Đánh giá các ứng viên tổng thống Philippines

Philippines-presidential-candidates

Nguồn: Julio C. Teehankee & Mark R. Thompson, “Will populism prevail in the Philippine presidental election”, East Asia Forum, 08/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hậu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Philippines sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 9/5/2016. Chiến dịch tranh cử kịch tính cho đến gần đây đã được xem như cuộc cạnh tranh giữa 4 ứng cử viên chính, mỗi ứng viên tập hợp cho mình số cử tri ủng hộ gần như bằng nhau.

Nhưng các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 2 ứng cử viên “dòng chính” đã sa sút, đó là nguyên thư ký nội các Manuel ‘Mar’ Roxas thuộc Đảng Tự do cầm quyền, người nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Benigno S. ‘Noynoy’ Aquino III,  và phó Tổng thống Jejomar ‘Jojo’ Binay – Chủ tịch đảng Liên minh Dân tộc Thống nhất, người đã chuyển sang đối lập với tổng thống đương nhiệm.

Thượng nghị sĩ Grace Poe  (tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập nhưng được hỗ trợ bởi đảng lớn thứ hai – Đảng Liên minh Nhân dân Quốc gia)  và thị trưởng thành phố Davao ông Rodrigo ‘Digong’ Duterte (tranh cử dưới ngọn cờ liên minh đang suy yếu PDP-Laban ) đã nổi lên như hai ứng cử viên sáng giá nhất trong những tuần cuối cùng của cuộc tranh cử.

Trong một diễn biến khác gần đây, ông Ferdinand ‘Bong Bong’ R. Marcos, Jr. hiện nay được cho là dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về chức phó tổng thống vốn được bầu riêng rẽ ở Philippines mà trong đó người thắng cuộc thường đến từ các đảng khác so với đảng của Tổng thống. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại do ông này từ chối thừa nhận các tội ác trong suốt chế độ độc tài của cha mình.

Các nhà bình luận thường xem các cuộc tranh cử tổng thống Philippine được xác định hoàn toàn bởi sự yêu mến của quần chúng đối với ứng viên, danh tiếng gia đình hay tiền bạc. Nhưng điều này bỏ qua tầm quan trọng của những luận điệu tồn tại lâu dài mà các ứng cử viên đã sử dụng để cố gắng thu hút sự ủng hộ của cử tri, qua vận động chính trị rộng rãi qua sóng phát thanh truyền hình cũng như trong các tiếp xúc trực tiếp.

Do các đảng chính trị ở Philippines tương đối yếu, các ứng cử viên Tổng thống đã tiến hành các chiến dịch tranh cử dựa phần lớn vào các luận điệu chính về cải cách, chủ nghĩa dân túy ủng hộ người nghèo, và các tuyên bố tái lập “hòa bình và ổn định” kiểu tân chuyên chế chủ nghĩa.

Những người muốn tìm kiếm một “đôi bàn tay an toàn” để duy trì ổn định chính trị nội bộ và đưa Philippines vượt qua môi trường khó khăn của kinh tế thế giới cũng như các mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể trông cậy vào Max Roxas, người đã thành công dưới chính quyền hiện tại. Nhưng Roxas, người đã có một lý lịch lâu dài làm việc trong chính phủ, đã rất khó khăn trong việc lôi kéo cử tri với lời hứa tiếp tục duy trì ‘con đường thẳng’ (daang matuwid) – ý nhắc tới nghị trình chống tham nhũng của chính phủ Aquino.

Trong khi đó, phó tổng thống Jejomar ‘Jojo’ Binay đã cam kết sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho người nghèo. Nhưng ông phải đối mặt với các cáo buộc về tham nhũng trong thời gian làm thị trưởng quận thương mại Makiti của Đại đô thị Manila và thường không được giới tinh hoa trong nước tin tưởng. Binay đã cố gắng biến những cáo buộc này thành lợi thế riêng của mình bằng cách mô tả ông chính là nạn nhân của một âm mưu. Điều này phù hợp với tổng thể chiến lược tranh cử của ông qua việc ông tỏ ra là người hùng của người nghèo Philippine, những người đã không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế gần đây.

Nhưng những cuộc thăm dò mới đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Binay và Roxas đã chững lại, trong khi đó tỉ lệ ủng hộ Poe và Duterte lại tăng. Đây dường như là kết quả của một nhận thức phổ biến rằng ông Roxas thiếu sự quan tâm và không đủ năng lực, trong khi Binay thì tham nhũng. Trái ngược hoàn toàn, khẩu hiệu của bà Poe là ‘Galing at Puso’ (Năng lực và tấm lòng) làm nên sức hấp dẫn của bà. Một ứng cử viên khác được lòng dân là ông Duterte, một thị trưởng địa phương với lời nói mạnh mẽ, hình ảnh cứng rắn, là ứng cử viên đầu tiên đến từ Mindanao có cơ hội rõ rệt để giành chức tổng thống.

