Nguồn: Liah Greenfeld, “The Roots of Chinese/Japanese Rivalry”, Project Syndicate, 24/09/2012.
Biên dịch: Lê Quang Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các cuộc biểu tình chống Nhật khuấy động Trung Quốc (năm 2012) là một chỉ dấu khác cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa. Sau một thế kỷ từ từ được nung nấu trong giới trí thức Trung Quốc, tình cảm dân tộc chủ nghĩa đã chiếm lĩnh và định nghĩa lại ý thức của người dân Trung Quốc trong hai thập niên bùng nổ kinh tế vừa qua. Ý thức quốc gia đại chúng này đã đẩy người khổng lồ Trung Quốc vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu để đạt được vị thế quốc tế tương xứng với khả năng to lớn của đất nước này cũng như quan niệm của người Trung Quốc về vị trí xứng đáng của đất nước họ trên trường quốc tế.
Trung Quốc đã trỗi dậy một cách nhanh chóng, rõ ràng và chắc chắn. Thật vậy, thời đại của chúng ta sẽ có thể được nhớ tới là thời đại cho ra đời một trật tự toàn cầu mới do Trung Quốc dẫn dắt.
Ý thức quốc gia mang tính cạnh tranh – tức ý thức rằng phẩm giá cá nhân gắn liền với vị thế của dân tộc – đã đi vào nhận thức của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc trong giai đoạn 1895-1905. Năm 1895, Trung Quốc bị đánh bại bởi Nhật Bản, một kẻ xâm lược bé nhỏ mà người Trung Quốc gọi một cách miệt thị là wa (người lùn). Khi đó, Trung Quốc đã quen với việc các nước phương Tây tham lam tranh giành nhau tài nguyên của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn tự tin vì biết rằng các cường quốc này đến từ những nơi khác. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nhật Bản, một chấm nhỏ trong sân sau của Trung Quốc, đã làm tan vỡ sự tự tin này và là cú sốc không thể chấp nhận nổi.
Chiến thắng của Nhật Bản năm 1905 trước Nga, “Bạch cường vĩ đại”, đã phần nào an ủi những tổn thương đối với sự tự tôn của Trung Quốc. Từ góc nhìn của Trung Quốc, Nga là một cường quốc phương Tây ghê gớm mà chính các cường quốc phương Tây khác cũng e ngại. Do đó, thất bại của Nga được xem là một sự thách thức thành công của Châu Á đối với Phương Tây, trong đó Trung Quốc được đại diện bởi Nhật Bản như cách mà giới trí thức nước này cảm nhận.
Do đó, Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý của Trung Quốc. Những học giả Trung Quốc, những người sẽ cải cách và tham gia quân đội Trung Quốc cũng như các cơ quan dân chính ở những thập niên đầu thế kỷ 20, đã đi du học ở Nhật Bản. Cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 được truyền cảm hứng từ Cuộc Canh tân Minh Trị (Meiji) của Nhật Bản. Do Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20 là quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, nên đất nước Trung Quốc vốn được xây dựng từ hình ảnh đó cũng được hình thành dựa trên các nguyên tắc dân tộc chủ nghĩa.
Vì vậy, Nhật Bản trở thành một mẫu hình quan trọng đối với Trung Quốc, một mẫu hình được sao chép và cũng là phản-mẫu hình gây phẫn nộ. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vay mượn quan niệm “dân tộc” từ Nhật Bản, bao gồm cả từ ngữ thể hiện khái niệm đó (kuomin, hay “quốc dân” xuất phát từ từ kokumin trong tiếng Nhật). Quốc Dân Đảng được lấy cảm hứng rõ ràng từ Nhật Bản và được thúc đẩy bởi các cuộc xâm lược lặp đi lặp lại của Nhật.
