Tại sao Anh ‘ngán’ người được EU giao phụ trách đàm phán Brexit?

Print Friendly, PDF & Email

56-Why Britain is unenthusiastic about Michel Barnier’s Brexit job

Nguồn:Why Britain is unenthusiastic about Michel Barnier’s Brexit job“, The Economist, 28/7/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đó là một “tuyên bố chiến tranh”, theo cách nói sống động trên báo chí Anh. Michel Barnier, chính trị gia người Pháp hoạt ngôn với mái tóc bạc vừa được bổ nhiệm để dẫn dắt lực lượng đặc nhiệm về Brexit thuộc Ủy ban châu Âu, có thể trông không giống như một người phù hợp để lâm trận. Nhưng quyết định của Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban, bổ nhiệm một người nổi tiếng vì những bất đồng của mình với nước Anh để làm một công việc vốn hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bất đồng hơn nữa, chắc chắn trông giống như một sự khiêu khích.

Barnier có kinh nghiệm đối với công việc này. Ông đã luân chuyển giữa các vị trí cấp cao ở Paris và Brussels trong hơn 20 năm, phục vụ (chủ yếu) với vai trò bộ trưởng ngoại giao của Pháp và đảm nhiệm hai nhiệm vụ trong Ủy ban. Nhiệm vụ lần thứ hai của ông đã góp phần vào khó khăn ở Anh. Từ 2010 đến 2014, Barnier là Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ, công việc này bao gồm việc giám sát quy định về các dịch vụ tài chính. Trong những ngày sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers này, một loạt các quy định đã đổ ra từ Brussels, và Barnier phải đụng độ thường xuyên với London (và chính phủ Anh) về các vấn đề như tiền thưởng cho các nhà điều hành ngân hàng và các yêu cầu về vốn dự phòng. Một cuộc đối đầu với Mervyn King khiến ngài thống đốc hòa nhã của Ngân hàng Anh quốc này phải đập bàn trong cơn giận dữ. Nhưng đến cuối nhiệm kỳ của mình,  Barnier đã giành được sự tôn trọng bất đắc dĩ của nhiều người ở London, những người đã phải đánh giá cao cách tiếp mang tính cận hòa giải của ông với công việc.

Có nhiều cách khác để giải thích sự bổ nhiệm này. Một tranh cãi kiểu Brussels cổ điển đang được nhen nhóm về cách xử lý những cuộc đàm phán về Brexit. Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu, trong đó quy định thủ tục rút lui, nói rằng Hội đồng châu Âu (gồm những người đứng đầu chính phủ các nước EU) sẽ đưa ra các “hướng dẫn” cho các cuộc đàm phán với quốc gia muốn ra đi. Nhưng hầu hết mọi người mong đợi rằng Ủy ban châu Âu, nơi bao gồm những nhà chuyên môn kỹ thuật, sẽ đóng vai trò trung tâm. Hội đồng đã bổ nhiệm Didier Seeuws, một nhà ngoại giao Bỉ dày dạn, làm người đứng đầu trong việc giải quyết vấn đề Brexit. Quyết định của Juncker bổ nhiệm Barnier, người sẽ có rất ít việc để làm cho đến khi các cuộc đàm phán về Điều 50 được tiến hành trong năm sau, có thể được xem như là câu trả lời đáp lại của Ủy ban. Dù bằng cách nào, các quan điểm của Barnier sẽ có ý nghĩa tương đối nhỏ nếu so với quan điểm của các nhà lãnh đạo EU như Angela Merkel hoặc François Hollande (chừng nào ông còn giữ được ghế của mình).

Tuy nhiên cũng có cơ sở để lạc quan về sự bổ nhiệm này. Barnier hiểu rõ nước Anh nhờ vào công việc trước đây của mình. Ông có thể không nổi tiếng về việc để ý tới chi tiết, nhưng kinh nghiệm của ông trong ngành dịch vụ tài chính sẽ có ích trong các cuộc đàm phán về quyền tiếp cận của các ngân hàng Anh đối với thị trường chung EU, một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới. Ông nổi tiếng là một người thực dụng, người hiểu được giá trị của sự thỏa hiệp trong xung đột. Và trái với một số báo cáo, tiếng Anh của ông là hoàn toàn đủ dùng. Chính phủ Anh có lẽ nên yên tâm về sự bổ nhiệm này.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]