Tác giả: Việt Long
Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông đã kết thúc bằng phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước liên hợp quốc về Luật biển. Có thể coi đây là vụ kiện thế kỷ vì nhiều lý do. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, nước Trung Hoa – “trung tâm thế giới” bị một nước nhỏ đơn phương kiện về tranh chấp biển. Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp phức tạp, có nhiều bên tham gia, nhiều nước quan tâm nhất. Lần đầu tiên Tòa phải trả lời và giải thích cụ thể điều 121.3 của UNCLOS và qua đó góp phần phát triển luật biển quốc tế. Nội dung phán quyết không chỉ tác động đến các bên liên quan chính của vụ kiện mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước trong và ngoài khu vực, đến tiến trình thực thi và phát triển của luật biển, luật quốc tế.
Sau 17 năm đàm phán song phương bất thành, 3 năm tiến hành các thủ tục khởi kiện và xét xử, phán quyết đưa ra được coi là có lợi cho Philippines. Trung Quốc thi hành chính sách ba không: không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia, không chấp nhận thi hành phán quyết. Càng gần ngày phán quyết, Trung Quốc càng hoạt động mạnh mẽ, tung ra cả một chiến dịch tuyên truyền xem mình như nạn nhân của một âm mưu pháp lý-chính trị, tác động dư luận quốc tế mạnh mẽ, điều mà một số nhỏ các quốc gia trong hoàn cảnh tương tự (không tham gia Tòa) chưa từng làm. Đây cũng có thể là lý do Tòa PCA đã phải kéo dài thời gian công bố phán quyết theo dự định để có được một phán quyết khách quan nhất, giảm thiểu các chỉ trích của các bên. Phán quyết đã đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến chính trị, an ninh, kinh tế của các nước trong khu vực Biển Đông, đến đoàn kết nội bộ ASEAN, cạnh tranh Mỹ-Trung và chính sách đối ngoại của các nước có quyền lợi ở Biển Đông. Phán quyết cũng là phép thử về độ tin cậy của luật quốc tế, sự tôn trọng và thiện chí của các bên trong thi hành. Các tác động không dự tính trước được của phán quyết sẽ còn tác động đến nhiều thế hệ.
Philippin đã đệ trình 15 câu hỏi trước Tòa trên cơ sở giải thích và áp dụng Công ước Luật biển. Philiippin đã mời đội ngũ luật sư quốc tế danh tiếng, chuẩn bị hồ sơ 4000 trang trình Tòa trong phiên điều trần 1 và bổ sung 3000 trang trong phiên điều trần thứ 2. Nội dung các câu hỏi trên quy lại thành 3 vấn đề chính: 1) giá trị pháp lý của đường yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc trong Biển Đông; 2) quy chế pháp lý của một số thực thể đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong quần đảo Trường Sa; 3) các hành vi của Trung Quốc mà Philippin cho là không phù hợp với Công ước, làm tổn hại các quyền Công ước quy định cho Philippin và môi trường biển.
Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện với các lý do: 1) bản chất thực sự của tranh chấp Trung Quốc – Philippin là vấn đề chủ quyền mà Tòa không có thẩm quyền; các đệ trình của Philippin như xác định quy chế các thực thể liên quan đến vấn đề phân định biển và đã bị loại bỏ bởi bảo lưu của Trung Quốc năm 2006 đối với điều 298 của Công ước; Philippin đã không tuân thủ các cam kết giữa hai nước, Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, Hiệp ước Đa dạng sinh học… tiến hành giải quyết bằng đàm phán song phương thay vì sự can thiệp của bên thứ ba. Tài liệu lập trường của Trung Quốc đã được Tòa xem xét kỹ lưỡng. Bằng phán quyết về thủ tục và thẩm quyền ngày 29/10/2015 Tòa đã bác các lập luận của Trung Quốc, thừa nhận Tòa có thẩm quyền xem xét 7/15 điểm Philippin đề nghị. Các điểm khác, Tòa sẽ quyết định thẩm quyền của mình khi xem xét các vấn đề nội dung.
Phán quyết nội dung ngày 12/7/2016 dày 501 trang khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét toàn bộ 15 điểm Philppin đưa ra và lần lượt cho câu trả lời từng vấn đề.
