Tác giả: Nguyễn Hùng Sơn & Đặng Cẩm Tú
Tóm tắt: Trong lịch sử thế giới, hầu hết các cường quốc khi trỗi dậy đều vươn ra biển, khiến việc xây dựng sức mạnh trên biển đã trở thành quy luật phát triển của các cường quốc. Dường như không nằm ngoài quy luật đó, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 3/2013 đã đề ra chiến lược xây dựng cường quốc hải dương, chính thức đưa vấn đề phát triển hải dương trở thành chiến lược quốc gia, nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa. Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “chiến lược hải dương xanh” mang hàm ý rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển, và trở thành cường quốc biển là một bước trên con đường đạt tới địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc. Việc phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc trở nên đặc biệt đáng chú ý hơn trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc liên tục có những động thái hung hăng, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của các nước khác nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông.
Bài viết này tập trung phân tích những động cơ, mục tiêu và nội dung của chiến lược trở thành cường quốc biển của Trung Quốc được đề ra tại Đại hội XVIII trên cơ sở tham khảo tính quy luật trong việc phát triển sức mạnh trên biển của các cường quốc trong lịch sử và so sánh để tìm ra những nét chung và những nét đặc thù trong nhận thức, tư duy và biện pháp phát triển trên biển của Trung Quốc so với phương Tây. Bài viết cũng sẽ đánh giá hiện trạng và triển vọng phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc, từ đó phân tích các tác động có thể có đối với hòa bình, ổn định của khu vực nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Vì sao Trung Quốc theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc biển?
Cường quốc biển được hiểu là quốc gia có sức mạnh vượt trội về biển. Có nhiều cách khác nhau để định nghĩa sức mạnh biển của một quốc gia. Sức mạnh biển có thể được định nghĩa là sức mạnh tổng hợp của một quốc gia để bảo vệ lợi ích biển của quốc gia đó, để sử dụng biển vào các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự trong thời bình và thời chiến, bao gồm hải quân, khoa học biển, công nghiệp biển và thương mại biển. Cũng có định nghĩa coi sức mạnh biển là khả năng tham chiến trên và dưới biển, khả năng tiến hành thương mại bằng đường biển cùng năng lực công nghiệp để có thể phục vụ cả hai mục tiêu trên, kèm theo đó là năng lực kỹ thuật để khai thác được các nguyên liệu hữu dụng từ biển.1 Theo đó, cường quốc biển là khái niệm rộng hơn cường quốc hải quân. Nói cách khác, cường quốc hải quân là điều kiện cần nhưng chưa phải là đủ để một quốc gia trở thành cường quốc biển.
Nhà tư tưởng lớn về biển có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều quốc gia là Alfred Thayer Mahan (1840-1991) người Mỹ. Ông mở đường đột phá tư duy về sức mạnh quốc gia khi cho rằng sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Alfred Mahan chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển, đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển.[1]Thực tế cho thấy, để trở thành một cường quốc biển không phải là một quá trình đơn giản, đòi hỏi phải có sự kết hợp đúng đắn của nhiều nhân tố cả khách quan – như dân số, địa lý, môi trường quốc tế thuận lợi và chủ quan – như nhận thức và chính sách đúng đắn của chính phủ và người dân, cũng như tầm nhìn và chiến lược biển phù hợp với đặc thù quốc gia và hoàn cảnh của thời đại.
Căn cứ theo quan niệm của Mahan, Trung Quốc hiện nay hội tụ khá đầy đủ các điều kiện để có thể trở thành cường quốc biển. Từ góc độ phân tích tổng hợp, việc theo đuổi mục tiêu phát triển thành cường quốc biển của Trung Quốc hiện nay có thể được lý giải bằng những nhân tố sau:
Theo quy luật lịch sử, sức mạnh biển luôn gắn liền với sự phát triển của các cường quốc
Nhìn lại lịch sử thăng trầm của một loạt các cường quốc, gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật và Mỹ, có thể thấy sự phát triển của hải quân là nét đặc trưng tiêu biểu cho tình trạng đang nổi hoặc mới nổi của một cường quốc sau khi họ đã đạt được sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự nhất định. Sự phát triển năng lực hải quân có thể xem như một bước trong quá trình phát triển sức mạnh biển của các cường quốc. Trên con đường phát triển của mình, các cường quốc nhìn chung đều coi và sử dụng sức mạnh hải quân như một công cụ quan trọng, nếu không muốn nói là thiết yếu, nhằm phát triển sức mạnh biển, qua đó tăng cường sự giàu có, quyền lực và ảnh hưởng của họ. Mức độ, mục tiêu khác nhau và cách thức các cường quốc sử dụng sức mạnh biển cũng không hoàn toàn giống nhau, song có thể nói tất cả đều nhằm mục đích tối cao là tăng cường sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng đang lên của họ. Điều này không chỉ đúng với các cường quốc nói trên mà còn đúng với trường hợp các nước có tầm cỡ nhỏ hơn như I-ta-ly, Thụy Điển, Đan Mạch, Chi-lê, Ác-gen-ti-na, Bra-xin, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển của các quốc gia này.
Các cường quốc có nhu cầu và động cơ phát triển năng lực hải quân bởi vì những hạn chế về nguồn lực trong nước khiến cho việc vươn ra biển và tăng cường khả năng kiểm soát trên biển trở nên quan trọng thiết yếu. Phải có lực lượng hải quân mạnh bổ trợ cho lực lượng lục quân và sau đó là không quân hùng hậu thì các cường quốc đang lên mới có thể củng cố được sức mạnh kinh tế và mở rộng được phạm vi ảnh hưởng của họ ra bên ngoài. Mặt khác, phát triển và duy trì một lực lượng hải quân mạnh là rất tốn kém, do đó chỉ có những nước thực sự giàu có mới có khả năng có được sức mạnh hải quân đủ để giành ưu thế tại các vùng biển và đại dương quan trọng. Vì lẽ đó, việc phát triển và sử dụng sức mạnh biển luôn gắn liền với sự đi lên của các cường quốc.
Lịch sử phát triển của các quốc gia ven bờ Đại Tây Dương cho thấy trật tự giữa các quốc gia được định đoạt trên mặt biển và nhiều bước ngoặt lịch sử đã được xác lập thông qua những cuộc hải chiến. Cho đến trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, sự thăng trầm của các cường quốc biển thường gắn liền với kết quả của các cuộc hải chiến. Đằng sau sức mạnh hải quân và các cuộc hải chiến là sự thúc đẩy mạnh mẽ các tham vọng thương mại, thậm chí còn có thể nói rằng thương mại là điểm tựa quan trọng nhất của các lực lượng hải quân và sự tồn tại của hải quân chỉ chính đáng khi nó bảo vệ được những lợi ích thương mại tương xứng. Sự phát triển của các ngành kinh tế biển, đặc biệt là vận tải biển, đến một mức độ nhất định sẽ cần sự hỗ trợ của hải quân trước các nguy cơ trên biển, mà chủ yếu là sự tấn công của các lực lượng bên ngoài. Ngược lại, kinh tế biển cũng là chỗ dựa vững chắc về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để duy trì lực lượng hải quân. Tính gắn bó hữu cơ giữa kinh tế và hải quân là nền tảng quan trọng cho bất kỳ một chiến lược biển hiệu quả nào.
Đặc biệt, trong thời đại ngày nay khi các thị trường trên toàn cầu cùng với thương mại và hợp tác quốc tế ngày càng phát triển, biển và đại dương trở thành con đường tối ưu nhất để qua đó các nước tương tác với nhau. Thông qua con đường biển và đại dương, những nước muốn xác lập vị thế và ảnh hưởng của mình sẽ có thể củng cố được vai trò đang lên ở các thị trường toàn cầu và trong việc phát triển các nguồn lực tự nhiên. Như vậy, từ góc nhìn lịch sử, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tăng cường sức mạnh biển và trở thành cường quốc biển là do Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, đã đạt được sức mạnh kinh tế nhất định và đang mưu cầu địa vị cường quốc thế giới.
