Sự từ bỏ Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

925012-japan-self-defence-forces-day

Nguồn: Emily S. Chen, “The Surrender of Japan’s Peace Constitution”, Project Syndicate, 06/04/2016.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hồi tháng 2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị Quốc hội Nhật sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, trong đó quy định Nhật Bản từ bỏ việc dùng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp. Được Hoa Kỳ soạn thảo sau Thế chiến II, Hiến pháp này, theo lời ông Abe, có “một số nội dung không còn phù hợp tình hình hiện tại”. Ông đặc biệt quan ngại về điều khoản cấm Nhật duy trì “các lực lượng lục quân, hải quân và không quân” với lập luận rằng quy định này trực tiếp mâu thuẫn với sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Nếu nhìn thoáng qua thì đề xuất của ông Abe dường như không phù hợp với quan điểm của người dân. Theo kết quả thăm dò, khoảng 50,3% công chúng Nhật phản đối sửa đổi Điều 9. Chỉ 37,5% số người được hỏi ủng hộ. Tuy nhiên, tin tốt lành với ông Abe là sự phản đối, dù chiếm đa số, lại không quá mạnh mẽ. Có vẻ như người dân không lo ngại về việc Abe muốn lèo lái đất nước theo hướng nào bằng việc tại sao ông lại đưa đề xuất này làm ưu tiên hàng đầu.

Sửa đổi hiến pháp sẽ cung cấp cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho các biện pháp quốc phòng gây tranh cãi của ông Abe. Được đưa ra vào năm ngoái, các điều khoản pháp lý mới đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc triển khai quân đội Nhật Bản ra nước ngoài và mở rộng định nghĩa “phòng vệ” để bao hàm cả việc trợ giúp đồng minh. Các biện pháp này cũng không được công chúng ủng hộ, chí ít là trên bề mặt. Khoảng 51% cử tri Nhật Bản phản đối, so với 30% ủng hộ. Nhưng chỉ 38% cử tri nói rằng họ muốn ông Abe đảo ngược kế hoạch và hủy bỏ các đạo luật đó.

Chắc chắn là nhiều người Nhật quan ngại về những hệ quả từ chương trình nghị sự của Abe. Họ cảm thấy nghị trình này đi ngược lại an ninh quốc gia và lập trường quốc tế đúng đắn của Nhật Bản. Họ lo ngại các động thái phòng vệ của Abe sẽ dễ khiến Nhật bị kéo vào chiến tranh, chấm dứt chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến của nước này.

Một luồng chỉ trích khác liên quan đến những lo ngại rằng học thuyết phòng vệ mới của Nhật sẽ làm quan hệ với các nước láng giềng trở nên xấu đi. Một số nước đã thực sự bày tỏ quan ngại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei tuyên bố rằng cách tiếp cận mới của Nhật Bản “đi chệch khỏi xu hướng của thời đại là duy trì hòa bình, phát triển và hợp tác”. Người đồng nhiệm của ông này tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bình luận rằng nước này sẽ “không bao giờ chấp nhận” việc Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể trên Bán đảo Triều Tiên mà “không có sự yêu cầu hoặc đồng ý [của Hàn Quốc]”. Và cơ quan truyền thông nhà nước của Bắc Triều Tiên cũng đưa tin rằng các cải cách của Abe là nhằm “dọn đường cho việc xâm lược các nước khác”.

Tuy nhiên, không phải tất cả những chống đối đối với nghị trình của ông Abe đều bắt nguồn từ những vấn đề thực chất. Trong vài trường hợp, mối quan tâm tập trung vào tính hợp pháp trong quy trình xây dựng luật. Theo một cuộc trưng cầu ý kiến, 67% người được hỏi phản đối cách liên minh cầm quyền thúc đẩy dự luật thông qua Quốc hội Nhật. Cảm giác chung của nhiều người dân Nhật là nội các của Abe  đã “không nỗ lực đầy đủ’’ để giải thích với công chúng về các dự luật. Với việc phớt lờ sự chỉ trích từ đa số cử tri, chính phủ của Abe bị buộc tội làm mất niềm tin vào hệ thống dân chủ của Nhật Bản.

Tương tự, khoảng 51% số người tham dự khảo sát phản đối các luật mới với lập luận dựa trên cơ sở hiến pháp, cho rằng các luật này vi pham Điều 9 – điều khoản mà Abe muốn thay đổi. Nhưng các cử tri này cũng ít khả năng kiên quyết ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn các luật mới; thực tế là một số sẽ chuyển sang trung lập nếu Abe rốt cuộc thành công trong việc sửa đổi hiến pháp.

Ngoài ra còn một câu trả lời đơn giản và thực tế giải thích lý do vì sao những người phản đối không hẳn ủng hộ các nỗ lực hủy bỏ các đạo luật mới. Đó là nhiều người Nhật muốn tránh một cuộc tranh luận gây chia rẽ có thể làm chệch hướng quan tâm của chính phủ khỏi các ưu tiên khác.

Trong quý cuối cùng của năm 2015, nền kinh tế Nhật Bản suy thoái sâu hơn dự kiến và thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loạn từ đầu năm nay. Dù người Nhật ít ủng hộ các dự luật an ninh và nỗ lực thay đổi hiến pháp của Abe đến đâu chăng nữa, họ vẫn muốn chuyển vấn đề này sang thứ tự ưu tiên thấp hơn. Bằng cách đó, chính phủ có thể tập trung vào vấn đề mà cử tri thực sự quan tâm: đưa nền kinh tế quay lại đà tăng trưởng và cứu vãn các chương trình an sinh xã hội của đất nước.

Emily S. Chen là nghiên cứu viên tại Viện Hoover, Lãnh đạo Trẻ tại Trung tâm Diễn đàn Thái Bình Dương về nghiên cứu quốc tế và chiến lược, và thành viên không thường trú tại Trung tâm National Interest.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Surrender of Japan’s Peace Constitution
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]