Về thầm quyền
Ngoài các lập luận đã công bố trong phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015, Tòa tiếp tục xem xét các ngoại lệ mà bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc về điều 298 của Công ước có thể ngăn cản thẩm quyền. Tòa cho rằng ngoại lệ ở Điều 298 chỉ có thể áp dụng nếu Đệ trình của Phi-líp-pin liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, do Đệ trình của Phi-líp-pin liên quan đến các sự kiện diễn ra trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin hoặc ở vùng lãnh hải, nên Điều 298 không cản trở thẩm quyền của Toà. Ngoại lệ thứ hai là các hoạt động quân sự không thuộc thẩm quyền của Tòa. Xuất phát từ các tuyên bố ở cấp cao nhất của Trung Quốc rằng các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở bảy cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa chỉ mang tính dân sự và Trung Quốc sẽ không quân sự hóa sự hiện diện của mình trên Trường Sa, Tòa đã quyết định không coi các hoạt động trên có tính quân sự khi mà bản thân Trung Quốc đã liên tục khẳng định điều ngược lại. Lập luận này cho phép Tòa loại bỏ ngoại lệ của Điều 298 cản trở thẩm quyền xem xét các hoạt động quân sự. Kết luận này của Tòa có ý nghĩa khẳng định giá trị của các hành vi đơn phương từ các quốc gia, nhất là từ các lãnh đạo cấp cao, sẽ tạo ra nguồn bổ trợ cho luật quốc tế và mang tính rang buộc. Trên cơ sở các phân tích ở cả 2 phán quyết, Tòa tuyên bố mình có đủ thẩm quyền xem xét các nội dung chính của Đệ trình của Philippin.
Về đường chín đoạn
Do Trung Quốc không giải thích và yêu sách mơ hồ không rõ ràng, Tòa đã sử dụng phương pháp loại trừ để xác định phần chung nhất giữa yêu cầu của Philippin và đòi hỏi của Trung Quốc mà Tòa có thẩm quyền. Tòa khẳng định không xem xét vấn đề chủ quyền các thực thể trong phạm vi đường chín đoạn. Tòa đã xem xét kỹ khái niệm danh nghĩa lịch sử, một khái niệm có thể mang lại chủ quyền cho quốc gia đòi hỏi và quốc gia này có nghĩa vụ chứng minh. Khái niệm này được Công ước 1982 đề cập trong điều 15 liên quan đến phân định lãnh hải. Xem xét danh nghĩa lịch sử bị hạn chế bởi bảo lưu 2006 của Trung Quốc. Song Trung Quốc đã không bao giờ chứng minh bản chất pháp lý và phạm vi của danh nghĩa lịch sử mà mình đòi hỏi. Các yêu sách của Trung Quốc ngoài việc tuyên bố có chủ quyền trên các đảo và các vùng nước kế cận, còn là yêu sách “các quyền chính đáng ở Biển Đông, được tạo thành trong quá trình lịch sử lâu dài”.
Sự mơ hồ, không rõ ràng trong các tuyên bố của Trung Quốc không chứng minh được họ có danh nghĩa lịch sử. Tòa phân tích rõ cái mà Trung Quốc, thông qua các hành vi và tuyên bố khác nhau của mình, đòi hỏi là quyền lịch sử đối vói các nguồn tài nguyên trong phạm vi đường chín đoạn. Quyền này không gắn với các khái niệm danh nghĩa lịch sử hay Vịnh lịch sử. Các quyền đánh cá lịch sử truyền thống đã được các nước trong đó có Trung Quốc thảo luận trong quá trình Hội nghị lần thứ III về luật biển và đã không được chấp nhận đưa vào Công ước.
Yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong phạm vi đường chin đoạn không phù hợp với Công ước với nghĩa là nó đã vượt quá phạm vi các vùng biển mà Công ước quy định. Các quyền lịch sử này nếu có đã không phù hợp với các định chế vùng biển mới của Công ước khi có hiệu lực và vì thế không tồn tại. Mặt khác trước khi Công ước có hiệu lực và vùng đặc quyền kinh tế trở thành một định chế mang tính tập quán quốc tế thì các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý là vùng biển cả. Mọi hoạt động đánh bắt của ngư dân Trung Quốc, ngư dân các nước khác là thực hiện quyền tự do đánh bắt chứ không mang tính lịch sử. Hoạt động hàng hải và đánh cá lịch sử bên ngoài lãnh hải vì vậy không thể tạo nên cơ sở cho việc hình thành quyền lịch sử.
