Đánh giá cuộc đời chính trị Mao Trạch Đông (P3)

mao_zedong

Biên dịch: Vũ Huy Quang

Bài liên quan: Phần 1, Phần 2

17.

Hỏi: Thế có nghĩa là Mao thành công?

Đáp: Mao cũng nghĩ thế. Ngày 26 tháng Chạp, trong một bài tường thuật về buổi Khánh tiết của Hồng quân tại Bắc Kinh, toàn thể báo chí, như tờ Hồng Kỳ, đều loan tin thắng lợi của Cách mạng Văn hoá. Nhưng những biến cố tiếp sau, chứng tỏ những chống đối còn lâu mới hết.

Mùa thu 1966, một nhóm Hồng Vệ Binh hùng hậu do Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn điều động, tấn công nhiều văn phòng của các nhà chức trách Thượng Hải. Đại diện Đảng và chính quyền, như Thị trưởng Tào Địch Thu và bí thư thứ nhất Ủy ban Thành phố là Trần Phi Hiển đã ứng phó, bằng cách nhượng bước trước yêu sách của Nghiệp đoàn Công nhân để lôi kéo công nhân ủng hộ.

Tuần lễ đầu năm 1967, lực lượng đối đầu rất mạnh, đã thành cuộc đình công to lớn bùng ra tại Thượng Hải, đến nỗi làm Mao phải lưu ý, là có một lực lượng có thể dám chống lại Hồng Vệ Binh cùng Cách mạng Văn hoá. Trung ương Đảng, theo lệnh Mao, dự tính cho nhóm Hồng Vệ Binh “Tả”, phải chiếm chính quyền tại Thượng Hải ngay. Do đó, Lâm Bưu phải phụ trợ, bằng cách đem quân đội đến, dẹp đình công. Xong xuôi, Mao lập tức thanh trừng toàn ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Thượng Hải, Hồng Vệ Binh “Tả” khống chế mọi hãng xưởng, công đoàn, cơ sở giáo dục cùng cơ sở văn hoá. Tiền lương tăng cùng giờ làm giảm do cuộc đình công đoạt được, nay hủy bỏ hết, làm kinh tế toàn tỉnh tê liệt. Chu Ân Lai nhập cuộc để cứu vãn, đưa “giải pháp Tam Liên”, gồm đại diện quân đội, đại diện tỉnh, đại diện Hồng Vệ Binh… cùng liên hiệp, thay thế chính quyền cũ, cùng nhau điều hành tỉnh. Thực ra, quyền điều hành đã lọt vào tay nhóm Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn (cùng Giang Thanh, là “Tứ Nhân Bang”) là những người mà sau này, bị Hoa Quốc Phong thanh toán – vào mùa thu năm ngoái.

Cùng lúc, một xung đột lớn giữa chính 2 nhóm Hồng Vệ binh xảy ra tại Nam Kinh. Khoảng 50 người chết, 100 bị thương. Mao không cho quân đội trợ giúp Hồng Vệ của mình được, vì lực lượng Hồng Vệ đối đầu lại do Chính quyền địa phương yểm trợ, cùng với Tư lệnh quân đội địa phương là Hứa Thế Hữu nhập phe nhau. Chu Ân Lai lại can thiệp, đưa đến sự tương nhượng. Tại Hồ Nam, Hồng Vệ tự nhân danh là nhóm “Hai-Bảy Công Xã” (công xã tháng Hai, ngày 7) cũng muốn như nhóm Thượng Hải chiếm chính quyền. Lực lượng địa phương chống lại chuyên này, với trợ giúp của quân đội địa phương. Hai nhóm đánh nhau suốt từ tháng Hai đến tháng Sáu 1967, rất nhiều người chết. Nhóm “Hai-Bảy” thất bại, cũng có vài sĩ quan bị kỷ luật, nhưng rốt cục, quyền lực của tỉnh vẫn trong tay địa phương.

Thời kỳ đầy bi kịch, là tại Vũ Hán vào tháng Bảy, khi một nhóm Hồng Vệ được hỗ trợ mạnh từ Bắc Kinh muốn chiếm chính quyền tỉnh. Giới chức địa phương tổ chức một nhóm Hồng Vệ chống lại, lấy tên là “Bách vạn hùng sư”. Họ được tư lệnh quân đội địa phương Trần Tái Đạo hỗ trợ. Nhóm Hồng Vệ của Mao kêu gọi tiếp viện, nhóm chỉ đạo Trung ương sai Tạ Phú Trị, Bộ trưởng Công an, cùng Vương Lực, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền Trung ương, cùng đến Vũ Hán ngày 14 tháng Bảy, hai đại diện cùng lên án quân đội địa phương đã nhập phe “bọn bảo thủ”. Hai người đều bị quân đội bắt giữ.

Lâm Bưu lập tức đi chiến hạm đến, ra tối hậu thư, đòi thả ngay 2 người bị bắt, ra lệnh lực lượng địa phương phải đầu hàng. Địa phương đầu hàng xong, rất nhiều đảng viên cùng nhân viên chính quyền bị bãi chức, kể cả Trần Tái Đạo. Lực lượng “Bách vạn hùng sư” bị giải tán. Có vẻ như Mao lại thắng lớn. Nhưng chuyện nào chỉ có thế.

