07/04/1994: Nội chiến bùng nổ ở Rwanda

Print Friendly, PDF & Email

Nyamata_Memorial_Site

Nguồn:Civil war erupts in Rwanda,” History.com (truy cập ngày 06/4/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1994, quân đội Rwanda đã sát hại 10 nhân viên gìn giữ hòa bình người Bỉ trong một nỗ lực thành công nhằm ngăn cản sự can thiệp quốc tế trong cuộc diệt chủng vốn bắt đầu chỉ vài giờ trước đó. Trong khoảng ba tháng, những phần tử cực đoan người Hutu vốn kiểm soát Rwanda đã tàn nhẫn sát hại khoảng 500 ngàn đến 1 triệu người dân Tutsi vô tội và người Hutu ôn hòa trong giai đoạn diệt chủng sắc tộc tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nạn diệt chủng năm 1994 bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi Tổng thống Juvenal Habyarimana, một người Hutu, bắt đầu sử dụng những lời lẽ chống Tutsi để củng cố quyền lực của mình với người Hutu. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1990, đã có nhiều cuộc tàn sát hàng trăm người Tutsi.

Mặc dù hai nhóm dân tộc này rất giống nhau, chia sẻ cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa trong nhiều thế kỷ, pháp luật lại đòi hỏi việc đăng ký theo sắc tộc. Chính phủ và quân đội đã bắt đầu thành lập tổ chức Interahamwe (có nghĩa là “những người cùng nhau tấn công”) và chuẩn bị sẵn sàng cho việc loại bỏ người Tutsi bởi người Hutu được vũ trang bằng súng và dao phay. Tháng 1 năm 1994, các lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Rwanda đã cảnh báo rằng các cuộc thảm sát lớn hơn đang sắp xảy ra.

Ngày mùng 6 tháng 4 năm 1994, tổng thống Habyarimana qua đời khi máy bay của ông bị bắn rơi. Người ta không biết cuộc tấn công này là của Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF), một tổ chức quân sự của người Tutsi đóng quân bên ngoài đất nước vào thời điểm đó, hay là của những phần tử cực đoan người Hutu vốn cố gắng kích động một cuộc thảm sát hàng loạt. Dù thế nào đi nữa, những người Hutu cực đoan trong quân đội, do Đại tá Theoneste Bagosora dẫn đầu, đã lập tức hành động, sát hại người Tutsi và người Hutu ôn hòa chỉ trong vài giờ sau vụ tai nạn.

Những chiến sĩ gìn giữ hòa bình người Bỉ bị sát hại vào ngày hôm sau đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc rút các lực lượng Liên Hiệp Quốc khỏi Rwanda. Ngay sau đó, các đài phát thanh ở Rwanda đã phát sóng kêu gọi người Hutu đa số sát hại tất cả người Tutsi trong nước. Quân đội và cảnh sát quốc gia chỉ đạo việc thảm sát, đôi khi còn đe dọa cả thường dân Hutu khi thuyết phục không hiệu quả.

Hàng ngàn người dân vô tội đã bị những người hàng xóm chém chết bằng dao phay. Bất chấp những tội ác khủng khiếp, cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, đã do dự. Họ gán một cách sai lầm tội ác diệt chủng với sự hỗn loạn trong bối cảnh chiến tranh bộ lạc. Tổng thống Bill Clinton sau này gọi việc Mỹ đã không làm gì để ngăn chặn nạn diệt chủng là “nỗi hối tiếc lớn nhất” của chính quyền của ông.

Cuối cùng RPF, do Paul Kagame dẫn đầu, đã bắt đầu một chiến dịch quân sự thành công nhằm kiểm soát Rwanda. Đến mùa hè, RPF đã đánh bại các lực lượng người Hutu và đẩy họ ra khỏi đất nước sang nhiều quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, khoảng 75% người Tutsi sống ở Rwanda đã bị sát hại.

Ảnh: Hộp sọ của những nạn nhân trong nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994 được trưng bày trong khu tưởng niệm Nyamata. Nguồn: Fanny Schertzer | Wikimedia Commons.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]