Tòa xác định rằng “mặc dù các nhà hàng hải Trung Quốc và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy từ các quốc gia khác, đã từng trong lịch sử sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam Trung Hoa, hiện không hề có chứng cứ gì rằng Trung Quốc đã thực thi về mặt lịch sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên”. Vì vậy, với các câu hỏi số 1 và 2 của Philippin liên quan đến giá trị pháp lý đường chin đoạn, Tòa tuyên “không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định nước này (Trung Quốc) có quyền lịch sử đối với các tài nguyên, theo các quyền được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ở các khu vực biển trong phạm vi đường chín đoạn”. Bằng tuyên bố này, Tòa đã bác bỏ 2 trong số 3 khía cạnh mà các học giả Trung Quốc thường biện hộ cho đường chín đoạn; yêu sách quyền lịch sử đánh cá truyền thống và yêu sách vùng biển. Chỉ còn lại khía cạnh yêu sách chủ quyền các thực thể trong phạm vi đường chín đoạn, điều mà Tòa không có thẩm quyền xét xử.
Về quy chế pháp lý của các thực thể trong quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough
Philippin chỉ nêu cụ thể 7 thực thể. Tòa đồng ý với Philippin rằng Gạc Ma (Johnson South Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Chữ Thập (Fiery Cross) và Scarborough là các thực thể nổi; Xu Bi, Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là các thực thể nửa nổi nửa chìm trong điều kiện tự nhiên nhưng không đồng ý với Philippin về trường hợp của Ga Ven và Ken Nan và kết luận rằng cả hai đều là thực thể nổi. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121.3 và kết luận rằng các quyền được hưởng vùng biển của một thực thể phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của thực thể; (b) trong điều kiện tự nhiên, thực thể đó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác. Việc các nhân viên công vụ sống và làm việc trên một số thực thể này, hay việc xây dựng, cải tạo mới không làm thay đổi quy chế pháp lý ban đầu của thực thể.
Từ lập luận đó, và áp dụng nguyên tắc tương tự Tòa tuyên bố không có thực thể nào tại Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế và hay vùng thềm lục địa. riêng, kể cả trường hợp đảo lớn nhất Ba Bình. Đây là các quyết định quan trọng không chỉ cho Biển Đông mà còn cho biển Hoa Đông, tranh chấp Điếu ngư đảo, đảo Tokto, quần đảo Riukyu và các vụ tranh chấp đảo đá khác khi áp dụng điều 121.3 của Công ước. Nó khẳng định vai trò của Tòa trong giảm thiểu các tranh chấp, tìm kiếm các giải pháp cho hòa bình, ổn định quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể bác bỏ khi cho rằng Tòa vượt thẩm quyền, giải quyết ra ngoài các yêu cầu của Philippin.
Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất. Nó ngăn chặn mọi toan tính trong tương lai việc thiết lập các đường cơ thẳng cho quần đảo Trường Sa như một thực thể thống nhất như Trung Quốc đã làm với Hoàng Sa năm 1996.
Về các hành vi của Trung Quốc
Sau khi đã xác định các thực thể ở Trường Sa chỉ có 12 hải lý, Tòa dễ dàng kết luận không có sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Philippin và Trung Quốc ở Trường Sa. Vì vậy không cần đến phân định biển cũng có thể nhận thấy các hành vi của ngư dân và lực lượng chấp pháp của Trung Quôc nằm ngoài phạm vi 12 hải lý từ các thực thể được nêu là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippin, “bởi chúng không hề chồng lấn lên bất kỳ khu vực nào có thể thuộc về Trung Quốc”. Hành động cắt mũi, truy đuổi tàu Philippin của lực lượng chấp pháp Trung Quốc trong các vùng biển này là vi phạm các Quy tắc ngăn ngừa va chạm trên biển 1972 và các công ước quốc tế về an toàn hàng hải. Ngư dân Philippin có quyền đánh cá truyền thống ở Scarborough và Tòa cũng có thể nói như vậy về ngư dân Trung Quốc nhưng Trung Quốc đã can thiệp để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận vùng biển. Tòa đã yêu cầu chuyên gia phản biện độc lập nghiên cứu và đưa ra kết luận các hoạt động xây đảo nhân tạo, cải tạo bãi gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường biển. Đặc biệt, Tòa cũng chỉ ra rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa tuyệt chủng như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cần thiết theo Công ước để ngăn chặn. Các hành động này của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm xung đột ở Biển Đông.
