Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc song đấu bắt đầu

Print Friendly, PDF & Email

095523_gary-vee-smack-thumb

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Cho dù bất cứ ai trong hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, lịch sử chính trị Mỹ sẽ lật sang trang mới.

Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là cuộc đua chính trị đỉnh cao, đầy kịch tính và những ai vào sâu là những người có khả năng vượt trội so với đối thủ trong việc tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri và gây quỹ.

Bất ngờ và kịch tính

Theo luật Mỹ, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, được xác định là ngày 8/11 năm nay, các ứng cử viên trong từng đảng chính trị như Dân chủ hay Cộng hòa phải tranh cử qua bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng trên phạm vi toàn quốc để chọn ra một ứng cử viên cho từng đảng ra tranh cử Tổng thống.

Việc này nhằm tránh chọn ứng cử viên qua dàn xếp nội bộ, mà để cho cử tri từng đảng quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình. Tham gia cuộc bầu cử sơ bộ năm nay, về phía đảng Cộng hòa có tới 17 ứng cử viên, trong khi đảng Dân chủ có 6 ứng cử viên, với ứng cử viên nặng ký nhất là Hillary Clinton.

Trong đảng Cộng hòa, ngay từ khi các ứng cử viên bắt đầu lộ diện từ mùa Hè năm trước, các nhân vật được xem là nặng ký gồm cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie…

Trong khi đó, tỷ phú truyền thông và bất động sản Donald Trump chỉ được coi như viên đá lót đường vì không có chút kinh nghiệm chính trị “lận lưng”. Nhưng ông Trump – với khả năng hùng biện, tài năng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và đưa ra những khẩu hiệu tranh cử giải tỏa nỗi bất bình cũng như đáp ứng khao khát muốn thay đổi của cử tri – đã giành thắng lợi từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, đánh gục từng đối thủ “già giơ” và ngoan cường trong đảng.

Đỉnh điểm là thắng lợi ngoạn mục tại tiểu bang Indiana ngày 3/5, Trump bỏ cách đối thủ về nhì là Thượng nghị sỹ (TNS) Ted Cruz tới gần 20% số phiếu. Thắng lợi này buộc hai ứng cử viên là TNS Ted Cruz và Thống đốc bang Ohio John Kasich phải tuyên bố bỏ cuộc, để ông Trump “một mình một ngựa” trong chặng đua còn lại.

Cuộc đua chọn ứng cử viên đảng Dân chủ không nằm ngoài dự đoán với ưu thế vượt trội thuộc về cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ngoài kinh nghiệm chính trường cộng thêm khả năng diễn thuyết hùng biện, bà Clinton còn nhận được ủng hộ của tuyệt đại đa số phiếu đại cử tri là lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội liên bang và tiểu bang.

Tuy giành ưu thế, nhưng bà Clinton vẫn chưa thể rảnh tay như ông Trump nghĩ tới cuộc bầu cử Tổng thống toàn quốc, mà vẫn tiếp tục vận động bầu cử để đạt thêm 155 phiếu nữa cho đến khi đạt đủ 2.383 số phiếu đề cử cần thiết. Người quyết tâm bám đuổi bà Clinton tới chặng đua cuối cùng là TNS cánh tả bang Vermont Bernie Sanders.

Những điều chưa từng có

Chiến thắng gần đây nhất của ông Sanders trước bà Clinton tại tiểu bang Indiana ngày 3/5 đặt thêm một thách thức mới. Nếu bà Clinton không thể giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại của đảng Dân chủ trong những ngày tới thì cho dù có đạt được sự đề cử của đảng, bà Clinton sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại trong cuộc đua tay đôi giành địa vị chủ nhân Nhà Trắng cùng ông Trump sắp tới.

Dù còn một số trở ngại, nhưng có thể khẳng định gần như chắc chắn bà Clinton và ông Trump sẽ giành được đa số phiếu đề cử cần thiết để đại diện hai đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới. Trong nội bộ đảng Dân chủ, sự đồng thuận ủng hộ bà Clinton chắc sẽ rất cao và không gây nhiều tranh cãi. Trái lại, trong đảng Cộng hòa, sự chia rẽ và phân hoá lớn từ mấy tháng qua sẽ tiếp tục ngay cả khi ông Trump nhận được sự đề cử của Đảng. Sự chia rẽ này liên quan đến tính cách cá nhân, một số phát biểu gây sốc của ông Trump về nhập cư, về người Hồi giáo, cũng như các lo ngại của giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng hòa về các chính sách khó lường có khả năng gây tổn hại cho lợi ích nước Mỹ cũng như của đảng mình.