18.

Hỏi: Sau đó, các nhóm Hồng Vệ Binh có kết hợp nhau, cùng chống chính quyền địa phương hay không?

Đáp: Tiếp sau biến động Vũ Hán, Mục Hân và Vương Lực, dưới chỉ đạo của Giang Thanh và Trần Bá Đạt, viết một bài trên Hồng Kỳ, ra lệnh Hồng Vệ binh phải tấn công “một nhóm quân đội” và “chiếm vũ khí trong kho súng quân đội”. Điều này làm các nhà quân sự địa phương nhất định chống lại, bằng cách kết hợp với Đảng ủy và quân đội địa phương, tổ chức lực lượng Hồng Vệ binh riêng để chống Hồng Vệ Trung ương. Diễn tiến việc này đã được Trần Bích Lan báo cáo trong phúc trình gửi Đệ tứ Quốc tế:

Từ khi Mao tổ chức Hồng Vệ Binh để nắm quyền lực vào đầu tháng Giêng 1967, không nơi nào trên đất Trung Quốc được sót mà không phải thấy những cuộc xung đột lớn lao, tàn nhẫn giữa các hãng xưởng, giữa những khuynh hướng. Các va chạm có đặc điểm vào đúng giai đoạn của cái được gọi là Cách mạng Văn hóa. Cao trào là vào tháng Tư và tháng Bảy, 1968, diễn ra tại Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Tây Tạng, Tân Cương và Phúc Kiến. Mức độ ác liệt tới nỗi có thể xem như xảy ra nội chiến tại từng địa phương.

Thí dụ, tại Quảng Tây, Hồng Vệ Binh chia thành 2 nhóm. Một nhóm, tự xưng là “Nhị- Thập-Tứ Quân Nổi dậy” (Quân đội Nổi dậy của ngày 20 tháng Tư), ban chỉ huy gồm sinh viên, công nhân và vài đơn vị quân đội, đặt dưới quyền điều động của Ban Chỉ huy Tối cao Bắc Kinh. Nhóm kia, tên là “Quảng Tây Nổi dậy Thống nhất”, gồm công nhân, nông dân, các đơn vị quân đội, đảng viên địa phương, sinh viên. Nhóm này được chỉ huy bởi Đệ Nhất Bí thư Quảng Tây, Vi Quốc Thanh, và Tư lệnh quân đội địa phương. Hai nhóm đụng độ kịch liệt vào tháng Năm tại Vụ Châu. Khí giới của 2 phe đều rất hiện đại – từ súng trường cho đến súng máy, cho đến pháo binh nặng, và thiết giáp – đưa đến kết quả là cả 2 bên đều chết hàng ngàn người. Theo báo cáo trên tờ Tây Giang Nộ Báo của nhóm “Nhị Thập Tứ quân”, nhìn nhận đã tổn thất nhân mạng tới vài ngàn, chưa kể bị thương, có trên 3,000 bị bắt, trong đó có 317 người bị xử tử. Báo đó cũng tổng kết, là trên 2,000 nhà bị phá hủy. Những trận đụng độ khác ác liệt cũng tương đương, xảy ra tại các thành phố thuộc Quảng Tây, như Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm cùng vài thành phố khác mà tôi đã nói ở trên.Thí dụ, tại Vân Nam, thành phố Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) theo báo cáo của Tỉnh trưởng Đàm Phủ Nhân trình lên Mao, là có đến 30,000 người bị chết  ở Vân Nam. Mao hồi đáp, rằng anh ta ước tính con số khoảng 80,000. “Theo tin tức trên báo địa phương,” Mao tuyên bố, “Thì có đến 160,000 bị chết. Có thể là con số phóng đại.” (trích Nhân dân Nhật báo).

Do hậu quả trầm trọng của tình hình như trên đã nói, Mao buộc phải có những quyết định làm dịu nỗi bấp bênh của địa vị mình. Đầu tiên, là quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp toàn lãnh thổ, ngày 3 tháng Bảy. Rồi đến ngày 24 tháng Bảy, lại ra lệnh rút tình trạng khẩn cấp. Những chỉ thị bất nhất như thế, cũng đã làm ngưng mọi xung đột giữa Hồng Vệ binh với nhau và Hồng Vệ binh với công nhân. Cùng lúc, nhiều đơn vị quân đội được điều động từ Bắc Kinh đến các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến và Tân Cương để ngăn chặn đụng độ. Chỉ còn cách đó Mao mới có thể chặn được họa nội chiến tại nhiều địa phương. Rồi Mao đề nghị thành lập các Ủy ban Cách mạng tại mỗi tỉnh nói trên, cũng như tại các thành phố lớn”.[1]

Cũng nên ghi nhận về các Ủy ban Cách mạng, cái gọi là Ủy ban Tam liên (3 liên hiệp) thì bị kiểm soát bởi quân đội, vì thường khi Chủ tịch Ủy ban lại kiêm Tư lệnh quân đội địa phương. Rồi toàn thể Hồng Vệ binh bị bắt buộc phải trở lại trường học, hay lao động trong các trại sản xuất ở thôn quê. Con số chính thức, cho biết có ít nhất 10 triệu thanh niên đã bị đi đày theo kiểu này.

