Nghìn người vâng dạ, không bằng một người nói thẳng

Print Friendly, PDF & Email

xi

Tác giả: Lôi Tư (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Lời giới thiệu: Ngày 1/3/2016, báo điện tử của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có đăng bài viết sau đây, gây ra một số tranh luận trong giới học giả phương Tây nghiên cứu Trung Quốc về ý nghĩa, mục đích của bài báo, cũng như liên hệ của nó với các chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch bài viết để bạn đọc cùng tham khảo.

Hầu như các cán bộ lãnh đạo do vi phạm kỷ luật và pháp luật mà bị xử lý đều nói đến chuyện cơ quan mình chưa thực hiện đầy đủ công tác giám sát nội bộ, nói rằng không ai nhắc nhở tôi, nếu năm ấy có người rỉ tai thì tôi cũng chưa tới mức phạm tội nặng như vậy.

Vấn đề nhỏ chẳng ai nhắc nhở, vấn đề lớn không ai phê bình, đến mức gây ra sai sót lớn, đó chính là “Nghìn người vâng dạ không bằng một người nói thẳng”!

— Lời TBT ĐCSTQ Tập Cận Bình phát biểu khi dự Họp sinh hoạt chuyên đề dân chủ của ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Bắc.

Nghìn người vâng dạ không bằng một người nói thẳng – câu này có trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện” – là lời can gián mà nhân sĩ Triệu Lương thời Chiến Quốc nói với Thừa tướng Thương Ưởng triều nhà Tần. Triệu Lương muốn về dưới trướng Thương Ưởng, đã nêu ra một điều kiện tiên quyết: “Chung nhật chính ngôn nhi vô tru”, nói cách khác là suốt ngày nói thẳng nói thật mà không bị đả kích trả thù.

Triệu Lương còn nêu ra hai ví dụ điển hình có từ đời trước: Bên cạnh Chu Vũ Vương không thiếu những triều thần nói thẳng, cho nên cuối cùng Chu Vũ Vương đã hoàn thành sự nghiệp lớn; còn xung quanh vua Trụ nhà Ân toàn là bọn xu nịnh nên cuối cùng vua Trụ mất nước, mất mạng.

Thương Ưởng vui vẻ chấp nhận điều kiện ấy, đồng thời còn dẫn thêm đạo lý: “Mạo ngôn hoa dã, chí ngôn thực dã, khổ ngôn dược dã, cam ngôn tật dã” (dịch nghĩa: Lời giả dối không thật là hoa, lời chân thành là quả, lời thẳng thắn có vị đắng là thuốc, lời ngon ngọt là bệnh).

Thế nhưng trong các đời sau chỉ có Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Ngụy Trưng là hai người hiểu được câu chuyện này một cách thấu triệt nhất.

Mối quan hệ giữa Lý Thế Dân với Ngụy Trưng cũng giống như mối quan hệ giữa Tề Hoàn Công với Quản Trọng. Năm ấy Ngụy Trưng làm quan Tiển mã[1] của Ẩn thái tử Lý Kiến Thành, ông từng khuyên Lý Kiến Thành sớm trừ khử Lý Thế Dân.

Ngụy Trưng có thể an toàn rút lui sau sự biến chém giết đẫm máu ở Huyền Vũ Môn,[2] hơn nữa còn được trọng dụng trong giới triều thần của đức vua mới vốn là kẻ cựu thù [tức Lý Thế Dân], — [được hưởng những ưu ái đó] lẽ ra Ngụy Trưng phải là người cảm kích [chịu ơn Lý Thế Dân] tới rơi lệ.

Nhưng Ngụy Trưng lại cứ luôn luôn không được người khác ưa thích, không chỉ một lần xúc phạm long nhan, nghịch thái thính,[3] mà còn trình lên Đường Thái Tông “Thập tư sớ” [Bản sớ tấu trình 10 điều suy nghĩ], nói thẳng vào mặt nhà vua, không đúng với cương vị của mình. Bản thân Ngụy Trưng là gián quan, nêu ý kiến trên diện lớn là được rồi, nhưng ông lại cứ khăng khăng không phân biệt việc lớn nhỏ, cái gì cũng nắm lấy.

Đường Thái Tông muốn đưa tất cả các suất đinh nam giới trên 18 tuổi vào lính, Ngụy Trưng thà chết cũng không chịu ký lệnh ấy, lại còn viện lý lẽ, cực lực bảo vệ quan điểm của mình trước văn võ bá quan. Ông nói “Tát cạn ao để bắt cá thì sang năm hết cá; đốt rừng để săn thú thì năm sau hết thú”, buộc Đường Thái Tông phải hủy bỏ mệnh lệnh đã công bố.

