Tác giả: Nguyễn Tăng Nghị
Tham vọng của Trung Quốc là từ một cường quốc khu vực có ảnh hưởng toàn cầu thành một cường quốc toàn diện. Một trong những công cụ chủ yếu thực hiện tham vọng đó là dự án “một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên sự trỗi dậy mạnh mẽ này đang vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ và EU cũng như những quan ngại của các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Vì vậy quá trình triển khai, tư duy theo kiểu “dò đá sang sông” sẽ là nền tảng cơ bản để đi đến thành công. Cùng với đó Trung Quốc sẽ từng bước hóa giải những thách thức, cản trở khi thực hiện dự án này. Đây chính là những vấn đề mà bài viết sẽ tập trung phân tích. Đồng thời tác giả cũng sẽ đưa ra những dự báo về cách thức lựa chọn để giải quyết những thách thức ấy.
- Sự ra đời và ý nghĩa của dự án “một vành đai, một con đường”:
Từ khóa chỉ chính sách ngoại giao của Trung Quốc năm 2014 là “vành đai kinh tế và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (gọi tắt là một vành đai, một con đường – one belt and one road). Dự án “một vành đai, một con đường” sẽ trở thành chiến lược ngoại giao chính của Trung Quốc trong vòng 10-15 năm tới. Chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt từ kinh tế, chính trị, quân sự đến văn hóa, xã hội….[1] Giới học giả Trung Quốc cho rằng 2013 là năm quy hoạch chính sách, 2014 là năm công bố chính sách và 2015 sẽ là năm thực hiện triệt để chính sách này.
Vào tháng 9/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan trong đó nhấn mạnh và đề cập đến một vấn đề: “Để kết nối chặt chẽ kinh tế, tăng cường hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Á-Âu, chúng ta có thể xây dựng một mô hình hợp tác kiểu mới, cùng nhau xây dựng một vành đai kinh tế trên nền tảng con đường tơ lụa. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả cư dân dọc theo tuyến đường này đi qua”[2].
Vào tháng 10/2013 tại hội nghị APEC được tổ chức tại Indonesia, ông Tập lại đưa ra một quan điểm ngoại giao mới: Khu vực Đông Nam Á xưa nay có thể nói là sợi dây quan trọng bậc nhất của con đường tơ lụa trên biển. Chính phủ Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác trên biển với các quốc gia ASEAN đồng thời sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN mà chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng (Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc – ASEAN). Hai bên cùng nhau tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác nhiều mặt, chung tay xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI[3].
Ngay kể từ khi ý tưởng chiến lược này được đề xuất, nó đã thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế. Trong đó các nước dọc theo hai tuyến đường tơ lụa này vừa kỳ vọng nhưng cũng có không ít những hoài nghi về tính khả thi của nó[4]. Kể từ đó đến nay, thông qua nhiều phương thức hợp tác, Trung Quốc và các quốc gia, tổ chức khu vực hữu quan đã sự nỗ lực và cùng nhau xây dựng “một vành đai, một con đường”, từng bước thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa các quốc gia và khu vực dọc theo hai con đường tơ lụa đi qua. Dự án “một vành đai, một con đường” có thể nói là một trong những thay đổi mang tính lịch sử kể từ sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa kinh tế[5]. Nó thể hiện vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc mới đủ điều kiện, khả năng lãnh đạo đất nước Trung Hoa phục hưng một cách mạnh mẽ và đi đến cùng[6].
Để nhanh chóng hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc đã không ngần ngại rót vào lượng tiền lớn chưa từng có trong lịch sử: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 USD tỷ cho vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1.250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025[7]. Muốn chiến lược này trở thành hiện thực và đi vào thực tế, Trung Quốc cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề trong đó làm thế nào để đánh giá một cách chính xác nhất về chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thứ hai là làm thế nào để đạt được sự đồng thuận và hợp tác từ các nước láng giềng và khu vực. Tuy nhiên để được các cường quốc ủng hộ dự án này là câu chuyện không hề đơn giản, bởi “một vành đai, một con đường” thực sự bao trùm toàn bộ thế giới với giá trị kinh tế có thể lên tới 21 nghìn tỷ USD[8].
