Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài: Khả năng và tác động

Print Friendly, PDF & Email

scs

Tác giả: Mỹ Hằng phỏng vấn TS. Trần Trường Thủy

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, trả lời phỏng vấn báo Lao Động về các khả năng của phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Philippines-Trung Quốc, ý nghĩa của các phán quyết và đánh giá về tác động đối với tình hình Biển Đông.

Ý nghĩa của phiên tòa là gì, thưa ông?

Theo tôi, ý nghĩa của phiên tòa tùy thuộc vào nội dung của phán quyết, phán quyết thế nào thì ý nghĩa tương ứng theo. Trong nhiều vấn đề Philippines đưa ra tòa, nếu giải quyết được càng nhiều vấn đề, tình hình tranh chấp Biển Đông sẽ càng rõ ràng hơn, phạm vi tranh chấp rõ ràng hơn, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan cũng sẽ được làm rõ hơn. Lúc này các bên có phông chung hơn để có thể đàm phán về hợp tác, quản lý, hay giải quyết tranh chấp.

Nếu phán quyết không thu hẹp được khác biệt thì không mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là về Đường lưỡi bò và quy chế pháp lý các đảo, nếu Tòa không bác được Đường lưỡi bò và không ra phán quyết coi các thực thể ở Biển Đông không có quyền tạo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì cơ bản tình hình Biển Đông vẫn sẽ như cũ.

Dư luận nói chung mong đợi phán quyết này sẽ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo tôi giá trị của nó mang tính tương đối, có thể giúp làm rõ ràng một số vấn đề. Tuy nhiên, Tòa chỉ có khả năng giải quyết được những vấn đề không mang tính cốt lõi của tranh chấp Biển Đông, còn những vấn đề mang tính cốt lõi thì Tòa không giải quyết được. Tòa không giải quyết được tranh chấp chủ quyền hay phân định các vùng biển ở Biển Đông.  

Báo chí thế giới nói phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài có lợi cho Philippines. Theo ông có cơ sở cho nhận xét đó không?

Theo tôi, tất cả đến giờ chỉ là dự đoán thôi. Phải căn cứ vào phán quyết mới biết có lợi bên nào. Nội dung chính của vụ kiện có thể chia tương đối thành 4 cụm vấn đề: thứ nhất là tính pháp lý của đường lưỡi bò; thứ hai là quy chế pháp lý của các thực thể đảo, đá, bãi ở Biển Đông –thực thể nào mà Trung Quốc đang chiếm đóng là bãi lúc nổi lúc chìm, không được đòi chủ quyền và không được xây đảo nhân tạo; thực thể nào là đá chỉ quyền tạo lãnh hải tối đa là 12 hải lý; hay thực thể nào là đảo có đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; thứ ba là về bãi cạn Scarborough – Philippines cho rằng bãi này chỉ có lãnh hải 12 hải lý và ngư dân Phlippines có quyền lịch sử về đánh bắt cá; thứ tư là về các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tự do hàng hải hay các quyền và nghĩa vụ liên quan của Trung Quốc và Philippines. Cụm vấn đề thứ tư chủ yếu phái sinh từ ba cụm vấn đề trước đó. Trong các nội dung của vụ kiện, theo tôi hai vấn đề chính mang tính quyết định nhất là về tính pháp lý của đường lưỡi bò và quy chế pháp lý của các đảo lớn ở Biển Đông, đặc biệt là đảo lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình.

