Báo động ‘Ngoại giao nguồn nước’ của TQ trên dòng Mekong

Print Friendly, PDF & Email

CHINA YUNNAN JINGHONG DAM ON LANCANG RIVER

Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “China’s alarming ‘water diplomacy’ on the Mekong”, Nikkei Asian Review, 21/03/2016.

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thoạt đầu, đó có vẻ là một điều tốt. Khi các nước dọc theo hạ nguồn sông Mekong, con sông uốn lượn chảy qua vùng Đông Nam Á lục địa đang phải chịu đựng một đợt hạn hán nghiêm trọng, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng (Jinghong) trên thượng nguồn trong gần một tháng từ ngày 15 tháng 3. Tuyên bố này có phần chủ ý nhằm thể hiện thiện chí một tuần trước Lễ khại mạc Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) của các nhà lãnh đạo sáu nước khu vực Mekong.

Nhưng trong khi việc xả nước sẽ giúp góp phần giải cứu các vùng bị khô hạn tấn công, thì nó cũng dự báo các căng thẳng địa chính trị trong tương lai giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phía nam dòng sông. Có quyền lực chính trị đơn phương nhờ vị trí địa lý và việc thao túng các tuyến đường thủy tự nhiên thông qua việc xây dựng hàng loạt các đập ở thượng nguồn, Trung Quốc cho thấy ý đồ áp đặt các quy tắc quản lý nước lên khu vực mà họ cho là phù hợp.

Sông Mekong, tiếng Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài thứ 7 ở Châu Á, cung cấp nguồn sống và nơi cư trú cho các cộng đồng ven sông và các loài hoang dã tự nhiên dọc theo dòng chảy của nó từ Trung Quốc và Myanmar đến Lào và Thái Lan, xuống Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển. Việc xây đập của Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong từ lâu đã được coi là mối nguy cơ về địa chính trị cho các nước hạ nguồn ven sông và là nguồn gốc cho các xung đột tiềm tàng cho toàn bộ tiểu vùng Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nguy cơ này đã tự bộc lộ một cách bộc phát qua các mùa khô hàng năm, khi khoảng 60 triệu người trong các làng chài và cộng đồng dọc theo sông Mekong bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng bất kỳ sự phản đối nào cũng bị các hiện thực địa chính trị làm cho câm lặng.

Trung Quốc thực tế là một gã hàng xóm khổng lồ ngồi xổm ở đầu nguồn sông. Nếu muốn, nó có thể chặn dòng nước Mekong. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thành 5 trên 15 đập theo kế hoạch dọc theo dòng Mekong. Chính phủ của các nước ở hạ nguồn, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam, hoặc là quá chịu ơn hoặc quá phụ thuộc vào sự hào phóng và các quyết định chính trị của Bắc Kinh, nên khó cao giọng phản đối. Lào, một nước ở giữa sông, cũng đang tiến hành xây dựng các con đập của mình, chủ yếu nhờ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Thái Lan, nước sẽ mua lại chính nguồn thủy điện đó. Vì thế, các con đập trên sông Mekong là một vấn đề phức tạp, không đơn giản chỉ đại diện cho sự áp đặt quyền lực và ảnh hưởng đơn phương từ phía Trung Quốc lên các nước còn lại.

Cùng với sự phụ thuộc ngày càng tăng của nước Lào cộng sản vào hầu bao của Trung Quốc để đáp ứng các nhu cầu phát triển, và thái độ công khai ủng hộ Bắc Kinh của chính quyền quân sự Thái Lan, quốc gia thượng nguồn và quyền lực nhất này đã cở bản trở thành ông chủ của khu vực. Campuchia cũng đang ngày càng phụ thuộc vào viện trợ phát triển và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Mặc dù đối đầu với Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Việt Nam buộc phải coi Trung Quốc như một đối tác thương mại và đầu tư không thể thiếu với sức mạnh lớn hơn và nhiều phương tiện hơn. Myanmar là trường hợp ngoại lệ duy nhất trong phương trình này. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ dân sự mới được bầu, dẫn đầu bởi Aung San Suu Kyi, người đã trải qua nhiều năm dưới sự đàn áp của quân đội trong khi Trung Quốc hưởng lợi từ các cơ hội bòn rút kinh tế Myanmar, Naypyitaw có thể trở thành một cái gai bên trong bất cứ kế hoạch nào mà Trung Quốc dự định cho vùng châu thổ Mekong.

