Cuộc chiến nguồn nước của Ấn Độ

Print Friendly, PDF & Email

indiaw

Nguồn: Aman Sethi, “India’s Water Wars”, The New York Times, 01/03/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Xe tải quân đội đi dọc những con đường làng bụi bặm, lính bắt đầu bắn, đám đông bắt đầu náo loạn và cuối cùng thì quân đội Ấn Độ đã kiểm soát được kênh đào Munak, nguồn cung cấp ba phần năm lượng nước sạch cho New Delhi.

Sự kiện này xảy ra cuối tháng trước ở Haryana, tiểu bang có biên giới với New Delhi ở ba hướng. Người biểu tình thuộc tầng lớp Jat chặn đường ô tô và đường sắt, đốt xe buýt, cửa hàng và nhà cửa, và chặn nguồn nước cho 18 triệu dân thủ đô. Họ đòi hỏi được đưa vào chương trình hỗ trợ cho các tầng lớp (thấp) của Ấn Độ, tìm cách để được làm những công việc trong chính phủ.

Một tờ báo địa phương dẫn lời một người biểu tình thuộc tầng lớp Jat cho rằng “nếu chúng tôi vẫn phải chết đói, thì các người cũng sẽ phải chết khát.” Các nhà chức trách phản ứng bằng cách gửi hàng ngàn quân vào tiểu bang. Ít nhất 18 người thiệt mạng và 200 người bị thương.

Tầng lớp Jat chiếm một vị trí mơ hồ trong hệ thống thứ bậc xã hội Ấn Độ. Một số người coi họ là hạ đẳng, nhưng họ thống lĩnh đời sống chính trị ở Haryana. Trong nhiều thập niên, họ đã tạo nên nhiều tài sản bằng cách canh tác, và gần đây hơn bán những mảnh đất canh tác kế bên Delhi. Nhưng khi các nông trại dần bị phân mảnh theo sau từng thế hệ, thì mức lãi từ nông nghiệp đã sụt giảm và thị trường bất động sản địa phương cũng suy giảm theo.

Vấn đề của Haryana, cũng như cả nước, là việc các doanh nghiệp Ấn Độ đã làm giàu mà không tạo nên việc làm có ý nghĩa và lương cao cho hơn 10 triệu thanh niên Ấn Độ bước vào độ tuổi làm việc mỗi năm. Và bởi vì các chính trị gia Ấn Độ bị chi phối bởi các nhà tài trợ doanh nghiệp, các tranh luận về bất công kinh tế, phân phối của cải và tỷ lệ thất nghiệp chỉ có thể được giấu trong những ngôn từ khác, dưới khái niệm bất công xã hội.

Người Jat học từ kinh nghiệm quá khứ rằng cách tốt nhất để gây chú ý là làm tê liệt hệ thống vận hành thường nhật của tiểu bang, nhưng không đến mức nổi loạn. Bằng cách cắt đứt nguồn nước cho Delhi, cộng đồng người Jat đã sử dụng một cách biểu tình đã được hoàn thiện trong nhiều thế kỷ qua những cuộc đàm phán giữa vùng quê và thủ đô Delhi.

Delhi khô hạn đã bị ám ảnh bởi nguồn nước kể từ khi nó được thành lập. Vào thế kỷ 13 và 14, một hệ thống hồ dự trữ và kênh đào đã đảm bảo nguồn nước cho thành phố: một hệ thống cấp nước hiệu quả là dấu hiệu của một đế chế hiệu quả. Nhà sử học M. Athar Ali ghi nhận trong một tuyển tập các bài viết về Ấn Độ thời Mughal rằng khi ổn định địa phương bị rạn nứt, thì nguồn cung cấp nước không còn và các khu vực đô thị sẽ bị đe dọa.

Vào thập niên 1260, ông Ali viết, các nguồn dự trữ nước quý giá của thành phố cạn kiệt vì các kênh dẫn nước bị chặn lại bởi những “kẻ bất lương.” Có khả năng những “kẻ bất lương” được triều đình ghi lại là tổ tiên của những người Jat, những người sẽ định cư tại những nơi mà các kênh đào được đặt không? Ông Ali không nói vậy, nhưng đến hết thế kỷ 16 người Jat đã định cư xung quanh thủ đô. Và đến thế kỷ 18, khi đế chế Mughal trên đà suy yếu, những băng cướp người Jat thường xuyên chặn các con đường huyết mạch dẫn vào Delhi, làm hàng trăm lữ khách bị mắc kẹt và số phận của họ bị định đoạt bởi những tên cướp này.

Trong thời thực dân, người Jat ban đầu phải chịu đựng dưới chế độ địa tô bóc lột của người Anh, nhưng họ gượng dậy lại sau cuộc nổi loạn vào năm 1857. Đến cuối thế kỷ 19, họ đã củng cố chủ quyền của mình, thường bằng việc mua và định cư toàn bộ các ngôi làng. Một báo cáo thời bấy giờ được nhắc đến bởi Kai Friese trong cuốn Peasant Communities and Agrarian Capitalism (Các cộng đồng nông dân và chủ nghĩa tư bản nông nghiệp), mô tả một giao dịch ở Meerut, cách Delhi khoảng 40 dặm: “giao dịch mua bán được thực thi không chỉ bởi các đề xuất rõ ràng, mà còn bởi vũ lực, đốt phá, và cả giết chóc.”

