Obama thăm Việt Nam: Đánh giá kết quả và tác động

obamainvn

Tác giả: Lê Hồng Hiệp 

Giới thiệu

Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam từ 22-25/5/2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa trong việc cải thiện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Những gì hai cựu thù Chiến tranh Lạnh đạt được trong chuyến đi này đã đưa họ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, từ đó đặt nền móng cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và thực chất hơn. Đặc biệt, mức độ tin tưởng lẫn nhau tăng cao qua chuyến thăm đã làm cho họ thoải mái hơn trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh và quốc phòng trong tương lai, điều có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ khu vực.

Bài viết này đánh giá các kết quả chính của chuyến thăm và tác động của chúng. Bài viết được chia làm ba phần. Phần đầu tiên đánh giá các diễn tiến gần đây trong mối quan hệ đối tác ngày càng chín muồi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Phần thứ hai phân tích các kết quả về kinh tế, chính trị và chiến lược quan trọng nhất của chuyến thăm. Phần thứ ba đi sâu phân tích việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam bằng cách mổ xẻ những lý do chính dẫn tới quyết định của Washington cũng như những tác động của nó đối với quan hệ song phương và khu vực nói chung.

Quan hệ Việt Mỹ trước chuyến thăm

Quan hệ Việt – Mỹ đã tiến triển vững chắc từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ song phương năm 1995. Về chính trị, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã trở nên thường xuyên hơn. Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush cũng đã đến thăm Việt Nam lần lượt trong năm 2000 và 2006. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã thực hiện các chuyến thăm đến Washington một cách đều đặn hơn. Vào tháng 6/2005, ông Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sang thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Các chuyến thăm chính thức khác sau đó của các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam còn bao gồm chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008. Sự tiến bộ không ngừng trong quan hệ song phương đã dẫn đến việc thành lập quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước hồi tháng 7 năm 2013 trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo Việt Nam tới Washington cho đến nay là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Ông Trọng là vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đầu tiên đặt chân tới Mỹ, và chuyến thăm của ông đánh dấu một tầm cao mới trong quan hệ song phương và thể hiện một sự tin tưởng lẫn nhau cao chưa từng thấy giữa hai cựu thù.

Hai nước cũng đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong quan hệ kinh tế. Hai bên đã ký một Hiệp định Thương mại Song phương vào năm 2000, qua đó giúp thương mại hai bên tăng trưởng theo cấp số nhân. Sau đó Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ví dụ, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lên tới 33,48 tỉ đô-la, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng 23,8% trong năm 2015 lên mức 7,8 tỷ đô-la. Về đầu tư, Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tám của Việt Nam với tổng số vốn đăng ký tới cuối năm 2015 đạt 11,3 tỷ đô-la. Thương mại và đầu tư song phương có thể còn được thúc đẩy hơn nữa nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai nước đều là thành viên có hiệu lực.

Mặc dù hợp tác song phương về an ninh-quốc phòng mới chỉ được tăng cường gần đây, lĩnh vực này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của quốc tế và hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực mà quan hệ song phương sẽ còn được tăng cường hơn nữa. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về Quan hệ Quốc phòng hồi năm 2011, sau đó được bổ sung bởi một “Tuyên bố Tầm nhìn Chung” được công bố vào tháng 6/2015. Trong các nội dung chính, tuyên bố kêu gọi hai bên mở rộng thương mại quốc phòng song phương, có khả năng bao gồm việc hợp tác sản xuất các công nghệ và thiết bị mới, tùy theo pháp luật hiện hành và các quy định chính sách cho phép. Washington cũng cam kết hồi năm 2013 sẽ cung cấp 18 triệu đô-la cho Việt Nam để mua tàu tuần tra, và quyết định hồi tháng 10/2014 dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Mỹ cũng đưa Việt Nam vào Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tại Đối thoại Shangri La năm 2015. Theo Sáng kiến, Mỹ sẽ cung cấp 425 triệu đô la để hỗ trợ Philippines, Việt Nam, Indonesia, và Malaysia nâng cao năng lực hàng hải. Vào tháng 11/2015, Nhà Trắng đã nói rõ thêm về kế hoạch này, thông báo sẽ tìm cách tăng hỗ trợ hàng hải cho Việt Nam lên 19,6 triệu đô-la trong năm tài chính 2015 và 20,5 triệu đô-la trong năm tài chính 2016, qua đó giúp Việt Nam tăng cường công tác tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR), cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát trong các cơ quan hàng hải của mình. Theo Sáng kiến, Mỹ cũng sẽ tìm cách mở rộng đào tạo và diễn tập song phương, tập trung vào cứu trợ thiên tai và các vấn đề nhân đạo.

