Chủ nghĩa dân tộc Đông Á: Tác động từ quá khứ

abeparkxi

Nguồn: Ian Buruma, “East Asia’s Sins of the Fathers”, Project Syndicate, 15/12/2013.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một cách để hiểu sự căng thẳng quân sự đang gia tăng ở vài hòn đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông là xem các sự kiện gần đây (năm 2013) như một trường hợp về chính trị quyền lực. Trung Quốc đang trỗi dậy, Nhật Bản thì ở trong tình trạng ảm đạm về kinh tế, còn bán đảo Triều Tiên thì vẫn bị chia rẽ. Lẽ tự nhiên, Trung Quốc sẽ cố gắng tái khẳng định sự thống trị lịch sử của họ trong khu vực. Tương tự, người Nhật đang lo mình có thể trở thành một nước chư hầu của Trung Quốc (còn người Hàn thì đã quá quen với điều đó).

Việc Nhật phải lệ thuộc quyền lực của Mỹ kể từ năm 1945 là hệ quả tất yếu của một cuộc chiến thảm khốc. Hầu hết người Nhật có thể chấp nhận điều đó. Nhưng phải phục tùng Trung Quốc sẽ là điều không thể chấp nhận được.

Và, bởi vì chính trị Đông Á vẫn có tính triều đại rất cao, một lời giải thích về mặt tiểu sử có thể sẽ hữu ích. Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, là cháu trai của Nobusuke Kishi, từng là bộ trưởng công nghiệp của Nhật Bản trong thời chiến. Năm 1945, Kishi bị người Mỹ bắt giữ với lý do là tội phạm chiến tranh, nhưng sau đó, vào đầu Chiến tranh Lạnh, ông đã được phóng thích mà không bị xét xử, và sang năm 1957, ông được bầu làm Thủ tướng khi đại diện cho phe bảo thủ.

Kishi là một người theo chủ nghĩa dân tộc có khuynh hướng phát xít trong thập niên 1930 – 1940. Sau chiến tranh, chính ác cảm sâu sắc với chủ nghĩa cộng sản đã khiến ông trở thành một đồng minh của Mỹ; và bạn thân của Richard Nixon. Nhiệm vụ cả đời của Kishi là sửa đổi hiến pháp Nhật, vốn được người Mỹ viết sau chiến tranh, và đưa Nhật Bản một lần nữa trở thành một cường quốc quân sự đầy kiêu hãnh.

Mơ ước lớn nhất của Abe là hoàn thành điều mà ông mình chưa thể thực hiện: từ bỏ chủ nghĩa hòa bình hiến định và chôn giấu các tội ác chiến tranh của thế hệ Kishi, trong khi vẫn là đồng minh với Mỹ, chống lại Trung Quốc. Là người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, Abe cảm thấy mình buộc phải chống lại sự thống trị của Trung Quốc, chí ít là về mặt luận điệu trong lúc này.

Một trong những đồng minh lớn nhất của Kishi thời Chiến tranh Lạnh – ngoài Nixon – là Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự, chỉ một năm sau khi Kishi từ chức thủ tướng. Park cũng có một hồ sơ thời chiến đáng ngờ. Dùng tên tiếng Nhật là Takagi Masao, Park từng là một sĩ quan trong quân đội Nhật Hoàng. Ông tốt nghiệp từ một học viện quân sự ở Mãn Châu, nơi Kishi từng cai trị một đế chế công nghiệp được xây dựng bởi những nô lệ người Trung Quốc.

Giống như Kishi, Park là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Nhưng, ngay cả nếu không có mối liên hệ ‘nhạy cảm’ trong thời chiến với Nhật, thì chỉ việc ông muốn chống chủ nghĩa cộng sản cũng đã cung cấp đủ động lực để Park duy trì quan hệ nồng ấm với đế quốc vốn đã cai trị Triều Tiên tàn bạo trong suốt 50 năm. Park Geun-hye, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, là con gái của ông.

Park Geun-hye yêu mến cha mình cũng nhiều như Abe kính trọng ông của ông, nhưng mối quan hệ gia đình mang tính triều đại của bà lại cho kết quả trái ngược với Abe. Để được công nhận là một người theo chủ nghĩa dân tộc tại Hàn Quốc ngày nay, bà phải tách mình khỏi một vài mối quan hệ chính trị của cha bà, đặc biệt là mối quan hệ của ông với người Nhật. Mặc dù ông vẫn được ngưỡng mộ vì đã giúp xây dựng lại Hàn Quốc từ đống đổ nát của chiến tranh, nhưng di sản của Park Chung-hee, giống như nhiều thành viên của các tầng lớp bảo thủ cũ, đã bị vấy bẩn bởi sự hợp tác của họ với Nhật trong thời chiến. Vì vậy, con gái của ông phải đối đầu với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ, để tránh bị kỳ thị vì quá khứ thời thuộc địa của cha mình.