Chính sách ngoại giao LMC của Trung Quốc

Đây chính là lý do mà Trung Quốc mong muốn đưa các nhà lãnh đạo Mekong đến bàn họp sáng kiến LMC. Chương trình hội nghị thượng đỉnh của Bắc Kinh bao gồm năm điểm: từ kết nối hạ tầng, công nghiệp hóa, đến thương mại biên giới, quản lý nguồn nước, hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo. Nhưng đằng sau các bức ảnh tuyên truyền và kế hoạch làm việc, ý tưởng của LMC biểu tượng hóa cho những nỗ lực khôn khéo của Trung Quốc nhằm thiết lập thể chế và luật chơi của mình.

Hơn nữa, sáng kiến LMC cũng cạnh tranh với Ủy hội sông Mekong (MRC), vốn được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam từ năm 1995 với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ quốc tế nhằm quản lý các nguồn lợi của con sông thông qua các nghị định thư và công ước quốc tế điều chỉnh các tuyến đường sông chính trên toàn cầu. Myanmar và Trung Quốc là các đối tác đối thoại của MRC nhưng Trung Quốc đã chủ tâm gạt MRC ra bên lề. Đối với Trung Quốc, sáng kiến LMC do Trung Quốc dẫn dắt mới là khuôn khổ quản lý sông Mekong hợp lý và được ưu tiên.

Các thủ đoạn của Trung Quốc trên sông Mekong là không đáng ngạc nhiên và thống nhất với các động thái tương tự như ở các nơi khác. Trong thực tế, những gì Trung Quốc đã làm bằng việc xây đập trên sông Mekong và giành ảnh hưởng không chính đáng lên các nước hạ nguồn là tương tự với và có liên quan đến các dự án xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh vừa đơn giản vừa gây tranh cãi như tất cả đều có thể chứng kiến: xây trước, nói chuyện sau (nếu như có nói).

Ở Biển Đông, các nước ven biển của ASEAN đang xây dựng một mặt trận thống nhất và tìm kiếm sự cam kết can dự quốc phòng mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực. Đáp lại, Mỹ vừa tích cực vừa chừng mực. Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong phạm vi Mekong lại không thể bị kiềm chế bởi sự vượt trội của hải quân Mỹ. Châu thổ Mekong là để dành cho ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt nếu xét đến các chính thể chuyên chế tương tự nhau như ở Bangkok, Viên Chăn và Phnom Penh, những người đang được khuyến khích đi theo dòng chảy chuyên chế. Hà Nội phản đối Trung Quốc trên Biển Đông nhưng lại mềm giọng trong các vấn đề Mekong. Do vậy, Trung Quốc sẽ tự tung tự tác ở Đông Nam Á lục địa một thời gian nữa.

Trung Quốc chắc chắn sở hữu những con đập mà nó xây dựng nhưng dòng nước chảy qua các con đập đó không phải của riêng Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ các rặng núi Himalaya và thuộc về tất cả những người đã phụ thuộc vào nó hàng thế kỷ qua. Việc đắp đập ngăn sông của Trung Quốc đã có những hậu quả tiêu cực trong thực tế. Ví dụ như cộng đồng ngư dân ở bắc Thái Lan đã phản đối vì nước xả từ đập Cảnh Hồng đã bị cướp mất trầm tích và phù sa vốn đi cùng dòng chảy.

Cách tiếp cận ngắn hạn

Đối với Trung Quốc, chặn dòng nước vì lợi ích của chính mình rồi giả vờ nhân từ đề nghị chia sẻ nó với những nước hạ nguồn chỉ đem lại con bài mặc cả trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, cách tiếp cận thiển cận của Trung Quốc khi chơi theo luật chơi của mình mà không quan tâm đến các bên khác có thể gây tác dụng ngược. Hôm nay, Myanmar là nước không chắc sẽ phục tùng Bắc Kinh trong vấn đề Mekong. Sau này đó có thể là Thái Lan, khi đất nước quay trở lại với các quy tắc dân chủ, hoặc có lẽ là Việt Nam, khi đơn giản là nước này đã chịu đựng quá đủ. Quyền lực từ các con đập của Trung Quốc có thể đập lại lưng Trung Quốc khi các nước nhỏ đoàn kết lại để chống lại điều đó.

Thitinan Pongsudhirak dạy môn Kinh tế Chính trị Quốc tế và là giám đốc Viện An tinh và Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok.

Hình: Đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) trên dòng Mekong. Nguồn: AP.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]