Chủ nghĩa vị tha cực độ

Print Friendly, PDF & Email

altruism

Nguồn: Peter Singer, “Extreme Altruism”, Project Syndicate, 15/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hơn 40 năm trước, trong một bài tiểu luận với nhan đề “Famine, Affluence, and Morality” (tạm dịch: “Đói nghèo, Sung túc, và Đạo nghĩa”), tôi đã dẫn dắt người đọc tưởng tượng rằng họ đang đi ngang một ao nước cạn thì nhìn thấy một đứa bé bị rơi xuống ao và dường như sắp chết đuối. Bạn có thể dễ dàng cứu đứa trẻ, nhưng đôi giày mới đắt tiền của bạn sẽ bị hỏng. Liệu có sai không nếu phớt lờ đứa bé và tiếp tục bước đi?

Khi tôi yêu cầu các thính giả giơ tay cho câu hỏi đó, họ thường nhất trí cho rằng việc ưu tiên đôi giày là sai trái. Sau đấy, tôi chỉ ra rằng, bằng cách quyên góp cho một tổ chức từ thiện về bảo vệ trẻ em ở các nước đang phát triển khỏi dịch bệnh đậu mùa, tiêu chảy, sởi hay suy dinh dưỡng, chúng ta có thể cứu lấy tính mạng của trẻ em.

Đó là một lập luận đơn giản, cho đến khi chúng ta nhận ra rằng, chỉ cần từng cứu một đứa trẻ bằng cách quyên góp cho một tổ chức từ thiện hiệu quả, chúng ta sẽ muốn có cơ hội để (quyên góp nhằm) cứu thêm nhiều đứa bé khác nữa. Liệu chúng ta có phải chấm dứt những khoản chi tiêu xa xỉ, nhờ đó mà chúng ta cứu thêm được một sinh mệnh, quyên góp cho đến khi việc quyên góp thêm sẽ khiến chúng ta nghèo đói như chính những người mà chúng ta đang giúp đỡ?

Ví dụ về cứu đứa bé đang chết đuối của tôi được lặp lại trong nhan đề cuốn sách gần đây của Larissa MacFarquhar “Stranger Drowning” (tạm dịch: Người lạ đang chết đuối). Cốt lõi của cuốn sách là một loạt tiểu sử của những người sống theo chuẩn mực đạo đức hết sức khắt khe. Rất đáng để điểm qua một vài cái tên đã được MacFarquhar nhắc đến trong cuốn sách của cô.

Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Julia Wise đã luôn cảm thấy nếu mỗi người đều có giá trị như nhau, cô không nên quan tâm đến hạnh phúc của bản thân nhiều hơn những người khác. Nếu một ai đó có thể nhận được lợi ích lớn hơn từ số tiền mà Julia trả cho một cây kem, sẽ tốt hơn nếu cô tặng khoản tiền ấy cho người đó. Julia bắt đầu quyên góp tiền tiết kiệm của mình cho các tổ chức từ thiện như Oxfam. Khi cô phải lòng Jeff Kaufman, họ đồng ý rằng cả hai sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình – hiện tại là khoảng một nửa thu nhập của họ. (Blog của Wise tại địa chỉ www.givinggladly.com)

Kimberly Brown–Whale đang là mục sư tại một nhà thờ ở Essex (Maryland), lúc cô tình cờ xem được bản tin thời sự về một phụ nữ trẻ đang cần ghép thận. Không cần đắn đo nhiều, cô gọi điện đề nghị được hiến thận. Mặc dù hóa ra thận cô không hợp với người phụ nữ trẻ đó, y tá hỏi cô liệu có sẵn sàng hiến thận cho một ai khác không. Cô đã đồng ý, và gia nhập vào số lượng ngày càng tăng những người tình nguyện hiến thận cho người lạ. (Tôi được biết có một người cũng không ngần ngại làm vậy qua một buổi thảo luận về bài tiểu luận “Famine, Affluence, and Morality” ở lớp triết học.)

Vào một đêm mưa tầm tã, Baba Amte, con trai của một địa chủ Anh–điêng giàu có, bắt gặp một người bệnh phong sắp chết. Baba vượt qua sự ghê tởm và nỗi sợ lây bệnh ban đầu để che chở cho người bệnh này khỏi trời mưa. Trải nghiệm đấy đã lưu lại trong ông, đưa ông đến quyết định thành lập một trại tập trung cho người bị bệnh phong. Chỉ trong vòng vài năm, hàng ngàn bệnh nhân phong và người ốm yếu tàn tật khác đã sống ở đó trong một cộng đồng ngày một phát triển. Sau khi Baba qua đời, các con trai của ông đã tiếp nối công việc ông để lại.

Sue Hoag mới 12 tuổi khi cô đọc được cuốn sách viết về một gia đình đã nhận nuôi vài đứa trẻ nghèo túng, và từ đấy, cô cũng muốn làm như vậy. Khi cô gặp gỡ và kết hôn với Hector Badeau, họ quyết định sẽ có hai đứa con của riêng mình và nhận nuôi thêm hai đứa. Họ đã làm thế, nhưng họ không thể ngăn được suy nghĩ rằng vẫn còn nhiều đứa trẻ khác đang tuyệt vọng mong mỏi một mái ấm – những đứa trẻ khó được nhận nuôi bởi khuyết tật hoặc do sắc tộc, độ tuổi, hay quá khứ bạo lực của chúng. Hoag và Badeau hoàn toàn không giàu có, nhưng sau cùng họ nhận nuôi đến 20 đứa trẻ bên cạnh hai đứa con ruột.

MacFarquhar đã xen lẫn những tiểu sử này với các tranh luận về thái độ đối với chủ nghĩa vị tha được thể hiện bởi những người như Bernard Mandeville, Adam Smith, Immanuel Kant, Charles Darwin và Sigmund Freud. Nhiều người trong số những nhà tư tưởng này phản đối chủ nghĩa vị tha, hoặc thậm chí chối bỏ sự tồn tại của nó. Khi MacFarquhar nói với bạn bè của cô rằng mình đang viết một cuốn sách về các “do – gooders” (tức các nhà từ thiện có thiện ý nhưng thường lý tưởng hóa và có phần viễn vông), cô nhận thấy họ trở nên không thoải mái trước ý tưởng rằng có những người không chỉ tự nhận mà còn đang sống bằng các chuẩn mực đạo đực đặc biệt khắt khe. MacFarquhar thấy sự phản đối này thật khó hiểu – tại sao chúng ta không ngưỡng mộ những người cống hiến thật nhiều cho người khác như vậy mà lại bài trừ họ như những kẻ “dở hơi”?

Câu trả lời có lẽ là bởi chúng ta cũng cảm thấy cần phải sống phù hợp với một chuẩn mực đạo đức cao hơn, và những người được miêu tả trong cuốn Strangers Drowning làm chúng ta cảm thấy xấu hổ về lối sống của mình. Nếu họ có thể sống với chuẩn mực đạo đức cao như thế, thì chúng ta cũng có thể làm như vậy. Nếu chúng ta tin rằng tất cả những người theo chủ nghĩa vị tha là những kẻ đạo đức giả, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn; nhưng cuốn Strangers Drowning chứng minh rằng niềm tin giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn đó là sai lầm.

Có những người cống hiến cuộc đời mình cho những người khác, không màng đến sự đền đáp nào ngoài việc biết rằng họ đang giúp đỡ người khác và hành động đúng với những giá trị mà họ theo đuổi. Nhiều người trong số họ cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng xứng đáng và viên mãn. Nhưng đó không phải là lý do để họ hành động như vậy.

Peter Singer là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Extreme Altruism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]