Tham vọng xây dựng “siêu dự án”, là một phần trong chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giúp Trung Quốc ra khỏi sân chơi Đông Á và trở thành một cường quốc toàn cầu. “Một vành đai, một con đường” sẽ cho phép Trung Quốc tạo ra đòn bẩy kinh tế và giúp kéo các nước khu vực tiến gần hơn tới quỹ đạo theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đồng thời cặp sáng kiến “một vành đai, một con đường” có thể nói là một chiến lược phản ánh tham vọng phục hưng quốc gia và “giấc mơ Trung Hoa”. Đây cũng là kế hoạch nhằm hạn chế Chính sách tái cân bằng của Mỹ cũng như tạo thế đối trọng với các Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp Định Đối tác Thương mai và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Từ đó giành quyền chủ đạo chính sách, xác định lại luật chơi theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong kỷ nguyên mới này.
- Quá trình triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường”
- Những “sải chân” trong hợp tác an ninh khu vực – nơi vành đai kinh tế đi qua
Khu trọng tâm của dự án
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển mất cân đối, sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Đông và miền Tây ngày một lớn. Khu vực Tây và Tây Nam trung Quốc sau gần 40 năm cải cách mở cửa, đời sống kinh tế, xã hội vẫn giậm chân tại chỗ. Các kế hoạch đại khai phá miền Tây và Tây Nam của Trung Quốc dần đi vào ngõ cụt. Cùng với đó là những bất ổn về xã hội cũng như xung đột sắc tộc tại ngày một sâu sắc. Năm 2001, một trong những lý do để Tổ chức Hợp tác Thượng Hải[9] (SCO) ra đời là giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội tại các khu vực này của Trung Quốc với các nước Tây Á và Trung Á. Trung Quốc đã cố gắng hình thành một nhóm an ninh phi phương Tây nhằm đối trọng với NATO và cho phép nó có nhiều cơ hội hành động quân sự hơn ở châu Á. SCO, được xem là NATO của châu Á và bị Nga – Trung Quốc chi phối.
Cùng với việc không ngừng mở rộng và nâng cấp thành viên, Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới mối quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực này. Từ đó mạnh dạn khai thông mạng lưới thương mại, tăng cường giao lưu văn hóa, không ngừng thúc đẩy giao lưu nhân dân. Nhằm tìm cách can dự sâu vào các vấn đề an ninh trong khu vực giàu tiềm năng này. Đồng thời tìm cách giảm bớt sức ảnh hưởng cũng như vị trí của Mỹ. Sâu xa hơn, Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống giao thông bao gồm đường sắt, cao tốc, sân bay….kết nối toàn bộ giao thông của các quốc gia này lại với nhau. Đây chính là trọng tâm của chiến lược xây dựng vành đai kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới. Một khi SCO phát triển đi vào chiều sâu. Và một khi kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Trung Quốc được triển khai và được các quốc gia – nơi vành đai kinh tế này đi qua đồng tình ủng hộ thì “siêu dự án” của Trung Quốc sẽ có cơ sở trở thành hiện thực.
