Thuyết ổn định nhờ bá quyền (Hegemonic stability theory)

hegemony

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Thuyết ổn định nhờ bá quyền là một học thuyết trong quan hệ quốc tế, kết hợp giữa những tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa tự do. Thuyết này cho rằng hệ thống quốc tế sẽ có xu hướng ổn định hơn khi có một quốc gia bá quyền áp đảo toàn bộ hệ thống. Khi thực hiện vai trò lãnh đạo hệ thống, quốc gia bá quyền này có thể thông qua các biện pháp như ngoại giao, ép buộc hay thuyết phục, dụ dỗ… nhằm đưa ra và đảm bảo thực thi các nguyên tắc và các dàn xếp trong các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa những quốc gia quan trọng nhất trong hệ thống.

Thuyết ổn định nhờ bá quyền nhấn mạnh vai trò của quốc gia bá quyền. Để được coi là một quốc gia bá quyền và có thể đảm nhiệm được vai trò ổn định hệ thống, quốc gia đó trước tiên phải có năng lực của một quốc gia bá quyền, bao gồm một nền kinh tế lớn và phát triển vững mạnh, có sức mạnh khoa học kỹ thuật vượt trội, quyền lực chính trị quốc tế được thừa nhận và được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự áp đảo. Ngoài năng lực, quốc gia đó còn cần phải có ý chí đưa ra và đảm bảo thực hiện các quy tắc vận hành của hệ thống và duy trì cam kết đối với một hệ thống mà quốc gia đó coi là có lợi cho mình cũng như các quốc gia chủ chốt khác trong hệ thống.

Thuyết ổn định nhờ bá quyền bắt đầu được phát triển vào những năm 1970 và 1980 bởi các học giả người Mỹ theo trường phái hiện thực vốn cho rằng sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia trong hệ thống là một nhân tố trung tâm trong việc giải thích độ mở cũng như tính ổn định của nền kinh tế – chính trị thế giới. Trong đó tiêu biểu phải kể đến học giả Charles P. Kindleberger. Trong cuốn sách xuất bản năm 1973 có tiêu đề Thế giới trong cơn Đại Suy thoái: 1929-1933 (The World in Depression: 1929-1939), Kindleberger đã cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930 xuất phát từ thực tế là trong thời kỳ này không tồn tại một quốc gia lãnh đạo thế giới với một nền kinh tế áp đảo, một quốc gia có thể đề ra và áp đặt các luật chơi, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, lên các quốc gia khác, qua đó giúp ngăn cản nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn, suy thoái, vốn là một nguyên nhân góp phần dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Các học giả cho rằng quốc gia bá quyền với sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật vượt trội sẽ mong muốn thiết lập một hệ thống thương mại mở, vốn có lợi cho quốc gia đó trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của mình. Tuy nhiên để có thể tạo lập một hệ thống thương mại mở như vậy cần phải có các hàng hóa công (public goods), như hệ thống luật pháp quốc tế về thương mại, các tiêu chuẩn đo lường chung, các chính sách kinh tế vĩ mô nhất quán, hệ thống tỉ giá hối đoái ổn định, hay các thể chế quốc tế giúp điều phối các chính sách đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế… Trong bối cảnh đó, quốc gia bá quyền có thể chấp nhận chi phí để cung cấp các hàng hóa công này, với mong muốn về lâu dài có thể hưởng lợi từ một hệ thống kinh tế quốc tế mở và ổn định. Các quốc gia nhỏ hơn vì vậy được hưởng lợi mà không cần bỏ ra chi phí (freeride) từ các hàng hóa công này. Chính sách của quốc gia bá quyền vì vậy giúp ổn định hệ thống quốc tế và tạo ra sự thịnh vượng kinh tế cho các quốc gia khác. Một ví dụ điển hình chính là việc Mỹ tự nguyện thiết lập và duy trì cơ chế tỉ giá hối đoái cố định dựa trên bản vị vàng thông qua hệ thống Bretton Woods kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trong lịch sử, các học giả cho rằng có ba trường hợp mà hệ thống thế giới có được sự ổn định nhờ quốc gia bá quyền, đó là trường hợp Hà Lan vào thế kỷ 17, Đế quốc Anh vào cuối thế kỷ 19 và Mỹ từ sau năm 1945. Tuy nhiên nhiều học giả cho rằng một học thuyết chỉ được thực chứng bởi ba trường hợp nghiên cứu điển hình là không đáng tin cậy. Hơn nữa trường hợp của Mỹ cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một mặt, trong thời kỳ Đại Suy thoái (1929-1933), Mỹ có khả năng để giúp ổn định hệ thống nhưng nước này đã không làm như vậy, mặc dù điều đó phù hợp với lợi ích của Mỹ cũng như toàn thế giới. Thứ hai, việc coi Mỹ là một quốc gia bá quyền cũng đặt ra nhiều tranh cãi. Thực tế, sức mạnh vượt trội của Mỹ chỉ tồn tại trong một vài thập kỷ ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Kể từ những năm 1960 và 1970, sức mạnh của Mỹ đã suy yếu một cách tương đối, thể hiện qua việc Mỹ chấp nhận để hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào đầu những năm 1970. Chính vì vậy, nhiều nhà phê bình nêu lên câu hỏi rằng liệu trường hợp của Mỹ có đủ sức thuyết phục trong việc minh họa cho thuyết ổn định nhờ bá quyền hay không khi vị thế được coi là bá quyền của Mỹ kéo dài chưa đầy 3 thập kỷ?

Ngoài ra, các nhà phê bình, đặc biệt là những người theo trường phái tự do, cũng cho rằng việc thuyết ổn định nhờ bá quyền cho rằng có mối liên hệ giữa sự phân bổ quyền lực trong hệ thống (tồn tại quốc gia bá quyền) và kết quả của nền kinh tế quốc tế (tính ổn định) là quá phiến diện và đơn giản hóa vấn đề. Thực tế, mặc dù quốc gia bá quyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các thể chế và cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tự do thương mại, các yếu tố này vẫn có thể được tạo ra và duy trì mà không cần sự hiện diện của quốc gia bá quyền. Các nhà tự do cho rằng do tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ một nền kinh tế thế giới mở, họ có lợi ích tự thân trong việc hợp tác nhằm duy trì các thể chế quốc tế phù hợp với lợi ích chung. Chính vì vậy các nhà tự do cho rằng bên cạnh quốc gia bá quyền, các quốc gia khác cũng có vai trò quan trọng không kém. Theo đó, chính sự cân nhắc của mọi quốc gia về lợi phần tuyệt đối và lợi phần tương đối là một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, duy trì một nền kinh tế thế giới mở và qua đó duy trì sự ổn định của hệ thống quốc tế.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]