Về đường lưỡi bò, có thể có ba khả năng chính phán quyết của Tòa: Tòa có thể bác bỏ nó, cho rằng đường này không phù hợp luật pháp quốc tế, Trung Quốc không thể đòi các quyền không phù hợp với Công ước Luật Biển; hoặc từ chối phán quyết vì bản thân đường lưỡi bò không rõ ràng – Trung Quốc chưa tuyên bố chính thức về tính pháp lý của Đường này; cũng có thể Tòa sẽ giả định các khả năng về quy chế pháp lý của Đường này và tuyên bố bác bỏ các khả năng không phù hợp với luật pháp quốc tế, ví dụ như Tòa bác khả năng Trung Quốc dùng đường này để đòi quyền lịch sử hay vùng nước lịch sử, bác khả năng đường này là đường biên giới trên biển chẳng hạn. Tuy nhiên, có thể Tòa sẽ khó bác được khả năng Đường lưỡi bò là đường quy thuộc đảo, dùng để tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, đá ở Biển Đông vì Tòa không có thẩm quyền xét xử các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các đảo, đá. Không loại trừ các khả năng phán quyết của tòa là tổ hợp các phương án và dung các câu chữ mập mờ để ngỏ cho các bên diễn giải. Chúng ta chỉ có thể xem xét cụ thể, chi tiết phán quyết của Tòa mới có thể biết bên nào có lợi hơn. Rõ ràng, nếu Tòa bác bỏ đường lưỡi bò thì  có lợi cho Philippines và nước khác. Nếu Tòa từ chối nói về đường lưỡi bò hay dùng ngôn ngữ mập mờ thì sẽ có lợi cho Trung Quốc

Liên quan đến quy chế pháp lý của các đảo lớn ở quần đảo Trường Sa. Có thể có ba khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là Tòa phán quyết không có đảo nào là đảo đúng nghĩa theo Công ước Luật Biển, nghĩa là không có đời sống kinh tế riêng hay thích hợp cho con người đến ở nên chỉ có quyền tạo lập tối đa 12 hải lý lãnh hải. Khả năng thứ hai là Tòa phán quyết một số đảo lớn (như đảo Ba Bình chẳng hạn) là đảo đúng nghĩa, có thể tạo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Khả năng thứ ba là Tòa từ chối phán quyết hoặc dùng ngôn ngữ mập mờ như bản thân điều 121.3 của Công ước Luật Biển – đảo đá nào không có đời sống kinh tế riêng hay không thích hợp cho con người đến ở thì chỉ có lãnh hải, không có vùng đặc quyền  kinh tế và thềm lục địa. Trong thực tiễn án lệ quốc tế liên quan đến vấn đề quy chế pháp lý của các đảo, các quan tòa đều từ chối đưa ra phán quyết mang tính làm rõ ràng điều 121.3 này. Nếu Tòa phán quyết theo khả năng thứ nhất sẽ thu hẹp phạm vi tranh chấp ở Biển Đông – lúc này tranh chấp chỉ liên quan đến các đảo, đá và tối đa là vùng biển 12 hải lý xung quanh các vị trí này. Nếu khả năng này xảy ra cơ bản sẽ có lợi hơn cho các nước khác. Tuy nhiên, lúc này không bên nào có quyền đòi chủ quyền hay xây các đảo nhân tạo trên các bãi lúc nổi lúc chìm nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tạo ra từ đất liền của nước khác và ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo, đá luôn nổi. Nếu Tòa phán quyết theo khả năng 2 và 3 thì cơ bản phạm vi tranh chấp sẽ rất rộng lớn, chỉ có lợi cho bên nào có nhu cầu mở rộng phạm vi tranh chấp ở Biển Đông.

TQ tuyên bố không tham gia vụ kiện và không công nhận tính pháp lý của Tòa. Điều đó có ảnh hưởng tới tính pháp lý của phán quyết hay không?

TQ đã có hàng loạt động thái như tuyên bố không tham gia vụ kiện, không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết. TQ cũng mở chiến dịch vận động ngoại giao và dư luận quốc tế bác tính hợp pháp của việc thành lập Tòa và phán quyết của Tòa; vận động các nước không tuyên bố ủng hộ phán quyết hay kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý quốc tế, TQ là bên ký kết và phê chuẩn Công ước Luật Biển có nghĩa là họ đồng ý với toàn bộ Công ước, trong đó có những phần và điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp. Philippines đã căn cứ vào mục giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước để đưa các vấn đề ra Tòa. Tòa trọng tài được thành lập theo đúng quy định ở phụ lục VII của Công ước. Công ước cũng quy định rõ thủ tục thành lập Tòa và quy trình xét xử nêu một bên trực tiếp liên quan không tham gia và trên thực tế Tòa trọng tài vụ kiện Philippines-TQ đã được thành lập và tiến hành xem xét các nội dung theo đúng các quy trình này.

