Các dự luật an ninh mới của Nhật đối mặt với sóng gió

Print Friendly, PDF & Email

_84300335_84300334

Nguồn: Ben Ascione, “Storm brews over Japan’s new security laws”, East Asia Forum, 02/08/2015.

Biên dịch: Trần Anh Đức | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày 16 tháng 7 năm 2015, Hạ viện Nhật Bản thông qua một loạt các dự luật an ninh, bất chấp việc phe đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu và hàng ngàn người biểu tình phản đối bên ngoài tòa nhà Quốc hội.

Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản sau Thế Chiến II nêu rõ Nhật Bản cam kết không sử dụng lực lượng quân sự làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế. Các hoạt động quốc phòng bị hạn chế tới mức tối đa và Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (SDF) chỉ được phép sử dụng vũ lực khi nước này bị tấn công trực tiếp.

Tháng 7 năm 2014, nội các chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất một cách diễn giải mới cho Hiến pháp Nhật Bản, theo đó công nhận một số hình thức hạn chế của quyền phòng vệ tập thể. Nếu lưỡng viện Nhật Bản thông qua các dự luật an ninh của ông Abe, việc tái diễn giải hiến pháp này sẽ được thực thi.

Lực lượng Tự vệ Nhật Bản sẽ được phép sử dụng vũ lực để trợ giúp một “quốc gia nước ngoài có mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản” khi nước đó bị tấn công, với 3 điều kiện: Nếu cuộc tấn công đó đe dọa quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân Nhật Bản; nếu không có phương thức nào khác để ngăn chặn xung đột; và việc sử dụng vũ lực phải được hạn chế ở mức tối đa.

Các dự luật này cũng sẽ cho phép Lực lượng Tự vệ Nhật Bản hỗ trợ hậu cần cho các nước bạn và đáp trả các hành động xâm phạm “vùng xám” thuộc lãnh hải và không phận Nhật, những hành động vốn chưa phải là các cuộc tấn công vũ trang. Hạn chế đối với việc Nhật Bản tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng sẽ được nới lỏng.

Tuy vậy, dư luận Nhật Bản có sự phản đối lớn đối với các dự luật an ninh của ông Abe, phần nào do ảnh hưởng của văn hóa chống quân phiệt cắm rễ ở nước này kể từ sau Thế Chiến II. Nhóm phản đối việc thực thi quyền phòng vệ tập thể cho rằng các dự luật sẽ mở màn cho việc sa đà vào các hoạt động tấn công quân sự.

Những người còn lại, dù không phản đối ra mặt, thì cho rằng các điều kiện hạn chế việc sử dụng vũ lực rất mơ hồ và có thể cho phép các chính phủ trong tương lai diễn giải theo bất cứ cách nào họ muốn. Nỗ lực tham gia rà phá ngư lôi ở eo biển Hormuz, một ví dụ mà Thủ tướng Abe dùng để giải thích cho trường hợp cần thực thi quyền phòng vệ tập thể, đã thất bại trong việc thuyết phục dư luận Nhật Bản rằng đó là một mối đe dọa với an ninh quốc gia, qua đó càng làm tăng thêm sự hoài nghi của công chúng.

Những người phản đối các dự luật cũng cáo buộc Thủ tướng Abe đang gửi đi các thông điệp khác nhau tùy theo đối tượng: Khi ở Mỹ thì ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật trên phương diện toàn cầu, trong khi ở quê nhà, ông Abe nói các dự luận an ninh chỉ nhằm để bảo vệ Nhật Bản.

Tính hợp pháp của các dự luật đang được xem xét kỹ lưỡng, sau khi 3 học giả nổi tiếng về hiến pháp phát biểu trước Quốc hội rằng các dự luật này là vi hiến. Chính quyền Abe ban đầu kết luận quan điểm của các học giả này không đại diện cho toàn bộ giới học thuật, song sau đó đã phải rút lại kết luận này. Một cuộc khảo sát độc lập cho biết chỉ 3 trong số 151 học giả hàng đầu về Luật Hiến pháp cho rằng các dự luật của ông Abe là hợp hiến.