Khu vực mở rộng –những “sải chân” của vành đai kinh tế
Khu vực mở rộng của vành đai kinh tế đi qua chủ yếu bao gồm hai khu vực Nam Á và Đông Âu. Sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia trong khu vực Nam Á bắt đầu chung tay hợp tác với nhau. Thông qua các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các nước, từng bước hình thành nên môi trường an ninh mang tính khu vực. Trong đó có thể kể đến Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đã đề cập đến vấn đề an ninh lương thực, khủng hoãn năng lượng, chủ nghĩa khủng bố…Đồng thời cũng đề ra các biện pháp ứng phó và cần tăng cường thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực. Các vấn đề SAARC quan ngại cũng là tiền đề để Trung Quốc can dự và thể hiện vai trò của mình đối với tổ chức này. Nếu Trung Quốc và SAARC bắt tay hợp tác trong các vấn đề an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng và chống chủ nghĩa khủng bố thì cũng đồng nghĩa vành đai kinh tế sẽ được củng cố và nối dài đến tận Nam Á thậm chí là Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để vành đai kinh tế được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
Hợp tác an ninh, kinh tế, chính trị tại khu vực Đông Âu[10] có thể nói phần lớn phụ thuộc vào mối quan hệ và thái độ của Nga. Trong khi Belarus và Armenia quá phụ thuộc vào Nga thì Ukraine và Moldova ngược lại. Hai quốc gia này ngoài việc muốn gia nhập vào Liên minh châu Âu (EU), cả hai còn muốn hạn chế những ảnh hưởng của Nga trong đời sống, kinh tế, xã hội thậm chí là chính trị. Chính sự bất ổn trong quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực với một bên là EU và một bên là Nga. Trung Quốc sẽ tận dựng cơ hội này để bắt tay với các quốc gia trên thông qua đầu tư, xây dựng hạ tầng với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại hai chiều. Cùng với đó, Bắc Kinh sẽ không ngừng tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình trong các vấn đề quan hệ tay ba。
- Thành quả hợp tác với các khu vực – nơi con đường tơ lụa trên biển đi qua
Tuyến đường Đông Nam Á
Trong thập niên trở lại, Đông Nam Á nổi lên là một khu vực có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước lớn. Bởi Đông Nam Á nằm trên tuyến đường biển nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự như Đông Bắc Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông, Australia và nhiều nước thuộc khu vực Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tiềm lực kinh tế của đại đa số các quốc gia trong khu vực liên tục tăng trưởng ở mức cao, các hình thức liên kết và hợp tác giữa các thành viên trong khối ASEAN không ngừng được đẩy mạnh. Điều này khiến Đông Nam Á trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI. Có thể nói Đông Nam Á là một khu vực quan trọng có tác động trực tiếp tới chiến lược vươn rộng ra toàn khu vực châu Á và là điểm chiến lược quan trọng trong chiến lược kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Với những lý do trên, ngoài việc tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với ASEAN, Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho 24 dự án cao tốc, 3 dự án đường sắt, 1 dự án cảng biển, 3 dự án cảng hàng không, 9 dự án cầu tại ASEAN, đặc biệt là khu vực tiểu vùng sông Mekong[11]. Thương mại, kim ngạch xuất khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN trong những năm gần đây không ngừng được nâng cao. Năm 2014 tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 480,4 tỷ USD, tăng 8.3%[12]. Cùng với đó, Trung Quốc đã đầu tư một số lượng tiền lớn nhằm xây dựng được mạng lưới cảng biển, đường sắt….,điều sẽ giúp các nước trong khối ASEAN vốn dĩ hạn chế kết nối sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Khi đó tuyến đường biển đi qua ASEAN sẽ được nhiều nước hoan nghênh. Đây chính là những toan tính mang tầm chiến lược của Bắc Kinh. Khi tuyến hàng hải ASEAN được hình thành, nó không chỉ tạo động lực mà còn là tiền đề giúp Trung Quốc tự tin hơn “chèo” tiếp đến tuyến Nam Á và Vịnh Ba Tư vừa xa xôi hơn.