19.

Hỏi: Hồng Vệ Binh chắc chắn là con bài mạnh của Mao Trạch Đông, khi họ còn trong đội ngũ.

Đáp: Đúng. Tuy nhiên, không phải sự việc bao giờ cũng đúng như ý Mao. Thí dụ, tháng Giêng 1967, sau khi Trung ương đã nắm quyền tại Thượng Hải, cùng đã thanh trừng xong toàn ban lãnh đạo địa phương, vài nhà lãnh tụ nổi bật, như Đàm Chấn Lâm, Bộ trưởng Nông nghiệp, Diệp Kiếm Anh, Phó Chủ tịch Trung ương, Nhiếp Vinh Trăn, Trưởng ban Khoa học Kỹ thuật, và Lý Phú Xuân Bộ trưởng Kế hoạch – tất cả là thành viên Bộ Chính trị, cùng nhau công khai phê bình Hồng Vệ binh đã hành động thái quá, gây ra bạo loạn. Phe Mao lập tức “gắn nhãn hiệu” cho những người này, gọi họ là bọn “Dòng nước ngược tháng Hai”. Chu Ân Lai lại xuất hiện, giải cứu cho tình trạng hiềm thù giữa Mao và các lãnh đạo kỳ cựu. Tuy sau đó thì Đàm Chấn Lâm bị bãi chức Bộ trưởng Nông nghiệp. Nhưng dù vậy, các lãnh đạo già cũng ghi được chút thắng lợi.

Một sự cố liên hệ tới nhóm “Ngũ-thập-lục Quân” (“Quân đội 16 tháng Năm”), là nhóm của Thích Bản Vũ và Vương Lực trong Tiểu tổ Văn Cách Trung ương, đã phát động phong trào chống các Bộ trưởng trong chính quyền Trung ương, muốn họ phải từ chức, thay bằng những người hoàn toàn theo Mao. Chu Ân Lai lại cứng cỏi chống việc này, đưa đến chuyện đối đầu trực tiếp với nhóm Giang Thanh và Trần Bá Đạt. Mao phải nhượng bước, cách chức Thích Bản Vũ, Vương Lực cùng một số tay chân của mình trong Tiểu tổ Văn Cách Trung ương.

Tại Hồ Nam, mùa hè 1967, một nhóm Hồng Vệ mang tên “Đại Vô sản Cách mạng liên hiệp” tấn công nhà cầm quyền địa phương, cướp kho vũ khí quân đội. Họ chiếm một vài hãng xưởng cùng những cơ sở tài chánh. Được Giang Thanh và Trần Bá Đạt hậu thuẫn, họ ra tuyên cáo “Trung Quốc đến đâu?”, chỉ trích Ủy ban Cách mạng là bộ máy của giới thư lại trong giai cấp “Tư sản mới”, gọi đích danh Chu Ân Lai là đại biểu của giai cấp này. Họ kêu gọi thành lập một Ủy ban khác thay thế, tên là “Nhân dân chân chính”, để đưa Trung Quốc tiến trên con đường cách mạng thật sự.

Dù đó là một tuyên ngôn chứa những tư tuởng lộn xộn và mơ hồ, nhóm Hồng Vệ binh này lại đã đáp ứng phần nào sự mong đợi có thay đổi của quần chúng. Vì thế, Giang Thanh cùng Trần Bá Đạt bỏ rơi họ. Mao gửi đại diện từ Bộ Chính trị Trung ương là Khang Sinh đến tận nơi để giải tán nhóm này, gọi là nhóm “Phản cách mạng”, rồi để nhà cầm quyền Hồ Nam (với Hoa Quốc Phong trong đó) tiêu diệt họ một cách tàn nhẫn.

Biến cố thứ tư, mà Mao không kiểm soát được, xảy ra vào tháng Tám 1968. Một cuộc đụng độ lớn xảy ra giữa Hồng Vệ binh của Trung ương với Hồng Vệ địa phương Quảng Đông, do lãnh tụ quân đội địa phương là Hoàng Vĩnh Thắng chỉ huy sự đối đầu. Anh này lại là người thân tín của Lâm Bưu, cho nên không những về sau đã được miễn nhiễm mọi cáo buộc, lại còn được thăng chức, làm Tham mưu trưởng tại Bắc kinh.

20.

Hỏi: Có thể coi việc động viên quần chúng trong Cách mạng Văn hoá là một cuộc cách mạng được không?

Đáp: Câu hỏi này đã bàn cãi giữa những người Triệt để, cả những người Trotskyist, suốt 10 năm qua. Câu trả lời nằm trong việc Hồng Vệ Binh đã được thành hình thế nào, phương pháp họ đã sử dụng ra sao, để đấu tranh với giới quan liêu. Trích dẫn sau đây, do George Novack và Joseph Hansen cung cấp:

Trường học đóng cửa, hàng triệu học sinh lêu lổng. Chúng được hứa hẹn những đặc quyền rất hấp dẫn, cho ngay cả ở những xứ tư bản giàu có; như là, được đi chơi Bắc Kinh do chính phủ đài thọ, [tức là, được đi bất cứ đâu trên đất Trung Quốc – Bành chú thích]. Phí tổn chuyển vận, cho đến ăn và ở, đều miễn phí. Chỉ tiêu vui thích đó được đặt ra, cốt phục vụ những ứng viên nào sẽ gia nhập tổ chức mới này.