Bất luận kết quả chung cuộc ra sao, cuộc bầu cử này sẽ đi vào lịch sử chính trị Mỹ bởi một số lý do sau.

Thứ nhất, nếu thắng cử, ông Donald Trump sẽ vượt qua Tổng thống Reagan để trở thành Tổng thống lớn tuổi nhất khi nhậm chức ở tuổi 70 và bà Hillary nếu đắc cử ở tuổi 69 sẽ trở thành người lớn tuổi thứ hai nhậm chức Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ.

Thứ hai, ngay khi vượt qua vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ, bà Clinton sẽ trở thành nữ ứng cử viên Tổng thống đầu tiên đại diện cho một đảng chính trị của nước Mỹ. Còn nếu bà thắng cử thì lần đầu tiên trong lịch sử 240 năm lập quốc, nước Mỹ có nữ Tổng thống.

Nếu ông Trump giành chiến thắng, đây là lần đầu tiên từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower (1953-1960), nước Mỹ mới có một Tổng thống chưa từng nắm giữ chức vụ Thống đốc bang hay Nghị sĩ Quốc hội liên bang. Chính điều này bị giới lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng hòa coi là điểm yếu vì họ cho rằng ông Trump không có kinh nghiệm chính trường. Tuy nhiên, ông Trump và nhóm phụ tá vận động lại tuyên truyền rằng đây chính là điểm mạnh, bởi cho rằng hiện nay các thiết chế của Washington đã mục ruỗng. Ông Trump, vốn là một doanh nhân thành công, lại ở bên ngoài thiết chế đó nên có thể giúp “làm mới” lại sinh hoạt chính trị ở Washington.

Thứ ba, chỉ riêng việc ông Trump vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ năm nay cũng đã là một kỳ tích. Tuy mang danh là tranh cử trong màu cờ, sắc áo của đảng Cộng hòa nhưng ông Trump lại là một trong những người chống thiết chế đảng mạnh mẽ nhất. Do đó, không có gì lạ là việc lần đầu tiên trong lịch sử chính trị cận đại nước Mỹ, ông Trump liên tục bị lãnh đạo đảng Cộng hòa làm mất uy tín trong suốt quá trình diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ với hy vọng đưa những người có quan điểm ôn hòa và dễ bề kiểm soát hơn như Jeb Bush, Marco Rubio hay John Kasich giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều trớ trêu là đảng Cộng hòa càng chống đối, ông Trump lại càng nhận được nhiều phiếu ủng hộ của cử tri và vượt qua vòng bầu cử sơ bộ một cách ngoạn mục.

Kết cục nào cho cuộc đấu?

Thực ra, có một nỗi lo khác trong đảng Cộng hòa là ông Trump sẽ thất bại trước ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton. Các cuộc thăm dò dư luận Mỹ trước bầu cử đều cho thấy bà Clinton dẫn trước một khoảng cách khá xa so với ông Trump. Hiện tại, cách biệt giữa hai ứng cử viên theo thăm dò của trang tin Huffington Post là 6,7%, (bà Clinton được 46,8% số phiếu bầu, ông Trump 40,1%).

Từ nay cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử còn đúng 6 tháng và vô số diễn biến bất ngờ có thể xảy ra. Những người ủng hộ ông Trump tin rằng nếu đã thắng trong nội bộ đảng Cộng hòa thì chẳng lý do gì một người lọc lõi, có khả năng khoét sâu các điểm yếu của đối thủ như Trump lại không qua mặt được bà Clinton – ứng cử viên đã bộc lộ nhiều sai sót “chết người”.

Nói vậy để thấy, đây sẽ là cuộc đấu ngang tài ngang sức và nước Mỹ sẽ đi theo hai chiều hướng có phần trái ngược nhau dưới sự lãnh đạo của ông Trump hay bà Clinton. Điểm chung rõ nhất là ở những mức độ khác nhau, cả hai cùng chống lại các thỏa thuận thương mại tự do và đều tìm cách bảo vệ nước Mỹ chống lại nguy cơ khủng bố hay các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Tuy nhiên các khác biệt cũng không hề nhỏ. Với ông Trump, lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của nước Mỹ hay người Mỹ trên hết. Với bà Clinton, mục tiêu cũng không khác mấy so với ông Trump. Tuy nhiên, nước Mỹ và thế giới hiện nay đã khác trước, vì vậy việc mở rộng và làm sâu sắc các cam kết quốc tế là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích lâu dài cũng như nâng cao vị thế của Mỹ trên thế giới.

Mọi thứ vẫn đang ở phía trước. Và sự lựa chọn người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ là sự lựa chọn hay câu chuyện của người Mỹ, mà còn buộc các nước khác có thái độ và những điều chỉnh phù hợp.

TS Hoàng Anh Tuấn nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]