Nhật – Đài sẵn sàng cho một kỷ nguyên quan hệ mới

Print Friendly, PDF & Email

taiwan_s_tsai_meets_with_dpj_execs_53174823

Nguồn:Japan, Taiwan poised for new era in ties”, The Straits Times, 03/05/2016.

Biên dịch: Phan Nguyên

Một Đài Bắc do bà Thái đứng đầu thân thiện với Tokyo thay vì Bắc Kinh sẽ làm thay đổi địa chính trị của khu vực.

Theo các nhà phân tích, việc chuyển giao quyền lực tại Đài Loan vào ngày 20 tháng 5 tới sẽ đánh dấu sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật Bản – Đài Loan và cùng với đó là một sự thay đổi trong động lực địa chính trị Đông Bắc Á theo hướng có lợi cho Tokyo.

Ngay cả trước khi Tổng thống-đắc-cử của Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đưa đảng có xu hướng ủng hộ độc lập của bà là Dân Tiến Đảng đến chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội hồi tháng Giêng, các tin đồn về một cuộc gặp giữa bà và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi bà tới thăm Tokyo vào mùa thu năm ngoái đã tạo nên xu hướng chung cho một mối quan hệ song phương chặt chẽ.

“Dù cả hai bên đã bác bỏ các tin đồn này, các vở diễn hậu trường khắc họa ấn tượng về việc hai nhà lãnh đạo mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ song phương,” Giáo sư Yasuhiro Matsuda, chuyên gia về quan hệ Trung – Đài tại Đại học Tokyo, đưa ra ý kiến như vậy tại một buổi nói chuyện gần đây về chính phủ mới của Đài Loan tại Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài tại Nhật Bản. Và ông Abe đã không che giấu mối quan hệ gần gũi của mình với chính quyền sắp tới của bà Thái.

Lần đầu tiên kể từ năm 1972, khi Nhật Bản rời bỏ Đài Loan nhằm công nhận ngoại giao nước Trung Quốc cộng sản, chính phủ Nhật Bản đã thể hiện sự ủng hộ cởi mở và nhiệt tình đối với các diễn tiến chính trị ở Đài Loan, Phó giáo sư Sachiko Hirakawa, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật từ Đại học Waseda, nói vậy khi trả lời phỏng vấn The Straits Times.

Bất chấp di sản phức tạp của chủ nghĩa thực dân Nhật ở Đài Loan và việc không có quan hệ ngoại giao, hai bên đã duy trì một mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ.

Ông Abe ca ngợi chiến thắng của bà Thái là một minh chứng cho sự “tự do và dân chủ của Đài Loan”. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra một tuyên bố chính thức từ Bộ trưởng Ngoại giao nhằm chúc mừng bà Thái.

Giáo sư Hirakawa gọi đây là “một bước đi chiến lược có tính toán để cho Trung Quốc thấy mối quan hệ mạnh mẽ (của Nhật) với một Đài Loan tự do trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các động thái bành trướng lãnh thổ gần đây”.

Các nhà phân tích cho rằng Nhật hy vọng mối quan hệ gần gũi hơn giữa bà Thái với Nhật sẽ có nghĩa là bà sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc, kể cả trong các yêu sách lãnh thổ đối địch nhau giữa Trung Quốc và Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chính phủ thân Trung Quốc sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) đã làm Tokyo khó chịu bằng cách tham gia vào cuộc đua và khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với quần đảo tranh chấp.

Đồng thời, Nhật Bản hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chuyển sự chú ý của mình từ điểm nóng Senkaku/Điếu Ngư sang Đài Loan trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển có thể sẽ căng thẳng hơn với việc Đài Loan có một chính phủ ủng hộ độc lập.

Mặc dù Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng khác với Trung Quốc, trọng tâm của Đài Loan không tập trung nhiều vào việc kiểm soát lãnh hải mà chủ yếu liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của ngư dân tại các vùng biển xung quanh, bà Naoko Mizutani, một giảng viên Đại học Chuo và từng theo học tại Đài Loan, cho biết.

“Các cuộc đàm phán về quyền của ngư dân sẽ tiếp tục. Trên khía cạnh này, vấn đề Senkaku giữa Nhật Bản và Đài Loan khác với cách mà cuộc tranh chấp đã ảnh hưởng đến quan hệ Nhật -Trung”, bà Mizutani nói với The Straits Times.

Các nhà phân tích nói rằng ở eo biển Đài Loan, Nhật Bản có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn do sự răn đe của Hoa Kỳ ngày càng ít khả tín cộng với một chính sách quốc phòng mới chủ động hơn của Nhật Bản. Năm ngoái, chính quyền dân tộc chủ nghĩa của Abe đã thúc đẩy việc thông qua một đạo luật an ninh mới cho phép các lực lượng Nhật tham gia vào các hoạt động chủ động hơn ở nước ngoài, đặc biệt là để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng huyết mạch cho Nhật Bản qua Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Một Đài Loan thân thiện với Nhật Bản sẽ làm Tokyo yên tâm hơn khi đối mặt với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đối với Đài Loan, do nền kinh tế trì trệ với tốc độ tăng trưởng gần như bằng không, ưu tiên của bà Thái sẽ là về kinh tế – đặc biệt là việc chính thức hóa quan hệ thương mại hiện nay với Nhật Bản dưới hình thức một hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Ông Mã đã ký một FTA với Trung Quốc, và bà Thái sẽ muốn ký một hiệp định với Nhật Bản để có một di sản cho nhiệm kỳ của mình,” Giáo sư Matsuda nói với The Straits Times.

“Cho đến nay, Nhật Bản đã rất thận trọng đề phòng những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc trong các giao dịch với Đài Loan, nhưng mối quan hệ dân gian gần gũi sẽ làm cho Nhật khó cưỡng lại sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên chỉ vì Trung Quốc phản đối điều đó”, Giáo sư Matsuda nói.

Ông gọi hai bên là “bạn bè động đất” (earthquake buddies)- vì mỗi bên chắc chắn để giúp đỡ bên còn lại trong trường hợp xảy ra một trận động đất lớn, điều đặt nền móng cho một ý thức mạnh mẽ về một tình hữu nghị thân thiết giữa nhân dân hai nước. Sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 tại Tohoku, Đài Loan là bên viện trợ nước ngoài nhiều nhất cho Nhật Bản.

Hai bên cũng liên kết chặt chẽ về mặt kinh tế, và là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Quan hệ dân gian cũng đang tăng mạnh, với việc Nhật Bản vào năm ngoái là điểm đến được ưa chuộng nhất đối với du khách Đài Loan, theo Ủy ban Du lịch Đài Loan.

Ngoài việc thúc đẩy quan hệ thương mại, một FTA với Nhật Bản cũng sẽ là một bước đệm quan trọng cho Đài Loan hướng tới mục tiêu thực hiện tham vọng gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia. Bà Thái đã công khai mục đích của bà là giúp Đài Loan tham gia vào TPP, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, nhưng không có Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả hai bên cần phải điều chỉnh các mối quan hệ của họ một cách cẩn thận để không làm vỡ mối quan hệ tam giác cân bằng với Trung Quốc.

“Quan hệ Nhật Bản-Đài Loan nhiều khả năng sẽ có một bước nhảy vọt về phía trước, nhưng nếu họ dẫm lên chân Trung Quốc, thì toàn bộ ngôi nhà mong manh Nhật- Trung -Đài sẽ sụp đổ,” Giáo sư Hirakawa nói.

Hình: Bà Thái gặp các bộ trưởng nội các Nhật vào năm ngoái tại Tokyo. Nguồn: SCMP.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]