Chính sách là đoàn ngũ thanh niên cho họ thành một phe với nhau, dụ dỗ chúng quyết tâm đoàn ngũ với nhau, không cần biết ý định nào khác, chỉ cùng nhau triệt bất cứ phe đối nghịch nào, không để bất cứ ai có cơ hội được trình bày, dù là với một cuộc tranh luận có lý luận, nhất là một khi đối thủ đã bị bôi nhọ ngay từ đầu, có tội là “bội phản” hay “phản cách mạng”, tức là phe đối nghịch sẽ là toàn những ma với quỷ…

Tội lỗi thực sự của các lãnh tụ bị tố, không phải vì họ rập mưu theo “con đường tư bản”, mà chỉ vì họ khác biệt nghiêm trọng với phe Mao-Lâm. Quan điểm họ bị mạo hóa, làm họ mất tín nhiệm trước mắt quần chúng, để rồi bị tiêu diệt về chính trị, nếu không nói là cả thể xác.

Phép luận chiến kiểu này, mà phe Mao đem ra dùng, là đã học được ở trường phái Stalin, trước đã đem áp dụng đối với những người Trotskyist tại Liên Xô, sau được phe Krushchev áp dụng, nay mang ra dùng ở Trung Quốc để thanh trừng cả với các chiến hữu lão thành cũ, từng sống chết có nhau. Không có điều gì mới trong cung cách kì dị này vượt quá trí tưởng tượng của con người, như ai nấy tưởng, là Mao còn thêm sáng kiến nào khác.”[2]

Tôi chỉ muốn thêm ở đây, chuyện Mao tổ chức Hồng Vệ Binh chỉ là cốt diệt phe Lưu Thiếu Kỳ-Đặng Tiểu Bình. Khi xong việc, Mao lập tức loại thải Hồng Vệ Binh chạy tứ tán, với trợ lực của quân đội do Lâm Bưu chỉ huy. Sau đó, thì Lâm lại là mục tiêu kế tiếp cho Mao nhắm đích.

21.

Hỏi: Ảnh hưởng trên toàn quốc sau cuộc Cách mạng Văn hoá thế nào?

Đáp: Toàn thể xã hội Trung Quốc bị đảo lộn, đất nước tan hoang như vừa trải qua cuộc chiến tranh. Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng những tổ chức thanh niên đều bị nghiền tan nát. Lệnh của Mao cùng câu nói của Mao được trích dẫn để thay thế cho điều luật Đảng cùng luật lệ chính phủ. Chính quyền Trung ương vẫn giữ cái vỏ bề ngoài, nhưng toàn thể chính quyền các cấp đã thay đổi. Chính quyền mới lập ra “Ủy ban Cách mạng toàn quốc” có toàn quyền. Ủy ban này lại đặt dưới sự kiểm soát của các sĩ quan quân đội, trừ có vài nơi, như ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Hầu hết các lãnh đạo cũ từng chiến đấu cạnh Mao trước và sau cách mạng lần ba, đều bị trừng trị, lãnh chịu những đánh đập của Hồng Vệ Binh. Gần hết đã bị đấu tố, nhiều người phải vào trại lao cải hay nhà tù, hoặc bị chết. Hệ thống giáo dục và văn hoá tiêu hủy hoàn toàn. Hàng ngàn nhà giáo, văn nghệ sĩ bị ra khỏi Đảng, mất công ăn việc làm.

Hàng triệu Hồng Vệ Binh bị đày ải về thôn quê hay lên vùng rừng núi. Nền kinh tế ngưng đọng, sản xuất tuột dốc. Công nhân, nông dân, kỹ thuật gia cùng đảng viên nào mà đã dính dáng đến Cách mạng Văn hoá, hay đã liên hệ với bất cứ ai từng bị đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, chính người ấy cũng bị tẩy trừ.

Chính sách đối ngoại của Mao trở thành cực kỳ biệt phái, chứng cớ là anh ta từ khước tham gia vào mặt trận thống nhất với các nước xã hội khác để cùng chống đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Mặt khác, Mao còn để cho Hồng Vệ tấn công toà Đại sứ Anh và Nga Xô. Trong cao trào Cách mạng Văn hoá, Trung Quốc trở thành cực kỳ cô lập trước thế giới. Sự cô lập và sự tàn phá nội bộ Trung Quốc lộ rõ trong Đại hội Đảng lần thứ 9.

22.

Hỏi: Điều gì đã xảy ra tại Đại hội 9?

Đáp: Đại hội tại tháng Tư 1969, có 1,512 đại biểu, toàn là những người được chỉ định, chứ không do bầu cử từ các Ủy ban cách mạng địa phương. Rõ ràng Đại hội chịu dưới ảnh hưởng quyền lực của Cách mạng Văn hoá.