Tư duy và nhận thức về biển của Trung Quốc đã có những chuyển biến căn bản, làm cơ sở để phát triển “chiến lược hải dương xanh”
Trung Quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa canh nông với tư tưởng truyền thống “dĩ nông vi bản” , “trọng nông khinh thương” và “trọng lục khinh hải” tồn tại trong lịch sử Trung Quốc cổ đại kéo dài hàng nghìn năm, tiếp đến lại bị hạn chế bởi chính sách “hải cấm” của triều Minh và “bế quan tỏa cảng” của triều Thanh. Mãi đến năm 1425, Trịnh Hòa[2] (được xem là nhà hàng hải vĩ đại của Trung Quốc) từng nói với vua Minh Nhân Tông rằng: “Muốn quốc gia phú cường thì không thể không quan tâm đến biển”. “Tiền tài đến từ biển và hiểm nguy cũng đến từ biển”. “Một khi quân vương nước khác nắm lấy Nam dương, thì Hoa hạ sẽ nguy mất”. Những quan niệm về hải quyền và hải dương đó của Trịnh Hòa không được Minh Nhân Tông tiếp thu, cũng không nhận được sự coi trọng của các vương triều nhà Minh – Thanh sau này, bởi các vương triều vẫn quá coi trọng lục địa nên chưa nhận thức được những lợi ích to lớn từ biển đem lại.
Sang đầu thế kỷ XIX, những thất bại liên tiếp của Trung Quốc trong chiến tranh với các cường quốc thực dân phương Tây đã có tác động nâng cao nhận thức của người Trung Quốc về những nguy cơ và cả những lợi ích từ biển, từ đó đưa đến sự thay đổi trong quan niệm biển truyền thống và định hình quan niệm biển cận hiện đại và hiện đại của Trung Quốc với những bước điều chỉnh và phát triển qua các giai đoạn cho tới ngày nay.
Tôn Trung Sơn là người đầu tiên đưa ra một hệ thống tư tưởng biển đặc thù và hoàn chỉnh cho Trung Quốc với năm nội dung chính: Một là, “dĩ hải vi bản” – coi hải dương là gốc cho sự hưng thịnh hoặc suy vong của một dân tộc;[3] Hai là, hải quyền là một bộ phận cấu thành quan trọng của chủ quyền quốc gia;[4] Ba là, tư tưởng “hải phòng” – bao gồm chủ trương xây dựng hạm đội hải quân lớn mạnh và quân cảng để bảo vệ hải quyền Trung Quốc;[5] Bốn là, tư tưởng “hải quân” – xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh là nhiệm vụ hàng đầu của quốc phòng và là sách lược quan trọng để bảo vệ hải quyền Trung Quốc;[6] Năm là, “dĩ hải hưng quốc” – coi quyền quản lý, khai thác và sử dụng biển là nội dung của chiến lược phát triển đất nước, coi việc quy hoạch cảng biển là mấu chốt để phát triển ngành công thương nghiệp biển, và phát triển ngành vận tải biển, nhất là vận tải viễn dương, là biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.[7]
Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong nước như tổ chức cách mạng giành chính quyền, chỉnh đốn Đảng Cộng sản, xây dựng kinh tế…. nên quan niệm biển không có gì mới so với trước. Chính quyền của Mao Trạch Đông chỉ quan tâm và coi trọng xây dựng hải quân nhằm mục đích tăng cường phòng ngự cho đất liền, bởi họ cho rằng hải quân giai đoạn này còn yếu kém, không đủ sức vươn ra giải phóng đảo Đài Loan.
Bước sang cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, cùng với quá trình cải cách mở cửa do chính quyền Đặng Tiểu Bình tiến hành, chiến lược biển nói chung và các biện pháp đấu tranh chính trị liên quan đến biển được chú trọng. Quan niệm về biển của Đặng Tiểu Bình gồm ba nội dung cơ bản: (i) Tư tưởng chiến lược trong phòng vệ biển là “phòng ngự biển gần”; (ii) “Tinh gọn” và “hữu dụng” là phương châm xây dựng hải quân; (iii) “Gác tranh chấp chủ quyền, cùng khai thác” là chủ trương xử lý các vấn đề tranh chấp trên biển.[8] Đáng chú ý, nội dung thứ ba vẫn là một nội dung quan trọng trong quan niệm biển của Trung Quốc hiện nay.
Chiến tranh lạnh kết thúc đã đưa đến những chuyển biến lớn trong môi trường an ninh quốc tế, tác động tới tư duy an ninh của hầu hết các quốc gia. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, hai mục tiêu an ninh và phát triển có xu hướng gắn kết chặt chẽ hơn, mang tính tổng hợp và toàn diện hơn trong tư duy chiến lược của các quốc gia. Sức mạnh quốc gia cũng được nhìn nhận một cách đa chiều, đa diện hơn. Trong bối cảnh đó, quan niệm về sức mạnh biển và an ninh biển cũng được các nước phát triển cho phù hợp với mục tiêu và lợi ích của quốc gia họ trong môi trường quốc tế mới.
Chiến lược “Hải dương xanh” của Trung Quốc chính là sự thể hiện quan niệm mới của Trung Quốc về biển thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, được xây dựng và điều chỉnh qua các thời kỳ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và hiện nay là Tập Cận Bình cho phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước của Trung Quốc trong từng giai đoạn. Giang Trạch Dân là người đầu tiên trong các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tư tưởng mới gắn khái niệm biển với quan niệm về an ninh toàn diện, theo đó an ninh biển không chỉ đơn thuần là an ninh chính trị biển và an ninh quân sự biển, mà còn bao hàm an ninh kinh tế biển, an ninh khoa học biển và an ninh môi trường biển, trong đó an ninh kinh tế biển giữ vị trí hạt nhân trong quan niệm về an ninh tổng hợp. Chính quyền Giang nhấn mạnh sự cần thiết phải có chiến lược khai thác biển và bảo vệ an ninh biển trong môi trường an ninh quốc tế mới được đặc trưng bởi xu thế đa dạng hóa nhân tố an ninh, đa nguyên hóa lợi ích an ninh, đa phương hóa quan hệ an ninh và quốc tế hóa vấn đề an ninh, trong đó Trung Quốc có những lợi ích an ninh to lớn từ biển, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đến từ biển.[9]
Đến thời Hồ Cẩm Đào, quan niệm biển của Trung Quốc đã phát triển thêm một bước với bốn nội dung tư tưởng chiến lược quan trọng gồm: (i) phòng ngự biển xa, (ii) hải dương hài hòa, (iii) xây dựng hải quân lớn mạnh và (iv) xây dựng cường quốc biển. Đáng chú ý là cả bốn nội dung này đều thể hiện nhu cầu, khả năng, tầm nhìn và tham vọng của một nước Trung Quốc đã lớn mạnh khác trước. Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc năm 2010 có đoạn viết: “Sự phát triển của lợi ích quốc gia đã đặt ra yêu cầu mới càng cao hơn đối với việc xây dựng năng lực trên biển. Bám sát chiến trường, tìm tòi con đường chiến thắng, nhanh chóng chuyển đổi mô hình năng lực chiến đấu, thực hiện huấn luyện từ biển gần chuyển sang biển xa, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị hải quân”. Trong buổi công tác thị sát bộ đội hải quân ngày 9/4/2008, Hồ Cẩm Đào nói: “Hải quân trong khởi điểm mới phát triển vừa tốt vừa nhanh, nỗ lực phấn đấu để xây dựng và thực hiện hải quân nhân dân lớn mạnh nhằm thích ứng với yêu cầu sứ mệnh lịch sử quân đội Trung Quốc trong thế kỷ mới, giai đoạn mới”.[10] Đặc biệt, xây dựng cường quốc biển là chiến lược biển hoàn toàn mới trong lịch sử Trung Quốc, lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo chính trị tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chiến lược này đã vạch ra mục tiêu phát triển hải dương của Trung Quốc cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo mà Tập Cận Bình hiện nay đang nỗ lực hướng tới. Báo cáo chính trị chỉ rõ: “Cần nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”.[11]
Trong buổi học tập lần thứ 8 của Bộ chính trị Trung Quốc về chủ đề xây dựng cường quốc biển, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển có ý nghĩa trọng đại đối với việc thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện và giàu có, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Qua nhiều năm phát triển, sự nghiệp biển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử. Trong quá trình tập trung phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, Trung Quốc cần phải coi trọng cả hai đại cục trong nước và quốc tế, kiên trì coi trọng trên cạn và trên biển, kiên trì đi theo con đường phát triển dựa vào biển để làm giàu mạnh đất nước trong đó con người và biển cả hài hòa với nhau.[12] Có thể thấy, trở thành cường quốc biển theo nghĩa rộng, không chỉ bó hẹp ở cường quốc hải quân, đã trở thành mục tiêu chiến lược trên con đường mưu cầu và khẳng định vị thế cường quốc của Trung Quốc. Chiến lược này dựa trên cơ sở khá vững chắc là những tư tưởng và quan niệm về biển của Trung Quốc được kế thừa và điều chỉnh qua các thời kỳ trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc.