Ngoài ra, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cũng đã trở nên ngày càng sâu rộng thông qua hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, trao đổi dân gian, nhân quyền, nhân đạo, và các vấn đề di sản chiến tranh. Dù vậy, xu hướng đáng chú ý nhất trong quan hệ song phương trong những năm gần đây có lẽ là mức độ tin cậy chính trị lẫn nhau ngày càng tăng nhờ vào nỗ lực chung của hai bên, đặc biệt là các cam kết của Mỹ tôn trọng lợi ích chính trị trong nước của ĐCSVN. Ví dụ, kể từ năm 2013, hai bên đã nhấn mạnh sự cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của nhau trong tất cả các tuyên bố chung mà lãnh đạo của họ đưa ra, trong đó có tuyên bố chung gần đây nhất ban hành trong chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam. Một cam kết như vậy sẽ giúp xua tan những nghi ngờ từ lâu của một số lãnh đạo thận trọng ở Hà Nội vốn tin rằng Hoa Kỳ vẫn có thể âm mưu tìm cách lật đổ chế độ của Đảng thông qua các tương tác ngày một tăng với Việt Nam. Sự tăng cường tin tưởng lẫn nhau là một tài sản giá trị đối với quan hệ song phương, bởi như cả hai bên thừa nhận, “niềm tin đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp mang lại sự hữu nghị và hợp tác bền vững, lành mạnh, và lâu dài” giữa hai nước.

Các kết quả chủ yếu của chuyến thăm

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam đã mang lại một số thỏa thuận quan trọng, phản ánh một loạt các lợi ích chung ngày càng tăng giữa hai nước cũng như mong muốn của họ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương một cách thực chất hơn.

Kết quả kinh tế

Vấn đề kinh tế quan trọng nhất được đề cập trong chuyến thăm này là TPP. Cả hai bên nhấn mạnh rằng thỏa thuận này “quan trọng về kinh tế lẫn chiến lược, và sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, và tạo công ăn việc làm”. Thật vậy, Việt Nam có nhiều hy vọng đối với TPP và được cho sẽ là người chiến thắng lớn nhất trong số các thành viên của hiệp định. Đầu năm nay, Trung ương Đảng đã bỏ phiếu tán thành việc phê chuẩn TPP, và có khả năng Quốc hội mới, được bầu vào đúng ngày ông Obama tới Hà Nội, sẽ phê chuẩn Hiệp định trong phiên họp đầu tiên của mình trong tháng 7. Tuy nhiên, Mỹ cũng muốn đảm bảo rằng Việt Nam không coi những lợi ích đó là điều mặc nhiên. Mỹ muốn Việt Nam thực hiện đầy đủ và chân thành các quy định, bao gồm cả những quy định tương đối “nhạy cảm” liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước hay các công đoàn độc lập. Do đó, trong chuyến thăm của ông Obama, Hoa Kỳ cũng “cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực mạnh mẽ để giúp Việt Nam thực hiện có hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP”. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng bây giờ là liệu TPP sẽ có được Mỹ sớm phê chuẩn hay không. Mặc dù ông Obama đã hết lời ủng hộ TPP trong chuyến thăm, nhưng việc ông có thể khiến Quốc hội phê chuẩn được TPP trước khi ông rời Nhà Trắng hay không vẫn còn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có TPP, hai nước vẫn có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, mà thỏa thuận giữa Vietjet và Boeing được ký trong chuyến thăm này là một ví dụ điển hình. Theo thỏa thuận, Vietjet cam kết sẽ mua 100 máy bay chở khách của Boeing và các động cơ Pratt & Whitney trị giá 11,3 tỷ đô-la. Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất giữa hai nước từ trước đến nay. Nó chứng minh cho bản chất “hai bên cùng thắng” của mối quan hệ, qua đó giúp xua tan những ngộ nhận của một số nhà phê bình Mỹ rằng Việt Nam đang được hưởng lợi nhiều hơn Hoa Kỳ từ mối quan hệ. Thỏa thuận này cũng có thể khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương cũng như ủng hộ các chính sách thương mại quốc tế của chính quyền hiện tại, điều đang bị nghi ngờ bởi những người chống đối TPP.

