Nguồn: Roger Cohen, “If the Trans-Pacific Partnership Crumbles, China Wins”, The New York Times, 02/06/2016.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một người Mỹ đã sống ở Tp. Hồ Chí Minh được vài năm một hôm nói với tôi: “Ông biết không, ở đây người ta vẫn nhìn chúng ta theo cách chúng ta muốn. Nước Mỹ đồng nghĩa với cơ hội, dựng nghiệp và thành công. Điều đó không còn xảy ra ở nhiều nơi nữa”.
Bốn thập niên sau chiến tranh, trong một trong những điều khó hiểu nhưng gây an ủi nhất thế giới, Hoa Kỳ được cảm nhận hết sức tích cực tại Việt Nam, điều được phản ánh trong sự nồng nhiệt chào đón Tổng thống Obama trong chuyến thăm ba ngày hồi tháng trước. Ở đất nước 94 triệu người đang phát triển nhanh chóng này, nơi khoảng một phần ba dân chúng sử dụng Facebook, nước Mỹ là một đối trọng với kẻ thù lâu đời của Việt Nam là Trung Quốc, và là biểu tượng của sự thịnh vượng mà giới trẻ tìm kiếm.
Cách tốt nhất để khiến khát vọng của người Việt sứt mẻ, làm nước này ác cảm với Hoa Kỳ, và làm xói mòn vai trò duy trì ổn định của Mỹ ở châu Á, là việc Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bản hiệp định thương mại tiêu biểu của Obama với 11 nước ven vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam nhưng không có Trung Quốc.
Nếu TPP sụp đổ, Trung Quốc sẽ đắc lợi. Đơn giản vậy thôi. Việc hiệp định không được phê chuẩn báo hiệu Bắc Kinh sẽ chi phối các chính sách trong khu vực và nỗ lực để hội nhập toàn diện Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ sẽ thất bại.
Việc Obama quyết định bỏ ra rất nhiều thời gian ở đây là một chỉ dấu cho tầm quan trọng mà ông gắn cho quốc gia thiết yếu này trong cái gọi là chính sách “xoay trục” sang châu Á của mình. Hiệp định này – trong đó các nước thành viên chiếm gần 40 phần trăm nền kinh tế toàn cầu – giúp khẳng định Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và củng cố vai trò cân bằng sức mạnh quan trọng của nước này ở châu Á trước sự nổi lên của Trung Quốc. Khi thăm thành phố Hồ Chí Minh và Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Obama cũng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng thù hằn quá khứ có thể được vượt qua vì sự thịnh vượng chung – một tín hiệu gửi đến Cuba và Myanmar cũng như nhiều nước khác.
Nhưng các biến đổi trong dài hạn đó, vốn sẽ giúp đưa hàng trăm triệu người châu Á thoát khỏi đói nghèo, không phải là điều được ủng hộ trong một cuộc bầu cử ở Mỹ với đặc điểm tiêu biểu là sự giận dữ. Một trong các câu nói cửa miệng là: các thỏa thuận thương mại quốc tế cướp mất việc làm của dân Mỹ. Không ai trong ba ứng cử viên còn lại ủng hộ TPP. Hillary Clinton trước đây đã ủng hộ hiệp định một cách đúng đắn, trước kia quay sang chống lại nó. Bernie Sanders và Donald Trump thì đơn giản là cực lực chống lại hiệp định.
Hiệp định thương mại này – gồm các nước như Peru, Mexico, Australia, New Zealand, Canada và Malaysia – vẫn còn thiếu sót, tất nhiên là như vậy. Có những vấn đề hiệp định không giải quyết, như thao túng tiền tệ chẳng hạn. Các mối quan ngại chính đáng cũng đã nổi lên về tác động của việc thực thi bằng sáng chế đối với giá cả các loại thuốc chữa bệnh.
Chính quyền Obama thừa nhận một số nghành sản xuất và việc làm cần ít kỹ năng sẽ giảm sút, nhưng chính phủ lập luận rằng điều này sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng việc làm ở các ngành công nghiệp có mức lương cao hơn và dựa vào xuất khẩu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trong một báo cáo đưa ra trong năm nay, cho thấy hiệp định sẽ kích thích tình trạng mất việc làm nhưng “không có khả năng ảnh hưởng đến công ăn việc làm nói chung tại Hoa Kỳ,” trong khi lại tạo nên những lợi ích to lớn trong thu nhập thực tế và xuất khẩu hàng năm.
Điều mà hiệp định này sẽ tạo nên, như bà Clinton đã lưu ý khi còn ủng hộ thỏa thuận, là cung cấp “việc làm tốt hơn với mức lương cao hơn và điều kiện làm việc an toàn hơn, cả cho người lao động nữ, nhập cư và những người khác.” Hiệp định buộc các nước như Việt Nam cho phép công nhân lập công đoàn độc lập; đòi hỏi một mức lương tối thiểu và tiêu chuẩn y tế cao hơn; và cấm lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Nó ràng buộc Việt Nam với các nước mà ở đó nền pháp quyền là trọng tài phân xử chứ không phải là các mệnh lệnh chuyên chế.
Vào thời điểm hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, và một vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và làm các mối quan tâm về tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên sâu sắc, hiệp định cũng được thiết kế để giúp chống đánh bắt cá quá mức, khai thác gỗ bất hợp pháp và các tai họa môi trường khác. Hiệp định khiến các nước phải chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp.
Trước những điều này, tất cả những gì Donald Trump nói trong một bài mới đây trên tờ USA Today là TPP là “sự phản bội lớn nhất trong chuỗi dài những sự phản bội” đối với các công nhân Mỹ. Nhưng khi được hỏi trong một cuộc tranh luận của Đảng Cộng hòa về các phần của hiệp định đã không được thương lượng thỏa đáng, ông ta chỉ có thể dẫn ra chuyện thao túng tiền tệ và “cách Trung Quốc và Ấn Độ và hầu hết các nước khác đã lợi dụng Hoa Kỳ”.
Tất nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ không phải là các thành viên của TPP.
Về phần Clinton, hồi năm 2012 bà tin rằng TPP “tạo nên tiêu chuẩn vàng cho các hiệp định thương mại”, trước khi bà quyết định vào tháng 10 năm ngoái rằng: “Tôi không ủng hộ những điều tôi đã nhận ra về hiệp định này.” Đây có thể là một chiến thuật nhượng bộ mà bà có thể sẽ đảo ngược lại nếu bà thắng cử.
Các nền kinh tế phát triển đang đối mặt với những vấn đề lớn vốn sản sinh ra sự bất mãn này. Nhưng thế giới được hưởng sự thịnh vượng ngày càng nhiều hơn trong nhiều thập niên qua là nhờ giảm liên tục các rào cản thương mại. Một sự đảo ngược chính sách đó là con đường dẫn đến xung đột. Giống với các hiệp định thương mại tốt nhất khác, Hiệp định TPP cũng sẽ giúp thúc đẩy một cách chiến lược sự tự do và ổn định ở phần phát triển nhanh nhất thế giới này. Quốc hội phải chống lại các chính sách dân túy và phê chuẩn hiệp định.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]