Ngày nay, người Jat vẫn tích cực hoạt động trong thị trường cấp nước và bất động sản xung quanh Delhi. Khu vực nội đô thành phố sử dụng 900 triệu gallon nước sạch mỗi ngày lấy từ phía bắc Ấn Độ, với 60% lượng nước chảy qua khu vực người Jat ở Haryana. Một phần tư hộ gia đình ở Delhi không có nước sạch, theo thống kê gần đây nhất và đáng tin cậy nhất của chính phủ vào năm 2013. Nhiều người buộc phải quay sang sử dụng các xe bồn tư nhân mà phần lớn do người Jat làm chủ, những người bị lên án trong các tờ báo địa phương là “mafia nước.” Và khi tiểu bang chọc giận người Jat, như họ đã làm vào năm 2014 khi yêu cầu lãnh đạo người Jat Ajit Singh phải rời nhà công vụ khi ông đã không còn làm bộ trưởng từ lâu, họ tụ tập đến kênh đào gần nhất.

Gốc rễ của những xung đột hiện tại bắt đầu từ năm 1990, khi người Jat bị gạt ra ngoài chương trình hỗ trợ mở rộng, chương trình này để dành một tỷ lệ phần trăm việc làm chính phủ và ghế đại học cho những nhóm bị thiệt thòi. Cả đảng Quốc đại Ấn Độ lẫn đảng Bharatiya Janata, đảng lên nắm quyền vào năm 2014, đã nhiều lần đề xuất bổ sung người Jat vào hệ thống hạn ngạch này. Nhưng tòa án tối cao đã từ chối, cho rằng nhóm này chưa đủ mức “tụt hậu”.

Cuộc biểu tình gần đây đã nổ ra khi một cuộc tuần hành dường như hòa bình của người Jat đột nhiên trở nên bạo lực và nhanh chóng lan rộng khắp Haryana. Sau đó bạo lực đã giảm xuống sau khi quân đội được triển khai và chính phủ hứa sẽ thành lập một ủy ban cấp cao để xem xét các yêu cầu của người Jat.

Các xã luận trên các mặt báo đã lên án sự phá hủy tài sản, và mô tả cuộc nổi loạn là một cách để người Jat “tống tiền hệ thống hạn ngạch”, đồng thời cảnh báo chính phủ không được đặt ra tiền lệ xấu cho các cộng đồng chiếm ưu thế chính trị khác đang đòi hỏi có chỗ trong hệ thống, như những người Patidar, còn gọi là Patel, ở bang Gujarat. Cho phép các đẳng cấp quyền lực hơn được có chỗ sẽ lấy đi cơ hội của những đẳng cấp bị thiệt thòi thực sự như là người dalit, những người thuộc đẳng cấp này thường xuyên bị phân biệt đối xử bởi phần lớn các đẳng cấp khác, bao gồm cả người Jat.

Những lập luận này có lý, nhưng chúng bỏ qua một điều căn bản là việc người Jat lên tiếng về những khó khăn kinh tế của họ thông qua phương diện đẳng cấp là một nước đi chiến lược.

Người nghèo Ấn Độ phải trả tiền điện nước nhiều hơn tầng lớp trung lưu bởi vì họ thường bị buộc phải hối lộ để có được các dịch vụ thiết yếu, và họ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các sắc thuế trực tiếp đánh vào tiêu dùng. Trong khi các ngân hàng quốc doanh của Ấn Độ đã xóa hàng triệu đô la nợ doanh nghiệp, nhiều nông dân nợ nần đã buộc phải tự sát.

Nền chính trị bầu cử ở Ấn Độ không những không thay đổi được hệ thống này từ gốc mà còn phủ một lớp sơn mang màu sắc dân chủ lên những hành vi chiếm đoạt đã trở nên thường xuyên. Những công nhân tổ chức đòi tăng lương bị gọi là những người theo chủ nghĩa Mao, những dân làng  chống cướp đất bị buộc là làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những sinh viên chỉ trích chính sách xã hội và kinh tế của chính phủ bị gắn mác là những kẻ nổi loạn.

Nhưng nếu họ tổ chức và gây rối với tư cách là một tầng lớp địa chủ cao cấp, như là người Jat, không ai sẽ nghi ngờ lòng yêu nước của họ.

Haryana là một trong những tiểu bang giàu có hơn của Ấn Độ. Nó nằm gần Delhi, giá đất tương đối cao, và sau vài trăm năm đầu tư cho hệ thống thủy lợi, tiểu bang đã có một hệ thống kênh đào cho phép nông dân có thể trồng những nông sản có giá cao như gạo và lúa mì. Tiểu bang cũng có một nền tảng chế tạo tốt, đặc biệt là ngành ô tô.

Thậm chí với những điều kiện như thế này mà những người Haryana vẫn chịu đối mặt với quân đội Ấn Độ để có một cơ hội việc làm tốt hơn trong chính phủ, thì hẳn phải có một cái gì đó đã mục ruỗng ngay trong trung tâm nền kinh tế Ấn Độ. Bằng cách cắt nguồn nước của Delhi và nhắc đến công bằng xã hội, cái mà người Jat thực sự muốn nói là: Ở đây không có việc làm, và chúng tôi, ở vùng quê, đang giận dữ.

Xem thêm:

Chế độ đẳng cấp của Ấn Độ đã tồn tại như thế nào?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]