Lợi ích là nhân tố then chốt thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi mục tiêu xây dựng cường quốc biển
Những lợi ích mà Trung Quốc thu được thông qua việc phát triển sức mạnh biển có thể chia thành ba nhóm cơ bản: lợi ích chiến lược (an ninh), lợi ích kinh tế (phát triển) và lợi ích trong việc nâng cao vai trò quốc tế (ảnh hưởng), trong đó các lợi ích có sự đan xen và tác động qua lại lẫn nhau.
Lợi ích chiến lược bao gồm việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông và nâng cao khả năng thu hồi Đài loan về lâu dài, phòng ngừa sự can dự của Mỹ vào một cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan trong tương lai, tiến tới đẩy dần Mỹ ra xa. Trên thực tế, đây là chiến lược phòng ngự chủ động biển gần.
Lợi ich kinh tế bao gồm:
i) Bảo vệ và phát triển các trung tâm kinh tế nằm dọc bờ biển như Quảng Châu, Thượng Hải và vùng duyên hải Trung Quốc. Trên 40% dân số Trung Quốc sống ở các vùng duyên hải, và sản xuất tới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP);
ii) Bảo vệ chống cướp biển và khủng bố trên biển, kiểm soát và mở rộng phạm vi kiểm soát đối với các tuyến hàng hải huyết mạch. Lợi ích này ngày càng trở nên quan trọng vì Trung Quốc có đội tàu thương mại lớn nhất thế giới, đang sử dụng các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực để kết nối Trung Quốc với thế giới. Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu để vận hành nền kinh tế, vì vậy Trung Quốc đã mua nhiều công ty và tập đoàn dầu khí ở nước ngoài và lượng dầu này chủ yếu được chở về nước trên các tuyến hàng hải và qua các eo biển, nhất là tuyến tiếp dầu từ Trung Đông và tuyến vận tải qua eo biển Malacca. Trong những năm gần đây, hải quân viễn dương của Trung Quốc tăng cường thực hiện bảo hộ hàng hải và tập trận nhằm phục vụ mục đích này, thực chất là một bộ phận trong chiến lược “phòng ngự biển xa”.
iii) Thực thi hiệu quả quyền chủ quyền của Trung Quốc, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc khỏi bị các nước láng giềng đánh cắp tài nguyên và đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển vì vùng thềm lục địa mở rộng, đặc quyền kinh tế và các đảo mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền được cho là có chứa nhiều tài nguyên dầu và khí. Các khoáng chất quan trọng cho phát triển kinh tế Trung Quốc và cho một số ngành kỹ thuật then chốt cũng có thể khai thác ngoài biển. Hàm lượng kinh tế biển trong tổng thể nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Lợi ích ảnh hưởng bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như cứu trợ, cứu nạn, tham gia ngày càng nhiều vào xử lý các vấn đề toàn cầu hay xuyên quốc gia như chống khủng bố, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển,… qua đó nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Về ảnh hưởng, Trung Quốc muốn cạnh tranh với ba đối thủ hàng hải tiềm tàng là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, nhất là Ấn Độ vì đa số các tuyến hàng hải quan trọng của Trung Quốc đều đi qua Ấn Độ Dương, trong khi Ấn Độ có một lực lượng hải quân rất mạnh, lại đang gia tăng hợp tác với Nhật và Mỹ. Trung Quốc lo ngại Ấn Độ muốn kiểm soát Ấn Độ Dương.
Chiến lược phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện nay
Mục tiêu chiến lược biển của Trung Quốc thời kỳ trước 1985 chỉ đơn thuần là phòng vệ bờ biển. Sau năm 1985, mục tiêu này được phát triển thành phòng vệ biển gần và từ giữa những năm 2000 cho đến nay là hoạt động biển xa. Sự điều chỉnh mục tiêu chiến lược biển như vậy gắn liền với sự mở rộng của nội hàm quan niệm về hải dương của Trung Quốc, từ chỗ coi hải dương chỉ là vùng biển gần bờ, vùng tiếp giáp và đặc quyền kinh tế, sau đó nhấn mạnh khả năng đi ra vùng biển quốc tế và phát triển tài nguyên đại dương, đến hiện nay là mở rộng sang quyền cho tàu bè quân sự tự do đi lại trên biển, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng trong trường hợp chiến tranh và cản trở khả năng hoạt động tự do của hải quân các nước đối thủ.
Trước cách hành xử của Trung Quốc gần đây nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vẽ ra không dựa trên một cơ sở nào để độc chiếm biển Đông, có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động biển xa ở ngoài khơi theo cách nhìn của Trung Quốc không giới hạn trong phạm vi không gian địa lý nào mà gắn liền với việc triển khai mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn, tương thích với mức độ trỗi dậy và tham vọng bá chủ của nước này. Theo đó, khi môi trường quốc tế thay đổi và Trung Quốc mạnh lên thì phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc sẽ không chỉ ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà ở bất kỳ phạm vi vùng biển nào mà Trung Quốc muốn khai thác, kiểm soát và trong phạm vi mà đối thủ có thể sử dụng để tấn công Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu nói về sức mạnh biển từ khoảng giữa những năm 90, tuy nhiên lúc đó Trung Quốc chủ yếu đi theo quan điểm của Alfred Mahan. Đến đầu năm 2000, người Trung Quốc mới bắt đầu tìm cách áp dụng quan điểm của Mahan vào đặc thù của Trung Quốc và đưa ra những khái niệm của riêng họ. Một bài báo năm 2002 định nghĩa sức mạnh biển là khả năng một quốc gia quản lý, kiểm soát và bảo vệ lãnh hải của mình, bao gồm vùng nội thủy, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế. Học giả Da Wei (达巍), Viện Nghiên cứu các vấn đề đương đại (CICIR) thuộc Bộ An ninh Trung Quốc định nghĩa sức mạnh biển gồm sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học công nghệ. Học viện quốc phòng Trung Quốc thì cho rằng vai trò của các lực lượng phi quân sự đang có vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Theo Học viện Quốc phòng Trung Quốc, sức mạnh quân sự chỉ thực sự trở thành sức mạnh biển khi được sử dụng kết hợp với các giải pháp chính trị, kinh tế và ngoại giao.[13]
Một số học giả cho rằng Trung Quốc cần có tư duy riêng về sức mạnh biển, phù hợp với hoàn cảnh của Trung Quốc, không dựa vào học thuyết của Alfred Mahan. Học giả Trung quốc Zhang Shiping (章示平) cho rằng Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về sức mạnh biển. Sức mạnh này không thể chỉ gồm hải quân mà phải là sức mạnh tổng hợp của năm lực lượng sau: (1) các tàu hải quân, bao gồm cả tàu sân bay; (2) các tàu dân sự; (3) tàu cá; (4) tàu thăm dò khai thác tài nguyên biển; (5) các lực lượng chấp pháp khác trên biển. Như vậy, sức mạnh biển không chỉ bao gồm khả năng đánh bại địch thủ trên biển mà còn là khả năng bảo vệ và khai thác nguồn lợi khác từ biển. Zhang cho rằng một trong những nhiệm vụ căn bản của hải quân phải là “bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên của quốc gia không bị lấy trộm hoặc hủy hoại”.[14]
Giáo sư Ye Zicheng (叶自成) của Đại học Bắc Kinh cho rằng sức mạnh biển là tổng hợp khả năng nghiên cứu, phát triển, sử dụng, kiểm soát và phát huy ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển. Còn Giáo sư Lu Rude (陆儒德) của Đại học Đại Liên định nghĩa sức mạnh biển của Trung Quốc bao gồm: sức mạnh tổng hợp quốc gia và chiến lược biển quốc gia, nhận thức và quan niệm về biển của quốc gia, hệ thống giáo dục toàn diện về biển, đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm về biển, hệ thống kỹ thuật và thiết bị biển quốc gia, lực lượng hải quân mạnh, lực lượng tàu thương mại, tàu cá, tàu nghiên cứu khoa học biển, luật biển, và đội ngũ chấp pháp trên biển mạnh.[15]
Qua đây có thể thấy quan niệm về sức mạnh biển của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển với nhiều trường phái khác nhau và thiên về sức mạnh tổng hợp chứ không chỉ bao gồm sức mạnh quân sự trên biển. Tuy nhiên, các trường phái đều chú trọng vai trò của sức mạnh hải quân như một thành tố quan trọng của sức mạnh biển tổng hợp quốc gia.