Tuyến Nam Á và Vịnh Ba Tư
Tuyến Nam Á và Vịnh Ba Tư[13] là một trong những khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và có một vị trí đặc biệt quan trọng – là nơi giao nhau giữa châu Á và châu Phi, là cửa ngõ ra vào giữa châu Á và châu Âu. Về vấn đề hợp tác an ninh tại khu vực Nam Á bài viết đã đề cập ở phần trên. Ước tính có khoảng 40% lượng dầu mỏ của thế giới phải đi qua đây mỗi năm[14]. Khi nói đến hợp tác an ninh giữa các quốc gia khu vực Vịnh Ba Tư là nói đến Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư (GCC) gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Từ khi thành lập đến nay, GCC ưu tiên cho hợp tác quân sự, kinh tế và phòng vệ. Những năm đầu của thế kỷ XXI, khi chiến tranh Iraq diễn ra, vấn đề hạt nhân của Iran ngày một phức tạp thì cơ chế thỏa thuận cũng như tăng cường đối thoại an ninh được coi trọng hơn bao giờ hết. GCC ổn định cũng đồng nghĩa các nước dọc khu vực Vịnh Ba Tư trong đó có cả Iran và Iraq sẽ từng bước ổn định. Nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa sẽ được tăng lên. Trong khi đó Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của 120 quốc gia trên thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hơn 70 quốc gia[15]. Như vậy việc con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc khi đi ngang khu vực này có thể sẽ mang lại lợi ích cho các bên liên quan. Trung Quốc sẽ từng bước chiếm lĩnh thị trường tại khu vực này, đồng thời sẽ mở được nút thắt quan trọng để đi vào châu Âu. Ngược lại các quốc gia thuộc GCC sẽ có thêm sự lựa chọn đến từ Trung Quốc thay vì chỉ có Mỹ và phương Tây.
Tuyến bờ Tây Ấn Độ Dương
Hợp tác an ninh khu vực này chủ yếu xoay quanh vấn đề cướp biển ở phía Đông châu Phi. Khu vực bất ổn về cướp biển chủ yếu từ Hồng Hải, đến Vịnh Aden, Kenya, Tanzania, Mozeambique. Đặc biệt là Vịnh Aden – một tuyến đường thủy quan trọng với khoảng 21.000 tàu qua vịnh mỗi năm. Vịnh này có biệt danh là “Pirate Alley” (Đường cướp biển) do xảy ra rất nhiều vụ cướp biển trong khu vực này. Để ứng phó với nạn cướp biển, các quốc gia khu vực bờ Tây Ấn Độ Dương và cộng đồng quốc tế đã tích cực hợp tác với nhau. Hình thành nên một hệ thống chống cướp biển nhiều tầng nấc. Hàng năm khoảng 12% lượng dầu của thế giới được chở qua Vịnh Aden này[16]. Chính vị trí chiến lược cũng như sự nhộn nhịp của giao thương, nên Bắc Kinh từ lâu đã chú trọng và ưu tiên xây dựng bằng được tuyến đường hàng hải đi qua khu vực này. Những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu điều tàu hải quân tham gia tuần tra ở Vịnh Aden nhằm bảo vệ các tàu hàng đang ngày càng bị cướp biển đe dọa. Việc Trung Quốc tham gia tuần tra tại khu vực này không chỉ đơn tuần là gìn giữ hòa bình mà sâu xa hơn nó thể hiện vai trò, sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Đồng thời thông qua tuần tra Trung Quốc sẽ từng bước xác lập vị trí, tầm ảnh hưởng của mình. Từ đó tìm cách can dự vào các vấn đề chính trị tại khu vực này.
- Thách thức đối với chiến lược “một vành đai, một con đường”
Tranh giành quyền lực của các cường quốc
Trong những năm gần đây, các cường quốc trong khu vực và thế giới luôn điều chỉnh chiến lược, chính sách theo nhiều cách khác nhau nhằm tìm kiếm cho mình một chỗ đứng, tầm ảnh hưởng nhất định trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ các nước như Mỹ, Ấn Độ, Liên Bang Nga và cả châu Âu.
