Quốc khó vượt Mỹ về kinh tế?
Hạn chế của các công ty Trung Quốc
Trung Quốc là một nơi đặc biệt thú vị để theo dõi cuộc đối đầu giữa các công ty Trung Quốc và các công ty đa quốc gia nước ngoài, vì đó là thị trường lớn nhất thế giới cho hầu hết mọi sản phẩm cũng như vì tất cả các công ty lớn trên thế giới đều hoạt động tại đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong số 44 ngành đại diện được mở cửa với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đã thống trị 25, bao gồm ngành pin mặt trời, các thiết bị xây dựng, và trục cần cẩu di động. Nhưng trong tất cả 19 ngành các công ty nước ngoài dẫn đầu, công nghệ hay tiếp thị nắm vai trò hết sức quyết định đối với thành công.
Các công ty đa quốc gia nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc dẫn đầu 10 trong số 13 ngành có chi phí nghiên cứu và phát triển chiếm nhiều hơn 6% lợi nhuận, bao gồm máy bay phản lực, gói phần mềm, và thiết bị bán dẫn. Và các công ty nước ngoài dẫn đầu trong 4 trong số 6 ngành có chi phí quảng cáo nhiều hơn 6% doanh thu, bao gồm nước giải khát có ga, các sản phẩm y dược có bản quyền, các sản phầm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm.
Một điều quan trọng nữa về thị trường Trung Quốc đó là vị trí đứng đầu trong các ngành đã ít thay đổi suốt thập niên qua. Trong giai đoạn này, các công ty Trung Quốc chỉ có thể thay thế vị trí dẫn đầu của 2 trong số 44 các công ty nước ngoài nói trên: phần cứng Internet (bao gồm một phần của ngành viễn thông không dây) và tua bin gió. Và ở trường hợp thứ 2, chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm mất cân bằng sân chơi bằng việc giới hạn các nhà sản xuất nước ngoài tiếp cận thị trường này và bằng cách yêu cầu họ phải sử dụng nhiều bộ phận Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, ít bằng chứng ủng hộ quan điểm phổ biến rằng Trung Quốc là nhà xuất khẩu đứng đầu về các sản phẩm công nghệ cao. Mặc dù đúng là Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, nó chỉ chiếm nhiều nhất 15% giá trị của các sản phẩm trên. Đó là bởi các công ty Trung Quốc thông thường chỉ lắp ráp và đóng gói các thiết bị bán dẫn, phần mềm, máy ảnh, và các bộ phận công nghệ cao đã được sản xuất ở nước ngoài. Hãy lấy siêu máy tính Tianhe-2 làm ví dụ. Siêu máy tính này, được xây dựng bởi công ty Trung Quốc Inspur hợp tác với Đại Học Công nghệ Quốc phòng, là mạnh nhất thế giới. Nhưng nó chỉ là một sản phẩm của Trung Quốc trong một nghĩa rất hẹp, vì nó thật sự được tạo nên bởi hàng ngàn bộ vi xử lý chế tạo tại Mỹ.
Tìm cách bắt kịp
Sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây trong máy móc chế tạo và công nghệ cao dựa trên hai trụ cột: những hệ thống sáng tạo mở dẫn đến hiệu suất cao hơn và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những hoạt động mang tầm cỡ toàn cầu nhưng đáp ứng điều kiện và nhu cầu địa phương. Nếu muốn thách thức các công ty dẫn đầu trong những nghành này, các công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển được phiên bản của riêng họ mang những phẩm chất trên. Một số đã có những bước đầu theo hướng đó, nhưng sự thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng những hệ thống tiên tiến và quản lý các chuỗi cung ứng quốc tế có vẻ sẽ giới hạn những gì họ có thể làm trong nhiều năm nữa.
Công nghệ thương mại vượt trội đang được các doanh nghiệp nước ngoài hiện thời sử dụng sẽ là một trong những trở ngại chính mà Trung Quốc gặp phải. Trong năm 2014, Trung Quốc đã bỏ ra 218 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị bán dẫn, hơn nhiều so với mua dầu thô. Nước này cũng đã trả 21 tỷ USD phí bản quyền cho việc sử dụng các công nghệ nước ngoài, một con số đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008 và khiến Bắc Kinh phải đau đầu. (Điều này khó mà tránh được vì chính hệ thống thông tin của chính phủ cũng phụ thuộc vào công nghệ của IBM, Oracle, EMC, Qualcomm, và các công ty khác không phải của Trung Quốc, điều khiến nhiều quan chức Trung Quốc coi là một vấn đề an ninh.)