TQ cũng cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử vì Công ước cho phép các bên tuyên bố loại trừ một số vấn đề Tòa không có thẩm quyền (liên quan đến chủ quyền, phân định biển, vùng nước lịch sử, hoạt động quân sự, chấp pháp, quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) và TQ đã tuyên bố loại trừ các vấn đề này ra khỏi thẩm quyền của Tòa. Tuy nhiên, có thẩm quyền hay không là vấn đề do Tòa quyết định.  Tóm lại, về mặt pháp lý thì những nội dung mà Tòa tuyên bố là có thẩm quyền và ra phán quyết sẽ là cuối cùng, không thể kháng án và phán quyết của Tòa mang giá trị ràng buộc pháp lý với các bên liên quan trực tiếp là Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Tòa sẽ không có cơ quan thực thi phán quyết.

Về việc TQ dọa rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết bất lợi cho họ?

TQ rút khỏi UNCLOS thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý của các phán quyết. Công ước luật biển cho phép các bên được rút nhưng sau khi nộp tuyên bố thì phải mất một năm sau quốc gia đó mới hết quyền và nghĩa vụ liên quan. Do đó, nếu TQ rút khỏi Công ước sau khi có phán quyết sẽ không làm mất đi các nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo phán quyết của Tòa trọng tài.
TQ có rút khỏi UNCLOS hay không chắc chắn họ phái tính toán hơn thiệt. Cá nhân tôi nghĩ là có thể bị thiệt nhiều hơn là lợi, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Không chỉ về mặt chính trị mà về mặt pháp lý và trên thực tế. Ví dụ họ sẽ  không được quyền khai thác tài nguyên vùng đáy biển nằm ngoài 200 hải lý, không thể tham gia vào các cơ chế được thành lập theo UNCLOS như Tòa án luật biển hay Ủy ban đáy đại dương – là những có quan mà TQ đang có đại diện. Mục đích chính của việc rút khỏi UNCLOS là để khỏi bị nước khác kiện, tuy nhiên như tôi nói ở trên, kể cả khi một nước tuyên bố rút khỏi UNCLOS thì một năm sau mới có hiệu lực và trong thời gian này các nước khác vẫn có thể kiện nước đó ra tòa.  Ngoài ra đa số các quy định của UNCLOS đã là luật tập quán quốc tế, các nước có phải thành viên hay không cũng phải thực thi.

Việc TQ vận động dư luận, chia rẽ ASEAN có thể tác động đến Tòa hay không?

TQ đang triển khai mạnh về tuyên truyền, chẳng hạn họ tác động để ASEAN không ra tuyên bố chung, tác động để các nước ở kháp các châu lục lên tiếng ủng hộ TQ, phản đối tòa quốc tế, ủng hộ cách tiếp cận đàm phán song phương, tuyên truyền tính bất hợp pháp của tòa.

Nhưng phiên tòa theo đúng quy trình của UNCLOS nên lập luận này không đứng vững. Thực tế trong hơn 60 nước mà TQ nói là ủng hộ họ, chỉ có bằng chứng 9 nước công khai ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc, các nước còn lại, một số nước công khai phủ định tuyên bố của Trung Quốc, đa số đều không có công khai thông tin, thông tin ủng hộ chỉ do TQ một chiều đưa ra. Chiến dịch này của TQ thể hiện họ đang lo ngại cộng đồng quốc tế nói chung ủng hộ biện pháp đưa ra tòa và tuân thủ phán quyết. Dư luận đang thành 2 luồng. Một luồng lo ngại luật pháp quốc tế bị ảnh hưởng, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; luồng bên kia ủng hộ cách tiếp cận của TQ. Theo tôi điều đó không ảnh hưởng đến nội dung phán quyết của Tòa trọng tài vì họ chủ yếu xem xét dựa theo quy định của luật, thực tiễn các án lệ và nhất là bằng chứng, lập luận của các bên đưa ra. Việc TQ có tuân thủ phán quyết hay không sẽ phụ thuộc vào bản thân nội dung phán quyết và dư luận quốc tế.

Bình luận của nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng tình hình Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau phán quyết của Tòa. Xin cho biết ý kiến của ông?

