Tác động từ yêu sách của Nhật đối với Okinotori

Print Friendly, PDF & Email

Okinotori-570x360

Nguồn: Jerome A. Cohen & Peter A. Dutton, “Japan’s important sideshow to arbitration decision in the South China Sea”, East Asia Forum, 16/5/2016

Biên dịch: Phạm Hồng Anh

Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang trên Biển Đông và chính phủ các bên tranh chấp đang chờ đợi phán quyết từ Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một sự việc bên lề quan trọng đã nổi lên giữa Nhật Bản và Đài Loan giữa biển Philippines.

Ngày 24/4, Lực lượng Tuần tra bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ một tàu đánh cá Đài Loan cùng toàn bộ thủy thủ do đánh bắt cá tại vùng biển thuộc “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý (EEZ) mà Nhật đã tuyên bố chủ quyền theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuyên bố vùng EEZ của Nhật dựa trên quyền kiểm soát của nước này với hai đảo đá nhỏ được bao quanh bởi một bãi san hô cách Tokyo khoảng hơn 1.000 dặm (tương đương 1.600km) về phía nam. Mặc dù tàu tuần tra quân sự Nhật Bản đã bắt đầu đuổi các tàu cá Đài Loan khỏi khu vực này từ hai năm trước, sự việc lần này được ghi nhận là vụ bắt giữ đầu tiên kể từ năm 2012.

Chính phủ Đài Loan lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này của Nhật Bản. Để tàu và các thủy thủ được trả tự do, chủ tàu người Đài Loan đã phải nộp một khoản phí bảo đảm, mà thực chất là tiền phạt, cho chính phủ Nhật Bản. Vụ việc đã làm dân chúng Đài Loan tức giận.

Việc bắt giữ tàu xảy ra cách quần đảo Okinotori khoảng 150 hải lý, nơi 200 tàu đánh cá Đài Loan từng hoạt động yên ổn trong quá khứ. Cộng đồng đánh bắt hải sản Đài Loan yêu cầu (Nhật) hoàn trả lại khoản tiền bảo đảm, đền bù những thiệt hại, tổn thất về kinh doanh và xin lỗi thuyền trưởng, người được cho là đã bị khám xét toàn thân.

Vị trí của Okinotori. Nguồn: The Economist.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc có ảnh hưởng ngày càng lớn tại Đài Loan kêu gọi một phản ứng quyết liệt hơn đối với việc Nhật Bản can thiệp vào quyền đánh cá của người Đài Loan tại khu vực mà Đài Loan coi là vùng biển quốc tế chứ không phải vùng EEZ của Nhật. Tổng thống Mã Anh Cửu, vốn bản thân là một chuyên gia về luật biển, đã nhanh chóng cử một vài tàu tuần tra có vũ trang tới bảo vệ các ngư dân Đài Loan trong khu vực này, vốn cách Đài Loan khoảng 860 hải lý. Lực lượng Tuần tra bờ biển Đài Loan tuyên bố sẽ tuân thủ chính sách “không lẩn tránh, không đối đầu và không khiêu khích”, và hy vọng vào một giải pháp hòa bình, đúng mực. Nhưng cơ quan này cũng cho biết họ sẽ “có những biện pháp đáp trả” nếu Nhật có bất cứ hành động không thân thiện nào.

Gần như ngay lập tức, Bắc Kinh cũng phản đối tuyên bố của Nhật Bản rằng Okinotori có vùng EEZ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng Okinotori chỉ là “một tập hợp các bãi đá” ở xa Nhật Bản và “việc Nhật tuyên bố khu vực xưng quanh đảo san hô Okinotori thuộc thềm lục địa hay vùng EEZ của mình là trái luật [bởi vì] chưa tới 10 mét vuông của bãi đá nhô lên trên mực nước biển khi thủy triều lên”.

Trích dẫn Khoản 3 điều 121 của UNCLOS, người phát ngôn chỉ ra: “Các bãi đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa.” Và người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng vào năm 2012, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới thềm lục địa đã không chấp nhận tuyên bố của Nhật Bản rằng Okinotori có vùng thềm lục địa, ngụ ý điều này ngầm tạo nên sự thừa nhận rằng Okinotori cũng không có vùng EEZ.