Năm ngoái, Bắc Kinh đã bắt đầu một cuộc vận động quan trọng, có tên “Made in China 2025,” nhằm biến đổi đất nước thành một “cường quốc chế tạo của thế giới” sáng tạo và có trách nhiệm với môi trường trong vòng 10 năm. Kế hoạch này đặt mục tiêu tạo ra 40 trung tâm sáng tạo trong mười lĩnh vực, bao gồm vận tải thông minh, công nghệ thông tin, và không gian vũ trụ. Nếu chính phủ thông qua, tổng chi tiêu công và tư của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển gần như chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ vào lúc nào đó trong khoảng 10 năm tới – một dấu mốc quan trọng dù có tính tới mức độ gian lận cao của các nghiên cứu Trung Quốc và thực tế rằng quỹ nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc thường xuyên được phân bổ sai lệch để phục vụ cho các mục đính chính trị. Sự gia tăng tài trợ nghiên cứu đã có luôn một hiệu ứng dễ thấy, các bài báo xuất bản bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nhận được nhiều sự tôn trọng hơn từ quốc tế. Tỉ trọng đóng góp của Trung Quốc vào số bài báo được tính chỉ số Science Citation Index của Thomson Reuters tăng lên từ xấp xỉ 0% năm 2001 lên tới 9.5% năm 2011, đưa nước này tới vị trí chỉ đứng sau Mỹ.
Nhưng chi phí cho R&D không phải là nhân tố duy nhất có ý nghĩa. Thành công trong máy móc chế tạo và các thiết bị công nghệ cao là kết quả của một chuỗi hỗ trợ về thể chế, xã hội, và luật pháp. Nằm ngay đầu chuỗi hỗ trợ này là những chương trình cử nhân chất lượng cao, một luồng thông tin mở thông qua hệ thống các tập san có bình duyệt, và những biện pháp bảo vệ bản quyền trí tuệ khả tín. Nằm cuối là những thiết kế sản phẩm tiên tiến, kỹ thuật sáng tạo, và sự cộng tác thường xuyên với các khách hàng quan trọng. Nước Mỹ vượt trội trong từng phần một của chuỗi hỗ trợ đó. Nước này tự hào về các chương trình cử nhân chất lượng cao của các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán) thu hút những sinh viên tốt nhất trên khắp thế giới, với hai nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. (Mặc cho nhiều người chú ý tới thực tế là có nhiều sinh viên Trung Quốc về nước sau khi nhận bằng tại Mỹ, các sinh viên STEM từ Trung Quốc lại thường thích ở lại Mỹ hơn là các cử nhân STEM từ bất cứ nơi nào khác.) Chi tiêu liên bang của Mỹ cho nghiên cứu phi quốc phòng đứng yên trong suốt 10 năm qua, nhưng những công ty Mỹ – tài trợ đến ba phần tư tổng R&D của Mỹ – lại tăng chi tiêu cho nghiên cứu của họ trung bình khoảng 3,5% hàng năm trong cùng khoảng thời gian. Các tạp chí khoa học Mỹ tạo ra một luồng phát kiến được bình duyệt đều đặn, và các nhà khoa học Mỹ – không giống với các đồng nghiệp Trung Quốc- có thể kiếm lợi từ bản quyền trí tuệ mà họ tạo ra trong các nghiên cứu được chính phủ cấp kinh phí. Rất nhiều các công ty đa quốc gia của Châu Âu và Nhật Bản đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc, nhưng mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cao ở Mỹ lại khiến họ đặt những dự án hứa hẹn nhất tại đó.
Để bắt kịp, Trung Quốc đang phát triển những trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp ở Thẩm Quyến và Khu Công nghiệp Khoa học Trung Quan Thôn của Bắc Kinh. Thẩm Quyến là bản doanh của một số công ty sáng tạo, như Huawei, Xiaomi, và DJI (nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu Trung Quốc). Nhưng hầu hết các công ty này tập trung vào việc tạo lợi nhuận nhanh, sáng tạo từ từ, chứ không phải vào các máy móc chế tạo đắt tiền hay các sản phẩm công nghệ cao.