Trong xây dựng chiến lược biển của Trung Quốc hiện nay, có hai trường phái tư duy nổi lên.Trường phái thứ nhất cho rằng hải quân là then chốt trong chiến lược biển. Tuy thừa nhận Trung Quốc vẫn cần sức mạnh biển toàn diện song trường phái này nhấn mạnh hải quân là lực lượng nòng cốt và then chốt trong việc đưa Trung Quốc thành một cường quốc về biển. Chỉ có một lực lượng lục quân và hải quân mạnh mới bảo đảm Trung Quốc đạt mục tiêu trở thành một “nước mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và tương đối phát triển”. Trường phái thứ hai cho rằng chiến lược biển cần toàn diện, mặc dù vẫn thừa nhận hải quân là nhân tố rất quan trọng. Trường phái này cho rằng vấn đề an ninh biển đã trở nên rất phức tạp, vì vậy một chiến lược phòng vệ biển tốt cần phải có sự phối hợp liên ngành An ninh nội bộ, Truyền thông, Thuế, Hải quan, Ngư chính, Bảo vệ môi trường, và Y tế. Trường phái quan điểm này dựa trên nhận thức cho rằng lợi ích biển của Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực quân sự mà còn bao hàm lợi ích chính trị, ngoại giao, kinh tế, môi trường và thông tin. Vì vậy, để bảo vệ các lợi ích này cần dựa vào nhiều công cụ và biện pháp.
Giới học giả Trung Quốc thì cho rằng, chiến lược biển của Trung Quốc cần xử lý được ba vấn đề cốt yếu với mục tiêu cuối cùng đặt ra là khả năng ảnh hưởng. Một là, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên hải dương để trở thành cường quốc kinh tế biển. Hai là, khống chế, quản lý, phân phối hiệu quả đối với từng vùng biển, trở thành thế lực có sức mạnh trên biển mang tính khu vực. Ba là, có thực lực ngoại giao trong các vấn đề hải dương, có năng lực ảnh hưởng lớn tới các vấn đề hải dương của khu vực và thế giới.[16]
Có ba trường phái tư duy về vai trò của luật pháp và hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc cùng song song tồn tại, đó là (1) những người kêu gọi việc Trung Quốc thực thi sức mạnh trên biển thông qua nội luật và luật pháp quốc tế; (2) những người kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác song phương, đa phương với các cơ chế an ninh khu vực, và Liên Hợp Quốc; (3) những người cho rằng chỉ có sử dụng sức mạnh quân sự mới bảo vệ được lợi ích của Trung Quốc, và vì vậy Trung Quốc cần sẵn sàng “đi một mình”. Những diễn biến hiện nay cho thấy trường phái thứ nhất và thứ ba đang thắng thế hơn so với trường phái thứ hai.
Trong báo cáo chính trị được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đọc tại phiên bế mạc của Đại hội XVIII, diễn ra ngày 14/11/2012 tại Bắc Kinh đã đề cập; “ Trung Quốc cần đề cao khả năng khai thác tài nguyên hải dương, phát triển kinh tế hải dương, bảo hộ môi trường sinh thái hải dương, kiên quyết bảo vệ lợi ích hải dương quốc gia, để kiến thiết Trung Quốc trở thành một cường quốc hải dương ”.[17] Theo đó, chiến lược phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện nay đang được triển khai trên ba khía cạnh chính, bao gồm: (1) Xây dựng năng lực trên biển một cách toàn diện, bao gồm sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ và văn hóa; (2) Mở rộng năng lực hoạt động của hải quân Trung Quốc tương ứng với các lợi ích về kinh tế và an ninh của Trung Quốc; (3) Chiến lược biển sẽ toàn diện, trong đó vai trò của Hải quân sẽ rất lớn và quan trọng, song không phải là lực lượng duy nhất, mà bên cạnh đó sẽ có lực lượng chấp pháp khác và hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng Chiến lược biển hiện nay, Hải quân Trung Quốc muốn thúc đẩy vị trí trung tâm của mình bằng cách chứng minh vai trò của lực lượng này trong việc bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Các lập luận Hải quân Trung Quốc thường sử dụng để biện minh cho vai trò của mình là: (1) là lực lượng chủ đạo bảo vệ các nguồn tài nguyên biển của Trung Quốc; (2) là lực lượng bảo vệ khu vực ven biển duyên hải của Trung Quốc và các tuyến hàng hải huyết mạch đối với kinh tế vùng duyên hải; (3) phát triển một lực lượng hải quân mạnh sẽ góp phần kích thích phát triển kinh tế nội địa; (4) là lực lượng thực thi các nhiệm vụ quan trọng khác trong thời bình.
Chiến lược phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện nay đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trên biển hướng tới xác lập vị thế cường quốc biển.
Để phát triển năng lực hải quân, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng lực lượng tàu và kết cấu lực lượng chứng tỏ Trung Quốc đang chuyển dần từ phòng ngự sang chống tiếp cận và cả tấn công, từ biển gần sang biển xa. Trung Quốc đang sở hữu 79 tàu chiến mặt nước loại lớn các khu trục hạm Luyang II & III, tàu hộ tống Jiangkai I & II,[18] khoảng 60 tàu ngầm, hơn 50 tàu đổ bổ đường biển các loại, cùng với khoảng 85 tàu nhỏ tấn công có trang bị tên lửa. Từ tháng 9 năm 2012, Trung Quốc đã đưa tầu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Mỹ, hạm tàu sân bay này khó có khả năng tác chiến trước năm 2015 và hiện chưa tạo ra sức mạnh răn đe hoặc ngăn chặn tiếp cận đường biển đối với Mỹ và các đối thủ.[19] Trung Quốc hiện đang đóng tàu sân bay thứ hai, lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh.[20] Trong số 60 tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, có 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thuộc lớp Thanh (Type 094), 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương (Type 093). Trong số 12 tàu ngầm lớp Kilo Trung Quốc mua của Nga trong những năm 1990 và 2000, có 8 tàu được trang bị các tên lửa hành trình đối hải SS-N-27 ASCM. Ngoài ra, còn có 13 tàu ngầm lớp Tống (Type 039), và 8 tàu lớp Nguyên (Type 039 A). Trung Quốc dự định sẽ đóng thêm 20 tàu lớp Nguyên mới, 5 chiếc thuộc lớp Thanh, 4 chiếc thuộc lớp Thương. Mới đây nhất, Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân lớp Tần (JIN class) có độ ồn rất thấp.[21] Tàu sân bay và tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến lược là các vũ khí tấn công được thiết kế để hoạt động dài ngày xa bờ. Bên cạnh việc phát triển lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu sân bay, không quân của hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến xa bờ, Trung Quốc còn phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo chống tiếp cận nhằm đẩy lực lượng của các nước đối nghịch ra xa bờ biển Trung Quốc, điển hình là tên lửa Đông Phong 21D (tầm bắn 1500 dặm) có khả năng “với” tới đảo Guam.
