Hiệp định TPP có lợi cho nước Mỹ không?

Print Friendly, PDF & Email

20150620_LDD001_0

Nguồn: Simon Johnson, “Is the TPP good for America?”, Project Syndicate, 01/02/2016

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại và đầu tư sâu rộng mà nước Mỹ đã thương thảo với 11 nước khác, bao gồm Canada, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, Úc và Việt Nam, hiện đang trở thành chủ đề tranh luận. Để có hiệu lực, Quốc hội Mỹ phải thông qua TPP, điều mà dường như khó xảy ra cho đến khi có đủ số nghị sĩ đưa ra quyết định rõ ràng về những giá trị của hiệp định này. Vậy, TPP có ý nghĩa gì đối với các cử tri Mỹ ngày nay và trong tương lai?

Trước hết, dù TPP sẽ nhiều khả năng tạo ra một số lợi ích nói chung cho nền kinh tế nước Mỹ, tính theo GDP và thu nhập người dân, nhưng cái lợi đó sẽ rất nhỏ và chủ yếu đến từ việc mang lại các cơ hội lớn hơn cho hàng xuất khẩu của Mỹ – thông qua giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan tại các nước khác. Một số mặt hàng nhập khẩu cũng sẽ trở nên rẻ hơn, làm lợi cho người tiêu dùng Mỹ.

Trong phân tích được ưu ái bởi chính quyền tổng thống Barack Obama, các dự báo cho thấy việc thông qua TPP có thể nâng tổng kích cỡ nền kinh tế Mỹ lên thêm 0,5% vào năm 2030 so với nếu không có TPP. Lưu ý rằng ước tính này là tác động của TPP lên mức thu nhập tổng sau 15 năm, chứ không phải tác động lên tỷ lệ tăng trưởng hàng năm.

Do đánh giá này được đưa ra bởi những người ủng hộ TPP, khá là hợp lý khi cho rằng nó đại diện cho viễn cảnh tối ưu của các ước tính mà họ cho là hợp lý. (Tôi là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nơi nghiên cứu được xuất bản, nhưng tôi không tham gia vào quá trình chuẩn bị nghiên cứu này.) Không may là những mô hình được sử dụng trong lĩnh vực trên không tính tới các kịch bản xấu nhất (error bands) hay bao gồm các khoảng tin cậy (confidence intervals). Trên thực tế, do sự phức tạp của thỏa thuận thương mại – bao gồm sự nhấn mạnh về những hàng rào phi thuế quan khó có thể lượng hóa – những ước lượng này có nhiều khả năng là không chính xác.

Thứ hai, những mô hình như vậy bỏ qua những vấn đề chủ chốt tồn tại trong bất kỳ phân tích định lượng nào. Ví dụ, khi nhập khẩu tăng lên, nó sẽ có các tác động tiêu cực đáng kể lên việc làm. Bằng chứng xác thực về vấn đề này đến từ nghiên cứu xuất sắc của Daron Acemoglu, David Autor David Dorn, Gordon Hanson, và Brendan Price, những người đã phát hiện ra “tổng số việc làm bị mất từ sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu Trung Quốc gia tăng thời kỳ 1999 – 2011” nằm trong khoảng 2 – 2,4 triệu việc làm.

Những người mất các công việc lương cao trong lĩnh vực chế tạo có thể tìm được các công việc thay thế khác – nhưng nhìn chung ở mức lương thấp hơn nhiều trong một khu vực năng suất thấp của ngành dịch vụ. Về nguyên tắc, họ có thể được đền bù cho khoản thu nhập trọn đời bị mất này; nhưng sự đền bù đó ở Mỹ là rất nhỏ. Trên thực tế, sẽ có những tác động kéo dài hoặc thậm chí là vĩnh viễn lên một số cộng đồng – và đặc biệt lên những người có trình độ giáo dục thấp hơn tại những nơi mà sự thịnh vượng được dựa trên ngành chế tạo vốn giờ đây phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn từ các mặt hàng nhập khẩu.

Thêm vào đó, mô hình ủng hộ TPP giả sử rằng lương tăng theo năng suất. Điều này đã từng đúng ở Mỹ; nhưng mối quan hệ này đã dần bị suy yếu trong những thập niên gần đây – chính xác là từ khi toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn. Kết quả là, các ước lượng của mô hình về cách các công nhân thiếu kỹ năng sẽ hưởng lợi từ TPP dường như vì thế mà hơi thiếu thuyết phục.

Thứ ba, bất kỳ quyết định chính sách nào chỉ dựa trên các mô hình là đầy nguy hiểm. TPP sẽ thay đổi nhiều khía cạnh khác của chính sách công, bao gồm các bảo hộ được dành cho các nhà đầu tư nước ngoài (khiến cho việc họ kiện các chính phủ dễ dàng hơn) và khả năng tiếp cận các loại thuốc giá thành hợp lý hơn (đối với các nước thu nhập thấp nhưng cũng có tiềm năng là dành cho cả người Mỹ).

Và đáng ngạc nhiên là TPP hiện không làm gì để ngăn chặn việc thao túng tiền tệ – can thiệp một chiều kéo dài vào thị trường ngoại hối nhằm phá giá đồng tiền và tạo lợi thế cạnh tranh. Trong những năm 1980, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Mỹ chiếm khoảng 10% GDP; giờ con số này là khoảng 17%, và TPP được cho là sẽ đẩy con số này lên cao hơn nữa (theo như các mô hình chỉ ra). Nhưng khi mà nước Mỹ giao thương nhiều hơn với thế giới, nó trở nên dễ tổn thương hơn với tình trạng mất việc làm gây ra bởi sự thao túng tiền tệ.

Dựa trên bằng chứng có sẵn, dường như sẽ là công bằng khi đưa ra các kết luận sau về TPP: hiệp định này sẽ tạo ra mức tăng rất nhỏ trong tổng GDP; nó sẽ làm tăng ít nhất một số khía cạnh của sự bất bình đẳng; và nó sẽ làm tăng số việc làm có nguy cơ bị mất, đồng thời không cung cấp một phao bảo hộ tương ứng chống lại sự thao túng tiền tệ.

Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) hiện đang thực hiện một đánh giá chuyên sâu về TPP. Báo cáo sẽ được hoàn thành trong một vài tháng tới. Có người hy vọng rằng ITC sẽ đem đến một phân tích toàn diện và chi tiết hơn – bao gồm các tác động tiêu cực tiềm năng lên nhiều khu vực kinh tế – hơn là phân tích hiện có.

Một đánh giá khách quan sẽ cho thấy TPP không phải là “cú ghi điểm” nên được thông qua một cách tự động. Cần suy xét và thảo luận kỹ càng hơn về các chi tiết của thỏa thuận này. Tin tốt là quá trình đánh giá cẩn trọng này hiện đang được tiến hành.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Is the TPP good for America?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]