Bỏ qua những sai sót lớn của Washington – ví dụ như thất bại trong việc gia tăng chi tiêu liên bang cho tài trợ nghiên cứu – không có một lý do nào để nghĩ rằng Mỹ sẽ mất vị thế công nghệ. Nhưng nếu công nghệ Mỹ dừng phát triển và các đối thủ Trung Quốc đuổi kịp, chi phí rẻ hơn của Trung Quốc sẽ cho phép nó chiếm thị phần. Đó là điều đã xảy ra trong trường hợp của các thiết bị được sử dụng trong nhà máy điện than: các công ty Trung Quốc bắt đầu bắt kịp các đối thủ phương Tây về chất lượng và sử dụng giá thấp hơn để trở thành những nhà lãnh đạo trong thị trường toàn cầu. Và kể cả nếu tiền lương Trung Quốc có tiếp tục tăng và đồng nhân dân tệ bắt đầu lên giá ở một vài thời điểm, Trung Quốc có vẻ sẽ không sớm mất lợi thế về giá cả. Vì vậy nếu Mỹ muốn tiếp tục ở phía trước, nước này phải tiếp tục chiến thắng trong công nghệ.
Một cường quốc cô độc
Một trong những chìa khóa dẫn đến sự thống trị kinh tế của Mỹ chính là nguồn đầu tư khổng lồ vào các thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp Mỹ bỏ hơn 337 tỷ USD vào các thị trường nước ngoài năm 2014, bằng 10% số họ bỏ ra trong nước. Tổng cộng, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hơn 6,3 nghìn tỷ USD ra nước ngoài, điều này giúp giải thích tại sao các công ty nằm trong danh sách S&P 500 lại kiếm được 40% lợi nhuận từ bên ngoài nước Mỹ. Dù phát triển chậm ở nước nhà, các công ty đặt tại Mỹ và Châu Âu đã gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức 7% hàng năm trong suốt mười năm qua, và các công ty Nhật đã tăng đầu tư ở một mức độ còn nhanh hơn nữa.
Sau một khởi đầu muộn màng, các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc giờ đang đi theo mô hình này. Tính đến cuối năm 2014, tổng cộng họ đã đầu tư 730 tỷ USD, và con số đó dự kiến sẽ tăng gần 3 lần, tới khoảng 2 nghìn tỷ USD, trong 5 năm tới – một sự gia tăng ấn tượng, dù con số này vẫn chỉ nhỏ hơn một phần ba số đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay của Mỹ. Gần như toàn bộ những đầu tư ban đầu ở nước ngoài của Trung Quốc đều nằm ở các giếng dầu và mỏ quặng, nhưng gần đây, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu vươn lên bậc thang giá trị bằng cách mua lại các công ty phương Tây có tiếng tăm hoặc bằng cách mua và phục hồi các nhà máy đang gặp khó khăn, một số trong số này nằm ở vùng Đông Bắc Mỹ. Trung Quốc đã đạt được 141 thỏa thuận (M&A) quốc tế trị giá hơn 1 tỷ USD và giờ là nước có nhiều tập đoàn đa quốc gia hơn bất cứ quốc gia nào trừ Mỹ.
Nhưng là một nước toàn cầu hóa muộn, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược đầu tư nước ngoài mạo hiểm hơn các quốc gia phương Tây. Mặc dù Australia và Mỹ là hai nước nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất, hơn một nửa lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc nhắm tới các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và Trung Đông. Quốc gia nào càng rủi ro thì người Trung Quốc có vẻ càng sẵn lòng bỏ tiền đầu tư. Ví dụ, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Afghanistan, Angola, và Ecuador – tất cả những nơi mà chiến tranh hay vỡ nợ đã xua đuổi hầu hết người phương Tây. Nhà khoa học chính trị David Shambaugh đã gắn cho Trung Quốc cái tên “một cường quốc cô độc,” không có các đồng minh thân cận, và những khoản đầu tư này, cùng với các dự án xây dựng hạ tầng sử dụng viện trợ và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thay đổi bức tranh đó.
Phương pháp này có thể sẽ có tác dụng. Nhưng trong thời gian trước mắt, các công ty đa quốc gia phương Tây đang là các nhà đầu tư chủ yếu ở các nước phát triển ổn định với thứ hạng tín dụng cao hơn và dân chủ hơn, và họ đang kiếm lợi như một hệ quả tất yếu. Trong năm 2014, cả EU và Nhật đã đầu tư nhiều hơn Trung Quốc vào Đông Nam Á, và chỉ riêng các công ty Mỹ đã đầu tư 114 tỷ USD chỉ riêng ở Châu Á (không tính Nhật Bản) và Châu Mỹ Latinh. Kết quả của chiến lược này dù những khoản đầu tư bạo dạn của Trung Quốc thu hút được khá nhiều sự chú ý, nhưng các công ty đa quốc gia về máy móc chế tạo và công nghệ cao của phương Tây và Nhật tiếp tục (dù ít phô trương hơn) mở rộng vị thế toàn cầu của mình lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Trung Quốc là một “người đi sau” kinh điển, đầu tư vào các tài sản nhiều rủi ro hơn và mua lại các công ty công nghệ hạng hai của phương Tây. Đây có thể là một cách tốt để đuổi kịp, nhưng đây không phải là con đường dẫn đến sự vượt trội.