Tháng 7/2011 Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức đưa ra ý tưởng con đường tơ lụa mới và tư duy “Đại Trung Á” . Với chủ trương xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế và hệ thống giao thông kế nối toàn bộ khu vực Nam Á, Trung Á với Tây Á lại với nhau[17]. Cũng vào tháng 9/2011 tại Hội nghị thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bà đã giới thiệu chi tiết về kế hoạch thực hiện “con đường tơ lụa mới” này: lấy Afghanistan làm trung tâm, kêu gọi các quốc gia láng giềng của nước này ủng hộ, duy trì vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực vốn dĩ là trung tâm của cả châu Âu và châu Á[18]. Thực chất mục đích của kế hoạch này là làm suy giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực này. Mục tiêu của Mỹ không chỉ duy trì vị trí lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng tại khu vực vốn được xem là cầu nối của châu Âu và châu Á mà trên hết Mỹ luôn tìm đủ mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội hợp tác, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực này. Ngoài ra Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì Chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đối với Trung Quốc là chưa đủ. Vì vậy, Washington buộc phải kéo cả các nước Nam Á vào cuộc trong đó Ấn Độ có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không phải tự nhiên mà giới chính trị gia của Mỹ đã nhiều lần đưa ra khái niệm “Ấn -Thái”[19] (Indo – Pacific) vào các bài phát biểu. Vào tháng 3/2013 Tư lệnh Vùng chiến đấu Thái Bình Dương của Mỹ ông Samuel J. Locklear III chính thức đưa ra khái niệm “Ấn –Thái” trước Quốc hội. Mặc dù cơ quan truyền thông của Bộ Tư lệnh Vùng chiến đấu Thái Bình Dương Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh việc dùng khái niệm mới này hoàn toàn không mang hàm ý cô lập hay kiềm hãm Trung Quốc. Chính quyền Mỹ chỉ muốn nhấn mạnh khu vực châu Á Thái Bình Dương ngoài Thái Bình Dương ra còn bao gồm cả Ấn Độ Dương nữa[20]. Với khái niệm mới này khu vực châu Á Thái Bình Dương đã được Mỹ kéo dài đến tận Ấn Độ – một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Nam Á. Kể từ khi Tổng thống Obama đưa ra Chiến lược Tái cân bằng châu Á Thái Bình Dương, Mỹ đã không ngừng tăng cường đầu tư quân sự tại khu vực này. Đồng thời lợi dụng những tranh chấp về lãnh thổ, xung đột biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, từng bước can dự và hỗ trợ các quốc gia này trong việc đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đây là cách Mỹ hạn chế và tìm cách “tiêu hao” sức mạnh của Trung Quốc mà không cần đối đầu trực tiếp.
Ngoài Mỹ ra, năm 2009 EU đã đưa ra “kế hoạch của con đường tơ lụa mới”. Thông qua việc khôi phục lại đường ống dẫn khí đốt Nabucco, EU triển khai kết nối nhiều mặt như thương mại, năng lượng, thông tin… với các quốc gia khu vực Trung Á. Tích cực triển khai đầu tư nhằm bảo đảm nguồn cung về năng lượng đồng thời tăng cường sức ảnh hưởng của mình tại khu vực. Có hai lý do khiến EU chen chân vào khu vực này. Thứ nhất sẽ có lợi trong việc cạnh tranh và cân bằng sức ảnh hưởng của Mỹ – Nga. Thứ hai khi có thêm EU vào thì cục diện chính trị tại khu vực này sẽ trở nên đa cực hơn. Điều này sẽ bất lợi cho dự án “một vành đai kinh tế” của Trung Quốc khi đi qua khu vực này bởi cả Mỹ, Nga và EU đều là những cường quốc và liên minh khu vực hàng đầu thế giới.