Tuy nhiên, trong chuyến đi của ông Obama, Việt Nam một lần nữa vẫn không thể giành được sự công nhận quy chế kinh tế thị trường từ Mỹ. Điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ trong tương lai. Về phần mình, Mỹ có thể tiếp tục trì hoãn việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để duy trì ảnh hưởng đối với các cải cách kinh tế trong nước của Việt Nam, đồng thời nhằm đảm bảo rằng Hà Nội sẽ tuân thủ tất cả các nghĩa vụ của Hiệp định TPP. Hơn nữa, nếu xét sự tương đồng đáng kể giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam ít có khả năng sẽ được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường trước Trung Quốc, trừ khi Việt Nam sẽ tiến hành mạnh mẽ các cải cách kinh tế thị trường trong những năm tới để đáp ứng các tiêu chuẩn của Washington. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không phải là một trở ngại lớn cho quan hệ kinh tế song phương như đã thấy trong những thập niên qua.

Kết quả chính trị

Chuyến thăm của ông Obama cũng đã giúp củng cố mối quan hệ chính trị giữa hai nước. Trong chuyến thăm, ông đã gặp tất cả bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Trong những dịp khác nhau, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách áp đặt thể chế chính trị của mình lên Việt Nam. Thiện chí của Mỹ đã được đáp lại bởi chính phủ Việt Nam khi Hà Nội quyết định cấp giấy phép cho việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đồng thời chính thức cho phép các tình nguyện viên của Đội Hòa bình Mỹ (Peace Corps) được vào dạy tiếng Anh lần đầu tiên tại Việt Nam.

Mặc dù cả hai sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhưng Chính phủ Việt Nam đã trì hoãn các quyết định này một thời gian do các quan ngại về an ninh. Cụ thể, trong khi chính phủ Mỹ muốn FUV được hoàn toàn độc lập trong việc thiết kế chương trình giảng dạy như là một điều kiện để Mỹ hỗ trợ tài chính cho trường đại học này, thì chính phủ Việt Nam lại muốn FUV đưa vào giảng dạy một số các môn học “chính trị”, chẳng hạn như về chủ nghĩa Mác-Lênin, hoặc Lịch sử Đảng hay Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các nhà tuyên giáo của Việt Nam lo ngại rằng nếu FUV được miễn các khóa học như vậy, nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngoài ý muốn và khuyến khích các trường đại học khác đưa ra các đề nghị tương tự. Tuy nhiên, với việc cấp giấy phép cho FUV, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy có sự “nhượng bộ”, qua đó cho FUV sự độc lập và “linh hoạt” cần thiết để trường có thể thiết kế được chương trình giảng dạy hiệu quả nhất.

