Nguồn: “Why central banks are talking about throwing money from helicopters“, The Economist, 01/05/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các ngân hàng trung ương đã có những nỗ lực khác thường để khiến nền kinh tế đang sụt giảm của họ tăng trưởng một lần nữa: cắt giảm lãi suất về không (và xuống dưới cả mức đó) và mua một lượng lớn các khoản trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khi các nước giàu tiếp tục vật lộn trong một thế giới lạm phát thấp và tăng trưởng yếu, bất chấp lãi suất chạm đáy, một đề xuất chính sách mới đang được đưa vào thảo luận: đó là “tiền trực thăng” (helicopter money), một cách nói vắn tắt cho việc in tiền để tài trợ cho chi tiêu chính phủ hoặc tài trợ tiền mặt cho người dân. Vào tháng 3, Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đã mô tả tiền trực thăng như một “khái niệm rất thú vị”. Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đã loại trừ phương án này vào thời điểm hiện tại khi được hỏi gần đây. Tuy nhiên, nếu tình trạng trì trệ càng kéo dài, thì khả năng chính phủ rốt cuộc phải thử nghiệm chính sách này sẽ càng cao. Tuy nhiên chính xác thì chính sách tiền trực thăng này vận hành như thế nào, và nó sẽ có tác động gì đối với nền kinh tế?
Khái niệm gốc “tiền trực thăng” đến từ Milton Friedman, cha đẻ của chủ nghĩa trọng tiền, người đã nói vào năm 1969 rằng các ngân hàng trung ương sẽ không bao giờ thất bại trong việc tăng cung tiền vì họ luôn luôn có thể tung thêm tiền mới in “từ trên trời” xuống nền kinh tế đang khát tiền mặt ở phía dưới. Ý tưởng này lại trỗi dậy một lần nữa vào đầu những năm 2000, khi các nhà kinh tế tìm cách thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi bẫy giảm phát. Ben Bernanke, thống đốc mới tại Cục Dự trữ Liên bang vào thời điểm đó, đã nhắc đến hình tượng dí dỏm của Friedman trong các bài phát biểu về cách vượt qua giảm phát của mình, khiến ông được đặt biệt danh là “Ben Trực thăng” (Helicopter Ben).
Những người ủng hộ tiền trực thăng không thực sự có ý định ném tiền ra khỏi máy bay. Nói chung, họ ủng hộ việc kích cầu thông qua biện pháp tài khóa – dưới dạng tăng chi tiêu chính phủ, cắt giảm thuế hoặc chuyển khoản trực tiếp cho công dân – những khoản chi tiêu này được tài trợ bằng tiền mới in chứ không phải thông qua vay hoặc tăng thuế. Nới lỏng định lượng (QE) cũng là biện pháp phù hợp, miễn là ngân hàng trung ương sau khi mua trái phiếu chính phủ thì cam kết sẽ giữ chúng tới ngày đáo hạn, sau đó nộp lại toàn bộ tiền lãi và gốc cho chính phủ giống như hầu hết các khoản lợi nhuận của ngân hàng trung ương. Các phiên bản táo bạo hơn của chiến lược này khiến cho sự hào phóng của ngân hàng trung ương trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ, nó có thể trao trực tiếp tiền vừa mới in cho người dân. Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công Đảng Anh, đã đề xuất chính sách “nới lỏng tiền tệ của nhân dân” (people’s QE) theo cùng kiểu này.
Những lợi thế tiềm năng của chính sách tiền trực thăng là rất rõ ràng. Không giống như việc thay đổi lãi suất, các biện pháp kích thích được thanh toán bởi ngân hàng trung ương không cần dựa vào việc tăng vay mượn để có thể thực hiện. Điều này làm giảm rủi ro rằng các ngân hàng trung ương sẽ thổi phồng các bong bóng mới, và làm gia tăng năng lực của ngân hàng trung ương trong bối cảnh khủng hoảng hoặc sự bất định làm cho hệ thống ngân hàng trở nên không đáng tin cậy.
Kích thích tài khóa được tài trợ bằng cách đi vay mang lại các lợi ích tương tự, nhưng những lợi ích này có thể bị giảm bớt nếu người tiêu dùng nghĩ rằng rốt cuộc thuế sẽ phải tăng lên để bù trừ cho các khoản nợ ngày càng lớn – một vấn đề mà chính sách tiền trực thăng có thể tránh được. Nó sẽ mang lại một liều adrenaline cho nền kinh tế, thúc đẩy chi tiêu, tăng trưởng và kỳ vọng lạm phát tương lai. Đến lượt mình, điều đó rốt cuộc có thể cho phép các ngân hàng trung ương tăng lãi suất về lại mức dương và tái sử dụng các công cụ điều tiết kinh tế ưa thích của mình.
Thật không may, tiền trực thăng không phải là một viên đạn bạc thần kỳ. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng nó sẽ làm suy giảm sự độc lập và khả năng kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, quan ngại lớn hơn là tiền trực thăng sẽ không bao giờ có thể cất cánh khỏi mặt đất ngay từ đầu. Các chính phủ dân cử có thẩm quyền trong việc quyết định các gói kích thích tài trợ bằng tiền thậm chí đã từ chối sử dụng các công cụ truyền thống để đạt được tăng trưởng: chẳng hạn như vay ở mức lãi suất gần bằng không để tài trợ cho các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết.
Thay vào đó, các chính phủ tại các quốc gia giàu có đã chọn cách cắt giảm thâm hụt, càng làm xói mòn các nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc kích thích nền kinh tế. Tiền trực thăng, mặc dù không phải không có rủi ro, là một công cụ chính sách nhiều hứa hẹn. Nhưng sự đồng thuận để sử dụng nó hoặc các công cụ kích cầu khác để kéo các nền kinh tế ra khỏi suy thoái thì đáng buồn là vẫn đang còn thiếu.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]