Từ năm 2002, cả Nga, Ấn Độ và Iran đưa ra kế hoạch xây dựng “hành lang Bắc – Nam”. Song song với đó là đề xuất xây dựng tuyến đường vận tải quốc tế nối liền Ấn Độ, Iran, Nga và châu Âu. Mục đích của Nga là duy trì sức ảnh hưởng tại khu vực vốn được xem là khu vực truyền thống của mình. Những năm gần đây, Nga lại đề xuất ý tưởng hợp nhất tiếng nói chung của các quốc gia khu vực Trung Á lại với nhau– gần giống như mô hình Liên minh châu Âu. Cùng với đó, Moskva cố gắng đẩy nhanh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế tại khu vực này. Mặc dù tại Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vào tháng 5/2014, Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ dự án “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Tuy nhiên Moskva vẫn hoài nghi về một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng thiếu hòa khí. Ngoài ra, Nga cần thời gian để đánh giá lại mục tiêu và lý do sâu sa của “siêu dự án”. Nó là nhu cầu phát triển kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa thuần túy hay nó chỉ là vỏ bọc bên ngoài của chính trị. Những năm gần đây, ngoài phát triển kinh tế, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng từ một cường quốc khu vực có ảnh hưởng toàn cầu trở thành một cường quốc toàn cầu toàn diện[21]. Với nhiều lý do khác nhau, Nga không thể nào khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc trỗi dậy và chi phối các nước. Ngược lại Nga luôn tìm cách hạn chế tối đa sức ảnh hưởng cũng như hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia khu vực Trung Á. Đây chính là thách thức thứ ba và cũng là thách thức trực diện đối với dự án “một vành đai, một con đường”. Vì Nga không chỉ là cường quốc mà còn là quốc gia láng giềng, đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Đây được xem là một bài toán khó, đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải tìm ra cách giải tốt nhất nếu không muốn “siêu dự án” đi vào ngõ cụt.
Ngoài ra cả Ấn Độ, Iran, và Afghanistan cũng đang thúc đẩy xây dựng “con đường tơ lụa phía Nam” khu vực Nam Á. Mục đích của con đường này là phá vỡ cấu trúc và hướng đi của “một vành đai, một con đường”. Ấn Độ nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi với phần lớn lãnh thổ đều tiếp giáp với Ấn Độ Dương. Trong khi đóẤn Độ Dương nằm ở vị trí vô cùng đắc địa, cả về kinh tế, quân sự đến an ninh quốc phòng. Phía đông Ấn Độ Dương là eo biển Malacca, phía tây có kênh đào Suez, còn có eo biển Mozambique, mũi Hảo Vọng và kéo dài đến Đại Tây Dương. Tuyến đường huyết mạch trên biển này làm cho Ấn Độ Dương có vị trí cực kỳ quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế[22]. Chính vì vậy, mọi sự can dự từ bên ngoài vào Ấn Độ Dương đều được xem là bao vây, kiềm hãm và phong tỏa Ấn Độ. “Chiến lược chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc trước đây và “một vành đai, một con đường” hiện nay luôn bị chính phủ Ấn Độ xem là chiến lược bao vây, hạn chế Ấn Độ. Vì vậy rất khó để Ấn Độ bắt tay với Trung Quốc cùng xây dựng “một vành đai, một con đường”. Nếu Ấn Độ thực sự không mặn mà hoặc cho rằng “một vành đai, một con đường” là chiến lược thâu tóm và bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trên khắp châu lục. Khi đó “siêu dự án” này có thể thành công ở nhánh khác nhưng ở nhánh Nam Á xem ra khó trở thành hiện thực. Và ít nhiều giấc mơ Trung Hoa sẽ trở nên dài và lắm mộng hơn.
Tranh chấp lãnh thổ và bất ổn khu vực
Một số nơi mà dự án “một vành đai, một con đường” đi qua hiện vẫn đang tồn tại nhiều tranh chấp, bất đồng thậm chí có nguy cơ xẩy ra xung đột. Chính những tranh chấp này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của “siêu dự án”. Trong đó có thể kể đến vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc không ngừng bồi đắp, cải tạo các bãi đá ngầm trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trấn áp hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam và Philippines, đưa tầu quân sự vào sát vùng biển của Malaysia, v.v… Không chỉ dư luận ở Việt Nam mà dư luận ở nhiều nước trên thế giới đều hết sức phẫn nộ trước hành động coi thường luật pháp quốc tế, cậy nước lớn bắt nạt, chèn ép nước nhỏ. Ngoài ra, quan hệ Trung – Nhật cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông của Trung Quốc. Tất cả những bất đồng, tranh chấp này không thể giải quyết một sớm một chiều được. Điều này sẽ bất lợi trong việc hợp tác giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Và dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai cũng như kết quả thực hiện “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”.