Có lý do để lo ngại tình hình có thể sẽ tiếp tục căng thẳng. Trong ngắn hạn, nếu phán quyết có lợi cho Trung Quốc, nước này có thể “thừa thắng xông lên”. Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, để giữ thể diện và thể hiện tính nhất quán, Trung Quốc có thể có các bước đi nhằm thể hiện thông điệp phớt lờ phán quyết của tòa. Chẳng hạn, một số chuyên gia đã dự đoán khả năng các hoạt động như lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), cải tạo bãi Scarbourough, quân sự hóa Biển Đông, lập đường cơ sở cho quần đảo Trường Sa, hay đẩy Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây. Philippines có thể có các bước đi để thể hiện quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế hay bãi Scarborough. Mỹ có thể có các bước đi mới gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết và không làm phức tạp tình hình như thực thi hoạt động tự do hàng hải qua 12 hải lý bãi Vành Khăn – là bãi nhiều khả năng Tòa sẽ tuyên bố là bãi lúc nổi lúc chìm không ai được đòi chủ quyền.

Trong dài hạn, như tôi nói ở trên, trong trường hợp phán quyết làm rõ ràng phạm vi tranh chấp và quyền, nghĩa vụ các bên liên quan thì sẽ làm giảm các “cơ sở pháp lý” của các hoạt động vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, qua đó có thể làm giảm một số động lực của các hoạt động gây căng thẳng. Tuy nhiên, diễn biến tình hình không chỉ phụ thuộc vào các vấn đề pháp lý mà sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tình hình nội bộ TQ, quan hệ Mỹ-Trung, chính sách của Tổng thống mới của Mỹ, Philippines, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, tính đoàn kết của ASEAN….

Mỹ gần đây có nhiều phát biểu và hành động bày tỏ lo ngại về hành động của TQ trên Biển Đông. Ông nhận định thế nào về vai trò của Mỹ? 

Mỹ  phát biểu và hành động ở Biển Đông trước hết là vì lợi ích của họ. Có thể thấy họ ngày càng lo ngại lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Mỹ có lợi ích ở Biển Đông trong việc duy trì trật tự quốc tế hiện hành, đảm bảo sự tuân thủ luật pháp quốc tế, không muốn Trung Quốc trỗi dậy phá vỡ luật chơi, thiết lập khu vực ảnh hưởng riêng, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Mỹ cũng có lợi ích về hoạt động tự do hàng hải, hàng không, bao gồm hoạt động của tàu bè quân sự của Mỹ. Biển Đông là thuốc thử liên quan đến Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không, có phát triển hòa bình hay không nhưng cũng là thuộc thử về uy tín và cam kết quốc tế của Mỹ. Do vậy chúng ta thấy Mỹ ngày càng can dự nhiều hơn về Biển Đông, qua các phát biểu đơn phương, song phương, đa phương ở nhiều cấp khác nhau, qua các hoạt động trên thực địa như hoạt động tự do hàng hải, tập trận, cử tàu bè thăm viếng các nước xung quanh, hỗ trợ nâng cao năng lực các nước xung quanh. Vấn đề Biển Đông không chỉ là tranh chấp chủ quyền, hay tài nguyên giữa các nước ven biển mà khía cạnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung cũng ngày càng nổi trội. Chính sách và hành động của Mỹ là nhân tố chính buộc Trung Quốc phải tính toán kỹ hơn các bước đi của mình ở Biển Đông.

Tuy nhiên, có thể thấy mức độ can dự và hiệu quả các hành động của Mỹ ở Biển Đông cũng có giới hạn. Mỹ cũng loay hoay chưa tìm ra biện pháp đối phó hữu hiệu với Trung Quốc ở Biển Đông. Các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông được tính toán rất dè dặt. Mỹ cũng không muốn cạnh tranh ở Biển Đông làm ảnh hưởng đến hợp tác trong các khía cạnh quan hệ khác với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung là vừa hợp tác, vừa cạnh và cả hai đều không muốn đối đầu. Thời kỳ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sẽ mang tính “gói ghém” là chính, có thể sẽ không có bước đi mạnh mẽ mới trong chính sách của Mỹ; trường hợp Hillary Clinton thắng cử thì chính sách Tái cân bằng sang Châu Á của Mỹ có thể được tiếp tục đẩy mạnh, chính sách đối với vấn đề Biển Đông có thể có nhiều nét mới.

Trân trọng cảm ơn ông. 

Nguồn: Nghiên cứu Biển ĐôngBáo Lao Động

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]