Trong trường hợp Đội Hòa bình, nguồn gốc chống cộng sản của tổ chức là một nguyên nhân dẫn đến các quan ngại an ninh cho chính quyền Việt Nam. Tổng thống J.F. Kennedy đã thành lập tổ chức này vào năm 1961, hy vọng rằng các tình nguyện viên được gửi đến các nước Thế giới thứ Ba có thể giúp quảng bá hình ảnh của Mỹ và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở đó. Do đó, cơ quan an ninh của Việt Nam từ lâu đã nghi ngờ về động cơ của Mỹ trong việc cố gắng gửi các tình nguyện viên của tổ chức này vào Việt Nam. Hà Nội đặc biệt lo ngại rằng tổ chức này có thể là vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp của Mỹ, hay đóng vai trò làm cơ sở hỗ trợ cho các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự của Việt Nam. Việc cho phép tổ chức này hoạt động do đó cho thấy sự thực dụng trong cách tiếp cận của Việt Nam: tìm cách thu lợi ích trong khi cố gắng hạn chế tác động tiêu cực. Quyết định trên có thể gửi một thông điệp tích cực về thiện chí của Việt Nam và cung cấp cho người Việt cơ hội được học các khóa học tiếng Anh chất lượng hầu như miễn phí. Đồng thời, chính phủ Việt Nam vẫn có thể áp đặt các điều kiện nhất định về hoạt động của Đội Hòa bình để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có đối với an ninh của chế độ. Ví dụ, trong thời gian trước mắt, các tình nguyện viên Đội Hòa bình chỉ được phép hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi các nhà chức trách có thể dễ dàng hơn khi giám sát các hoạt động của họ.

Kết quả chiến lược

Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng song phương như đã được vạch ra trong Bản ghi nhớ năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015. Họ cũng nhấn mạnh rằng các lĩnh vực ưu tiên bao gồm hợp tác nhân đạo, giải quyết di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, và hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Tuy nhiên, kết quả được thảo luận nhiều nhất trong chuyến thăm này về hợp tác quốc phòng là quyết định của Mỹ xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Lệnh cấm này, được chính thức áp đặt lên Hà Nội vào năm 1984 dưới thời chính quyền Reagan, có thể được coi là dấu vết cuối cùng của sự thù địch thời Chiến tranh Lạnh vốn từng chi phối quan hệ song phương. Như vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm đã tượng trưng cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương và giúp hai nước sẵn sàng cho các biện pháp hợp tác quốc phòng thực chất hơn và có ý nghĩa hơn trong tương lai. Tiểu mục tiếp theo của bài viết sẽ phân tích chi tiết hơn về những tác động của quyết định này đối với hai nước cũng như khu vực.

Trong chuyến thăm, hai bên cũng đã ký một ý định thư về việc thành lập một nhóm công tác về Sáng kiến Hợp tác Lưu trữ Thiết bị Y tế và Nhân đạo (CHAMSI). Động thái này là một bước đi thiết thực khác nữa giúp hai bên thúc đẩy hợp tác quốc phòng một cách thực chất. Đây mới chỉ là giai đoạn ban đầu của sáng kiến, và có thể mất một thời gian nữa trước khi nhóm làm việc có thể đưa ra được các chi tiết cụ thể, chẳng hạn như vị trí của công trình, và các thiết bị được lưu trữ. Như tên sáng kiến thể hiện rõ, công trình này sẽ chủ yếu được thiết kế cho mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, nó vẫn có thể có một số hàm ý quân sự, đặc biệt là nếu một số các thiết bị có các tính năng lưỡng dụng. Quan trọng hơn, sáng kiến này có thể giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và mang lại cho hai bên các kinh nghiệm trực tiếp trong việc tiến hành các hợp tác thực chất. Nó cũng có thể được xem như một dự án thí điểm, nếu thực hiện thành công có thể giúp cả hai bên trở nên quen thuộc với phương thức làm việc của nhau hơn, cũng như tự tin hơn khi xem xét các dự án hợp tác khác thực chất hơn nữa.

Tác động của việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí

Quyết định của Mỹ loại bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trông có vẻ như là một kết quả tự nhiên của sự tăng cường quan hệ song phương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quyết định trên không nên được coi là điều đương nhiên vì thực tế cả hai bên đã phải đầu tư khá nhiều nỗ lực để quyết định trên được đưa ra.