Dư luận Nhật Bản cũng hoài nghi đâu mới là mục tiêu cuối cùng của thủ tướng Abe, khi ông luôn bày tỏ ý định sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản. Để làm được điều này không chỉ cần 2/3 số phiếu ủng hộ tại cả lưỡng viện mà cả sự ủng hộ đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Do không giành được sự ủng hộ của dân chúng, diễn giải lại hiến pháp là một phương thức hiệu quả, dù không được lòng dân, của ông Abe nhằm thúc đẩy các chương trình an ninh của mình. Những người chỉ trích đã cáo buộc cách làm của ông Abe là “lén lút sửa đổi hiến pháp” và “phá hoại hệ thống pháp quyền” Nhật Bản.

Bất chấp sự chống đối của dư luận, các dự luật an ninh của ông Abe nhiều khả năng vẫn sẽ được thông qua. Thượng viện Nhật Bản sẽ có 60 ngày để thảo luận các dự luật này. Ngay cả khi Thượng viện không tiến hành bỏ phiếu hoặc bác bỏ các dự luật, chúng vẫn sẽ được thông qua nếu giành được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Hạ viện. Điều này có nghĩa là Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe chỉ cần thêm sự ủng hộ của đảng Komeito trong liên minh cầm quyền là đủ.

Thủ tướng Abe đã cho thấy quyết tâm của mình trong việc thúc đẩy thông qua các dự luật an ninh mới, khi ông quyết định kéo dài kỳ họp Quốc hội thêm 3 tháng, cho tới ngày 27/9. Ông Abe cũng cho thấy sẵn sàng tiêu hết vốn liếng chính trị của mình để các dự luật an ninh được thông qua, bất chấp việc tỷ lệ ủng hộ đang xuống thấp.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là các dự luật an ninh này sẽ ảnh hướng tới nhiệm kỳ thủ tướng của ông Abe nói riêng và môi trường an ninh khu vực của Nhật Bản nói chung như thế nào. Tỷ lệ ủng hộ các dự luận an ninh của ông Abe sẽ phụ thuộc vào cách chính phủ Nhật Bản thuyết phục Thượng viện những tình huống nào là đáp ứng đủ 3 điều kiện được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Do phe đối lập đang chia rẽ, thách thức lớn nhất đối với ông Abe sẽ đến từ nội bộ đảng LDP. Điều lệ Đảng LDP nêu rõ chủ tịch Đảng (người sẽ giữ chức Thủ tướng nếu LDP trúng cử) sẽ được bầu lại 3 năm 1 lần, bất chấp chu kỳ bầu cử của Quốc hội. Điều này có nghĩa đối thủ của ông Abe sẽ thực sự xuất hiện vào tháng 9 tới. Mặc dù vẫn chưa có ứng viên nào dám trực tiếp đối đầu với ông Abe vào thời điểm hiện tại, điều này sẽ sớm thay đổi nếu chính quyền ông Abe phải đương đầu với các khó khăn về kinh tế hay từ kế hoạch tái khởi động lò phản ứng hạt nhân trong những tháng tới.

Trên mặt trận an ninh khu vực, mặt tích cực của quyền phòng vệ tập thể, đặc biệt trong việc tăng cường phối hợp tác chiến và tác dụng răn đe của liên minh Mỹ-Nhật, sẽ không còn nhiều tác dụng nếu Nhật Bản không có các biện pháp ngoại giao đủ để trấn an các nước khác. Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại rằng các thay đổi luật pháp của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên an ninh quốc gia của họ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang do tranh chấp lãnh thổ và vấn đề lịch sử.

Vì vậy, bài phát biểu của ông Abe nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II sẽ mang tính quyết định trong việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. Không tôn trọng lời xin lỗi được coi là chuẩn mực vàng của Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama năm 1995 (về những lỗi lầm của Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh) sẽ làm tăng sự ngờ vực giữa các quốc gia châu Á đối với các thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản và dấy lên suy nghĩ rằng Nhật Bản chẳng hề rút ra được bài học nào từ lịch sử.

Ben Ascione là nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia. Ông cũng là biên tập viên phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc tại East Asia Forum.