Một mô hình Trung Quốc?
Những người tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ thống trị tương lai thường chỉ ra hai khái niệm kinh tế để củng cố cho quan điểm của họ: vòng đời của sản phẩm, cho rằng một sản phẩm được bắt nguồn từ các quốc gia tiên tiến nhưng rồi cuối cùng sẽ được sản xuất ở các nước đang phát triển giá rẻ hơn; và các sáng tạo mang tính lật đổ (disruptive innovation), quá trình mà các sản phẩm dẫn đầu mất vị trí về tay các sản phẩm thấp kém, rẻ tiền hơn vốn sẽ được cải tiến dần dần qua thời gian. Nhưng nhấn mạnh hai xu hướng này bỏ qua sự thật rằng các công ty đa quốc gia hiện thời có thể ngăn chặn các kết cục như vậy trong lĩnh vực máy móc chế tạo và công nghệ cao bằng cách xây dựng một hệ thống sản phẩm và chuỗi cung ứng ở các khu vực khác nhau và sau đó pha trộn và ghép nối chúng với nhau để phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau trên khắp địa cầu.
Hãy lấy ví dụ, Cummins, một nhà sản xuất động cơ diesel có trụ sở tại bang Indiana (Hoa Kỳ) vốn phát triển và chế tạo các sản phẩm với nhiều mức giá và đặc tính khác nhau ở Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, và Bắc Mỹ. Cummins chia sẻ vị trí dẫn đầu trong ngành động cơ diesel hiệu suất cao của Trung Quốc, nhưng mạng lưới sản xuất và R & D được rải khắp toàn cầu cho phép công ty này nhập nhiều động cơ vào Trung Quốc hơn là xuất ra. Những quy trình hoạt động toàn cầu như vậy đòi hỏi sự phối hợp xuyên biên giới, sự sâu sắc về chuyên môn ở nhiều địa điểm, và các nhà quản lý cấp trung với kinh nghiệm toàn cầu.
Ít công ty Trung Quốc nào có được những thuận lợi đó. Hầu hết các công ty Trung Quốc thích giữ việc sản xuất trong nước, sử dụng những phương thức tổ chức đơn giản, và duy trì quyền tự chủ cho người đứng đầu các bộ phận trong công ty. Mô hình đa quốc gia tối giản đó đã thành công rực rỡ trong sự bùng nổ giai đoạn đầu của Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, rất nhiều công ty Trung Quốc đã phải cố gắng để thích nghi với toàn cầu hóa. Tuy vậy cũng có những ngoại lệ: Ví dụ như Levono đã vượt qua Hewlett-Packard và Dell để trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới vào năm 2013 bằng cách dựa vào sự phân bố trách nhiệm quốc tế khác biệt, trong đó có việc từ bỏ một trụ sở truyền thống toàn cầu trong khi tập trung các chiến dịch marketing của công ty ở Bangalore, Ấn Độ.
Các nỗ lực không đồng đều của các công ty Trung Quốc nhằm thích nghi với thị trường toàn cầu có lẽ sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Trong lúc đó, Trung Quốc sẽ gia tăng số lượng các công ty lớn của mình, giống như các nền kinh tế lớn khác từng trải qua, nhưng một “mô hình Trung Quốc” độc đáo có vẻ sẽ không xuất hiện, và không có vẻ rằng mức độ thành công của nước này sẽ sớm cải thiện đáng kể.
Một chặng đường dài cho Trung Quốc
Những người ủng hộ quan điểm rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thống trị nền kinh tế toàn cầu thường coi Mỹ mạnh nhưng di chuyển chậm, do thị trường mở hỗn loạn và các bế tắc chính trị của nó, và thường coi Trung Quốc là một cường quốc đang lên rất nhanh, nhờ vào việc lập kế hoạch rõ ràng và các chiến lược thông minh. Nhưng cách nhìn đơn giản này không tính tới cách các công ty và thị trường thay đổi thế nào nhằm phản ứng với các yếu tố bên ngoài. Sức mạnh kinh doanh Mỹ đến từ sự cạnh tranh không ngừng nghỉ của văn hóa Mỹ, ảnh hưởng chính trị của các công ty Mỹ, năng suất nghiên cứu của các trường đại học và các viện nghiên cứu của chính phủ Mỹ, một hệ thống tài chính Mỹ hướng đầu tư tới các công nghệ mới và đầu tư mạo hiểm, dòng chảy di dân mang theo các tài năng, các bộ luật và thuế cổ vũ các hoạt động khởi nghiệp, vị thế cường quốc duy nhất trên thế giới của Mỹ, và vai trò đồng tiền dự trữ của đồng USD.