Các lý do chính cho việc loại bỏ lệnh cấm

Đầu tiên, quyết định trên đã được thúc đẩy một phần bởi việc Mỹ muốn mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà sản xuất vũ khí của mình. Theo số liệu thống kê mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI), tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699% so với giai đoạn 2006-2010, biến Việt Nam thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới trong khoảng thời gian trên. Tuy nhiên, Nga lâu nay đã thống trị nguồn cung vũ khí cho Việt Nam, chiếm đến 90% số vũ khí Việt Nam nhập khẩu trong những năm gần đây. Vì vậy, loại bỏ lệnh cấm có thể cung cấp cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Thật vậy, trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lặng lẽ tổ chức một Hội thảo về Công nghiệp Quốc phòng Việt -Mỹ từ ngày 11- 13/5/2016. Các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin đã tham gia Hội thảo, giúp các công ty này tìm hiểu thông tin từ các quan chức và các công ty mua sắm của Việt Nam về nhu cầu dự kiến của Việt Nam. Nó cũng cho phép các doanh nghiệp này trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình đến các đối tác Việt Nam thông qua các buổi “mai mối” một gặp một. Các chủ đề chính của Hội thảo chủ yếu tập trung vào các phương tiện hàng hải và giám sát, phản ánh mối bận tâm của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông. Việc Mỹ muốn khai thác thị trường Việt Nam cũng khớp với những nỗ lực của Hà Nội nhằm đa dạng hóa nguồn cũng vũ khí của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cũng như giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ việc phụ thuộc quá lớn vào Nga, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga – Trung ngày càng được tăng cường.

Thứ hai, việc dỡ bỏ lệnh cấm cũng đã phần nào trở nên thuận lợi hơn nhờ các nhượng bộ của Việt Nam trong một số vấn đề khác. Ngoài các quyết định nêu trên của Việt Nam về việc cấp phép cho FUV và cho phép Đội Hòa bình vào hoạt động tại Việt Nam, Hà Nội cũng đã phóng thích Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, một nhà đấu tranh chính trị kỳ cựu, vào ngày 20/5. Cha Lý có tên trong đơn thỉnh nguyện mà một nhóm hơn chục tổ chức nhân quyền đã gửi đến ông Obama, trong đó họ kêu gọi ông gây áp lực đòi Hà Nội thả các tù nhân chính trị trước chuyến đi của mình. Có vẻ các nhượng bộ của Hà Nội là một phần của một “thỏa thuận trọn gói” giúp Washington biện minh cho việc xóa bỏ lệnh cấm trước các cử tri trong nước.

Cuối cùng, việc dỡ bỏ lệnh cấm cũng được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược của Washington tại Biển Đông. Việt Nam được Mỹ coi như một trụ cột ngày càng quan trọng trong chiến lược tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những nỗ lực ngày càng công khai của Bắc Kinh nhằm thách thức trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu càng làm Washington mong muốn tăng cường khả năng quân sự của các đồng minh và các đối tác mới nổi trong khu vực. Từ quan điểm của Washington, nếu các nước này trở nên mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập hơn, họ có thể giúp chống lại trọng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, từ đó góp phần duy trì trật tự khu vực, đồng nghĩa với vị thế bá chủ khu vực của Mỹ. Các tính toán chiến lược của Mỹ một lần nữa lại song trùng với mong muốn của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực, qua đó nâng cao vị thế chiến lược cũng như sức mạnh mặc cả trong quan hệ với Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là một động thái hợp lý, phục vụ tốt các lợi ích chiến lược của cả hai nước.

Các tác động song phương và khu vực

Việc dỡ bỏ lệnh cấm là một bước tiến đáng kể trong quan hệ song phương. Nó không chỉ đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, mà còn cho thấy một sự xích lại gần nhau và một mức độ tin tưởng lẫn nhau cao hơn giữa hai cựu thù. Như vậy, hai bên giờ đây đã có điều kiện tốt hơn để theo đuổi các biện pháp hợp tác thực chất hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như an ninh và quốc phòng. Theo đó, diễn tiến này sẽ giúp củng cố nền tảng chiến lược của quan hệ song phương, và điều này càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh hai bên đang có các nỗ lực dần dần hướng tới một mối quan hệ đối tác an ninh trên thực tế, dù vẫn còn đang ở giai đoạn phôi thai.