Việc triều chính như vậy đã đành, nhưng Ngụy Trưng lại quản lý cả đến những chuyện nội bộ cung đình, kể cả chuyện Thái Tông cưới chồng cho con gái phải kèm theo bao nhiêu của hồi môn, hoặc chuyện Thái Tông ban phát ân sủng cho hoàng tử nào đó… những chuyện sinh hoạt riêng tư ấy các quan trong triều đình chẳng ai quan tâm nhưng Ngụy Trưng lại cứ can thiệp vào. Ông còn nói những lời này nọ không hợp lễ nghi, thường chỉnh sửa Đường Thái Tông tới mức nhà vua đỏ mặt tía tai vì xấu hổ.

Chưa kể các công trạng về chính sự và quân sự, nếu chỉ xét về mặt độ lượng dùng người thể hiện ở việc vui lòng tiếp thu sự phê bình của triều thần thì không một đế vương Trung Hoa nào từ thời Tần Thủy Hoàng trở đi có thể sánh được với Đường Thái Tông. Cho dù Thái Tông bao dung độ lượng như thế nhưng Ngụy Trưng vẫn không thôi, suốt ngày ông theo sát hoàng đế để nhắc nhở nhà vua chú ý nghe lời can gián: Lời hay, Bệ hạ  phải nghe; lời không hay, cũng phải nghe; lời can gián có trình độ cao Bệ hạ phải nghe mà trình độ thấp cũng phải nghe, nếu không thì còn đại thần nào dám lên tiếng? Có lần Ngụy Trưng thẳng thắn phê bình Lý Thế Dân: Thái độ tiếp thu lời can gián của Bệ hạ hiện giờ không bằng năm xưa. Những năm đầu niên hiệu Trinh Quán, Bệ hạ khao khát lắng nghe lời can gián, chỉ sợ mọi người không nói gì; về sau Bệ hạ cũng vui vẻ nghe lời khuyên can; hiện nay Bệ hạ vẫn nghe can gián, nhưng thường tỏ vẻ không vui, đám triều thần đều thấy cả.

Bên cạnh mình có một triều thần ghê gớm như Ngụy Trưng, nếu là một Hoàng đế bình thường thì e rằng ngay cả đến hứng thú thượng triều [họp triều đình] cũng không có.

Đâu phải Đường Thái Tông chưa từng nổi giận. Một lần lui về xả nỗi bực tức ở cung của Trưởng Tôn Hoàng hậu, Đường Thái Tông lớn tiếng đòi xử “tên nhà quê thô lỗ” này. May sao Hoàng hậu là người hiểu biết, sau khi mặc bộ lễ phục chỉ dùng khi dự đại lễ, Hoàng hậu quỳ xuống trước mặt nhà vua chúc mừng ông có được một vị trung thần — đây có thể là biểu tượng của bậc quân vương tài đức siêu phàm. Nhờ thế mới làm cho Đường Thái Tông chuyển giận thành mừng.

Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông thân chinh làm lễ truy điệu và lưu lại đoạn “Tam kính luận” [Bàn về ba tấm gương] được truyền tụng muôn đời: “Lấy đồng làm gương soi có thể sửa y phục cho ngay ngắn; lấy lịch sử làm gương soi có thể biết sự hưng vong của một triều đại; lấy người làm gương soi có thể biết là được hay mất. Ngụy Trưng chính là tấm gương thứ ba.”

Niên hiệu Trinh Quán thứ 18, Đường Thái Tông tấn công Cao Ly thất bại, sau đó ông cảm khái nói “Nếu Ngụy Trưng còn thì ta đã không làm như vậy”.

Văn hóa Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu muốn sửa người thì trước hết phải sửa mình, hãy tự kiểm điểm mình, học tập các bậc hiền tài, cố gắng theo kịp họ, khiêm tốn tiếp thu phê bình, từ đó mà chính tâm tu thân, không ngừng tiến bộ.

Khổng Tử chủ trương “Trong ba người đi đường tất có một là thầy ta”; căm ghét những kẻ đạo đức giả chỉ nói lấy lòng mọi người, tôn kính những người có chí hướng cao xa và nghiêm khắc với bản thân như các vị ẩn sĩ Sở cuồng Tiếp Dư và cụ già vác cuốc [trong Luận Ngữ – Vi Tử].