Lâm Bưu đọc báo cáo chính trị trước Ủy ban Trung ương, mà đa số thành viên Ủy ban đã bị thanh trừng. Lâm ca tụng Mao đã phát động Cách mạng Văn hóa, đồng thời khen ngợi sự hỗ trợ hữu hiệu của quân đội. Anh ta không hề nhắc gì tới hậu quả cũng như về sự tái thiết những đổ nát kinh tế hay trấn an sự dao động tâm lý quần chúng. Bản báo cáo là một chuỗi những khẩu hiệu mơ hồ:

Hãy nắm chắc cách mạng, hãy giương cao cách mạng…

…để khai triển tình thân hữu sẵn có, hãy cùng giúp đỡ nhau, cùng hợp tác với những nước xã hội chủ nghĩa trên nguyên tắc của tình vô sản quốc tế; hỗ trợ và tham gia thêm vào các cuộc đấu tranh cách mạng cho kẻ bị áp bức, cho các nước bị áp bức; hãy hướng đến hoà bình bằng cách cùng sinh tồn với những nước không cùng hệ thống xã hội với chúng ta theo tiêu chuẩn “5 nguyên tắc”…

Hãy chôn đế quốc Mỹ, hãy diệt bọn Nga Xô cùng tay sai của chúng…”[3]

Lâm còn đề nghị cán bộ nào lầm lỗi trong quá khứ sẽ được rửa tiếng, được trở lại chức vụ trong Đảng hoặc trong Chính quyền, nếu họ biết nhận lỗi. Đề nghị này cốt gây dựng lại sức mạnh cho phe Mao-Lâm, nhưng không phải ai cũng ôm chầm lấy ngay. Thắng lợi lớn nhất cho Mao-Lâm, chỉ là một thông qua điều lệ hồi phục một đoạn ghi lại trong hiến chương Đảng, mà trước đây đã bị bãi bỏ trong Đại hội 8:

Tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Mác-Lênin của thời đại mà đế quốc hướng đến sự sụp đổ hoàn toàn, và xã hội chủ nghĩa đang tiến đến thắng lợi trên khắp thế giới.

Đã nửa thế kỷ nay… Đồng chí Mao Trạch Đông đã gia nhập chân lý hoàn vũ của chủ nghĩa Mác-Lênin với những kết quả cụ thể của sự thể hiện cách mạng, đã thừa kế, đã bảo vệ và đã khai triển chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng như đã đưa nó lên cao trào trong giai đoạn hoàn toàn mới.

Đồng chí Lâm Bưu đã bền bỉ giương cao biểu ngữ đỏ của Tư tưởng Mao Trạch Đông và đã trung thành cũng như đạt hiệu quả lớn, trong việc truyền bá cũng như bảo vệ cuộc Cách mạng vô sản mà đường lối Mao Trạch Đông đề ra. Đồng chí Lâm Bưu là chiến hữu thân cận nhất của Đồng chí Mao Trạch Đông và là người kế nghiệp.”[4]

Đại hội bầu được thêm 170 tân thành viên, trong đó phe quân đội chiếm 30%. Chín đại biểu quân đội lọt vào, làm thành viên trong số 21 người của Bộ Chính trị. Quân nhân chiếm đa số chức vụ trong chính quyền, như Bộ trưởng Quốc phòng, Tham mưu trưởng, Tư lệnh Không quân, Chính ủy Hải quân, đều do ảnh hưởng của Lâm Bưu. Lâm cũng nắm trong tay tất cả các quân nhân lãnh đạo trong những Ủy ban Cách mạng.

23.

Hỏi: Điều gì tạo ra sự xung đột Lâm-Mao?

Đáp: Sau Đại hội 9, Mao thấy rõ sức mạnh quân sự đều vào tay Lâm, bèn tung ra khẩu hiệu mới: “Đảng chỉ huy súng, súng không thể chỉ huy Đảng”. Lâm ứng phó sự thay đổi thái độ của Mao bằng cách củng cố phe cánh mình. Mao ra tay ngay, thanh trừng Trần Bá Đạt vào tháng Tám 1970, cất chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tối cao, bãi luôn chức vụ trong bộ Chính trị Trung ương của Trần. Không ai chắc Trần Bá Đạt hoàn toàn biến mất trước công chúng vào lúc nào, nhưng trong Đại hội 10 của Đảng, Chu Ân Lai chính thức công bố tội ác của Trần, là đã giữ vai chính trong “Nhóm chống Đảng” của Lâm Bưu.

Sau khi Trần bị thanh trừng, Lâm Bưu buộc phải có thái độ. Trong tài liệu “Phác thảo chương trình 571”, Lâm nhận định:

Ông ta (Mao) lạm dụng lòng tin và chức vụ mà nhân dân Trung Quốc giao phó… Thực ra, ông ta đã trở thành Tần Thủy Hoàng… Ông ta không thật là người Mácxít-Lêninít, chỉ dùng chủ nghĩa Mác-Lê để thực hiện lý thuyết riêng, là Khổng-Mạnh chủ nghĩa, và áp dụng phương pháp của Tần Thủy Hoàng. Đó chính là kẻ độc tài nhất trong lịch sử Trung Quốc.”[5]

Những tố cáo Mao như trên cho thấy rõ Lâm đã chuẩn bị cuộc đảo chánh. Tuy nhiên, anh ta bị chính con gái mình phản bội, trước khi kịp ra tay. Chính quyền của Mao về sau xác nhận Lâm và đoàn tùy tùng dự tính trốn sang Nga Xô nhưng máy bay bị bắn rơi trên không phận Ngoại Mông. Tất cả đều chết.