Sau thế chiến thứ hai, tranh chấp vùng Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ, xung đột biên giới giữa Ấn – Trung, tranh chấp lãnh thổ giữa Israel – Palestine vẫn chưa đi đến hồi kết. Một khi những bất ổn chính trị chưa được giải quyết hoặc chí ít đạt được những thỏa thuận nhằm hạn chế khả năng xung đột có thể xảy ra thì dự án “một vành đai, một con đường” sẽ gặp không ít thách thức.
- Kết luận
Dự án “một vành đai, một con đường” có thể nói là một “siêu dự án”. Trong suốt thời gian từ 1978 đến 2008, tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP Trung Quốc là 9.8%, thu nhập bình quân đầu người từ 190 USD lên 2.360 USD[23]. Từ một nước nghèo nàn và lạc hậu, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Cùng với sự phát triển vượt bậc của kinh tế, Trung Quốc bắt đầu thể hiện tham vọng và tìm kiếm vị thế chính trị trường quốc tế. Ngoài việc tích cực tham gia gánh vác, thực thi nghĩa vụ của nước lớn trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Trung Quốc còn chủ động cùng với một số nước thành lập ra các tổ chức hợp tác mang tính quốc tế như: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB).
“Một vành đai, một con đường” có thể là đòn bẩy để Trung Quốc bay cao và xa hơn nếu Trung Quốc biết cách hóa giải những thách thức đến từ các cường quốc như Mỹ, Liên Bang Nga, Ấn Độ, EU. Từ đó tạo niềm tin và chung tay với các cường quốc này xây dựng một thế giới phồn vinh và thịnh vượng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần thể hiện thái độ chân tình, cầu thị trong giải quyết các mâu thuẩn, bất đồng với các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chỉ có như vậy thì “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mới có cơ sở để thực hiện và trở thành hiện thực. Cũng như văn hóa, khi kinh tế phát triển đến mức độ nhất định. Nó sẽ tự hấp dẫn các quốc gia trên thế giới tự tìm đến hợp tác, giao thương. Khi đó “một con đường, một vành đai” giữa Trung Quốc với các quốc gia này sẽ tự động mở ra, hơn là hình thành theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” như hiện nay của Bắc Kinh.
Tuy nhiên thực tế khác nhiều so với lý thuyết bởi sự phức tạp của các nhánh mà “một vành đai, một con đường” đi qua, trong đó Trung Á là một ví dụ. Liệu Trung Quốc có đủ “tầm” và “tiền” để xây dựng thành công “vành đai kinh tế” đi qua các khu vực Trung Á, Nam Á hay Ấn Độ Dương hay không khi mà nội bộ các quốc gia trong vùng này còn quá nhiều những bất ổn thậm chí là bất đồng với Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có đủ sự chân tình hay sức hấp dẫn để các nước có thể bỏ qua những định kiến, tranh chấp; chung tay xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” tại khu vực của mình. Tất cả nghi vấn này sẽ phải chờ đợi và quan sát những đối sách của Bắc Kinh trong thời gian tới.
Nguyễn Tăng Nghị là Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH-NV Tp. HCM, và là nghiên cứu sinh tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 1, 2016.
—————–
[1] 薛力《中国“一带一路”战略面对的外交风险》,国际经济评论, 2015年第二版68页: Xue Li: Những thách thức về ngoại giao mà Trung Quốc phải đối mặt khi thực hiện OBOR, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, năm 2015, trang 68.
[2] 王义桅,《一带一路》机遇与挑战,人民出版社第15页:Wang Yiwei: Cơ hội và thách thức của OBOR, NXB Nhân dân,trang 15.
[3] 王义桅,《一带一路》机遇与挑战,人民出版社第15页: Wang Yiwei: Cơ hội và thách thức của OBOR, NXB Nhân dân,trang 15.