Để tăng cường năng lực phối kết hợp giữa các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên biển, Trung Quốc đang triển khai chiến lược kết hợp chiều ngang giữa các lực lượng dân sự, chấp pháp, bán quân sự và quân sự trong chiến lược mà phương Tây gọi là “cải bắp”, theo đó lực lượng ngư dân là tiền tuyến, hải giám và ngư chính là trung tuyến và hải quân là ngoại tuyến cùng hỗ trợ bảo vệ lợi ích biển của Trung quốc ở Biển Đông. Khắc phục nhược điểm “quân hồi vô phèng” của các lực lượng chấp pháp trên biển, Trung quốc đã hợp nhất các lực lượng này vào sự quản lý và chỉ huy thống nhất của Cục Hải Dương Trung Quốc, lần đầu tiên lực lượng chấp pháp của 4 tỉnh duyên hải tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông,[22] lần đầu tiên diễn tập kết hợp giữa hải quân, hải giám, ngư chính ở Biển Hoa Đông.[23] Đồng thời, Trung Quốc cũng đẩy mạnh kết hợp chiều dọc giữa các đơn vị trong cùng một lực lượng như diễn tập kết hợp giữa 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tại Biển Đông.[24]
Để tăng thiệt hại và tốn kém cho các hạm tàu sân bay, tàu nổi của các đối thủ một khi xung đột nổ ra, Trung Quốc đang gia tăng các loại tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tấn công giảm âm, các máy bay ném bom tiên tiến thế hệ thứ 4 thứ 5, và tấn công an ninh mạng.[25] Để vươn xa, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu đa cấu trúc hóa nền tảng cứng cho lực lượng hải quân, xây dựng các loại tầu tác chiến theo các hướng tác chiến cận bờ và xa bờ [26], từ đó tăng dần khả năng kiểm soát từ chuỗi đảo thứ nhất ra chuỗi đảo thứ 2, vùng eo biển Malacca, và cả bờ tây Thái Bình Dương.[27]
Về xây dựng căn cứ bên trong và bên ngoài, Trung Quốc đầu tư xây dựng Tam Á, có triển vọng trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, làm bến đỗ cho nhiều tầu ngầm tấn công hạt nhân và ít nhất hai tàu sân bay trong tương lai. Tuy nhiên, cho tới nay Trung Quốc vẫn chưa có căn cứ hải quân nào ở nước ngoài, mặc dù từ năm 2004 một số học giả phương Tây cho rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch cho mỗi “chuỗi ngọc trai” các căn cứ dọc theo Ấn độ Dương sang Trung Đông, và có nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp một số cảng nước sâu ở Sri-lan-ca,[28] hoặc thậm chí căn cứ quân sự ở Pa-ki-xtan và ở Vịnh Eden để hỗ trợ hoạt động chống cướp biển Xô-ma-li. Gần đây có học giả Trung Quốc đã kêu gọi Trung Quốc thiết lập mạng lưới 18 căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Về hợp tác quốc tế, Trung Quốc chưa tham gia nhiều hoạt động hợp tác quân sự quốc tế, nhất là các hoạt động diễn tập quân sự với các nước lớn khác do năng lực còn hạn chế, chỉ có thể hoạt động gần bờ và lo ngại các điểm yếu của mình bị phát hiện. Trung Quốc chủ yếu tham gia tập trận với Nga. Năm 2013, lần đầu tiên Trung – Nga tập trận trong vùng biển Nhật Bản với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc có tham gia một số diễn tập và tuần tra chung ở quy mô nhỏ với một số nước láng giềng như với Hải quân Hàn Quốc, Pa-ki-xtan, Việt Nam. Từ năm 2008, Trung Quốc đã nỗ lực vươn ra xa và tham gia các hoạt động diễn tập hoặc làm nhiệm vụ xa bờ, lần đầu tiên tham gia hoạt động quốc tế chống cướp biển Xô-ma-li tại Vịnh Eden; tham gia diễn tập ở Địa Trung Hải. Bên cạnh các cuộc tập trận và diễn tập chung song phương, Trung Quốc đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ngoại giao quốc phòng khu vực; tham gia tích cực hơn vào các hoạt động hợp tác, xây dựng lòng tin như tìm kiếm cứu nạn,…
Về triển khai chiến lược kinh tế hải dương, ngay từ tháng 05/2003, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra bản “Cương yếu Phát triển Kinh tế Hải dương toàn quốc”, lần đầu tiên đặt mục tiêu cho việc “từng bước xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hải dương”. Trong đó có các mục tiêu như “cường quốc kinh tế biển”, “khoa học kỹ thuật biển”, và “tổng hợp sức mạnh biển”. Còn trong bản “Kế hoạch phát triển kinh tế hải dương Trung Quốc từ năm 2011 đến 2015”, do Cục Hải dương Quốc gia công bố tháng 01/2013, Trung Quốc đã xác lập mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hải dương hàng năm ở mức 8%, và tới năm 2015 thì tổng giá trị sản lượng kinh tế hải dương sẽ đạt tỷ lệ 10% của GDP. Theo số liệu của phía Trung Quốc, con số này trong năm 2012 đã ở vào khoảng 802,6 tỷ USD.[29]
Trong triển khai các mục tiêu của chiến lược cường quốc biển, Trung Quốc coi trọng việc đẩy nhanh tốc độ thực thi của các chiến lược kinh tế biển theo từng chặng thời gian cụ thể. Theo đó, từ năm 2001 tới 2015, sẽ nâng giá trị kinh tế hải dương đạt 10% GDP, từ năm 2015 tới 2030 lên 18% GDP, từ năm 2031 tới 2045 lên 25% GDP. Với con số cụ thể, năm 2001, kinh tế hải dương Trung Quốc mới chiếm 3% của GDP, tới 2009 con số này tăng lên hơn 9%, góp phần đưa thương mại của Trung Quốc đã tăng nhanh gấp đối tốc độ tăng trưởng của GDP trong một thập niên qua.[30] Như vậy, Trung Quốc đã đạt mục tiêu chặng thứ nhất của quá trình phát triển kinh tế hải dương.
Trung Quốc có 14 tỉnh, thành phố, đặc khu ven biển với dân số chiếm khoảng 40% tổng nhân khẩu, diện tích chiếm gần 20% tổng diện tích, tuy nhiên hiện nay GDP của 14 tỉnh này đã vượt quá 60% tổng GDP của cả Trung Quốc. và tới năm 2030 có thể vượt quá 70% GDP. [31] Hiện nay, các thành phố lớn ven biển của Trung Quốc đang đưa vào thực hiện những kế hoạch kinh tế biển to lớn. Thượng Hải thì phấn đấu tới năm 2020 phát triển thành một trung tâm vận tải biển và cung ứng lớn của Quốc tế. Quảng Tây thì đưa ra “Kế hoạch sắc xanh”, đẩy mạnh việc xây dựng khu vực vịnh Bắc Bộ thành một cửa ngõ lớn ra biển ở phía tây nam.[32]
Có tác giả Trung Quốc cho rằng, một quốc gia khi có nền kinh tế hải dương chiếm tỷ lệ 5% GDP, quốc gia này đã là nước lớn hải dương, nếu chiếm từ hơn 10 đến 15% GDP thì đã là cường quốc hải dương.[33] Nếu so sánh với mốc thời gian cho các kế hoạch kinh tế hải dương của Trung Quốc, quãng thời gian từ 2015 đến 2030 sẽ là khoảng thời gian để Trung Quốc vươn dậy thành cường quốc hải dương, ít nhất là về kinh tế.
