Hoàng đế Phổ Nghi và những ngày lưu đày tại Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

puyi

Nguồn:In the Last Emperor’s words: Life as a prisoner in the USSR”, Russia Beyond the Headlines, 18/08/2015.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng

Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa, đã trải qua 5 năm làm tù nhân chiến tranh ở Liên Xô. Trong cuốn tự truyện được xuất bản vào những năm 1960, ông mô tả chân thực về quãng thời gian sống tại Chita và Khabarovsk.

Ngày 18/8/1945, Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của xứ Trung Hoa, lúc bấy giờ chỉ còn là hoàng đế bù nhìn của Nhật tại Mãn Châu quốc, đã thoái vị và chuẩn bị theo chân đám bại binh Nhật trốn khỏi đông bắc Trung Hoa. ‘The Last Emperor’ (Vị Hoàng đế cuối cùng), bộ phim đoạt giải Oscar của đạo diễn Bernardo Bertolucci, đã khắc họa khoảnh khắc các binh sỹ Liên Xô chiếm phi trường Mãn Châu, ngăn chặn Phổ Nghi và đoàn tùy tùng tháo chạy sang Triều Tiên. Ông bị bắt sang Liên Xô với một tương lai bất định.

Trong cuốn ‘The Last Manchu: The Autobiography of Henry Pu Yi, Last Emperor of China’ (Người Mãn Châu cuối cùng: Tự truyện của Henry Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa) ông dành hẳn một chương để kể về quãng thời gian bị tù đày ở Liên Xô. Trước khi cuốn sách được ra mắt, công chúng Nga biết rất ít thông tin về cuộc sống của Phổ Nghi nơi đây, vì vậy cuốn sách trở thành nguồn thông tin quan trọng về “góc khuất” này của lịch sử.

Theo cuốn sách, ngay sau khi đáp máy bay xuống Siberia, Phổ Nghi được đưa lên một chiếc xe hơi và đi trong nhiều giờ đồng hồ trước khi dừng lại. Ông bắt đầu lo cho mạng sống của mình khi nghe thấy một giọng Hoa lưu loát của ai đó nói với ông, rằng ông có thể ra ngoài và đi vệ sinh nếu muốn. Ông kể: “Trời tối như thế, tôi sợ lắm”. “Giọng nói đó khiến tôi tưởng rằng vài người “đồng hương” tới bắt chúng tôi về Trung Hoa, nếu đúng là thế, chắc chắn tôi sẽ bị giết.” Người nói tiếng Hoa khi nãy hóa ra lại là một viên sỹ quan Xô-viết gốc Hoa. Không những tính mạng của Phổ Nghi không gặp nguy hiểm, mà ngược lại, theo nội dung cuốn tự truyện, ông có một cuộc sống khá thoải mái tại Chita và Khabarovsk trong hơn 5 năm sau đó.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông trên đất Nga là một khu nghỉ dưỡng gần thành phố Chita của Siberia, nơi nổi tiếng với các dòng suối khoáng. Phổ Nghi viết: “Chúng tôi được phục vụ ngày ba bữa, và còn một bữa trà chiều, đều được làm theo kiểu Nga.” “Luôn có người hầu hạ và còn có cả bác sỹ, y tá luôn túc trực thăm khám và chăm sóc khi chúng tôi ốm đau.” Ông còn được chính quyền Liên Xô cho đọc sách, chơi cờ, nghe đài. Ngoài ra, ông cũng hay đi dạo, tận hưởng cuộc sống ở Chita.

Năm 1945, cuộc Nội chiến giữa Quốc Dân đảng và quân du kích của Mao Trạch Đông tại Trung Hoa vẫn chưa ngã ngũ. Điều này lý giải việc Liên Xô không vội vàng đưa vị cựu hoàng đế Phổ Nghi về Trung Hoa.

Lúc bấy giờ, Phổ Nghi cũng không hay biết về tình hình biến động địa chính trị trên thế giới. “Chẳng bao lâu sau khi chúng tôi tới, tôi đã ảo tưởng rằng Liên Xô, Anh Quốc và Hoa Kỳ là đồng minh, do đó tôi có thể được đưa sang Anh hay Mỹ sống lưu vong”. Với số châu báu cùng các tác phẩm nghệ thuật mang theo, cựu hoàng đế có thể có cuộc sống dư giả đến cuối đời ở trời Tây.