[4] 参见 郭延军《“一带一路”建设中的中国周边水外交》, 亚太安全与海洋研究, 2015年2期: xem Guo Yanjun: Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc khi xây dựng OBOR, Nghiên cứu Hải dương và An ninh Châu Á, kỳ 2 năm 2015
[5] 刘海泉《“一带一路”战略的安全挑战与中国的选择》,太平洋学报2015年2月73页: Liu Haiquan: Lựa chọn của Trung Quốc và thách thức an ninh của chiến lược OBOR, Tạp chí Nghiên cứu Thái Bình Dương, tháng 2/2015, trang 73.
[6] 储殷-高远:中国《“一带一路”战略定位的三个问题》,国际经济评论,2015年第2期91页: Chu Ying và Gao Yuan: Ba vấn đề định vị chiến lược OBOR của Trung Quốc, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, kỳ 2 năm 2015, trang 91.
[7] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2015-06-16/china-s-soft-power-push
[8] Văn Cường (gt), Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”: Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm địa chính trị – kinh tế toàn cầu?, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/4462-sang-kien-mot-vanh-dai-mot-con-duong-trung-quoc-se-dong-vai-tro-trung-tam-dia-chinh-tri-kinh-te-toan-cau
[9] Một tổ chức an ninh và kinh tế khu vực bao gồm Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Năm 2005, Ấn Độ cũng đã trở thành quan sát viên, cùng với Iran, Pakistan và Afghanistan. Sri Lanka, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là các đối tác đối thoại
[10] Đông Âu ở đây chỉ cho các quốc gia thuộc Liên Bang Xô viết trước đây bao gồm Belarus, Armenia, Ukraine và Moldova
[11] Vũ Thành Công, Bùi Thạch Hồng Hưng: Asean và con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, Nghiên cứu Biển Đông ngày 10/9/2015. http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/5267-asean-va-con-duong-to-lua-tren-bien-cua-trung-quoc
[12]王义桅,《一带一路》机遇与挑战,人民出版社第64页: Wang Yiwei: Cơ hội và thách thức của OBOR, NXB Nhân dân,trang 15.
[13] Bao gồm Banladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Iran, Iraq, Pakistan, Kuwait, Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Oman, Qatar.
[14] http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-trung-quoc-sot-sang-cu-tau-chien-den-vinh-ba-tu-a150173.html
[15] 王勇:“一带一路”与中国国际经济新战略的发展, 2014年11月 23日: Wang Yong: OBOR và phát triển chiến lược mới về kinh tế quốc tế của Trung Quốc, ngày 23/11/2014.
[16] Peter Chailk, “Piracy of the Horn of Africa: Scope, Dimensions, Causes and Responses”, Brown Journal of World Affairs, Vol. 16, No.2, Spring/Summer 2010, p. 96
[17] “Remark on India and The United States: a Vision for The 21th Century” http://www.state.gov/secretary/20092013clonton/rm/2011/07/168840.htm.
[18]“Remark at The New Silk Road Ministerial Meeting” http://www.state.gov/secretary/20092013clonton/rm/2011/07/173807.htm.
[19] Hillary Clinton, “America’s Engament in the Asia – Pacific”, http://www.state.gov/secretary/20092013clonton/rm/2011/10/150141.htm.
[20] 隗静:“不妨欢迎美国进军印太印亚洲”环球网, 2013年3 月19日,http://opinion.huanqiu.com/opinion_world/2013-03/3744867.html: Wei Jing: “Không hoan nghênh quân đội Mỹ đồn trú tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, Báo Hoàn Cầu ngỳ 19/3/2013.
[21] http://thediplomat.com/2015/04/how-china-can-perfect-its-silk-road-strategy/
[22]http://m.baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/truc-moi-chau-a-an-do-duong-dang-hinh-thanh-235339
[23] http://toquoc.vn/sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/93900/trung-quoc-30-nam-cai-cach-mo-cua.aspx
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]