Về luật pháp hải dương, nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc biển, Trung Quốc đã có những bước điều chỉnh công tác quản lý và chấp pháp hải dương ở tầm vĩ mô để thống nhất chỉ đạo đối với 17 cơ quan đầu mối có trách nhiệm thực thi việc chấp pháp biển của Trung Quốc.[34] Song hành với hoàn thiện cơ cấu, Trung Quốc cũng ban hành nhiều quy định cụ thể đối với nghề cá, vận tải biển, phòng vệ biển như “Điều khoản về quản lý, dự báo, giám sát hải dương” ra ngày 1/6/2012, hoặc “Thông tư về việc tăng cường thêm một bước trong công tác tăng cường quản lý hải dương và các vấn đề liên quan”. [35]
Ở bình diện quốc tế, Trung Quốc cũng có những cố gắng trong việc tham gia quản lý các vấn đề của vùng biển Bắc Cực và Nam Cực bằng việc cho thành lập cơ quan quản lý hai vùng biển này, và đặt trực thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc. Tại Nam Cực, từ năm 2004 Trung Quốc cũng cho thiết lập 3 trạm nghiên cứu, liên lạc và giám sát tại ba địa điểm khác nhau, ngoài ra còn có một trạm mang tên Yellow River, được Trung Quốc đặt tại Na-uy từ năm 2004.[36] Trong tháng 5/2013, Trung Quốc cũng đã cùng với Ấn Độ, I-ta-ly, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po giành được quy chế quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực, nơi được cho là lưu giữ tới 13% trữ lượng dầu, và 30% trữ lượng khí đốt của thế giới.[37]
Đặc biệt đáng chú ý là song hành với sự hợp tác quốc tế ở cấp độ toàn cầu nhằm khẳng định vai trò trên biển của mình thì ở cấp độ khu vực, Trung Quốc lại liên tục tiến hành những hoạt động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác để xác lập sức mạnh biển. Gần đây nhất, ngày 27/6/2014, Trung Quốc đã ban hành Luật bảo vệ cơ sở quân sự nhằm tăng cường an ninh quân sự trên biển của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2014. Đạo luật này được xem là phiên bản mới của một bộ luật ban hành năm 1990 vốn không bao gồm quy định bảo vệ các sân bay, đài phát thanh và vùng biển cấm. Đạo luật mới ban hành bổ sung quy định nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại các vùng biển cấm, cùng một số điều khoản siết chặt kiểm soát đối với các cơ sở dân sự tọa lạc gần các khu vực phòng thủ ven biển của Trung Quốc, nhưng không nêu rõ phạm vi các vùng biển áp dụng.
Triển vọng triển khai chiến lược biển của Trung Quốc và tác động đối với khu vực và Việt Nam
Những thuận lợi và khó khăn khi Trung Quốc triển khai chiến lược biển
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang và sẽ đi theo con đường phát triển truyền thống đã thành quy luật của các cường quốc trong lịch sử như Mỹ, Anh, Nhật Bản… Đó là phát triển sức mạnh biển với hải quân làm trung tâm theo tư tưởng của Alfred Mahan, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Trung Quốc hiện nay. Sự điều chỉnh rõ nét nhất của Trung Quốc là thúc đẩy phát triển chiến lược biển một cách toàn diện xét về cả mục tiêu, lĩnh vực và biện pháp thực hiện, chứ không chỉ tập trung vào mỗi hải quân và thương mại như các cường quốc thời kỳ trước. Trung Quốc xây dựng chiến lược biển toàn diện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trên biển, và để tạo vỏ bọc hòa bình cho chiến lược phát triển lực lượng nòng cốt là hải quân.
Điều kiện thuận lợi để Trung Quốc có thể theo đuổi được một chiến lược toàn diện là do đã có tích lũy sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, có tốc độ phát triển trình độ khoa học và công nghệ cao trong lĩnh vực nghiên cứu biển và công nghệ quốc phòng liên quan đến biển, và do thể chế nhà nước cho phép Trung Quốc huy động nguồn lực đó một cách tập trung. Bên cạnh đó, nhận thức và quyết tâm chính trị của Trung Quốc trong việc phát triển thành cường quốc biển khá cao và thành quyết sách của lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Quyết sách này đã được thông qua tại Đại hội XVIII, sau đó lần lượt được cụ thể hóa bằng các biện pháp thực thi đồng bộ trong tất cả hệ thống chính quyền của Trung Quốc như Quốc hội, Quốc vụ viện, các bộ ngành. Trên cơ sở đó, sức mạnh biển tổng hợp của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sức mạnh hải quân. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đạt được vị thế của một cường quốc biển. Tính riêng về năng lực hải quân, vẫn thua Mỹ, Nga từ mười đến hai mươi năm. Ngay cả ở phạm vi khu vực, năng lực hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc mới ở tầm vóc của một cường quốc khu vực, với mục tiêu “phòng vệ biển gần”, hoạt động chủ yếu ở Biển Đông và phía bên trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất.
Việc triển khai chiến lược biển và phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện đứng trước một số hạn chế, thách thức nhất định. Một là nguy cơ suy giảm đầu tư cho quốc phòng và hải quân. Tuy được ưu tiên đầu tư một thời gian dài, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc có xu hướng bước vào giai đoạn phát triển chậm lại, đi kèm đó là nhiều những bất cập và thách thức về kinh tế.[38]Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ phải dành nhiều tài nguyên, vật lực, con người, kinh tế cho các vấn đề an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững hơn thay vì chỉ tập trung cho phát triển quốc phòng, gia tăng tiềm lực quân sự bằng sức mạnh răn đe trên biển của hải quân.
Hai là phải căng mỏng lực lượng và dàn trải trên nhiều hướng phát triển. Trung Quốc phải chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu với Mỹ tại eo biển Đài Loan,[39] trong khi cũng muốn có năng lực hỗ trợ yêu sách trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Hoàng Hải, Hoa Đông, vươn ra cạnh tranh ảnh hưởng tại các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Điều này buộc họ phải căng mỏng lực lượng ra nhiều hướng, khó phát triển theo một học thuyết, chiến lược nhất quán vì dễ bị động với tình hình.[40]
Ba là hạn chế trong tiếp liệu và cung cấp thông tin tình báo, khả năng tích nhập công nghệ, năng lực viễn hải. Trung Quốc thiếu đồng minh hàng hải, thiếu các trạm trung chuyển, tiếp liệu, bảo dưỡng, sửa chữa và nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn trong quá trình vận hành bên ngoài lãnh thổ khiến cho khả năng hoạt động viễn dương của Trung Quốc bị hạn chế rất nhiều.[41] Do đó, Trung Quốc sẽ phải tìm cách thiết lập một số điểm tiếp cận tại khu vực quanh Ấn Độ Dương như tại eo biển Malacca, eo biển Lomboc, eo biển Sunda.[42] Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong tích hợp công nghệ mới, các kỹ năng vận hành, thay thế, khả năng lựa chọn căn cứ, năng lực hải hành của quân nhân. Những điều kiện này có thể phải mất cả một thế hệ hoặc nhiều hơn để khắc phục, đặc biệt khi Trung Quốc tự mình xây dựng lực lượng hải quân nước xanh.
Bốn là tuy đầu tư lớn và tầm ảnh hưởng trên thực địa gia tăng nhanh, nhưng ảnh hưởng chính trị ở khu vực và quốc tế còn thấp. Tuy là nước lớn, đang gia tăng ảnh hưởng nhưng khả năng sáng tạo ra luật chơi mới ở tầm khu vực và toàn cầu của Trung Quốc còn gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc gần đây tỏ ra bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, có những hành động đơn phương dựa vào sức mạnh để khẳng định vị thế nước lớn của mình trên các vùng biển có tranh chấp với các nước láng giềng đang làm giảm đáng kể uy tín quốc tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thiếu khả năng tạo ảnh hưởng vượt trội trong các hoạt động hải dương quốc tế đa phương, và vẫn giữ tư duy thụ động trong việc giải quyết các vấn đề hải dương toàn cầu.
Năm là căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải khiến Trung Quốc khó triển khai hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế hải dương. Để vươn tới các vùng biển quốc tế, tiếp cận các thị trường thương mại, các nguồn tài nguyên khai thác và đánh bắt, các hạm tàu, thương thuyền của Trung Quốc đều cần vượt qua Biển Đông, Hoa Đông hoặc Hoàng Hải để ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là những vùng biển chật hẹp với các quần đảo trải rộng, có các nước láng giềng vẫn lo lắng về những tham vọng đằng sau các dự án hợp tác kinh tế của Trung Quốc, khiến cho việc hợp tác làm ăn kinh tế và đánh bắt, khai thác của Trung Quốc bị hạn chế dù là có nhiều tiềm năng.
Tác động tới khu vực và Việt Nam
Mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức, song quyết tâm phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc là không thay đổi và chiến lược trở thành cường quốc biển là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đưa đến một số tác động và hệ lụy quan trọng đối với khu vực và Việt Nam.
Đối với khu vực, tác động lớn nhất của việc Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển là làm thay đổi trật tự địa – chính trị khu vực với các hệ lụy và biểu hiện sau: Một là thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Tuy trong ngắn hạn và trung hạn các nước trong khu vực có thể điều chỉnh để lấy lại cân bằng nhưng về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia cảm thấy bất an phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực.
