Nguồn: Peter Cai, “China’s doves break cover to criticise foreign policy“, The Lowy Interpreter, 21/04/2016.
Biên dịch: Trần Quang
Một số học giả, giới ngoại giao và nhà quản lý kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, đồng thời coi đó là một sự phủ nhận nguy hiểm chính sách cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Tờ “The Global Times” (Thời báo Hoàn cầu) của Trung Quốc là một trong những ấn phẩm yêu thích của các nhà báo phương Tây và các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Tờ báo quốc gia này được biết đến với lập trường cứng rắn và ngôn ngữ tiếng Anh đầy màu sắc. Tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn cầu”, ông Hồ Tích Tiến, đang bị nhiều độc giả ở Trung Quốc lên án nhưng cũng được nhiều người yêu mến. Đối với Trung Quốc tự do, ông Hồ Tích Tiến là hiện thân của những căn bệnh cố hữu của quốc gia châu Á này. Đó là tự tôn dân tộc và ý thức hệ. Quan điểm thế giới quan đầy hiếu chiến của ông đang gây tiếng vang mạnh mẽ với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc.
Đáng lo ngại là chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng giống với những bài xã luận mang tính dân tộc gây bất hòa của tờ “Thời báo Hoàn cầu”, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.
Ngô Kiến Dân (Wu Jianming)- một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng đã nghỉ hưu của Trung Quốc, cựu đại sứ Pháp- đã gọi ông Hồ Tích Tiến và tờ báo của ông là chủ nghĩa dân tộc bài ngoại. Những cuộc tranh luận giữa ông Ngô Kiến Dân và ông Hồ Tích Tiến đã thu hút rất nhiều sự chú ý và thảo luận ở Trung Quốc hiện nay. Ông Ngô Kiến Dân – phiên dịch viên kỳ cựu của nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai- đã chỉ trích gay gắt ông Hồ Tích Tiến và chủ nghĩa dân tộc đang lên của Trung Quốc. Ông Ngô Kiến Dân đã nêu ra ba điểm quan trọng rằng Trung Quốc không phải là nạn nhân của sự toàn cầu hóa. Hiện nay có rất ít bài báo và tin tức mô tả Trung Quốc như là một nạn nhân của sự hợp tác và tham gia quốc tế. Ông Ngô Kiến Dân nhận xét: “Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa cả về vốn và công nghệ quốc tế. Trung Quốc là nước thụ hưởng các cam kết quốc tế chứ không phải là nạn nhân. Nếu mô tả Trung Quốc là một nạn nhân, thì về bản chất điều đó phủ nhận toàn bộ chính sách cải cách và mở cửa của nước này trong suốt thời gian dài vừa qua”. Trong khi đó, ông Hồ Tích Tiến và những người theo chủ nghĩa dân tộc lại mô tả mức độ tàn nhẫn tư bản phương Tây khi bóc lột người lao động Trung Quốc trước đây.
Ông Ngô Kiến Dân vẫn giữ vững lập trường của mình khi ngày càng nhiều luồng dư luận cho rằng Trung Quốc nên dùng đến các lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bao gồm cả Nhật Bản.
Ông lưu ý rằng nhiều quốc gia láng giềng đang ngày càng không tin tưởng, lo lắng và thậm chí đang bị Trung Quốc đe dọa. Ông lập luận rằng cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đặt một công thức rất hiệu quả để đối phó với các tranh chấp hiện nay, nghĩa là gạt tranh chấp sang một bên và cùng khai thác tài nguyên chung. Ông lập luận mạnh mẽ rằng chiến tranh sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề gì và Trung Quốc không nên làm theo những bước đi của Mỹ. Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng một cách hòa bình và thông qua thương lượng. Ông Ngô Kiến Dân chỉ ra rằng Trung Quốc đã giải quyết thành công các tranh chấp biên giới đất liền với 12 nước láng giềng. Những năm qua, nhiều công ty đa quốc gia đã lên tiếng về môi trường kinh doanh đang ngày càng xấu đi của Trung Quốc. Bắc Kinh đang sử dụng các phương pháp bào chữa như luật về an ninh và cạnh tranh quốc gia để trừng phạt và ngăn cản các công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thành công ở Trung Quốc. Ông Ngô Kiến Dân quan ngại sâu sắc về xu hướng này và cho rằng sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi các công ty đa quốc gia và quá trình hội nhập quốc tế.
Tóm lại, ông Ngô Kiến Dân lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc bài ngoại là một sự phủ nhận nguy hiểm chính sách cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Cần một nỗ lực lớn để kéo Trung Quốc ra khỏi sự lạc hậu, cô lập và trì trệ. Nếu Trung Quốc muốn hướng tới tương lai thì cần tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách và mở cửa, đồng thời từ bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bài ngoại”.
Ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing) – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn Đông và là cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc- cũng đã cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Đặc biệt, ông chỉ trích những thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã tấn công các doanh nghiệp Nhật Bản trong cuộc biểu tình quần chúng hồi năm 2012. Trong một bài phát biểu gây tranh cãi hồi năm ngoái về việc Trung Quốc đang rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ đã kiên quyết bảo vệ quan điểm về chính sách hội nhập quốc tế và cho rằng Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ những tiến bộ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000. Ông cũng ủng hộ việc từ bỏ chính sách “tự cung tự cấp” và kêu gọi chính phủ tin tưởng vào an ninh thị trường quốc tế và đừng quá lo lắng về những xung đột tiềm ẩn.
Các cuộc tranh luận gay gắt giữa ông Ngô Kiến Dân và ông Hồ Tích Tiến là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chủ nghĩa quốc tế và các nhà cải cách của nước này đang lo lắng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đặc biệt, các chuyên gia đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc đang thúc giục Chính phủ Trung Quốc kiềm chế việc “đùa giỡn” của các lực lượng phá hoại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phiêu lưu về chính sách đối ngoại của nước này hiện nay và trong tương lai.
Peter Cai là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy. Ông đồng thời cũng là nhà báo cho các tờ Business Spector, The Australian với nội dung phân tích về kinh tế chính trị của Trung Quốc.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]