Liệu nước Mỹ có chống lại thương mại tự do?

Print Friendly, PDF & Email

AppleMark

Nguồn: Kenneth Rogoff, “Anti-Trade America?”, Project Syndicate, 07/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy chống thương mại trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 báo trước một cuộc rút lui nguy hiểm của Mỹ khỏi các vấn đề của thế giới. Nhân danh việc làm giảm tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ, ứng viên tổng thống của cả hai đảng sẽ ngăn cản hy vọng gia nhập tầng lớp trung lưu của hàng trăm triệu người nghèo ở các nước đang phát triển. Nếu sức hấp dẫn chính trị của chính sách chống thương mại vẫn tiếp tục tồn tại, đây sẽ là bước ngoặt lịch sử trong các vấn đề kinh tế toàn cầu, một bước ngoặt mang tín hiệu xấu cho tương lai lãnh đạo của Mỹ.

Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đề nghị đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, một kế hoạch hấp dẫn đối với nhiều người Mỹ – những người tin rằng Trung Quốc đang trở nên giàu có nhờ các hoạt động thương mại không công bằng. Nhưng, bất chấp tất cả những thành công phi thường mà Trung Quốc đạt được trong những thập niên gần đây, họ vẫn là một nước đang phát triển, nơi vẫn còn nhiều cư dân sống ở mức nghèo đói mà thậm chí người phương Tây cũng chẳng thể hình dung nổi.

Hãy xem xét kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, với mục đích đưa 55 triệu người vượt qua ngưỡng nghèo vào năm 2020, một ngưỡng được định nghĩa bằng thu nhập hằng năm là 2.300 nhân dân tệ, tương đương 354 USD. Trong khi đó, ngưỡng nghèo tại Mỹ là 12.000 USD/năm. Vâng, đúng là sự khác biệt rất lớn về chi phí sinh hoạt khiến việc so sánh trực tiếp trở nên khập khiễng, và đúng là nghèo đói cũng là một vấn đề xã hội lẫn kinh tế nghiêm trọng, ít nhất là ở các nước phát triển. Nhưng lập luận cho rằng mức độ bất bình đẳng giữa các nước đã khiến bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia trở nên bị lu mờ là một quan điểm vô cùng mạnh mẽ.

Và vấn đề nghèo đói của Trung Quốc cũng chẳng phải là tồi tệ nhất thế giới. Cả Ấn Độ và châu Phi đều có dân số tương đương với 1,4 tỷ người của Trung Quốc, nhưng cơ hội gia nhập tầng lớp trung lưu của họ còn thấp hơn rất nhiều.

Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Bernie Sanders là người dễ được chấp nhận hơn nhiều so với “The Donald”, nhưng luận điệu chống thương mại của ông cũng nguy hiểm không kém. Ủng hộ các nhà kinh tế thiên tả hàng đầu, Sanders đã chống lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được đề xuất, dù rằng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các nước đang phát triển – ví dụ, bằng cách mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng nhập khẩu từ Mỹ Latinh.

Sanders thậm chí còn chỉ trích đối thủ Hillary Clinton vì bà đã ủng hộ các thỏa thuận thương mại trước đó, như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 1992. Thế nhưng, NAFTA thực ra đã buộc Mexico giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ còn nhiều hơn mức thuế mà phía Mỹ giảm cho hàng hóa của Mexico. Không may là thành công vang dội của luận điệu chống thương mại của Sanders và Trump đã kéo Clinton ra khỏi vị trí trung dung, và nó cũng có thể có tác dụng tương tự với nhiều thành viên của Hạ viện và Thượng viện. Đây chính là “công thức” cho thảm họa.

Tất nhiên, TPP cũng có những hạn chế, nhất là ở việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng việc liệu thỏa thuận này có tạo ra tình trạng thất nghiệp lớn ở Mỹ hay không vẫn còn rất gây tranh cãi, và điều cần làm là tìm cách để dễ bán được các hàng hóa công nghệ cao sang các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, mà không sợ rằng món hàng đó sẽ bị sao chép ngay lập tức. Nếu TPP không được phê chuẩn, gần như chắc chắn hàng chục triệu người ở các nước đang phát triển sẽ tiếp tục nghèo đói.

Biện pháp đúng đắn để làm giảm bất bình đẳng trong nội bộ nước Mỹ không phải là từ chối thương mại tự do, mà là áp dụng một hệ thống thuế tốt hơn, một hệ thống đơn giản hơn và mang tính lũy tiến hơn. Lý tưởng nhất là chuyển đổi từ thuế thu nhập sang thuế tiêu thụ lũy tiến (ví dụ đơn giản nhất là một mức thuế cố định cho mọi đối tượng với ngưỡng miễn trừ rất cao). Mỹ cũng đang rất cần cải cách sâu sắc cơ cấu hệ thống giáo dục, loại bỏ mọi chướng ngại vật của việc áp dụng công nghệ và cạnh tranh.

Thật vậy, công nghệ mới cho phép đào tạo và trang bị lại kỹ năng cho công nhân ở mọi lứa tuổi một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Những ai ủng hộ việc tái phân phối bằng cách gia tăng thâm hụt ngân sách chính phủ đều đang có tầm nhìn thiển cận. Với tình trạng nhân khẩu học bất lợi ở các nước phát triển, trong đó năng suất lao động thì giảm dần còn số lượng người hưu trí lại gia tăng, thật khó để biết hậu quả khi nợ bất ngờ tăng vọt sẽ như thế nào.

Liệu những người cấp tiến ủng hộ thâm hụt ngân sách có nhận ra rằng gánh nặng của bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào (hoặc các biện pháp áp chế tài chính nào) trong tương lai rất có thể sẽ lại do người nghèo và người có mức thu nhập trung bình gánh chịu, như họ đã từng chịu trong quá khứ? Việc tái phân phối thu nhập đơn giản thông qua thuế và các khoản trợ cấp sẽ trực tiếp và hiệu quả hơn rất nhiều, và chắc chắn sẽ giúp tăng tổng cầu.

Bất cứ ai cho rằng nước Mỹ là kẻ đại bại trong hiện trạng kinh tế toàn cầu cần phải nhìn nhận lại vấn đề này. Theo cá nhân tôi, trong vòng một thế kỷ tới, lối sống tiêu dùng của người Mỹ sẽ không còn được xem là thứ đáng để ghen tị hay đáng sao chép nữa, và việc nước này không thể ban hành được một loại thuế carbon sẽ bị xem là một thất bại to lớn. Dân số Mỹ chỉ chiếm dưới 5% dân số thế giới, nhưng nước này lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lượng khí thải carbon dioxide và các loại ô nhiễm khác, mà nguyên nhân phần lớn là do tầng lớp trung lưu Mỹ.

Nhưng cho rằng thương mại gây ra bất bình đẳng là một quan điểm rất hạn hẹp, và những người theo tư tưởng bảo hộ – những người hay nói về bất bình đẳng dưới lớp vỏ đạo đức – thực chất chỉ là những kẻ đạo đức giả. Nếu nói về thương mại, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện tại là một sự ê mặt của nước này xét về thực chất vấn đề, chứ không chỉ về chuyện tính cách của các ứng viên.

Kenneth Rogoff là giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard. Năm 2011, ông nhận giải thưởng Deutsche Bank Prize về Kinh tế tài chính, và từng giữ chức Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế giai đoạn 2001 – 2003. Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Carmen M. Reinhart, là “This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly.”

Copyright: Project Syndicate 2016 – Anti-Trade America?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]