Hai là cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Thực hiện chiến lược phòng vệ biển gần, Trung Quốc sẽ phải tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, ảnh hưởng của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm” sẽ gia tăng, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức.
Ba là gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng sẽ có tác động dây chuyền làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra.
Bốn là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. Cùng tồn tại với đổi thủ chính và cùng cạnh tranh để mưu cầu lợi ích khi còn có thể đang là cách mà Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển của họ.[43] Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ muốn đẩy Mỹ và các đối thủ khác ra khỏi khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông giống như những gì mà hải quân Mỹ đã làm trong thế kỷ 19 để kiểm soát vùng Caribe và vịnh Mexico, tạo nên địa vị thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu và gia tăng mạnh mẽ vị thế của Mỹ là một siêu cường thế giới. Những điều Trung Quốc đang tìm kiếm không phải là để đương đầu với hải quân Mỹ – một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể giành chiến thắng hiện nay – mà là gây sức ép nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực. Sức mạnh của hải quân không nằm ở một chiếc tàu chiến đơn lẻ, mà nằm ở hạm đội tàu. Trung Quốc đang phát triển hạm đội mặc dù hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nguy cơ nảy sinh những tình huống đối đầu là hiện hữu, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Năm là gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc sẽ có thiên hướng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, trong năm trường hợp tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở vùng biển Đông Nam Á được “giải quyết” trong 50 năm gần đây thì hai trường hợp sử dụng biện pháp hòa bình là cơ quan tài phán quốc tế (hai vụ việc giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a về đảo/đá Pulau Ligitan và giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po về đảo/đá Pedra Branca), ba trường hợp sử dụng vũ lực đều liên quan tới Trung Quốc (Hoàng Sa, Trường Sa và Hoàng Nham).
Cùng với đó, việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế.Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn v.v…
Đối với Việt Nam, ngoài các tác động chung đối với khu vực nói trên, là nước láng giềng cận kề nên ta sẽ phải chịu “sức ép” từ việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển sớm nhất, nhất là sức ép về tranh chấp chủ quyền biển đảo. Điều này hiện nay đã trở nên rõ ràng, buộc Việt Nam phải gấp rút nâng cao năng lực quốc phòng và chấp pháp để tự vệ. Khi chính trị cường quyền ngày càng có ảnh hưởng, vai trò của luật pháp quốc tế và ASEAN, hai công cụ quan trọng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ chịu nhiều thách thức, đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước./.
TS. Nguyễn Hùng Sơn là Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. TS. Đặng Cẩm Tú là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và An ninh, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Những quan điểm trong bài là của riêng các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 4 (99), tháng 12/2014.
——————-
1 http://www.navyadministration.tpub.com/12966/css/12966_9.htm.
[1] http://www.navyadministration.tpub.com/12966/css/12966_9.htm.
[2] Năm 1405 Vua Minh Thành Tổ (năm thứ 3 đời Minh Vĩnh Lạc) cử Trịnh Hòa là thuyền trưởng dẫn theo hơn 240 thuyền với hơn 27.400 thuyền viên đi du hành tới hơn 30 quốc gia và khu vực ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đến năm 1433, tổng cộng Trịnh Hòa đã du hành trên 7 lần, lần cuối cùng du hành vào tháng 4 năm thứ 8 đời Tuyên Đức, trên đường trở về do bệnh nặng ông đã chết trên tàu. Xem: Tôn Lập Tân, Triệu Quang Cường, “Thay đổi lịch sử của hải dương quan Trung Quốc”, Tạp chí lý luận Trung Quốc, 1/2012.
[3] Ông cho rằng quyền phát triển biển “nếu nắm trong tay ta thì tồn, còn nắm trong tay người thì vong” (Xem Tôn Trung Sơn,Toàn tập, quyển 6, Bắc Kinh, Nxb Nhà sách Trung Hoa, 1985, tr.248). “Đất nước hưng thịnh hay suy vong thường ở biển chứ không phải ở lục địa, quốc gia nào có quyền lực trên biển chiếm ưu thế thì quốc gia đó thường chiếm ưu thế” (Xem Tôn Trung Sơn, Toàn tập, quyển 2, Nxb Nhà sách Trung Hoa, 1985, tr.564).
[4] Tư tưởng hải quyền của Tôn Trung Sơn là “lấy khôi phục và duy trì hải quyền của Trung Quốc làm hạt nhân, lấy xây dựng hải quân để tăng cường hải quyền và khai thác, lợi dụng biển một cách toàn diện làm nội dung chủ yếu”. Ông cho rằng hải quyền có liên quan đến chủ quyền quốc gia và quốc lực mạnh hay yếu, không có hải quyền thì không có quốc gia cường thịnh. Trung Quốc đã để mất hải quyền nên đất nước bị xâm lăng, ông chủ trương phản đối các cường quốc là nhiệm vụ hàng đầu để thu về hải quyền cho Trung Quốc (Xem Sử Xuân Lâm, “Đánh giá hải quyền quan của Tôn Trung Sơn”, Diễn đàn Phúc Kiến, số 3, 2008.
[5] Phan Nhật Ba, “Luận bàn tư tưởng kiện quân trị quân của Tôn Trung Sơn”, Tạp chí Khoa học xã hội Giang Tây, số 7, 2000.
[6] Ngưu Bảo Thành, “Hải dương quan của tứ đại vĩ nhân”, Tập san Quân sự, số 11, 2000 và Chương Thị Bình, Hải quyền Trung Quốc, Nxb Nhân dân Nhật báo, 1998, tr. 347-8.
[7] Thịnh Thanh Tài, “Tư tưởng biển và thực tiễn của Tôn Trung Sơn”, Nguyệt san Sử học, số 7, 2012.
[8] Xem Tuyển tập bình luận của Đặng Tiểu Bình về xây dựng quân đội thời kỳ mới, Nxb Bát Nhất, 1993, tr. 44; Chuyên đề bình luận của Đặng Tiểu Bình về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, Nxb Văn hiến Trung ương, 1992, tr 281; “Tư tưởng chiến lược phòng ngự biển gần của Đặng Tiểu Bình,” Tạp chí Thế giới Hải dương, số 6, 2011; Ban biên tập lịch sử quân binh chủng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Lịch sử Hải quân, Nxb Giải phóng quân, 1989, tr 330.
[9] Giang Trạch Dân, Luận quốc phòng và xây dựng quân đội, Nxb Quân giải phóng, 2000, tr. 182.
[10] Lưu Phi, “Tư tưởng chiến lược hải dương của Trung Quốc từ cải cách mở cửa tới nay”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4, 4/2012.
[11] Toàn văn Báo cáo chính trị Đại hội XVIII của ĐCS Trung Quốc, xem tại: http://www.chinareviewnews.com/doc/1022/9/7/7/102297778.html?coluid=198&kindid=8826&docid=102297778&mdate=1109103547.
[12] Theo Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, tin ngày 31/7/2013
[13] Trao đổi của nhóm tác giả với các học giả Trung Quốc
[14] nt
[15] nt
[16] Hồ Bác, Chính sách Hải quyền Trung Quốc, Nhà xuất bản Tân Hoa Xã, 6/2012, tr.99
[17] Báo cáo chính trị Tổng Bí thư Ông Hồ Cẩm Đào đọc tại Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII. Bản điện tử được trang China.com đăng ngày 08/11/2012, http://news.china.com.cn/politics/2012-11/20/content_27165856.htm
[18] Từ năm 2008, Trung Quốc đã bổ sung thêm các tàu khu trục hạm Luyang II, III, hộ tống Jiangkai I,II (12 tàu đang hoạt động, 6 chiếc khác đang đuơc đóng mới) nhằm thay cho các tàu lớp Luda cũ; ngoài ra còn có 6 chiếc thuộc lớp Jiangdao Type 056 và 2 chiếc tàu đổ bộ loại Dư Triệu (Yuzhao Type 071) được đóng mới trong năm 2012 và đang được đưa vào hoạt động.