Nhưng Duterte đưa ra một thách thức nghiêm trọng cho các thể chế dân chủ yếu ớt trong nước. Ông đã hứa sẽ “làm sạch đất nước” trong vòng 6 tháng và đe dọa sẽ loại bỏ Quốc hội hoặc chế ngự các tòa án nếu họ cản trở ông. Số cử tri ủng hộ Duterte tăng lên nhanh chóng, cho dù ông gia nhập cuộc đua muộn, cho thấy rõ sự giận dữ trong tầng lớp trung lưu về sự suy thoái của trật tự công cộng và sự lo ngại về sự gia tăng lạm dụng ma túy.

Phong cách kiểu tân chuyên chế của Duterte, cùng với tình cảm “chống đế quốc Manila”, đã làm ông càng nổi tiếng, đặc biệt là ở Mindanao thuộc miền Nam, nơi ông sinh ra. Duterte không chối bỏ hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của mình trong thời gian cầm quyền – thay vào đó ông không ngại nói về việc giết chóc không cần đưa ra tòa án mà ông cho là cần thiết để làm Davao được yên bình. Cùng với phong cách khoa trương và lời lẽ cứng rắn – vốn là kiểu điển hình của các chính trị gia địa phương nhưng khá bất thường đối với các nhà chính trị ở cấp độ quốc gia – thái độ bốc đồng này khiến ông trở thành một Donald Trump phiên bản Philippines.

Ứng cử viên hứa hẹn nhất theo nhiều phương diện là bà Grace Poe. Bà Poe kết hợp hình ảnh “dân túy” ủng hộ người nghèo của cha nuôi bà – diễn viên trở thành chính trị gia Fernando Poe, Jr. – với hình ảnh của mình như là một nhà cải cách có năng lực và nghiêm túc. Như thế trong khi Duterte đưa ra một nắm đấm sắt, thì bà Poe thể hiện một găng tay nhung. Nhưng thông điệp của bà chưa thành công trong việc thuyết phục người dân.

Bà Poe suýt nữa đã không đủ tiêu chuẩn tranh cử vì đã trở thành công dân Mỹ trước khi trở về Philippines hơn một thập niên trước. Điều này dẫn đến những lo lắng rằng bà không thấu hiểu những người dân Philippine bình thường. Thêm vào đó, sự ủng hộ của Liên minh Nhân dân Quốc gia và sự biện hộ của bà cho người sáng lập đảng này – Eduardo ‘Danding’ Cojuangco Jr, một thân hữu của cố tổng thống Marcos – đã dẫn đến những cáo buộc rằng bà chỉ là một “con rối”.

Chiến lược tranh cử của cả 4 ứng cử viên chính cho vị trí Tổng thống đều đang tỏ ra có hạn chế. Lời kêu gọi cải cách của Roxas bị cản trở bởi những nghi ngờ về năng lực và mối liên hệ không hay của ông với chính quyền Aquino. Những cáo buộc tham nhũng chống lại Binay đã làm ông bị xa lánh bởi các nhóm tinh hoa chính. Kiểu chính sách mị dân của Duterte nhằm mang lại “trật tự và ổn định” cho đất nước bất chấp cái giá phải trả cho các thể chế dân chủ được lòng tầng lớp hạ trung lưu, nhưng làm cho những người không thuộc đảng phái sợ hãi. Và bà Poe đang vật lộn để kết hợp hình ảnh cải cách của mình với những tư  tưởng dân túy.

Mức độ hiệu quả trong phương pháp tiếp cận bao trùm (tính tới lợi ích người nghèo) và uyển chuyển hơn của bà Grace Poe sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của bà trong việc thuyết phục các cử tri nghèo rằng bà là người thừa kế hợp pháp người cha nuôi của bà trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của họ. Cuộc chạy đua chiếc ghế Tổng thống vẫn còn đang rộng mở.

Julio C. Teehankee là Hiệu trưởng Trường Liberal Arts (giáo dục đại cương) của Đại học De La Salle và là Thư ký điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế châu Á (APISA).

Mark R Thompson là quyền trưởng bộ môn Nghiên cứu Quốc tế và châu Á và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Thành thị Hong Kong.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]