Nguồn: Alice Ba, “Will the TPP and OBOR challenge ASEAN centrality?”, East Asia Forum, 20/05/2016.
Biên dịch: Chu Tuấn Việt
Trong năm 2016, Đông Nam Á nhận thấy họ đã tham gia vào các sáng kiến khu vực chủ động do các cường quốc lãnh đạo. Trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ dẫn dắt vừa được ký, nhưng đang đợi phê chuẩn, là một trong những nỗ lực như vậy, thì sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc, bao gồm dự án trên bộ “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” nêu bật sự can dự chủ động và tự tin ngày càng tăng của nước này.
Các sáng kiến này không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn tiềm tàng khả năng thách thức vai trò trung tâm của ASEAN.
Hiệp định TPP, với quy mô thị trường gấp đôi dân số của Thị trường chung EU và đóng góp 40% cho kinh tế thế giới, hứa hẹn trở thành một trong những khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Trong khi đó, OBOR sẽ kết nối hơn 60 thị trường đang nổi lên và một lượng dân số lên đến 4 tỷ người, với giá trị tổng sản phẩm quốc nội khoảng 21 ngàn tỷ USD.
Trong các sáng kiến này, Washington và Bejing đặc biệt quan tâm tới các quốc gia Đông Nam Á. Đối với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, Đông Nam Á là điểm kết nối giữa lục địa và biển cả, cũng như giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các quốc gia ASEAN cũng là nhóm đối tượng châu Á lớn và mang tính biểu tượng mà các sáng kiến của hai nước này hướng tới.
Trong trường hợp OBOR, các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung cần nhiều hỗ trợ phát triển hơn so với các đối tác của họ ở Đông Bắc Á. Sự gần gũi về địa lý cũng khiến các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia lục địa sát với biên giới Trung Quốc, gắn kết chặt chẽ với nước này.
Mặc dù mới có 4 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam) tham gia TPP, Hoa Kỳ đã tích cực lôi kéo các quốc gia khác với mong muốn thuyết phục họ cùng tham gia. Chính quyền Obama cũng đã làm việc với từng quốc gia để nâng cao năng lực điều hành và quản lý của các chính phủ này, giúp họ theo đuổi các cam kết thương mại rộng lớn hơn.
Với nỗ lực đưa các quốc gia thành viên vào một khuôn khổ kinh tế và phát triển chung, cả TPP và OBOR thường được định nghĩa là các ví dụ của “chủ nghĩa khu vực”. Nhưng, cả hai cơ chế, như cách chúng được cấu thành hiện nay, đều không thực sự phù hợp với cách hiểu hoặc áp dụng thông thường về chủ nghĩa khu vực.
Mặc dù gắn với APEC, TPP là một hiệp định gồm một nhóm 12 quốc gia khác hẳn nhau nằm ở Nam và Bắc Mỹ, Đông Bắc và Đông Nam Á, và châu Đại dương. Quan điểm chung của Washington là hợp tác khu vực nên bắt nguồn từ một tập hợp lợi ích chung thiết thực thay vì trên cơ sở một định nghĩa về khu vực đã có từ trước. Cách hiểu sát nghĩa nhất về TPP là các quốc gia thành viên riêng biệt liên kết lại theo một chương trình nghị sự chung. Theo đó, TPP mang tính chất nhiều bên hơn là tính chất khu vực.
Ngược lại, OBOR mang tính “khu vực” điển hình hơn với xuất phát điểm là gắn kết trực tiếp hơn với các khu vực và tiểu vùng đã tồn tại từ trước. Tuy nhiên, chủ nghĩa khu vực của Trung Quốc bị giảm nhẹ do tính song phương khá đậm nét vốn điển hình cho cách Trung Quốc theo đuổi sáng kiến OBOR trên thực tế. Với việc nối liền Trung Quốc và các khu vực lân cận với hầu hết vùng khác trong châu Á, vùng Baltic và Địa Trung Hải, Đông Phi và ‘vòng cung các nước châu Âu phát triển’, OBOR mang tính liên khu vực hoặc liên lục địa hơn là tính khu vực. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta xem xét rất nhiều sáng kiến được thiết kế riêng cho từng khu vực và từng quốc gia hiện đang cấu thành nên OBOR.