Tuy nhiên, nếu xét về tác động quân sự, việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ chủ yếu vẫn là một động thái mang tính biểu tượng, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt. Việt Nam ít khả năng sẽ ký các thỏa thuận mua vũ khí lớn với Mỹ trong thời gian tới do những lý do kỹ thuật và tài chính.

Hầu hết các hệ thống vũ khí hiện tại của Việt Nam là do Nga chế tạo, điều gây khó khăn cho Việt Nam nếu nhập khẩu các hệ thống vũ khí lớn và tinh vi từ Mỹ do vấn đề tính tương thích. Do đó, một số nhà chiến lược quốc phòng Việt Nam, chẳng hạn như Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam, đã lập luận rằng thay vì nhập khẩu vũ khí Mỹ, Việt Nam nên nhập khẩu các “phương tiện quân sự” của Mỹ mà thôi. Theo tướng Trung, các mặt hàng Việt Nam nên xem xét nhập khẩu từ Mỹ có thể bao gồm “máy bay trinh sát, tàu tuần thám, máy bay, tàu cứu hộ, cứu nạn”. Nhìn chung, các mặt hàng này sẽ không gây ra nhiều vấn đề về tính tương thích lớn đối với Việt Nam. Cách tiếp cận như vậy cũng hợp lý do việc Việt Nam hiện đang chịu tình trạng thâm hụt ngân sách khá nghiêm trọng. Ví dụ, trong năm 2015, thâm hụt ngân sách sơ bộ của Việt Nam tăng 14% lên tới 256 nghìn tỉ đồng (khoảng 11,47 tỉ đô-la), tương đương với 6,1 phần trăm GDP. Do đó, Việt Nam sẽ có ít nguồn lực tài chính hơn cho chương trình hiện đại hóa quân sự của mình. Vì vậy, việc nhập các hệ thống vũ khí đắt tiền của Mỹ dường như khó khả thi, và các mặt hàng ít tinh vi và ít tốn kém hơn, bao gồm cả những thiết bị mà tướng Trung đề nghị, dường như là những lựa chọn phù hợp hơn đối với Việt Nam tại thời điểm này.

Ngoài ra, ngay cả khi mối quan tâm của Việt Nam mở rộng và chính phủ có đủ nguồn lực để mua các hệ thống vũ khí thích hợp và đắt hơn từ Washington, các đơn đặt hàng như vậy vẫn có thể cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Ngoài việc xem xét giá trị hợp đồng và các loại vũ khí Việt Nam muốn mua, Quốc hội Mỹ cũng có thể gắn quyết định của mình với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam có thể không mua được tất cả các hệ thống vũ khí hay thiết bị quân sự mình muốn từ Mỹ.

Do đó, việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam ít có khả năng dẫn đến những biến chuyển có ý nghĩa trong cán cân sức mạnh quân sự khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Trung Quốc sẽ vẫn là lực lượng quân sự (cũng như bán quân sự) chiếm ưu thế ở Biển Đông, và Bắc Kinh có lẽ sẽ ít thấy lo lắng về các loại vũ khí, thiết bị quân sự mà Việt Nam có thể mua được từ Mỹ sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể lo lắng nhiều hơn về triển vọng ngày càng tăng của việc Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành các đối tác an ninh của nhau. Việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Washington, mà cuối cùng có thể bao gồm việc Việt Nam cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các cơ sở hải quân tại Vịnh Cam Ranh, hoặc tham gia vào các sáng kiến quốc phòng nhiều bên do Mỹ dẫn dắt, có thể làm Bắc Kinh bất an ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, liệu viễn cảnh này sẽ có tác dụng răn đe Trung Quố hay không, hay càng khiến Trung Quốc hiếu chiến hơn nhằm đối phó với những gì mà Bắc Kinh coi là việc Mỹ đang âm mưu bao vây Trung Quốc, vẫn là một vấn đề chưa rõ ràng.