Một nghịch lý, nhưng không bất ngờ, là cuộc đấu tranh của Mao Trạch Đông chống lại Quốc Dân Đảng cũng được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa dân tộc chống Nhật. Cũng như các trường hợp ở hầu hết các nơi khác, chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc tái sinh. Tuyên ngôn của Mao về việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rõ ràng thể hiện cương lĩnh dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng sản. Việc gọi quốc gia mới là “cộng sản” giúp đảm bảo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô, thứ được Mao coi là đáng tin cậy hơn so với hỗ trợ của Hoa Kỳ. Nhưng cũng giống như Liên Xô, Trung Quốc cũng rất công khai về bản chất chủ nghĩa dân tộc trong các hoạt động của họ.
Các cấp lãnh đạo trong bộ máy hành chính và đội ngũ trí thức tại Nga và Trung Quốc mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa một cách có ý thức và theo đổi các mục tiêu quốc gia tối cao thông qua chế độ cộng sản: uy tín – hay quyền lực, dù “trần trụi” hay không – nhằm áp đặt ý chí quốc gia lên các đối tượng khác. Nhưng ý thức dân tộc, cụ thể là ở Trung Quốc, chỉ tập trung ở giới tinh hoa hạn hẹp, còn phần lớn quần chúng nhân dân không bị ảnh hưởng.
Điều này đã thay đổi đáng kể với việc chính quyền Trung Quốc phục hồi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Rất giống với nước Đức trong những năm 1840, khi sự theo đuổi doanh nghiệp tư nhân đã chuyển hầu hết tầng lớp trung lưu sang chủ nghĩa dân tộc, nay việc coi quyền lực kinh tế là trụ cột trung tâm trong sự vĩ đại của Trung Quốc đã đánh thức những người dân Trung Quốc bình thường hướng tới chủ nghĩa dân tộc. Hàng trăm triệu người thấy họ hiện đang chia sẻ phẩm giá của quốc gia, và háo hức đóng góp xây dựng điều đó, cũng như bảo vệ phẩm giá quốc gia khỏi sự xúc phạm.
Sự cạnh tranh giành uy thế quốc gia, thậm chí cả khi cuộc đấu đó là về kinh tế, không hoàn toàn chỉ dựa trên tính toán lợi ích. Vì vậy, sẽ không bất ngờ khi các vết thương cũ có thể sẽ được khơi lại. Một số người Trung Quốc, đặc biệt là những người không thành công về mặt kinh tế, nhắc đi nhắc lại đầy cay đắng về quá khứ bóc lột của Nhật Bản. Dù Trung Quốc đã tiếp nhận chủ nghĩa tư bản và đầu tư của Nhật Bản, Nhật Bản vẫn là đối tượng chửi rủa của Trung Quốc. Thật vậy, một giáo sư ở Bắc Kinh đã nói với tôi cách đây không lâu: “Cứ mười người Trung Quốc thì có hai người không thích Mỹ, nhưng có tới chín người ghét Nhật”.
Đối với Phương Tây, cuộc cạnh tranh dân tộc chủ nghĩa này cũng có điều tích cực: cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không phải là những quốc gia nổi loạn, và miễn là các cuộc tranh cãi giữa hai nước không dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể coi sự va chạm giữa hai nước như cuộc tranh cãi nội bộ của Châu Á. Hơn nữa, Nhật Bản có thể bỏ qua để những giận dữ liên quan đến các đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông hạ nhiệt, bất chấp sự bùng phát các cuộc biểu tình chống Nhật tại các thành phố của Trung Quốc.
Nhưng Phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – chưa gặp phải cuộc chơi phẩm giá quốc gia của Trung Quốc. Nếu không để ý và xem thường 5000 năm lịch sử văn hóa của các bậc Thánh Hiền, Phương Tây có thể trở thành đối tượng tiếp theo của sự phẫn nộ dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.
Liah Greenfeld là Giáo sư Xã hội học, Khoa học Chính trị và Nhân học tài Đại học Boston, và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông. Bà là tác giả của các cuốn sách: Mind, Modernity, Madness: The Impact of Culture on Human Experience (Harvard University Press, 2013), Nationalism: Five Roads to Modernity (Harvard University Press, 1992) và The Spirit of Capitalism: Nationalism and Economic Growth (Harvard University Press, 2001).
Copyright: Project Syndicate – The Roots of Chinese/Japanese Rivalry.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]