TPP và OBOR cung cấp một số khuôn khổ hợp tác khác biệt. Mặc dù cả hai đều nhằm tăng cường kết nối giữa các quốc gia tham gia, chúng có các nguyên tắc tổ chức khác nhau. Là một khuôn khổ riêng và đồng nhất, TPP kết nối các nền kinh tế khác nhau theo các quy định chung và các cách tiếp cận lập quy chung. Ngược lại, OBOR là một khuôn khổ đa thành phần kết nối các bộ phận khác nhau,theo từng phần một, thông qua các lợi ích chung trong phát triển quốc gia. Sáng kiến này không theo đuổi tính gắn kết thông qua các quy định kinh tế được tiêu chuẩn hóa và tự do hóa thị trường, mà thông các cơ sở hạ tầng mới, các khu vực thúc đẩy thương mại và đầu tư, và các dự án phát triển có mục đích định trước.
Nhưng TPP và OBOR không chỉ thách thức lẫn nhau trong các nguyên tắc tổ chức, chúng còn tiềm ẩn khả năng tái sắp xếp châu Á theo hướng làm giảm tính trung tâm của ASEAN và các mối quan tâm của Hiệp hội. Trên lý thuyết, TPP mở cửa chào đón sự tham gia mọi đối tác nhưng thực tế lại có tính loại trừ. TPP cũng không đáp ứng lợi ích của ASEAN muốn thu hẹp các khoảng cách phát triển trong nội khối. Với OBOR, tính song phương vốn tiêu biểu cho cách tiếp cận của Trung Quốc đem lại cho nước này ưu thế hệ thống trong việc đặt ra các điều kiện.
Tuy vậy, cả hai sáng kiến này đều gặp phải thách thức trong việc đi vòng qua vai trò trung tâm của ASEAN. Cần phải lưu ý rằng cả TPP và OBOR hiện vẫn chưa tồn tại. TPP phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Hoa Kỳ, nhưng năm nay là năm bầu cử của Hoa Kỳ – là thời điểm nguy hiểm đối với các hiệp định thương mại mới. Việc hiện thực hóa TPP sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống và tổ chức lại Thượng viện Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử tháng Mười một tới.
Trong khi đó, Trung Quốc đối diện các thách thức trong triển khai ở cả trong nước và tại phía các nước đối tác. Sự hình thành của OBOR phụ thuộc vào loại nguồn lực mà Trung Quốc sẵn lòng cung cấp, vào khả năng của nước này trong việc điều phối và kiểm soát các chủ thể trong nội bộ Trung Quốc, và có lẽ quan trọng nhất là việc Trung Quốc sẽ xử lý khéo léo ra sao với không chỉ nhu cầu của các nước sở tại mà cả với sự nhạy cảm của từng địa phương (nơi triển khai các dự án).
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực châu Á (RCEP) hiện đang được đàm phán giữa các nước ASEAN và 6 nước đối tác (Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ) là một dịp để tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong cả hai sáng kiến TPP và OBOR, ASEAN vẫn có ảnh hưởng lớn. Khi tập hợp lại, ASEAN vẫn là một nhân tố quan trọng. Các nước Đông Nam Á ven biển cũng có thể đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN có thể tận dụng đòn bẩy này để khuếch trương các nỗ lực của họ nhằm định hướng sự can dự của Washington và Bắc Kinh, nhờ đó giúp đáp ứng và đẩy mạnh các chương trình hội nhập khu vực riêng của ASEAN cũng như các lợi ích kinh tế và an ninh của Hiệp hội.
Alice D. Ba là Phó Giáo sư tại Đại học Delaware và từ tháng Giêng năm 2016 là nghiên cứu viên khách mời tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu quốc tế (RSIS) thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore, theo chương trình Chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]