Từ quan điểm của Hà Nội, cả tác động chiến lược lẫn quân sự của việc dỡ bỏ lệnh cấm của Mỹ đều quan trọng. Mặc dù Việt Nam không thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Biển Đông, việc được tiếp cận nhiều hơn các vũ khí của Mỹ sẽ giúp nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam trước Trung Quốc. Do Việt Nam hiện nay có thêm nhiều lựa chọn trong danh sách mua sắm của mình, bước đi này cũng có khả năng làm cho Việt Nam trở nên ít phụ thuộc hơn vào Nga, và do đó mang lại cho Hà Nội khả năng thương lượng tốt hơn trong các cuộc đàm phán mua vũ khí từ Moskva. Đồng thời, việc loại bỏ các lệnh cấm cũng làm cho Việt Nam dễ dàng hơn khi mua các vũ khí hay thiết bị quân sự từ bên thứ ba sử dụng công nghệ hoặc phụ tùng do Mỹ cấp phép. Các vũ khí hoặc thiết bị như vậy không thể được chuyển giao cho Việt Nam nếu lệnh cấm vẫn còn tồn tại.

Đối với các nước ASEAN, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm sẽ ít có tác động về mặt quân sự. Suy cho cùng, hầu hết các loại vũ khí hay thiết bị quân sự mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ chủ yếu sẽ mang tính chất phòng thủ hơn là tấn công. Thay vào đó, ý nghĩa quan trọng hơn đối với các nước ASEAN có thể đến từ sự tăng cường quan hệ tổng thể Việt Nam-Hoa Kỳ, mà việc dỡ bỏ lệnh cấm là một dấu hiệu cho điều đó. Một mặt, quan hệ sâu sắc hơn giữa Hà Nội và Washington có thể góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Mặt khác, nó có thể có nguy cơ góp phần khiến các nước ASEAN phân cực hơn nữa, đặc biệt là nếu Bắc Kinh phản ứng lại bằng cách tìm cách tăng cường ảnh hưởng chiến lược lên một số nước ASEAN khác.

Kết luận

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam là một cột mốc mới trong quan hệ song phương. Các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này cho thấy mối quan hệ song phương đang tiến triển nhanh chóng và toàn diện. Trong số các kết quả chính của chuyến thăm, quyết định của Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có thể được xem là một trong những kết quả quan trọng nhất, có ý nghĩa đối với không chỉ quan hệ song phương mà còn cả khu vực. Tuy nhiên, các kết quả khác của chuyến thăm cũng không nên bị đánh giá thấp. Rốt cuộc, những kết quả đó, cho dù là về chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội, thì đều góp phần giúp quan hệ tổng thể giữa hai nước trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là xu hướng có thể tạo ra những tác động quan trọng hơn đối với khu vực, hơn cả bản thân quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài trong quá trình hòa giải kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc hơn bốn thập kỷ trước. Quan hệ song phương hiện nay mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và được thúc đẩy bởi các lợi ích chung về kinh tế và chiến lược ngày càng quan trọng. Vị trí của mỗi quốc gia trong chương trình nghị sự kinh tế và chiến lược của bên còn lại cũng đang được không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều không gian cho quan hệ song phương phát triển, và vẫn còn những đỉnh cao mới cho hai bên chinh phục, không chỉ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mà còn trong các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội và văn hóa. Nếu xét tốc độ xích lại gần nhau giữa hai bên, dù quan hệ song phương có được cải thiện nhanh chóng đến đâu trong thời gian gần đây, thì thực tế vẫn là hai nước đã mất 20 năm sau Chiến tranh Việt Nam mới thiết lập được quan hệ ngoại giao, và hơn 20 năm nữa để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Giờ đây, khi hai nước đã bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ song phương sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, họ cần tận dụng những thành tựu đã đạt được để xóa bỏ những trở ngại còn lại và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho lợi ích của chính phủ cũng như người dân hai nước.

Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, và Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM.

Bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore, tại ĐÂY.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]