Mao rơi vào tình trạng cô đơn hoàn toàn, dù sau khi diệt hết các đối thủ bằng cách này hay cách khác. Không thể giải thích với công chúng lí do xung đột với Lâm Bưu, nên Mao phải nhờ đến Chu Ân Lai. Phe Mao-Chu tính bạch hoá trước công chúng mọi chuyện trong Đại hội Đảng thứ 10, tháng Tám 1973. Chu báo cáo bằng diễn văn chính trị, phỉ báng Lâm là tay “tư sản nhà nghề”, đã “âm mưu tính ám sát Chủ tịch Mao Trạch Đông vĩ đại của chúng ta”, và “dự định biến Đảng Cộng sản Trung Quốc thành một đảng “xét lại”, “phát xít” cùng toan tính tái lập chế độ của bọn “địa chủ và giai cấp tư sản”:

Trên mặt quốc tế, chúng muốn đầu hàng bọn Xô viết xét-lại, bọn xã hội chủ nghĩa đế quốc, rồi liên minh với mọi đế quốc, mọi xét-lại, mọi phản-động để chống Trung Quốc, chống chủ nghĩa Cộng sản và chống Cách mạng.

Lâm Bưu, tên tư sản nhà nghề, tên âm mưu và hai mang, đã tham gia vào cơ cấu Đảng của chúng ta, không chỉ trong một, mà đã nhiều thập niên.”[6]

Báo cáo của Chu đều là vu khống, dĩ nhiên, nhưng cũng đưa ra được lý do tại sao Lâm Bưu đã phản Mao. Mọi dấu vết dính dáng đến Lâm đều bị xóa sạch trong sử Đảng. Một nhóm lãnh đạo lão thành, như Đặng Tiểu Bình, Đàm Chấn Lâm và Ulanfu[7] được rửa tiếng. Một số tư lệnh quân đội như Hứa Thế Hữu, Trần Tích Liên, Hàn Tiên Sở cũng được rửa tiếng. Vương Hồng Văn được thăng chức phó Chủ tịch Đảng. Một chiến dịch trên toàn quốc “phê Lâm”, “phê Khổng” phát động từ mùa thu 1973 cho đến cuối 1974, quét sạch giới chỉ huy quân đội tay chân của Lâm trước kia, nhẹ thì bị thuyên chuyển, như Hứa Thế Hữu từ Nam Kinh về Quảng Đông, Trần Tích Liên từ Phúc Kiến về Lan Châu. Mao coi là các thuyên chuyển như thế đã tạm ổn, có thể tái lập chương trình tôn sùng lãnh tụ được rồi, nhưng một khuôn mặt mạnh mẽ xuất hiện đã cản đường – Chu Ân Lai.

24.

Hỏi: Chu có phe riêng của mình không?

Đáp: Sau khi những phe nhóm của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu bị tan tành, Chu trở thành cục nam châm thu hút những lãnh đạo già và bất mãn. Việc Chu vọt lên quyền lực thành hiển nhiên nhất, trong Đại hội Nhân dân toàn quốc lần 4, tháng Giêng 1975, được toàn thể Đại hội nhất trí chấp thuận đề nghị cải cách “4 Hiện Đại Hóa” của Chu, là Kỹ nghệ, Nông nghiệp, Quốc phòng, và Khoa học kỹ thuật. Đa số thành viên trong ban Chấp hành Trung ương được bầu ra đều là người ủng hộ Chu, địch thủ tinh quái của Mao, kể cả Chủ tịch là Chu Đức. Chu Ân Lai được tái cử chức Thủ tướng, Đặng Tiểu Bình là phó Thủ tướng và Tổng tham mưu trưởng quân lực, Diệp Kiếm Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng. Mỗi một chức lọt vào tay phe Mao, là Trương Xuân Kiều được cử vào chức phó Thủ tướng thứ ba kiêm Chính ủy quân đội. Vắn tắt, thì Chu Ân Lai đã là lãnh tụ thực sự của Trung Quốc, Mao chỉ còn làm vì.

Sau Đại hội, Mao phát động phong trào mới nhắm vào phe Chu. Bài Quan điểm của Tổng Biên tập trên Hồng Kỳ, tháng Ba 1975, viết:

Hàng triệu triệu người phải học để nắm vững chủ nghĩa Mác nói về chuyên chính vô sản, là điều quan trọng nhất để làm vững chắc, cũng như để tăng cường sức mạnh cho chuyên chính vô sản. Tất cả thành viên của các ủy ban thuộc Đảng phải học và nắm vững chuyên chính vô sản để có thể thực hiện với đầy đủ ý thức đường lối căn bản của mọi chính sách tiến tới việc chống Lâm, chống Khổng.” (tức là, chống Chu-Đặng – chú thích Bành).