[19] Trung Quốc được cho là có khả năng tạo ra sức mạnh răn đe và ngăn chặn tiếp cận bằng lực lượng tên lửa chứ chưa phải là tàu sân bay. Tới năm 2012, Trung Quốc có hơn 1.100 tên lửa tầm ngắn không chế Đài Loan, thêm các tên lửa DF-21D với tầm bắn 1.500km ngăn chặn tàu sân bay, và tên lửa JL hải đối hải có tầm bắn 4.000 dặm. Xem “Tổng kiểm thảo định kỳ quốc phòng 4 năm của Đài Loan năm 2013″, Quadrennial Defense Review, The Republic of China 2013. Bộ Quốc Phòng Đài Loan, ra tháng 03/2013.
[20] Theo http://www.dnaindia.com/india/1826548/report-china-announces-plans-to-build -larger-aircraft-carriers
[21] Theo http://blogs.fas.org/security/2007/07/new_chinese_ballistic_missile/
[22] Theo http://www.baomoi.com/Bon-tinh-mien-Nam-Trung-Quoc-tuan-tra-chung-o-Bien-Dong/119/9721068.epi
[23] Theo http://www.baomoi.com/Hai-quan-Hai-giam-Ngu-chinh-Trung-Quoc-cung-dien-tap-o-Hoa-Dong/119/9578376.epi
[24] Theo http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/trung-quoc-huy-dong-3-ham-doi-tap-tran-o-bien-dong-233080.html
[25] Hiện nay quân đội Trung Quốc đang có khoảng 500 máy bay chiến đấu không cần tiếp dầu trên không mà có khả năng tác chiến với bán kinh mở rộng tới phạm vi đảo khu vực Đài Loan. Máy bay tàng hình thế hệ thứ 4 như J-20 đã được TQ đưa vào bay thử hồi tháng 01/2011, thế hệ thứ 5 như J-31 đã bay thử ngày 31/10/2012. Trung Quốc cũng nâng cấp các máy bay ném bom hỗ trợ đổ bộ như loại H-6 (phiên bản từ TU-16 của Nga). Như vậy, khi được hỗ trợ tiếp dầu trên không, các máy bay tiêm kích và cường kích của Trung Quốc đã có thể tạo ra một bán kính không chiến và ngăn chặn tiếp cận mở rộng ra tới chuỗi đảo thứ 2.
[26] Sau khi thử nghiệm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc còn đang phát triển loại tàu TYPE 081, là tàu trở trực thăng tấn công như của hải quân Phương Tây để mở rộng hoạt động ra khỏi khu vực Đông Nam Á.
[27] Trong năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã triển khai một đội tàu chiến đấu với 7 chiếc, vượt qua chuỗi đảo thứ nhất để tiến hành hoạt động huấn luyện với các đề mục như định vị viễn dương, kiểm soát, chỉ huy, và kiểm tra tác chiến trong môi trường nước sâu ngoài tầm kiểm soát của hệ thống phòng không mặt đất của Trung Quốc.
[28] Theo http://libraryeuroparl.wordpress.com/2013/06/26/chinas-investment-in-ports-what-is-behind-the-string-of-pearls-theory/
[29] Xem bài “Kinh tế biển chạm mức 10% GDP vào năm 2015”, China Daily đăng tải ngày 18/01/2013; http://www.chinadaily.com.cn/business/2013-01/18/content_1613657 3.htm
[30] Sức mạnh hải dương, những lợi ích của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, trang thứ 98, Rand Corporation 2012: http://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/research_reports/ RR100/RR151/RAND_RR151.pdf
[31] Xem “Vì sao tôi đề nghị xây dựng chiến lược cường quốc biển quốc gia”, Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, kỳ thứ 9, năm 2010.
[32] Xem Vương Thọ Thành, Tổng luận Chiến lược cường quốc biển Trung Quốc, phần thứ 5, Nhà xuất bản Tạp chí Khoa học Điện tử Trung Quốc.
[33] Xem “Vì sao tôi đề nghị xây dựng chiến lược cường quốc biển quốc gia”. Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, kỳ thứ 9, năm 2010.
[34] Từ cuối năm 2012, Bắc Kinh đã cho thành lập tiểu tổ lãnh đạo công tác Quyền và Lợi ích Hải dương Trung ương, và được gọi tắt là “Văn phòng Hải quyền Trung ương” để chỉ đạo thống nhất cả Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công An, Nông nghiệp, trong việc giải quyết các vấn đề hải dương. Ngoài ra, Cục Hải dương Quốc gia có thể được nâng cấp thành cấp Bộ trong chính phủ. Hai cơ quan hải giám và ngư chính cũng hợp nhất và do Cục Hải dương quản lý.
[35] Thông tư số 24, ra năm 2004, có điều số 10 quy định về việc “tăng cường hóa cơ chế phối hợp chấp pháp trên biển” của Quốc vụ viện Trung Quốc.
[36] Ba trạm giám sát của Trung Quốc gồm: Trạm “Vạn Lý Trường Thành” nằm tại đảo King George ở phía Tây của Nam Cực. Trạm “Trung Sơn” năm tại mỏm cao Larsemann ở phía Đông của Nam Cực. Trạm “Côn Lôn” nằm ở phía điểm “Dome A”, ở phần cao nhất của Nam Cực.
[37] Xem “Trung Quốc giành được vị trí quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực”, Báo Nhà khoa học mới, ngày 17/05/2013:http://www.newscientist.com/article/dn23553-china-gains-observer-status-on-the-arctic-council.html
[38] Kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc độ tăng trưởng từ trung bình 10% năm 2011 xuống còn khoảng 7,9% trong năm 2012 và khoảng 7,7% trong năm 2013, Wall Strees Journal, ngày 14/04/2013, http://online.wsj.com/article/SB10001424127887323346 304578423431110506270.html
[39] Xem Daniel M. Hartnett and Frederic Vellucci, Hướng tới một chiến lược hàng hải: Một phân tích về quan điểm của Trung Quốc từ đầu thập niên 1990, năm 2011, trang 81-108.
[40] Xem “Báo cáo Phát triển An ninh và Quân sự có sự can dự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trong 10 năm, từ 2003 tới 2012, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 9,7% và năm 2012 đạt 114 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng chi tiêu quốc phòng năm 2012 của các nước (chưa kể Mỹ) có tranh chấp biển và căng thẳng với Trung Quốc, gồm: Nhật 58 tỷ USD, Ân Độ 45,5 tỷ USD, Hàn Quốc 29,2 tỷ USD, Đài Loan 10,8 tỷ USD cộng lại tương đương mức chi tiêu của Trung Quốc, http://www.defense. gov/pubs/2013_China_Report_FINAL.pdf.
[41] Để so sánh, Mỹ có thiết lập các căn cứ quân sự tại 63 quốc gia, và đang hoạt động hoặc kiểm soát từ 700 đến 800 căn cứ quân sự với khoảng 255,065 nhân viên quân sự và quân nhân trên toàn cầu, http://www.globalresearch.ca/the-worldwide-network-of-us-military-bases/5564
[42] Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã thiết lập một số “Căn cứ hỗ trợ chiến lược hải ngoại” theo 3 cấp độ. Cấp một là các trạm tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền và đồ thay thế cho thời bình tại Cảng Djibouti, cảng Aden của Y-ê-men, và cảng Salalah của Oman. Cấp hai là, các cơ sở căn cứ cho tàu chiến, trạm nghỉ dưỡng cho thủy thủ, sửa chữa tạm thời các máy bay cho tàu sân bay như tại cảng Seychelles. Cấp ba là, các trung tâm chức năng cho thay thế, nghỉ dưỡng, bảo dưỡng các loại tàu chiến lớn, như tại các cảng được thỏa thuận với Pa-ki-xtan, http://www.acus.org/natosource/chinese-paper-urges-pla-navy-build-overseas-military-bases
[43] Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Obama trong chuyến thăm Mỹ ngày 14/02/2012 với tư cách là Phó chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nói “…mục đích chuyến thăm là để nhằm thực hiện những thỏa thuận quan trọng đã đạt được giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama, để thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi đúng hướng….hai quốc gia cùng hợp tác để xây dựng một quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chung và sự cùng tôn trọng lẫn nhau…”. Điều này cho thấy, Tập nhiều khả năng sẽ chỉ đạo việc xử lý quan hệ Trung-Mỹ khi trực tiếp nắm quyền là theo xu hướng này, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2012/02/14/remarks-president-obama-and-vice-president-xi-peoples-republic-china-bil.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]