Khổng Tử cho rằng quan hệ xã hội lý tưởng là người quân tử hòa hợp với nhau nhưng vẫn giữ quan điểm riêng của mình [Hòa nhi bất đồng], chí công vô tư [Tỷ nhi bất châu], chứ không phải như mối quan hệ của bọn tiểu nhân bằng mặt không bằng lòng, kéo bè kéo cánh mưu việc riêng.[4]

Bước vào lĩnh vực chính trị, mối quan hệ quân-thần lý tưởng là “vua đối xử với bày tôi bằng lễ, bày tôi đối xử với vua bằng sự trung thành” [Quân vương sử dụng triều thần phải phù hợp quy định về Lễ; triều thần phải trung thành với quân vương]

Có thể làm được việc rộng đường ngôn luận và tiếp thu kiến nghị hay không — điều này thường quyết định sự hưng vong của một triều đại. Sách giáo khoa trung học của chúng ta trong mục “Chiến quốc sách” có nêu bài học về chuyện “[mưu sĩ] Trâu Kỵ khéo khuyên Tề Vương nghe lời can gián”.

Các triều đại về sau có rất nhiều thí dụ tương tự như vậy. Chu Lệ Vương đã không nghe lời can gián của Thiệu Công lại còn áp chế những lời nói lưu truyền trong dân gian, cuối cùng làm cho dân chúng sục sôi oán hận, vùng lên lật đổ.

Thời Tần Nhị Thế, [Thừa tướng] Triệu Cao đứng giữa triều đình “Trỏ hươu bảo là ngựa”, hầu hết triều thần đều cúi đầu vâng dạ, một số ít người dám nói thật thì [sau đó] bị trừ khử hết,[5] khiến cho xung quanh Tần Nhị Thế không còn trung thần nào nữa.

Trong trận Quan Độ, Viên Thiệu không nghe lời nghịch nhĩ trung ngôn của Điền Phong, Thư Thụ, trong khi Tào Tháo thì ra sức chiêu hiền đãi sĩ, khiêm tốn học hỏi, ngay cả mưu sĩ dưới trướng Viên Thiệu là Hứa Du cũng được Tào Tháo sử dụng, cuối cùng Tháo đánh bại Viên Thiệu và thống nhất được miền Bắc Trung Quốc.

Cũng là Tào Tháo, nhưng về sau trong trận Xích Bích lại một mực khăng khăng làm theo ý mình, sau khi thua trận chạy tới đường Hoa Dung mới khóc than rằng mưu sĩ Quách Gia mất sớm, khiến cho bên cạnh không còn người khuyên can mình sửa sai.

Trong bài “Phỏng liên châu”, nhà thơ Vương Sán — một trong “Kiến An thất tử” [bảy văn nhân xuất sắc những năm niên hiệu Kiến An thời Đông Hán], có nêu ra câu “Luôn soi gương sáng thì trên mình không còn vết nhơ, biết nghe lời ngay thẳng thì việc làm sai cũng không gây hại cho mình”.

Có lẽ “Tam kính luận” của Đường Thái Tông cũng sinh ra từ đấy.

Không sợ có người nói sai, chỉ sợ người muốn nói mà không nói. Phần đông những người làm nên sự nghiệp lớn đều hết mực khiêm tốn, từ đáy lòng sẵn sàng lắng nghe ý kiến bất đồng.

Tại địa phương vị đại nho triều Minh Vương Dương Minh làm quan cai trị, mỗi khi đi tuần tra các nơi, ông đều sai bọn nha dịch treo bảng yết báo dọc đường, trên bảng không viết những chữ “Yên lặng”, “Tránh đường” [như thói quen của các quan lại trong lịch sử Trung Quốc] mà viết “Muốn biết dân tình”, “Muốn nghe dân tố khổ”, — chuyện này từng trở thành giai thoại một thời.

Có người nước ngoài cho rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc có tầng lớp lãnh đạo ổn định, cũng có cơ sở quần chúng rộng lớn, có đặc điểm “dân chủ theo chiều dọc” [vertical democracy], tức thông qua trên dưới trao đổi ý kiến với nhau, mọi người bình đẳng tham dự hoạt động tổ chức, dựa trên cơ sở thảo luận có lý trí mà đạt sự đồng thuận, từ đó áp dụng hành động tập thể. Xét theo lịch sử, Đảng CSTQ xưa nay đều phản đối triết học dung tục theo kiểu “Chẳng ai tránh được chuyện bị người khác bình phẩm sau lưng mình, chẳng ai không bình phẩm sau lưng người khác”, mà chủ trương “muốn nói gì thì đặt câu chuyện lên bàn mà nói [tức nói công khai]”, dùng cách phê bình trước mặt nhau để đạt được sự đoàn kết thực sự chân thành.