Mao tung ra chuyên chính vô sản để làm màn khói cho chuyên chính Mao, chứng minh những việc thanh trừng của mình là cần thiết để bảo vệ cho nguyên tắc Mác xít. Mao cũng cảnh cáo “thành viên tất cả các ủy ban thuộc Đảng” rằng họ sẽ bị trừng phạt nặng nề hay thanh trừng, nếu họ không “nắm chắc” tư tuởng chuyên chính của Mao, là nền tảng thi hành “đường lối căn bản cho tất cả mọi chính sách”.

Những người theo chủ nghĩa Mao (Mao-ít) viết nhiều bài công khai phỉ báng Chu Ân Lai, kết án Chu là “đồ phản bội”, y như Tống Giang trong truyện Thủy Hử đã phản bội chiến hữu. Thêm vào sự phỉ báng, bọn Mao-ít còn gây ra những bức hại trên thể chất Chu, trong lúc Chu đang trong cơn bệnh ngặt nghèo cuối đời, để bị đẩy đến chỗ chết sớm. Họ thuyên chuyển bác sĩ riêng của Chu đi chỗ khác, chính Vương Hồng Văn còn bắt ép Chu phải tiếp điện thoại Mao Trạch Đông, trong lúc Chu đang chữa trị tại bệnh viện. Người tín cẩn của Chu là Tổng thư ký Quốc vụ viện Châu Vinh Hâm đi đến chỗ phải tự tử vì bị bôi nhọ trước công luận. Đấy mới chỉ là một ít những hành hạ, trong lúc Chu trên giường bệnh chờ chết.

25.

Hỏi: Có bao giờ Mao tấn công Chu công khai không?

Đáp: Không. Sau khi Chu chết, ngày 8 tháng Giêng 1976, Mao tập trung chiến dịch nhắm vào người kế vị chính của Chu, là Đặng Tiểu Bình, từng bị gán cho tội “phục hưng Hữu khuynh”, “chạy theo tư bản”. Chương trình “4 Hiện đại hóa” của Chu cũng bị đánh. Cách đối xử cạn tàu ráo máng của Mao đối với Chu đã làm nổi lên sự bất mãn, tạo thành cuộc biểu tình rất lớn tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 5 tháng Tư, 1976. Dân chúng bùng nổ bạo lực, nổi lửa đốt xe cảnh sát và các trại lính, thành cuộc bạo loạn, là thách thức to lớn đối với Mao. Lần đầu tiên, “Tư tuởng Mao” bị gọi là “để Thiến chủ nghĩa Mác-Lênin”. Hành động xuống đường rầm rộ, mang theo bóng ma đòi dẫn tới cuộc cách mạng cần thiết để lật đổ giai cấp quan liêu, nhất là khi dân xuống đường gọi nhau, “Chúng ta nhất định không sợ máu đổ, cũng không sợ mạng mất”. Sau cách mạng Hung, Mao đã nói “cũng có lắm người đang ao ước sẽ có chuyện tương tự tại Trung Quốc.” Tháng Tư 1976, hàng ngàn, ngàn người đã bày tỏ hành động làm Mao sợ nhất – cuộc biểu tình chống chính phủ. Dù cho Mao đã dẹp biểu tình tàn nhẫn, nhiệt huyết cùng quyết tâm của họ vẫn ám ảnh Trung Quốc, y như Tuyên ngôn Cộng sản từng đón mừng “bóng ma ám ảnh Âu châu” xưa kia. Đúng là sau khi Mao nhìn thấy bóng ma này, thì anh ta chết và đi vào “lịch sử địa ngục” dành riêng cho các bạo chúa cùng các nhà độc tài.

26.

Hỏi: Cái chết của Mao có ảnh hưởng gì cho phe Mao không?

Đáp: Cuộc đời cá nhân độc tài của Mao chấm dứt một cách rất phù hợp với con người anh ta, vì một sự thanh trừng xảy ngay đến với những người trung thành nhất với anh ta, như Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên – đều cùng bị thanh toán, bởi chính người do Mao đích thân chọn lựa, Hoa Quốc Phong. Kịch bản chính trị này tương đương với cuộc thanh trừng Malenkov và Beria do Krushchev thực hiện sau khi Stalin chết. Để lượng định cuộc đời chính trị Mao Trạch Đông, có những sự kiện không thể chối cãi được, là tư tưởng Mao thừa hưởng trực tiếp từ Stalin – nào cộng tác giai cấp, cách mạng từng giai đoạn, xã hội chủ nghĩa trong một xứ, và sống chung hòa bình giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Mao tuyên truyền lý thuyết Stalin suốt đời mình, từ Cơ hội Quốc dân Đảng-Cộng sản hợp tác tới Phiêu lưu đấu tranh võ trang. Sau thất bại 1927, Mao sao chép Stalin xít xao trong cuộc thanh trừng toàn thể thế hệ Bolshevik cùng các đoàn thể Thanh niên Cộng sản trong các thập niên 1920, ‘30 và ’40 ở Nga, và cũng thành lập chính sách thờ phụng lãnh tụ cùng chuyên chính quan liêu của Stalin… để áp dụng tại Trung Quốc.