Bắc Kinh và Đài Bắc chắc chắn đúng khi bác bỏ yêu sách của Nhật Bản. Ý tưởng rằng Okinotori có quyền kiểm soát các tài nguyên kinh tế của một vùng biển có diện tích 150.000 dặm vuông (gần 390.000 cây số vuông) – một khu vực tương đương với diện tích của Nhật Bản, vẫn luôn phi lý. Cho dù phán quyết của tòa án trọng tài vụ Philippines có diễn giải điều 121.3 trong UNCLOS rộng rãi đến đâu trong bối cảnh Biển Đông, thì nó cũng sẽ không biện hộ được cho yêu sách của Nhật Bản.

Có lẽ trường hợp Okinotori nên được coi như một cơ hội cho tất cả các quốc gia xem xét lại phương cách yêu sách các vùng tài nguyên trên biển của họ. Ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các vùng tài nguyên không kém phần phi lý khi nước này vẽ những đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Sensaku/ Điếu Ngư. Và Trung Quốc yêu sách quyền đánh bắt cá dựa trên đường chín đoạn không hề có cơ sở trong luật quốc tế.

Định nghĩa vô lý của Nhật Bản về những yếu tố cấu thành một hòn đảo có vùng tài nguyên và các yêu sách vô lý tương tự của Trung Quốc về vùng tài nguyên đều là những cố gắng không có sức thuyết phục để chiếm được nhiều không gian biển hơn thực tế mà hai nước này đáng được hưởng. Tuy vậy, Hoa Kỳ nên cân nhắc trước khi lên tiếng chỉ trích. Nước này cũng có yêu sách về vùng tài nguyên đáng chất vấn xung quanh một vài thực thể nhỏ, hẻo lánh trên Thái Bình Dương – như quần đảo Howland và Baker.

Tranh chấp xung quanh Okinotorio sẽ kết thúc như thế nào? Cạnh tranh giữa tàu tuần tra bờ biển Đài Loan và Nhật Bản hứa hẹn sẽ mang nhiều tính kịch hơn là xung đột.

Trong bối cảnh thiếu vắng quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai chính phủ, những bên trung gian “không chính thức” đã bắt đầu thực hiện vai trò của mình. Những hiệp hội không chính thức có quan hệ với bộ ngoại giao hai bên đã tuyên bố mong muốn đàm phán về vấn đề này theo hướng hòa bình và không ầm ĩ. Thậm chí còn có những dấu hiệu hai bên đang nỗ lực ký một thỏa thuận giống như hiệp ước hợp tác nghề cá trong khu vực Sensaku/ Điếu Ngư năm 2013 nhưng không thành hiện thực.

Cũng có những cuộc thảo luận không chính thức ở những cấp cao hơn. Vào ngày 6/5, Tổng thống Mã Anh Cửu đã gặp em trai của Thủ tướng Shizo Abe, hiện là thượng nghị sĩ Nhật, và bày tỏ hy vọng hai bên có thể tìm kiếm một giải pháp. Ông Mã nói: “Nếu nó [giải pháp – ND] không có hiệu quả, tôi hy vọng chúng ta có thể để những cơ quan hòa giải hay trọng tài quốc tế giúp giải quyết tranh chấp.”

Một phán quyết trọng tài quan trọng về vấn đề Biển Đông chuẩn bị được đưa ra. Do phán quyết này có khả năng làm rõ điều kiện để một hòn đảo được hưởng vùng tài nguyên theo luật định, tác động của nó cũng sẽ vươn tới Thái Bình Dương nơi có những yêu sách trên biển của nhiều nước khác, bao gồm cả Okinotori. Liệu phán quyết sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những yêu sách này, chúng ta vẫn cần chờ thêm.

Jerome A. Cohen là Giáo sư luật học và là Giám đốc của Viện Luật Mỹ – châu Á, Đại học New York. Ông cũng là nghiên cứu viên dự thính cao cấp về châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Peter A. Dutton là Giáo sư và Giám đốc tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc Học viện Hải chiến Mỹ.

Xem thêm:

Nhật “nuôi” đảo để kiểm soát tham vọng lãnh thổ của TQ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]