Phản ứng các bên
Phán quyết đã được đón nhận và hoan nghênh rộng rãi trên toàn thế giới. Phán quyết thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, đưa ra các chỉ dẫn quan trọng về giải thích và áp dụng Công ước luật biển 1982, đồng thời yêu cầu các quốc gia liên quan phải làm rõ nội dung và phạm vi tranh chấp phù hợp với luật pháp. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, nhiều quốc thành viên ASEAN,… đều nhanh chóng ra tuyên bố khẳng định ủng hộ phán quyết, coi đây là phán quyết chung cuộc, mang tính ràng buộc pháp lý và các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phán quyết trả lại quyền tự do hàng hải, hàng không cho cả cộng đồng quốc tế trên hầu hết khu vực Biển Đông. Đối với các vùng nước lãnh hải 12 hải lý của các thực thể đảo, tàu thuyền được thực hiện quyền qua lại không gây hại. Tàu bè của Mỹ hay các nước khác có thể đi sát Vành Khăn, vào trong phạm vi 12 hải lý nơi Trung Quốc xây dựng đường băng và căn cứ lớn trên đảo nhân tạo. Phán quyết gián tiếp bác bỏ mọi mưu tính thiết lập một vùng nhận diện phòng không của bất kỳ nước nào trên Biển Đông.
Phán quyết tạo cơ sở để ASEAN dưới sự lãnh đạo của nước Chủ tịch Lào sớm có được lập trường chung tại Hội nghị thượng đỉnh 21/7 tới. Singapore, điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, nước quan ngại nhất về tự do hàng hải ở Biển Đông và Indonesia, nước được giải thoát khỏi những khó chịu gần đây khi vùng biển Natura nằm trong phạm vi đường chín đoạn, sẽ đóng vai trò tích cực chủ động. Malaysia, an tâm về Bãi Tăng Mẫu, sẽ tiếp tục chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong khi ủng hộ phán quyết của Tòa. BNG Malaysia ra tuyên bố cho rằng “Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để phát triển các cuộc đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách lành mạnh, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình, an toàn và an ninh của khu vực.”.
Một số nước không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông cũng nhận thấy phán quyết của Tòa tạo cơ sở cho các bên tiếp tuc đàm phán giải quyết tranh chấp. Philiippin nước khởi kiện đã chủ động đề nghị nối lại đàm phán với Trung Quốc, kể cả trên vấn đề “gác tranh chấp cùng khai thác”. Trên phương diện này, Philippin đã đi một con đường vòng 13 năm, kể từ thỏa thuận ba bên Philippin-Trung Quốc -Việt Nam hợp tác phát triển chung năm 2003. Tuy nhiên đề nghị lần này dựa trên một cơ sở pháp lý rõ ràng là các thực thể trong Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Một tuyên bố kêu gọi các bên liên quan tôn trọng phán quyết của Tòa, ủng hộ duy trì trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế sẽ cải thiện hình ảnh một ASEAN bị chia rẽ trong thời gian qua. Trung Quốc giữ được thể diện khi cùng ASEAN tiếp tục đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Song một kịch bản xấu, ASEAN không ra được tuyên bố chung vẫn có thể xảy ra khi vẫn có ý kiến trái ngược, phá vỡ cơ chế đồng thuận của khối. Sự đoàn kết ASEAN còn có thể bị ảnh hưởng bởi lập trường của Philippin, nước là Chủ tịch năm tới. Nếu Philippin làm sống lại tranh chấp bang Sabah với Malaysia, Én Ca mà Malaysia đang quản lý có thể nằm trên thềm lục địa yêu sách của Philippin?