Mao rất phấn đấu để trở thành tay Staliniêng lớn nhất thế giới. Anh ta đã thành Staliniêng thứ thiệt tại Trung Quốc, bởi tính khí cùng phương pháp anh ta sử dụng, y như mẫu người hùng bên Xô viết của anh ta. Mao rắp tâm thủ tiêu chính trị – nếu không nói là cả mạng sống, cho những ai dám đặt câu hỏi về chính sách của anh ta, hoặc những ai trở thành có quyền lực trước mắt quần chúng – như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu và Chu Ân Lai… Đấy là mới kể một số ít. Sự thật là Mao trở thành Tần Thủy Hoàng của thời đại mới, là Nero của Trung Quốc – Nero là người mà Trotsky đã khéo nhắc trong một câu:

Nero, cũng thế, là sản phẩm của thời Y. Thế mà sau khi Y chết, hình tượng Y bị đập nát, tên Y bị cạo xóa mọi nơi. Sự trả thù của lịch sử ghê gớm hơn cuộc trả thù của bất cứ Tổng Bí thư Đảng [hay Chủ tịch – Bành] nào. Tôi đánh bạo nhận xét như thế để có sự an ủi.” [8]

27.

Hỏi: Thế tại sao, sau khi chết, Mao lại được ca ngợi nhiều đến thế, từ các chính trị gia tư sản đến những người Triệt để?

Đáp: Chính trị gia tư sản như Gerald Ford và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Waldheim cất lời ca tụng, vì Mao hoàn toàn hủy bỏ cách mạng thế giới để được sống chung hòa bình với tư bản. Anh ta tố cáo Liên bang Xô viết là đế quốc xã hội, kêu gọi tư bản đánh đổ kết quả đạt được của Cách mạng tháng Mười. Thêm nữa, chính trị gia tư sản thích thú việc phản bội của Mao với chủ nghĩa xã hội, thì có khó gì mà không gọi Mao là “lãnh tụ vĩ đại”, cùng “yêu chuộng hòa bình”. Vài người Trotskyist còn nhìn chưa rõ Mao, chỉ coi Mao là “quan liêu Trung phái”, vì tuy anh ta có chính sách đi dây, dích-dắc giữa cách mạng và phản cách mạng để rồi kết cục, cũng quốc hữu hóa tài sản tư bản, cũng làm cải cách ruộng đất. Thì Stalin cũng đã làm y như thế ở Đông Âu, và chắc chắn Stalin là người Stalinít.

Người Trotskyist luôn tin rằng Stalin phản cách mạng, dù anh ta lật hệ thống tư bản ở Đông Âu, để thành lập chế độ quan liêu chuyên chính lên các nước ấy, đối nghịch với đường lối kinh tế căn bản của xã hội chủ nghĩa. Đó thành ra cái thắng, chặn đà phát triển của Đông Âu cùng cách mạng thế giới. Leon Trotsky rất có thể cũng tiên đoán tương tự về Mao tại Trung Quốc, khi ông nhìn thấy sự trở lại của tư hữu tài sản trong vùng Xô viết chiếm đóng ở Ba Lan, lúc bắt đầu Thế Chiến II:

Điều kiện tiêu chuẩn tiên quyết của chúng ta, không phải sự chuyển biến các liên đới tư hữu từ vùng này sang vùng khác, dẫu cho chuyện ấy có quan trọng thế nào đi nữa, nhưng chính là chuyển đổi Nhận thức cùng Tổ chức của thế giới vô sản, nâng cao khả năng họ trong việc bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được, đi tới thắng lợi mới. Từ điểm đó, và chỉ từ điểm đó, lập trường quyết định, thì chính sách của Moscow, xét trên tổng thể, toàn chứa những tính chất phản cách mạng, thành trở ngại chính trên con đường cách mạng Thế giới.”[9]

Nguồn: Bản tiếng Việt © 2010 Vũ Huy Quang & talawas


[1] Ch’en Pi-lan, “The New Developments in the Chinese situation”, Inter. Info. Bulletin, May 1969, p. 9.

[2] G. Novak – J. Hansen, Behind China’s Great Cultural Rev. (New York, Patfinder Press, 1967) p.p 47-48, 52.

[3] Bắc Kinh tập san, tháng Tư 30, 1969, p. 33.

[4] Như trên.

[5] Ghi chú từ nguyệt san của nhóm Trotskyist Hong Kong, Tập san tháng Mười, tháng Tám, 1974.

[6] Bắc Kinh tập san, tháng Chín, ngày 7, 1973, p. 20.

[7] Ulanfu (1906 – ): Người Mông Cổ, sinh ở Nội Mông. Ulanfu là chính trị gia cao cấp nhất không phải người Trung Quốc được vào Chính trị Bộ. Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc do Lý Đại Chiêu tuyển mộ, 1923. Bị thanh trừng 1967, vì chống lại lực lượng Hồng Vệ Binh đánh phá tại Mông Cổ. Được phục hồi danh dự (rửa tiếng) 1973. Sau khi Mao chết, trở lại chức vụ cũ, 1977. (N.D).

[8] Leon Trotsky, Stalin (London: Panther Books, 1969) vol. 2, p. 202.

[9] Leon Trotsky, In Defense of Marxism (New York: Pathfinder Press, 1973), p. 19.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]