Tất nhiên, cũng có những yếu tố bên trong có thể đe dọa sức mạnh kinh doanh Mỹ, ví dụ sự phản đối của cánh hữu đối với chi tiêu khoa học của liên bang và sự tập trung của các nhà hoạt động vì quyền lợi cổ đông vào lợi nhuận ngắn hạn của các cổ phiếu blue-chip thay vì các đầu tư dài hạn vào sáng tạo. Nhưng 30 năm trước, khi một số nhà quan sát từng tin rằng Nhật Bản đã sẵn sàng để vượt qua Mỹ về kinh tế, ít người đã dự đoán được vai trò của các doanh nghiệp công nghệ , các tiểu bang và chính quyền thành phố sáng tạo trong việc tạo ra một kỷ nguyên thống trị không có đối thủ của Mỹ.
Sức mạnh kinh doanh Trung Quốc có những gốc rễ khác biệt nhưng cũng rất vững chắc, như những chính sách có tầm nhìn xa coi trọng đầu tư hơn là tiêu thụ, việc chính phủ ủng hộ đầu tư nước ngoài vào các ngành mới ở địa phương, các doanh nghiệp gan dạ thành công mặc dù hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã được thiết để kế cản trở họ, một sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế thế giới về phía châu Á, và một thị trường nội địa khổng lồ. Cũng có nhiều nhân tố gây trở ngại cho Trung Quốc, như một khu vực kinh tế nhà nước có hiệu suất thấp bóp nghẹt các nguồn lực thị trường, gánh nặng nợ trong nước gia tăng, và sự kiểm duyệt dòng chảy thông tin tự do.
Thật khó để dự đoán liệu các nhân tố bên ngoài có thể ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Không nhiều người bên trong hay bên ngoài Trung Quốc nhìn thấy trước các hạn chế của các tập đoàn quốc doanh hay sự nổi lên của các tập đoàn tư nhân ấn tượng như Huawei, Levono, và Alibaba. Nhìn về phía trước, thật khó để biết được sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tác động ra sao tới sức cạnh tranh toàn cầu của các công ty nước này: nó có thể gây ra những thiệt hại nặng nề, nhưng nó cũng có thể đẩy nhanh sự phá sản và sự thanh lọc, qua đó giúp tập trung quyền lực vào tay một số ít công ty có năng lực hơn, điều có thể biến chúng thành một lực lượng mạnh hơn trên thị trường thế giới.
Nói rộng ra, rất khó để biết được phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng với Trung Quốc như thế nào khi nó phát triển. Khi Trung Quốc trở thành kẻ mua tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, nhiều nhà phân tích đã lo lắng dự đoán sự tăng giá vĩnh viễn của hàng hóa cơ bản. Thay vào đó, điều đã xảy ra là các nhà thăm dò đã tìm ra cách để tăng lượng cung, chính phủ và các công ty đã tìm ra các phương pháp mới để duy trì và nâng cao hiệu quả. Hệ thống toàn cầu đã thích nghi, và giá cả hàng hóa cơ bản ngày nay nói chung rẻ hơn theo giá trị thực so với 20 năm trước. Trong một xu hướng tương tự, khi các công ty đa quốc gia Trung Quốc vào được thị trường toàn cầu, các công ty phương Tây hiện tại sẽ sáng tạo, củng cố, và tạo ra các nguồn cầu mới.
Hơn thế, tương lai của hệ thống chính phủ Mỹ và Trung Quốc không cố định. Cả hai có khả năng thích nghi đáng kể đã được chứng minh cũng như các vết thương tự gây nên, và không có lý do nào để nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi.
Niềm tin vào sự thống trị kinh tế tất yếu của Trung Quốc là vô căn cứ. Trung Quốc đang mạnh dần lên, nhưng nước này còn phải đi cả một chặng đường dài. Kết quả của cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc còn xa mới rõ ràng và ít nhất cũng phải dựa vào việc các công ty đa quốc gia và các chính phủ phương Tây sẽ khai thác các lợi thế của mình tốt đến đâu, cũng như khả năng tự nâng cấp cuộc chơi của Trung Quốc trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sẽ định hình thế kỷ 21.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]