Phán quyết của Tòa cũng tác động mạnh đến tiến trình đàm phán trong tương lai nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Đài Loan, tác giả của đường chín đoạn, dù không giữ được yêu sách 200 hải lý cho Ba Bình, có thể hài lòng vì phán quyết không động đến chủ quyền. Căn cứ vào vị thế và sức mạnh trong khu vực, Đài Loan có thể tuyên bố từ bỏ yêu sách đường chín đoạn để đổi lấy status quo. Nếu điều này xảy ra, tình hình Biển Đông sẽ còn thay đổi.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước phán quyết của Tòa. Phán quyết này đã chặn đứng đà đi lên của Trung Quốc như một siêu cường mới thách thức địa vị của Mỹ cũng như các tham vọng “một hành lang một con đường” và “lợi ích cốt lõi”. Nó đặt Bắc Kinh trước hai lựa chọn: tiếp tục bác bỏ, làm sứt mẻ vị thế và niềm tin từ các nước khác hay điều chỉnh chính sách. Chỉ sau 4g tuyên án, mạng website của Tòa PCA đã bị hacker Trung Quốc đánh sập. Cùng ngày Tòa ra phán quyết, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và những lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa trong mọi tình huống. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng phán quyết là vô giá trị và không ràng buộc. Không nghi ngờ gì, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ thực hiện một chiến dịch tuyên truyền khổng lồ nhằm bác bỏ phán quyết, duy trì các yêu sách của mình ở Biển Đông.
Trong lịch sử tố tụng quốc tế đã có 5 trường hợp các quốc gia không xuất hiện trước Tòa, không chấp nhận thẩm quyền của Tòa như vụ thử vũ khí hạt nhân Niu Dilân và Australia kiện Pháp năm 1974, Nicaragua kiện Mỹ năm 1985, hay vụ Hà Lan kiện Nga năm 2013 vì Moscow bắt giữ một tàu của Greenpeace…Nhưng cùng với thời gian và sức ép của cộng đồng quốc tế, các nước này đều hợp tác giải quyết tranh chấp theo phán quyết của Tòa. Cộng đồng quốc tế hy vọng Trung Quốc, nước tham gia tích cực Hội nghị luật biển lần thứ III của Liên hợp quốc, một cường quốc luôn tuyên bố trỗi dậy hòa bình, cũng sẽ không phải là ngoại lệ.
Trong tuyên bố của người phát ngôn BNG Trung Quốc bao gồm cả khả năng mở cửa đàm phán với Philippin sau phán quyết. Cộng đồng quốc tế cũng cần giúp đỡ Trung Quốc âm thầm điều chỉnh chính sách và hành động thực tế phù hợp với luật quốc tế. Do Tòa chỉ bác đường chín đoạn ở khía cạnh yêu sách vùng biển mà không bình luận về yêu sách chủ quyền, Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền theo đường chín đoạn, thậm chí duy trì yêu sách 200 hải lý đặc quyền kinh tế từ các thực thể này. Họ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo. Bắc Kinh có thể tính đến việc chiếm đóng thêm một số bãi đá không người.
Một kịch bản được nhiều chuyên gia dự đoán là Trung Quốc sẽ triển khai xây đảo nhân tạo ở Scarborough. Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không được vượt làn ranh đỏ. Song Scarborough không phải là lãnh thổ nằm trong cái ô bảo vệ của Hiệp ước phòng thủ Mỹ- Phi. Một khả năng không cao nhưng vẫn có thể xảy ra khi Bắc Kinh sử dụng vũ lực chiếm một số vị trí thuộc quyền kiểm soát của các bên khác. Bắc kinh có thể cho rằng Tòa đã không đúng khi xem xét quy chế pháp lý từng thực thể mà không xem quần đảo Trường Sa là một thực thể. Thay vì thiết lập một vùng nhận diện phòng không kém hiệu quả và khó kiểm soát, Bắc Kinh có thể tuyên bố đường cơ sở quần đảo Trường Sa như đã làm với quần đảo Hoàng Sa năm 1996. Từ đường cơ sở này Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các vùng biển tranh chấp, thay cho đường chín đoạn. Trung Quốc không thể dễ dàng từ bỏ mưu tính kiểm soát Biển Đông, làm đối trọng với Mỹ trong cạnh tranh chiến lược. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền còn diễn ra khốc liệt. Đụng độ là có thể nhưng các bên đủ tỉnh táo, kiềm chế để không xảy ra chiến tranh. Ngay sau phán quyết, một cuộc chạy đua vũ trang, củng cố sức mạnh đã được các nước âm thầm phát động. Indonesia đã tăng cường an ninh xung quanh các đảo Natura. Phản ứng của Trung Quốc cùng sự thiếu vắng cơ chế cưỡng chế thực thi phán quyết của Tòa cho thấy dù quan trọng, giải pháp pháp lý không là giải pháp toàn diện giải quyết xung đột ở Biển Đông. Trước mắt tình hình sẽ căng thẳng.