Bất kể là người trong hay ngoài đảng vẫn cứ nên gắng hết sức lắng nghe ý kiến, hiểu biết tình hình thực, bảo đảm tính khoa học và tính đúng đắn của quyết sách.

Thái độ cơ bản của Đảng ta đối với việc phê bình là dựa vào tính chất của bản thân sự vật để đánh giá sai đúng, được mất, nhìn việc không nhìn người, thực sự cầu thị, phân rõ đúng sai; tối kỵ cách đối nhân xử thế xuất phát từ ân oán, được mất, lợi hại, thân sơ, cách dùng những tình cảm không vui nhân tạo đẩy ý kiến và sự bất đồng đi tới chỗ chống đối lẫn nhau.

Thời kỳ ở Diên An, thân sĩ tiến bộ Lý Đỉnh Minh nêu kiến nghị “tinh binh giản chính”, sau đó nhiều người nghi ngờ ông có động cơ không tốt. Nhưng đồng chí Mao Trạch Đông xuất phát từ lợi ích của nhân dân và nhu cầu thực tế đã chân thành đối xử với ông Lý, gọi biện pháp của ông là “liều thuốc chữa đúng bệnh, có thể cải tạo chủ nghĩa cơ quan, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hình thức”. Mao Trạch Đông đã dẫn đầu tiến hành cuộc thảo luận dân chủ về tinh binh giản chính và thông qua chính sách này. Việc đó đã phát huy tác dụng to lớn giúp biên khu Thiểm Cam Ninh và căn cứ địa chống Nhật vùng địch hậu vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác.

Vào thời gian trước khi cuộc cách mạng năm 1949 thắng lợi, Mao Trạch Đông có nhắc đến 12 phương pháp công tác của đảng ủy, nhấn mạnh Bí thư đảng ủy phải làm tốt vai trò “tiểu đội trưởng”, phải đưa vấn đề ra công khai, chú ý đoàn kết và cùng làm việc với những đồng chí có ý kiến khác với mình. Tư tưởng này tuy cũ mà vẫn mới, thể hiện sự bao dung độ lượng của người đảng viên cộng sản.

Nguồn: Báo Giám sát Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc, ngày 01/03/2016. Tên bài này tiếng Anh là “A Thousand Yes-Men Cannot Equal One Honest Advisor” (theo bản dịch của Eleanor Goodman, công bố ngày 21/3/2016). Tên tác giả Lôi Tư 雷斯 chỉ là bút danh, chưa rõ tên thật là gì.

———————–

[1] Chức quan chuyên dạy thái tử chính sự, văn học.

[2] Tên địa điểm Lý Thế Dân cho quân mai phục giết anh cả (là Thái tử Lý Kiến Thành) và em thứ tư (Lý Nguyên Cát). Sau cuộc đảo chính này, Đường Cao Tổ Lý Uyên lập Lý Thế Dân làm Hoàng Thái tử mới, về sau kế vị ngôi Hoàng đế, trở thành Đường Thái Tông.

[3] Ba chữ nghịch thánh thính  逆圣听 rất khó hiểu, chúng tôi đã tra cứu một số từ điển nhưng chưa thấy có giải thích, đành giữ nguyên văn; chân thành mong được các vị cao kiến chỉ bảo. Hai chữ thánh thính có thấy ở Tiền xuất sư biểu 前出师表 do Gia Cát Lượng viết và trình lên Hậu chủ [xem: Tam Quốc Chí], trong đó có câu Thành nghị khai trương thánh thính, nghĩa là nhà vua nên lắng nghe rộng rãi ý kiến của mọi người (thánh là nói nhà vua, thính là nghe). Ở đây chúng tôi tạm hiểu là hoan nghênh nhà vua lắng nghe ý kiến của mọi người (bản tiếng Anh dịch là chống lại lệnh của nhà vua).

[4] Câu này bản gốc viết là 君子之间的和而不同、比而不周 而非小人之间的同而不和、 周而不比. Theo chúng tôi lẽ ra phải là 君子之间的和而不同、周而不比, 而非小人之间 的同而不和、 比而不周.  Chắc là nhà in đánh máy sai chữ. Ở đây chúng tôi dịch theo nội dung trong sách Luận Ngữ : 《论语 为政》子曰君子周而不比, 小人比而不周.

[5] Thừa tướng Triệu Cao muốn nổi loạn xưng vương nhưng sợ các triều thần không phục bèn nghĩ cách thử lòng họ: Triệu cho dắt một con hươu vào triều đường (nói là để dâng lên vua Tần Nhị Thế) nhưng lại bảo đó là con ngựa. Phần đông triều thần tuy biết sai nhưng vẫn hùa theo Triệu nói là ngựa.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]