Trường hợp của nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, Tập Cận Bình, có lẽ là phức tạp nhất. Cha của ông, Tập Trọng Huân, là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu trong cuộc cách mạng cộng sản. Ông là một nhà lãnh đạo du kích trong chiến tranh chống Nhật, đã giúp đánh bại Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến, từng là một thành viên của Trung ương Đảng, và sau đó là Trưởng ban Tuyên truyền, Phó Thủ tướng, và Chủ tịch tỉnh Quảng Đông.

Với sự nghiệp Cộng sản hoàn hảo như vậy, người ta có thể nghĩ rằng, con trai Tập Trọng Huân không cần phải tách mình ra khỏi cha mình hoặc để theo đuổi một tham vọng đã bị ngăn trở của người cha. Nhưng ngay cả chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình cũng có một lịch sử.

Mục đích chính của Chủ tịch Mao Trạch Đông là củng cố cách mạng trong nước. Thành tích dân tộc chủ nghĩa đã đạt được của ông lớn đến mức ông có thể thoải mái đối xử tương đối nhẹ nhàng với kẻ thù cũ. Tranh chấp lãnh thổ tại các đảo không quan trọng có thể bị bỏ qua. Ông còn thậm chí không bận tâm đòi lại Hồng Kông từ Anh.

Chỉ đến khi Đặng Tiểu Bình mở cửa giao thương với các nước tư bản chủ nghĩa thì tình cảm chống Nhật mới cố tình bị gợi lên. Cả chủ nghĩa Mác lẫn tư tưởng Mao đều không thể biện minh được cho việc Trung Quốc gia nhập thế giới tư bản chủ nghĩa. Điều này để lại một khoảng trống tư tưởng, mà chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ đã sớm lấp đầy. Các lãnh đạo càng mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, họ càng muốn làm dấy lên sự tức giận của người dân đối với những sai trái trong quá khứ, đặc biệt là những gì mà Nhật Bản đã gây ra.

Người chủ yếu đứng đằng sau chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không ai khác chính là Tập Trọng Huân. Vì luôn là một người cộng sản thực dụng, Tập Trọng Huân đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc thanh trừng dưới thời Mao, khi mà những người tương đối ôn hòa thường bị đấu tố là phản cách mạng. Con trai của ông dường như cũng đang đi theo truyền thống thực dụng này, mở cửa giao thương với thế giới. Đó là lý do tại sao ông ta [Tập Cận Bình], cũng như các nhà cải cách của Đặng Tiểu Bình, phải đánh bóng thành tích dân tộc chủ nghĩa của mình bằng cách chống lại Nhật Bản và khẳng định sự thống trị của Trung Quốc ở Đông Á.

Không ai trong số các nhà lãnh đạo này – Tập, Abe, hay Park – thực sự muốn một cuộc chiến. Phần lớn những hành động của họ là hướng vào người dân trong nước. Một lý do giải thích tại sao họ lại có thể theo đổi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” này là sự hiện diện liên tục của Mỹ trong vai trò là cảnh sát khu vực. Lực lượng vũ trang của Mỹ là vùng đệm giữa hai miền Triều Tiên, và giữa Trung Quốc với Nhật Bản.

Sự hiện diện của Mỹ cho phép các đối thủ đang cạnh tranh tại Đông Á hành động một cách vô trách nhiệm. Điều duy nhất có thể thay đổi hành vi của họ là Mỹ rút quân. Trong trường hợp đó, ba nước sẽ phải tự mình đối mặt với nhau.

Nhưng điều đó vẫn bị người Mỹ, Nhật, Hàn, và có lẽ ngay cả người Trung Quốc, coi là quá nhiều rủi ro. Kết quả là, hiện trạng khu vực có khả năng tiếp diễn, nghĩa là việc thu hút ủng hộ của người dân thông qua chủ nghĩa dân tộc xoay quanh các tuyên bố chủ quyền sẽ còn tiếp diễn.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Đại học Bard. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder ở Amsterdam: “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945.”

Copyright: Project Syndicate 2013 – East Asia’s Sins of the Fathers
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]