Phán quyết tác động đến Việt Nam
Là quốc gia ven biển có chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam thi hành chính sách nhất quán bác bỏ đường chín đoạn phi lý và ủng hộ Tòa Trọng tài có thẩm quyền. Ngày 7/12/2014, BNG Việt Nam đã gửi Tuyên bố lưu ý Tòa lập trường của Việt Nam ‘nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích có bản chất pháp lý của mình trong BĐ… mà có thể ảnh hưởng trong tiến trình trọng tài”. Việt Nam cũng thể hiện mạnh mẽ ủng hộ “các nước thành viên CULB tìm kiếm giải quyết các tranh chấp của họ liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước…thông qua các thủ tục quy định trong Phần XV của Công ước”. Tuyên bố nêu rõ “Việt Nam không nghi ngờ Tòa có thẩm quyền trong tiến trình vụ kiện” và mong muốn quyết định của Tòa có thể “làm sáng tỏ lập trường pháp lý của các bên trong vụ kiện này và của các bên thứ ba có quan tâm”. Khi thực hiện hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa cùng Malaysia năm 2009, Việt Nam đã xuất phát từ tiền đề tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa chỉ có vùng biển không quá 12 hải lý. Quan điểm của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nội dung của phán quyết ngày 12/7/2016.
Ngày 12/7/2016, Việt Nam đã nhanh chóng tuyên bố ủng hộ việc ra phán quyết. Người phát ngôn BNG Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ phán quyết để có những chính sách và phản ứng phù hợp
Phán quyết của Tòa tạo điều kiện pháp lý bảo vệ toàn vẹn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đất liền tách khỏi vùng nước tranh chấp. Hợp đồng công ty Trung Quốc Hai Zi Yang ký với công ty Mỹ Crestone năm 1992 trên bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam sẽ không còn giá trị. Cũng như vậy là 9 lô dầu khí mà CNOOC (Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc) gọi thầu năm 2012 trên thềm lục địa Việt Nam. Đây là ví dụ đã được Tòa đề cập trong phán quyết tr.89.
Việt Nam và Malaysia có thể yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc xem xét sớm hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa hai nước đã đệ trình năm 2009. Philippin sẽ rút lại yêu cầu Ủy ban chưa xem xét hồ sơ của Việt Nam và Malaysia và nước này có thể gia nhập hồ sơ chung.
Các hoạt động cắt cáp, truy đuổi ngư dân Việt Nam thực hiện quyền đánh bắt chính đáng tại các vùng biển của mình phải được chấm dứt. Quyền tiếp cận tài nguyên của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa phải được đảm bảo.
Việt Nam cùng các nước có cơ sở đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trong Biển Đông ban hành từ 1998.
Việt Nam cũng như các nước liên quan có cơ sở làm rõ đòi hỏi vùng biển quần đảo Trường Sa trên cơ sở yêu sách chủ quyền các thực thể.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, sử dụng giải pháp pháp lý để xác định quy chế pháp lý của các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa năm 1996, giảm bớt các tranh chấp biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở duy trì đòi hỏi chủ quyền. Việt Nam cũng có cơ sở để đấu tranh với các vi phạm môi trường biển.
Phán quyết của Tòa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện Nghị quyết khoá IX, kỳ họp thứ 5, ngày 23 tháng 6 năm 1994 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Nghị quyết cho phép nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam.
Giải pháp cho Biển Đông là tổng thể chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, an ninh quốc phòng. Công cụ pháp lý là quan trọng, thu hẹp các bất đồng, giúp các bên điều chỉnh chính sách, có các quyết sách đúng, giải quyết thỏa đáng tranh chấp chủ quyền vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và toàn thế giới.
Bài viết được đăng lại với sự cho phép của tác giả. Một phiên bản rút gọn của bài viết đã được đăng lần đầu trên Vietnamnet.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]