Ông tin rằng, cách tốt nhất để đến được Tây phương là trước hết cần được lưu trú tại Nga. Cựu hoàng đế thậm chí đã ba lần viết thư xin phép chính quyền Liên Xô được định cư ở đây. Đoán chắc cả Quốc dân Đảng lẫn quân Mao ở Trung Hoa muốn sát hại mình, ông cố gắng trong vô vọng thuyết phục Liên Xô cho định cư.

Về sau, Phổ Nghi được chuyển tới thành phố Khabarovsk ở miền Viễn Đông nước Nga. Theo lời kể của ông, điều kiện ở đây không được đầy đủ như ở Chita, nhưng ông vẫn được hưởng các đặc quyền. Điều khiến ông có chút khó chịu là các tù nhân khác không còn gọi ông là “Bệ hạ” hay “Hoàng thượng” mà thay vào đó là “Cậu Phổ”.

“Trong 5 năm bị giam hãm ở Liên Xô, chưa khi nào tôi muốn chối từ các đặc quyền đặc lợi”. Ở Khabarovsk thì ngược lại, chẳng có lấy một đám tôi tớ nào, nhưng những người bị giam cùng, gồm cả thân nhân của ông, giúp phục vụ ông. Ông được người nhà cơm bưng nước rót, giặt đồ, gọi ông là “Bề trên”.

Ông kể về những bất tiện khi chính quyền Liên Xô đưa một số người thân của ông đến nơi khác. Về sau, anh rể của ông là người phục vụ cơm nước và giặt giũ.

Dù không phải là người muốn đụng chân đụng tay vào việc gì, song ông lại yêu thích công việc trồng trọt, và bắt đầu trồng rau quả trên thửa đất người ta cấp cho ông. “Tôi cùng gia đình trồng ớt chuông, cà chua, cà tím, đỗ và nhiều loại rau củ khác. Khi tôi ngắm nhìn chúng lớn lên từng ngày, tôi đã rất ấn tượng.” Ông mang theo niềm đam mê làm vườn này khi về Trung Hoa. Sau khi được mãn hạn tù ở quê nhà, đây chính là công việc mà ông lựa chọn.

Phổ Nghi cùng những người bạn tù chỉ có thể nghe ngóng thông tin về Trung Hoa từ hai nguồn duy nhất là thông dịch viên và tờ Trud, một tờ báo tiếng Trung do Quân đội Liên Xô xuất bản ở Cảng Arthur (Lữ Thuận). Các mô tả của cựu hoàng đế về cuộc sống tại Liên Xô cho thấy, giới chức trách không đòi hỏi gì nhiều ở ông. Họ đưa ông đọc các cuốn sách về chủ nghĩa Marx-Lenin, song ông lại cảm thấy không hiểu là tại sao họ lại muốn ông đọc chúng khi ông không được phép định cư ở Liên Xô.

Năm 1946, chính quyền Xô-viết đưa ông tới Tokyo để làm chứng trước Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông. “Tôi thực tâm và trực tiếp lên án những tội ác chiến tranh của quân Nhật. Tuy nhiên, hễ đề cập tới giai đoạn lịch sử này, tôi lại tránh nhắc đến những việc mình đã làm.”

Phổ Nghi cuối cùng đã hiến tặng một số món đồ trang sức cùng vật báu cho chính quyền Xô-viết. Ông tuyên bố muốn hỗ trợ Liên Xô tái thiết nền kinh tế thời hậu chiến. Ông viết: “Do Liên Xô đã thay đổi cuộc đời tôi, vì vậy, tốt nhất là mình nên tử tế với người Nga và giành được thiện cảm của họ.”

Tháng 8/1950, Phổ Nghi được các sỹ quan Nga hộ tống về Trung Hoa, tạm thời rời xa gia đình. Ông viết: “Dù họ có nói chuyện đùa với tôi, cho tôi uống bia, ăn kẹo, song tôi có cảm giác rằng họ sẽ cho tôi qua bên kia thế giới.” Thế nhưng, vị Hoàng đế  cuối cùng vẫn sống thêm 17 năm nữa, thậm chí còn được chứng kiến sự khởi đầu của Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc.

Sau 10 năm tù đày và được tuyên bố là đã được cải tạo xong, Phổ Nghi được trả tự do và công tác tại Vườn Bách thảo Bắc Kinh. Thậm chí ông còn thân với Mao Trạch Đông, người khuyến khích ông viết cuốn tự truyện này.

Xem thêm:

12/02/1912: Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc thoái vị

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]